Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực

10/28/2024 10:18:06 AM

Trước áp lực của cộng đồng quốc tế cũng như để bảo vệ chính quyền vừa mới giành được, ngày 06/7/2024, tại Niamey (Niger), lãnh đạo chính quyền quân sự ba nước: Mali, Burkina Faso và Niger ký thỏa thuận mang tính lịch sử - thành lập Liên bang các nước Sahel. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến quyết định thành lập Liên bang và tác động của nó đối với khu vực, thế giới ra sao đang là vấn đề dư luận rất quan tâm.

Người đứng đầu chính quyền quân sự Niger (giữa), Mali (trái) và Burkina Faso tại Lễ ký hiệp ước thành lập Liên minh các quốc gia Sahel (AES), ở Niamey, ngày 6/7/2024. Ảnh: TTXVN

Bối cảnh thúc đẩy

Theo giới phân tích quốc tế, sau khi tiến hành đảo chính thành công và lên nắm quyền điều hành đất nước, chính quyền quân sự các nước Mali, Burkina Faso và Niger phải chịu sức ép rất lớn từ cộng đồng quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực đều cực lực lên án các cuộc đảo chính quân sự ở những nước này và coi đó là hành động bất hợp pháp; yêu cầu chính quyền quân sự tại ba nước chuyển giao ngay quyền lực cho chính quyền dân sự do người dân bầu ra. Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) - một tổ chức kinh tế - chính trị mà ba nước tham gia đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên; đồng thời, đóng cửa biên giới với Mali, Burkina Faso, Niger và đe dọa sử dụng vũ lực để khôi phục lại chế độ dân sự cầm quyền theo Hiến chương của ECOWAS. Tuy nhiên, Cộng đồng này đã rút lại các tuyên bố cứng rắn ngay sau đó. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt, ngừng cung cấp viện trợ cho ba nước đến khi quyền điều hành đất nước được trao cho chính quyền dân sự mà họ coi là hợp pháp. Mâu thuẫn càng trở nên gay gắt hơn khi chính quyền quân sự của Mali, Burkina Faso và Niger đã buộc Pháp, Đức và các nước phương Tây phải đóng cửa đại sứ quán, căn cứ quân sự và rút hết chuyên gia, binh lính khỏi ba quốc gia. Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (MINUSMA) cũng đã rút lực lượng khỏi Mali, v.v. Những động thái trên khiến cho tình hình khu vực hết sức căng thẳng và đặt chính quyền quân sự của Mali, Burkina Faso và Niger trước những thách thức “mang tính sống còn”.

Sự ra đời Liên bang và mục tiêu hướng tới

Trước áp lực và thách thức từ nhiều phía, ngày 06/7/2024, tại Thủ đô Niamey của Niger, chính quyền quân sự ba nước đã ký thỏa thuận mang tính lịch sử - thành lập Liên bang Mali, Burkina Faso và Niger (còn gọi là Liên bang các nước Sahel - AES). Theo thỏa thuận, AES sẽ là một khu vực có diện tích khoảng 2.700.000km2, với dân số hơn 72 triệu người. Trong bối cảnh sức ép từ bên ngoài không ngừng gia tăng, AES coi nỗ lực thiết lập một cấu trúc phòng thủ độc lập và cam kết hỗ trợ lẫn nhau nhằm đảm bảo an ninh chung và đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng, bảo vệ chế độ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của từng quốc gia cũng như Liên bang là vấn đề quan trọng hàng đầu. Trước đó, ngày 16/9/2023, Mali, Burkina Faso và Niger cũng đã ký hiệp ước an ninh phòng thủ chung và cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có bất kỳ cuộc nổi dậy hoặc xâm lược nào từ bên ngoài. Nội dung của hiệp ước ghi rõ: “Bất kỳ cuộc tấn công nào vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một hoặc các bên ký kết sẽ bị coi là hành động xâm lược các bên khác”; “các quốc gia sẽ hỗ trợ riêng lẻ hoặc tập thể nước bị tấn công, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang”.

Với việc thành lập Liên bang, chính quyền ba nước cam kết phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động tác chiến, huấn luyện, diễn tập phòng thủ chung, phát triển công nghiệp quốc phòng, hợp tác sản xuất vũ khí và đảm bảo hậu cần, kỹ thuật quân sự khi có xung đột nổ ra. Các bên cũng sẽ nỗ lực chống lại hoạt động của các nhóm vũ trang hồi giáo cực đoan có liên hệ với Al Qaeda và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở ba nước, nhất là tại khu vực “ngã ba biên giới” - nơi được coi là “sào huyệt” của các tổ chức khủng bố ở Tây Phi. Bên cạnh hợp tác về quốc phòng, an ninh, AES cũng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực được coi là chiến lược, như: nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, đảm bảo nguồn nước, năng lượng, giao thông, thông tin liên lạc, v.v. Đồng thời, chú trọng khai thác các nguồn lực của quốc gia để phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống cho người lao động; nâng cao chất lượng giáo dục; giữ gìn bản sắc văn hóa và sự hòa hợp dân tộc, v.v. Lãnh đạo ba nước cũng sẽ tiếp tục bàn thảo và quyết định việc thành lập ngân hàng đầu tư, sử dụng đồng tiền chung trong thời gian tới. Về đối ngoại, AES coi trọng hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kiên quyết chống chủ nghĩa thực dân và sự can thiệp từ bên ngoài.

Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu chính quyền quân sự của Niger, tướng Abdourahamane Tiani tuyên bố, AES sẽ được xây dựng thành “một cộng đồng các dân tộc có chủ quyền, tránh xa sự kiểm soát của các thế lực nước ngoài” và là “một liên kết tiểu khu vực hiệu quả trong chống khủng bố”.

Tác động đối với khu vực, thế giới

Theo các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, Mali, Burkina Faso và Niger cũng như các quốc gia Tây Phi khác, tuy rất giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, song trải qua nhiều thập niên vẫn chỉ là những nước nghèo và bất ổn nhất thế giới. Nguyên nhân cốt lõi của nghịch lý này là do sự yếu kém của bộ máy chính quyền cùng sự can thiệp của các thế lực bên ngoài. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng “đảo chính quân sự” thường xuyên xảy ra. Chính quyền quân sự của Mali, Burkina Faso và Niger tuyên bố, họ đấu tranh để “giành lại độc lập, chủ quyền cho quốc gia và tự do cho người dân”, giúp người dân thoát khỏi ách đô hộ thực dân kiểu mới của các nước phương Tây. Lãnh đạo ba nước cũng khẳng định: “Chúng tôi thiết lập AES của người dân, thay vì một ECOWAS nhận chỉ thị từ các cường quốc ngoài châu Phi”. Nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng, việc lực lượng quân sự nắm quyền điều hành tại Mali, Burkina Faso và Niger là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy “làn sóng” đấu tranh xóa bỏ tàn tích đế chế thực dân cũ của Pháp và các cường quốc phương Tây ở khu vực Tây Phi.

Trên thực tế, việc Mali, Burkina Faso và Niger quyết định rút khỏi ECOWAS để thành lập AES đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết; bởi nó không chỉ trực tiếp tác động đến ECOWAS mà còn đe dọa nền kinh tế của toàn bộ khu vực Tây Phi. Thời gian qua, mặc dù các nhà lãnh đạo ECOWAS có nhiều động thái “hòa giải”, như: quyết định khôi phục tư cách thành viên của Mali, Burkina Faso và Niger; gia hạn thời gian chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự,... nhưng cũng không thể hàn gắn được những rạn nứt trong quan hệ giữa ECOWAS với chính quyền quân sự của ba nước. Lãnh đạo AES đã từ chối thẳng thừng và tuyên bố họ “cảm thấy thất vọng khi nhận thấy ECOWAS đã đi chệch khỏi lý tưởng của những nhà sáng lập và không hỗ trợ được nhiều trong cuộc chiến chống khủng bố và bất ổn”. Vốn là các thành viên sáng lập, có vị thế, vai trò rất quan trọng trong ECOWAS, nên việc quyết định “từ bỏ tư cách thành viên” của Mali, Burkina Faso, Niger sẽ khiến tổ chức kinh tế - chính trị gồm 15 nước thành viên đứng trước nguy cơ tan vỡ. Nhiều chuyên gia cảnh báo, sự đổ vỡ của ECOWAS không chỉ gây ra hệ lụy với nền kinh tế yếu kém của Tây Phi, khu vực thương mại tự do của châu Phi, mà còn làm cho an ninh của khu vực vốn thường xuyên bất ổn lại càng bất ổn trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó, việc AES cắt đứt quan hệ với các nước phương Tây sẽ khiến chuỗi cung ứng giữa Tây Phi với châu Âu bị gián đoạn, gây tổn hại không nhỏ cho kinh tế khu vực và toàn cầu. Từ lâu, Mali, Burkina Faso và Niger là những quốc gia đóng vai trò cung cấp tài nguyên thiên nhiên chủ yếu cho Pháp và các cường quốc châu Âu. Niger là quốc gia có trữ lượng uranium giàu tiềm năng của thế giới, đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Niger chiếm khoảng 04% - 06% thị phần uranium toàn cầu trong thập kỷ qua; ngoài ra, nước này cung cấp khoảng 15% nhu cầu uranium của Pháp, đóng góp gần 20% vào kho dự trữ uranium của EU; năm 2022, Niger sản xuất hơn 2.000 tấn uranium. Mali, Burkina Faso và Niger cũng là những nước xuất khẩu vàng chủ chốt cho EU và nhiều quốc gia trên thế giới. Các chuyên gia kinh tế lo ngại, việc chính quyền quân sự Mali, Burkina Faso và Niger cắt đứt quan hệ giao thương sẽ khiến các quốc gia châu Âu phải điều chỉnh chiến lược và đi tìm nguồn cung nhiên liệu từ các khu vực khác với chi phí đắt đỏ hơn gấp nhiều lần. Đồng thời, cũng sẽ tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng giữa hai châu lục, gây tổn hại nhiều mặt cho kinh tế khu vực và toàn cầu.

Những vấn đề đặt ra trong nội bộ

Theo các nhà nghiên cứu, cùng với sức ép từ bên ngoài, vấn đề nội bộ các nước thành viên AES cũng đang diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp đến tương lai của Liên bang. Các tổ chức hồi giáo có liên hệ với Al Qaeda và Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang gia tăng các hoạt động khủng bố hòng lấp đầy khoảng trống về an ninh do Pháp để lại sau khi buộc phải rút quân đội khỏi ba nước. Hơn nữa, sự trỗi dậy của các đảng phái, phe cánh đối lập cùng sự chia rẽ trong nội bộ quân sự của ba quốc gia cũng là vấn đề mà chính quyền quân sự ở Mali, Burkina Faso và Niger cần tập trung giải quyết. Mới đây, cựu thủ lĩnh phe nổi dậy Rhissa Ag Boula của Niger (Bộ trưởng Du lịch Niger giai đoạn 1996 - 1999 và 1999 - 2004) tuyên bố thành lập phong trào chống đảo chính nhằm khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum - người đang bị chính quyền quân sự Niger truy tố về tội phản quốc và làm mất an ninh quốc gia. Trước đó, chính quyền quân sự của Burkina Faso ra thông báo, các cơ quan an ninh và tình báo nước này đã chặn đứng một âm mưu đảo chính. Về phía Mali, tình hình an ninh, chính trị cũng rất phức tạp, chính quyền quân sự nước này đã phải gia hạn lệnh giới nghiêm tại nhiều khu vực trên cả nước nhằm đối phó với hoạt động của các nhóm vũ trang hồi giáo cực đoan.

Dư luận bày tỏ lo ngại sâu sắc trước diễn biến hết sức phức tạp tại Mali, Burkina Faso, Niger cũng như khu vực Tây Phi. Nếu nhìn lại quá trình lịch sử của các nước này thì cuộc đảo chính quân sự ở Mali năm 2021 là cuộc đảo chính quân sự thứ 03 trong vòng 10 năm qua. Từ khi giành được độc lập, Burkina Faso cũng trải qua 08 cuộc đảo chính; trong đó, cuộc đảo chính lập nên chính quyền quân sự hiện nay là cuộc đảo chính thứ 02 trong năm 2022. Với Niger, nước này đã trải qua 04 cuộc đảo chính thành công và nhiều cuộc đảo chính không thành công kể từ khi giành được độc lập. Vì vậy, việc chính quyền quân sự ba nước Mali, Burkina Faso và Niger thành lập Liên bang AES liệu có thiết lập được an ninh cần thiết để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân từng nước và của Liên bang như mong đợi, hay chỉ là sự tiếp nối của con bài domino “đảo chính quân sự” - “căn bệnh trầm kha” của ba nước nói riêng, khu vực Tây Phi nói chung vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

MINH ĐỨC - NGỌC HỮU
________________________
        

1 - Nguyễn Ngọc Hữu – Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh, Trường Đại học Kinh tế - kỹ thuật công nghiệp.