Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024

9/26/2024 8:55:56 AM

Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 được tổ chức tại Washington từ ngày 09 đến 11/7/2024 đã đạt được sự đồng thuận về nhiều nội dung định hướng sự phát triển của liên minh quân sự này. Trong bối cảnh cục diện chính trị, quân sự thế giới đang trải qua những chuyển dịch căn bản, các nội dung của Hội nghị lần này đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu và cộng đồng quốc tế.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ 75 ở Washington (Mỹ) ngày 9/7/2024. Ảnh: TTXVN

Thách thức an ninh đối với NATO

Tuyên bố chung Washington của Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2024 đưa ra nhận định, cạnh tranh chiến lược, sự bất ổn ngày càng lan rộng và các biến động chính trị - quân sự đang định hình môi trường an ninh chung không chỉ ở châu Âu mà cả ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi và Trung Đông sẽ có tác động trực tiếp đến an ninh của NATO. Trong đó, NATO xác định Nga và Trung Quốc là thách thức an ninh nghiêm trọng nhất đối với liên minh quân sự này.

Về thách thức từ Nga, Tuyên bố chung Washington coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất” đối với an ninh của Khối và đang tạo ra “mối đe dọa bất đối xứng trực tiếp nhất đối với an ninh của phương Tây”. Trong đó, NATO coi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đang “phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và làm suy yếu cơ bản nền an ninh toàn cầu”. NATO cho rằng Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Thậm chí, NATO coi Nga đang theo đuổi tham vọng “thôn tính toàn bộ châu Âu”. Từ đó, Tuyên bố chung Washington yêu cầu Nga “phải ngay lập tức chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và rút toàn bộ quân đội ra khỏi Ukraine một cách vô điều kiện”. NATO còn phản đối Triều Tiên và Iran cung cấp cho Nga đạn dược và máy bay không người lái để tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trong khi đó, nhiều chính khách cũng như giới phân tích chính trị - quân sự ở Nga và ngay cả ở Mỹ và một số nước phương Tây khẳng định rằng đánh giá về Nga trong Tuyên bố chung Washington của NATO hoàn toàn trái ngược với thực tế hình thành và phát triển của liên minh này. Theo đó, NATO đã, đang xa rời “tôn chỉ, mục đích” ban đầu và dần trở thành “công cụ” để Washington thực hiện mục tiêu chiến lược toàn cầu là giành quyền bá chủ thế giới. Chính vì thế, sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, mặc dù Liên minh phòng thủ Warszawa của các nước xã hội chủ nghĩa đã giải thể nhưng NATO vẫn tiếp tục mở rộng từ 15 quốc gia thành viên thành 32 thành viên như hiện nay. Trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đã đề xuất sáng kiến cùng với Mỹ và NATO đàm phán để ký kết Hiệp ước bảo đảm an ninh công bằng và bền vững ở châu Âu nhưng đã bị Washington và Brussel từ chối với lý do Nga là “kẻ chiến bại” trong Chiến tranh lạnh nên không có quyền được tôn trọng và đối xử bình đẳng với các quốc gia thành viên NATO.

Về thách thức từ Trung Quốc, Tuyên bố chung Washington của NATO tiếp tục xác định “Trung Quốc đang tạo ra thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương” và cho rằng “Trung Quốc theo đuổi mục tiêu đầy tham vọng thay đổi trật tự thế giới dựa trên luật lệ”, rằng “tham vọng đó của Trung Quốc đang thách thức lợi ích cốt lõi, an ninh và các giá trị của phương Tây”. Theo giới lãnh đạo và phân tích chính trị - quân sự của Trung Quốc, nhận định này của NATO hoàn toàn mâu thuẫn với các sáng kiến của Trung Quốc về chung sống hòa bình với các quốc gia có chế độ chính trị xã hội khác nhau và xây dựng cộng đồng thế giới cùng chung vận mệnh.

Tuyên bố chung Washington của NATO cũng xác định “mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc và không giới hạn giữa Trung Quốc và Nga đang làm suy yếu trật tự thế giới dựa trên luật lệ”. Tuyên bố này của NATO hoàn toàn trái với chủ trương nhất quán của Nga và Trung Quốc ngay sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh là cùng phối hợp nỗ lực để xây dựng trật tự thế giới mới đa cực bình đẳng hướng tới mục tiêu duy trì hòa bình và hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia có chế độ chính trị và kinh tế - xã hội khác nhau.

NATO tiếp tục thực hiện chính sách mở rộng

Tuyên bố chung Washington coi việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển sẽ góp phần tăng cường sức mạnh an ninh của NATO. Ngược lại, Moscow cho rằng với việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, NATO đang khép chặt vành đai các căn cứ quân sự bao quanh nước Nga. Ngoài ra, NATO còn tuyên bố: “Mỗi quốc gia có quyền lựa chọn các cơ chế để đảm bảo an ninh cho mình, trong đó có cơ chế tham gia NATO và liên minh này tái khẳng định chính sách mở cửa theo Điều 10 của Hiệp ước Washington”. Theo các nhà phân tích chính trị - quân sự quốc tế, tuyên bố này của NATO hoàn toàn ngược lại một trong những nguyên tắc cơ bản của Tổ chức an ninh và hợp tác ở châu Âu. Theo đó, các quốc gia có quyền tự do lựa chọn liên minh nhưng không được gây phương hại đến an ninh của các quốc gia khác. Trong khi đó, Mỹ và NATO đang biến các quốc gia Đông Âu thành tiền đồn chống Nga, điển hình nhất là Ukraine. Họ đã biến Ukraine từ quốc gia hữu nghị, láng giềng, thân thiện với Nga thành quốc gia thù địch với Nga. Kể từ sau cuộc chính biến tháng 02/2014 ở Kiev, Mỹ và NATO đã tiến hành hàng chục cuộc tập trận trên lãnh thổ Ukraine theo kịch bản chiến tranh với Nga.

Tuyên bố chung Washington của NATO tái khẳng định chủ trương kết nạp Ukraine, coi việc Ukraine gia nhập NATO là con đường không thể đảo ngược để hội nhập hoàn toàn vào không gian an ninh chung châu Âu - Đại Tây Dương. Theo đó, NATO sẽ mời Ukraine gia nhập liên minh một khi hội tụ đủ điều kiện. Hội đồng NATO – Ukraine sẽ là “cầu nối” để đưa Ukraine gia nhập NATO. Ngoài ra, NATO cam kết tiếp tục viện trợ cho Ukraine mỗi năm 40 tỉ USD và sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không, các loại vũ khí quan trọng khác để giành chiến thắng trước Nga. Hai bên cũng quyết định thành lập Trung tâm phân tích, đào tạo và huấn luyện chung NATO - Ukraine để tăng cường khả năng tương tác của Ukraine với NATO và bổ nhiệm đại diện cấp cao của NATO tại Ukraine.

Chương trình hiện đại hóa NATO

Tuyên bố chung Washington xác định chủ trương đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa NATO để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh và hóa giải các mối đe dọa hiện tại và tương lai. Chương trình này xác định các biện pháp hiện đại hóa liên minh, gồm: (1). Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ mới và chuyển đổi số, trước hết là triển khai chiến lược phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và công nghệ sinh học; (2). Thành lập Quỹ đổi mới để áp dụng những tiến bộ công nghệ trên chiến trường Ukraine; (3). Tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ; (4). Yêu cầu các quốc gia thành viên đáp ứng cam kết đầu tư trên 02% GDP hằng năm cho quốc phòng; (5). Triển khai lực lượng sẵn sàng chiến đấu tới các địa bàn phía Đông; (6). Tăng cường khả năng phòng thủ từ sớm, từ xa trên cơ sở đẩy mạnh chương trình xây dựng lực lượng phản ứng linh hoạt; (7). Thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận và huấn luyện quy mô lớn để thẩm định các kế hoạch phòng thủ tập thể; (8). Nghiên cứu phát triển các loại vũ khí đặc biệt, trong đó có vũ khí siêu vượt âm; (9). Tăng cường hệ thống chỉ huy, kiểm soát, truyền thông và tình báo; (10). Tận dụng tối đa tiềm năng của hai quốc gia thành viên mới và tích hợp tiềm năng đó vào các kế hoạch phòng thủ chung của liên minh; (11). Thành lập Trung tâm phòng thủ mạng tích hợp để tăng cường khả năng bảo đảm an ninh cho không gian mạng; (12). Tăng cường khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng ngầm quan trọng; (13). Đẩy mạnh đầu tư để tăng cường khả năng phòng chống chiến tranh hóa học, sinh học và hạt nhân; (14). Xúc tiến xây dựng và hiện đại hóa hệ thống đánh chặn tên lửa; (15). Đẩy mạnh hợp tác công nghiệp quốc phòng xuyên Đại Tây Dương.

Quan hệ NATO - EU

Tuyên bố chung Washington khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác quan trọng của NATO. Hiện hợp tác NATO - EU đã đạt đến mức độ chưa từng có trong tất cả các lĩnh vực và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine chưa thể đi đến hồi kết. NATO coi sự tham gia của EU trong các nỗ lực phòng thủ của EU là nền tảng của quan hệ đối tác chiến lược NATO - EU. Do đó, NATO sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với EU theo nguyên tắc hoàn toàn cởi mở, minh bạch, bổ sung và tôn trọng các nhiệm vụ khác nhau.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, EU đã từng tuyên bố chủ trương giành quyền tự chủ về chính trị, độc lập về quốc phòng bằng cách thành lập Quân đội châu Âu. Nhiều chuyên gia cho rằng, với việc gây sức ép và dồn Nga vào thế đường cùng, buộc phải phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, NATO (đứng đầu là Mỹ) đã áp đặt gần 20.000 biện pháp cấm vận không chỉ buộc Nga phải chịu “thất bại chiến lược” và lâm vào khủng hoảng mà còn làm suy yếu EU nhằm mãi mãi dập tắt ý tưởng của Brussel giành quyền độc lập đối với Washington. Do đó, cái gọi là “quan hệ đối tác chiến lược NATO - EU” thực chất là nhằm xóa bỏ vị thế của EU như là một cực của trật tự thế giới đa cực đang hình thành.

NATO mở rộng ảnh hưởng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Tại Hội nghị thượng đỉnh của NATO lần này tiếp tục có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand để thảo luận về những thách thức an ninh chung và các lĩnh vực hợp tác. Tuyên bố chung Washington xác định, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rất quan trọng đối với NATO vì những chuyển dịch địa chính trị trong khu vực này ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh châu Âu - Đại Tây Dương. Do đó, NATO hoan nghênh sự đóng góp của các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương để củng cố và tăng cường an ninh trong khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Như vậy, NATO từ một tổ chức châu Âu - Đại Tây Dương từ thời Chiến tranh lạnh đang mở rộng ảnh hưởng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo giới phân tích, Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington lần này là bước tiếp theo của Hội nghị năm 2023, nhằm xúc tiến quá trình mở rộng ảnh hưởng của liên minh này sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo điều kiện từng bước để hình thành “NATO châu Á” trên cơ sở các quan hệ tam giác Mỹ - Anh - Australia (AUKUS); Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc; Mỹ - Nhật Bản - Philippines và các quan hệ với các đồng minh và đối tác khác của Mỹ trong khu vực này. Sự mở rộng ảnh hưởng này của NATO với mục đích hóa giải thách thức từ Nga và Trung Quốc. Theo đó, “NATO ở châu Âu - Đại Tây Dương” nhằm “đối đầu” với Nga, còn “NATO châu Á” nhằm “kiềm chế” ảnh hưởng của Trung Quốc. Đáng chú ý là xu hướng mở rộng ảnh hưởng của NATO sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể tác động đến vị thế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với vai trò là trung tâm trong cấu trúc chung, nhằm duy trì môi trường hòa bình và hợp tác của các nước trong khu vực này.

THẾ MẪU - NHÂN ĐỨC