Xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương

11/25/2024 10:21:40 AM

Từ nhiều năm qua, nhất là sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine năm 2022, xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù chưa tới mức chạy đua vũ trang, song xu thế này đã và đang tác động nhiều mặt đến an ninh, cũng như sự phát triển của khu vực và thế giới.

Xu hướng chung đáng lo ngại

Theo báo cáo được công bố ngày 22/4/2024 của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2023 đã chứng kiến đà tăng mạnh nhất trong hơn một thập niên qua (6,8%), đạt mức 2.443 tỉ USD - cao nhất mọi thời đại. Trong bối cảnh chiến tranh và căng thẳng leo thang trên nhiều khu vực, chi tiêu quân sự đã tăng trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu, Trung Đông và châu Á. Lần đầu tiên kể từ năm 2009, chi tiêu quân sự tăng trên cả 05 khu vực địa lý trên thế giới. Trong năm 2023, chi tiêu quốc phòng chiếm 2,3% GDP toàn cầu, dẫn đến mức trung bình đầu người trên cả hành tinh là 306 USD. Đây là thực trạng rất đáng suy nghĩ nếu xét đến thực tế rằng hàng tỷ người đang phải cố gắng sống dưới mức 02 USD mỗi ngày.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh minh họa.

Báo cáo tháng 3/2024 của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) thống kê hiện có tổng cộng 55 cuộc xung đột vũ trang trên thế giới và nhấn mạnh, “hiếm khi nhân loại phải đối mặt với số lượng lớn các cuộc khủng hoảng leo thang như vậy”. Trong năm 2022, Mỹ vẫn là quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất, với 877 tỉ USD. Tiếp sau lần lượt là các nước: Trung Quốc (232 tỉ USD), Nga (86,4 tỉ USD), Ấn Độ (81,4 tỉ USD), Saudi Arabia (75 tỉ USD), Vương quốc Anh (68,5 tỉ USD), Đức (55,8 tỉ USD), Pháp (53,6 tỉ USD), Hàn Quốc (46,4 tỉ USD) và Nhật Bản (46 tỉ USD). Năm 2023, xu hướng này còn tăng mạnh hơn nữa. Điều đáng chú ý là mức tăng trưởng trung bình của ngân sách quốc phòng năm 2023 cao hơn hai lần mức tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Nói một cách khác, thế giới đang sản xuất “nhiều súng hơn bơ”. Điều này phản ánh sự suy giảm của hòa bình, lòng tin chiến lược trên toàn cầu và sự gia tăng lo ngại an ninh. Theo SIPRI, châu Âu đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về nhập khẩu vũ khí với mức tăng 94% từ năm 2014 đến năm 2023.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và những bất ổn

Bất chấp sự gia tăng chi tiêu quân sự của châu Âu, các nước châu Á, châu Đại Dương và Trung Đông mới là những người mua sắm vũ khí “bạo tay” nhất. Đây là những khu vực hiện có tới 9/10 nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất toàn cầu. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cùng sự tồn tại của rất nhiều điểm nóng và tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo khiến châu Á - Thái Bình Dương là địa bàn rất nóng trong xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự. Thậm chí một số nước có tranh chấp lãnh thổ, biển đảo với Bắc Kinh đã và đang âm thầm tăng cường sức mạnh quân sự của mình.

Mặc dù xu hướng tăng chi tiêu quân sự diễn ra ở hầu hết các quốc gia, song chi tiêu chỉ tập trung chủ yếu vào một nhóm nhỏ, nhiều nhất cho đến nay là Mỹ và Trung Quốc. Hai siêu cường này chiếm tới 50% tổng chi tiêu quân sự của cả thế giới. Năm 2024, Mỹ chi 916 tỉ USD (tăng 2,3% so với năm 2023 và tăng 9,6% so với trung bình cả giai đoạn từ 2014 - 2023); trong đó, riêng khoản để hỗ trợ Kiev là 35,7 tỉ USD.

Do yếu tố cạnh tranh chiến lược nước lớn với Trung Quốc và Nga cũng như nhu cầu viện trợ quân sự cho Ukraine và can dự tại quá nhiều điểm nóng trên thế giới, Mỹ đã và đang có kế hoạch mua sắm quốc phòng với quy mô rất lớn. Hiện tại, nước này có trên 750 căn cứ quân sự ở tất cả các châu lục chỉ trừ Nam Cực và đang tham gia vào chiến dịch chống khủng bố tại 85 quốc gia trên thế giới. Cỗ máy quân sự này ngốn một khoản tiền khổng lồ. Thậm chí trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dự kiến kế hoạch chi tiêu ít nhất 7.300 tỉ USD trong thập niên tới - số tiền này lớn gấp 04 lần mức dự chi cho Kế hoạch xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn (Build Back Better) trị giá 1.700 tỉ USD của Tổng thống Biden. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine và mức độ đốt vũ khí trên chiến trường nhanh chưa từng thấy cũng là cơ hội lớn để các tổ hợp quân sự - công nghiệp của Mỹ hốt bạc.

So với Mỹ, mức độ chi tiêu của Trung Quốc còn khiêm tốn nhưng vẫn mang tính áp đảo đối với các nước còn lại ở khu vực. Chỉ tính riêng năm 2024, Trung Quốc đã chi 296 tỉ USD (tăng 06% so với năm 2023 và 60% so với trung bình 10 năm trước), chiếm một nửa tổng chi tiêu quân sự ở khu vực châu Á và châu Đại Dương. Theo giới quan sát quốc tế, con số thực chi trong ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được đánh giá cao hơn nhiều so với con số công bố, do số tiền dành cho nghiên cứu và phát triển không được tính vào ngân sách này.

Cùng với Mỹ và Trung Quốc, Nga vẫn khẳng định vai trò cường quốc quân sự đáng gờm. Sau giai đoạn khó khăn ban đầu trong cuộc xung đột với Ukraine, nền công nghiệp quốc phòng Nga đã dần thích nghi với tình trạng thời chiến, thể hiện năng lực sản xuất vũ khí khiến cả Mỹ và phương Tây đều bất ngờ. Chi tiêu quốc phòng của Nga năm 2024 tăng 1,7 lần so với năm 2023. Tuy con số này vẫn thấp hơn mức 12% - 17% GDP của Liên Xô trước đây, nhưng tương đương chi tiêu quân sự của Mỹ trong những năm 1980. Điều đáng chú ý là lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga hiện đại, chi tiêu ngân sách quân sự chiếm 06% GDP và vượt quá chi tiêu ngân sách cho các lĩnh vực xã hội.

Xét từ góc độ nguồn cung, số liệu thống kê của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thị phần của tổ chức này trong việc cung cấp vũ khí toàn cầu cho nước ngoài giai đoạn 2019 - 2023 tăng từ 62% lên 72%, tức là NATO chiếm gần 3/4 thị trường vũ khí thế giới. Báo cáo của SIPRI cho thấy lần đầu tiên sau 25 năm, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho châu Á và châu Đại Dương. Mỹ hiện chiếm 34% lượng nhập khẩu vũ khí của các quốc gia trong khu vực, so với 19% của Nga và 13% của Trung Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã thăng hạng trong danh sách các nhà bán vũ khí trong hai năm qua nhờ các đơn đặt hàng xuất khẩu đáng kể, đặc biệt là từ các nước Đông Âu. Theo SIPRI, Hàn Quốc là nước bán vũ khí lớn thứ 09 thế giới vào năm 2022, tăng từ vị trí thứ 31 vào năm 2000.

Xét từ góc độ nhập khẩu vũ khí, báo cáo SIPRI cho thấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong mua sắm quốc phòng, chiếm 41% lượng mua vũ khí toàn cầu từ giai đoạn 2018 - 2022. Nhập khẩu vũ khí của các nước Đông Á đã tăng 21% với hai đồng minh lớn nhất của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản ghi nhận mức tăng cao nhất lần lượt là 61% và 171%. Nhật Bản, sau nhiều thập niên theo “chủ nghĩa hòa bình” sẽ đạt được khả năng tấn công chưa từng có kể từ những năm 1940, với kế hoạch mua hàng trăm tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ. Australia, nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất ở châu Đại Dương đã có mức tăng 23%. Trong khi đó Malaysia mua máy bay chiến đấu của Hàn Quốc. Đảo Đài Loan cũng tăng cường mua vũ khí từ Mỹ và đưa vào biên chế siêu tàu đổ bộ tự đóng, trong khi Philippines lên kế hoạch mở rộng các đường băng và hải cảng để đủ năng lực tiếp đón sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ trong nhiều thập niên. Australia cũng đã công bố kế hoạch trị giá 200 tỉ USD để chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Mỹ và Anh theo thỏa thuận AUKUS để trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Theo báo cáo của SIPRI, Ấn Độ là quốc gia chi tiêu lớn thứ 03 thế giới cho ngân sách quốc phòng và cũng là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 9,8% tổng lượng nhập khẩu toàn cầu từ 2019 đến 2023, với lượng nhập khẩu vũ khí tăng nhẹ do đa dạng hóa các nhà cung cấp ngoài Nga. Trong giai đoạn từ 2014 đến 2023, Ấn Độ đã tăng lượng nhập khẩu vũ khí thêm 4,7% trong khi Nga tiếp tục là nhà cung cấp chính, đóng góp tới 36% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ. Hiện nay, bất chấp bối cảnh chung khó khăn kinh tế toàn cầu, trong năm tài khóa 2023 - 2024, Ấn Độ là quốc gia hiếm hoi trong số các nước lớn có tốc độ tăng ngân sách quốc phòng hai con số ở mức 13% lên 72,6 tỉ USD.

Nhiều nguyên nhân, một hậu quả

Theo các nhà phân tích quốc tế, tình trạng gia tăng sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là bởi mối quan ngại về an ninh do cạnh tranh địa chiến lược, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo cũng như hệ lụy từ xung đột Nga - Ukraine. Thế giới đang dịch chuyển từ trật tự cũ sang trật tự mới. Nhìn vào lịch sử, nhà nghiên cứu Graham Allison cho rằng, trong 16 lần chuyển giao quyền lực giữa cường quốc số 01 và cường quốc số 02, có tới 12 lần xảy ra chiến tranh. Đây là tiền lệ rất đáng quan ngại, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương ngày càng quyết liệt. Rủi ro lớn đối với khu vực là tất cả 04 điểm nóng: bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan đều trực tiếp liên quan và chịu tác động của cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ.

Ngày nay, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và sự tồn tại của vũ khí hạt nhân khiến chiến tranh giữa các nước lớn là điều rất khó hình dung. Tuy nhiên, thực tiễn xung đột Nga - Ukraine cho thấy, nguy cơ xung đột trực tiếp giữa các nước lớn và chiến tranh hạt nhân vẫn không thể loại trừ. Hơn 100 năm trước, Chiến tranh thế giới thứ nhất vẫn nổ ra bất chấp thực tế các nước châu Âu bấy giờ đã gắn bó khá mật thiết với nhau về kinh tế.

Thậm chí ngay cả nếu không xảy ra xung đột thì tình trạng tăng cường sức mạnh quân sự hiện nay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng mang lại nhiều hệ quả không mong muốn. Trước hết, nguồn lực cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội sẽ bị thu hẹp đáng kể. Rất nhiều quốc gia trong khu vực sẽ đối mặt với nguy cơ thất bại trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Bên cạnh đó, sự suy giảm lòng tin giữa các quốc gia láng giềng sẽ ngày càng trầm trọng cùng với đà gia tăng sức mạnh quân sự xuất phát từ thế lưỡng nan về an ninh.

Bởi vậy, việc tăng cường đối thoại, thúc đẩy các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết các bất đồng giữa các quốc gia là con đường duy nhất để khắc phục tình trạng trên. Hơn bao giờ hết, các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược, bởi lịch sử cho thấy, giải pháp quân sự chưa bao giờ là câu trả lời đúng cho các vấn đề giữa các nước.

TS. VŨ DUY THÀNH, Bộ Ngoại giao