Trong bối cảnh môi trường an ninh toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp, cạnh tranh địa chính trị diễn ra gay gắt, chính phủ Nhật Bản chủ trương không chỉ tăng cường khả năng phòng vệ, mà còn đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tầm nhìn dài hạn. Đây là động thái mới của Tokyo, được dư luận quốc tế quan tâm sâu sắc.
Lãnh đạo các nước ASEAN và Nhật Bản tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 25 tại Campuchia, ngày 12/11/2022. Nguồn: tapchicongsan.org.vn |
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản từ bỏ tư duy chiến lược trên diện rộng và vai trò lãnh đạo khu vực. Tuy nhiên, năm 2007, chính quyền của cố Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra khái niệm về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; đồng thời, củng cố mối quan hệ song phương với Mỹ, Ấn Độ và Australia thông qua các cuộc tập trận quân sự chung - bước đầu hình thành bối cảnh chiến lược hiện nay. Đến năm 2015, với việc sửa đổi Hiến pháp và thông qua Luật An ninh quốc gia mới, Nhật Bản đã từng bước tăng cường sức mạnh quân sự, được thể hiện trong xây dựng lực lượng phòng vệ hùng mạnh và gắn kết với quốc tế hơn. Theo đó, Nhật Bản có thể sử dụng sức mạnh quân sự hỗ trợ các nước đồng minh trong một số tình huống liên quan đến lợi ích quốc gia mà không bị giới hạn về địa lý, hay nói cách khác, nước này có thể triển khai lực lượng phòng vệ ở khắp nơi trên thế giới. Sau khi Nhật Bản sửa đổi Hiến pháp, Mỹ cũng khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ về quân sự để đất nước “mặt trời mọc” đạt được vị thế chiến lược vững chắc hơn ở cả cấp độ khu vực và quốc tế. Mặc dù vậy, Tokyo cũng tính đến việc phát triển tiềm lực quân sự để nâng cao khả năng phòng thủ quốc gia mà không vi phạm Điều 9 của Hiến pháp (không được lập quân đội và tuyên chiến để giải quyết tranh chấp giữa các nước).
Phát huy di sản của chính quyền tiền nhiệm
Trong bối cảnh các cuộc xung đột trên thế giới liên tục nổ ra, căng thẳng tại eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông tiếp tục gia tăng, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida cho công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “phiên bản mới” sau khi công bố Chiến lược An ninh quốc gia và Chiến lược Phòng thủ quốc gia. Chiến lược mới về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở được xây dựng dựa trên khái niệm về khu vực này của chính quyền tiền nhiệm, với các trụ cột: gìn giữ hòa bình, giải quyết các thách thức toàn cầu thông qua hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kết nối toàn cầu thông qua nhiều nền tảng khác nhau, bảo đảm an toàn cho vùng biển và bầu trời rộng mở.
Để thực hiện Chiến lược, Thủ tướng Fumio Kishida cam kết, từ nay tới năm 2030, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi khoảng 75 tỉ USD cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua hoạt động: đầu tư tư nhân; viện trợ, hỗ trợ và trợ cấp chính phủ; cho vay bằng đồng Yen. Đây là những nỗ lực của Tokyo nhằm thắt chặt quan hệ đối tác với các nước ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Theo Thủ tướng Fumio Kishida, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở là tầm nhìn dài hạn, với mục tiêu bảo vệ pháp quyền và tự do tại khu vực. Tokyo cũng dự kiến tăng ngân sách quân sự lên 02% GDP trong vòng 05 năm tới so với mức hiện tại là 01% (khoảng 49 tỉ USD). Với mức tăng này, Nhật Bản có thể lọt vào danh sách 05 quốc gia có mức chi ngân sách cho quốc phòng hàng đầu thế giới (hiện Nhật Bản đang đứng thứ 08). Việc tăng chi tiêu cho quân sự sẽ giúp Nhật Bản đẩy nhanh tốc độ phát triển lực lượng phòng vệ; đồng thời, cũng đưa nước này tiệm cận tiêu chuẩn quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Khi đề cập đến các chiến lược của Nhật Bản, một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh những căng thẳng ở khu vực đang gia tăng, các cuộc tấn công tên lửa vào Nhật Bản là “mối đe dọa hoàn toàn có thể xảy ra” thì việc Tokyo gia tăng cải tiến hệ thống phòng thủ hiện có và liên minh với Mỹ trong giai đoạn này đang trở thành vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là đối với một quốc gia vốn phụ thuộc vào thông tin tình báo và khả năng phát hiện sớm của Lầu Năm Góc như Nhật Bản. Trên thực tế, đầu năm 2024, Nhật Bản đã ký thỏa thuận mua 400 tên lửa Tomahawk của Mỹ. Tokyo cũng đặt mục tiêu điều chỉnh lượng dự trữ đạn thông qua việc xây dựng 70 kho đạn trong vòng 05 năm tới, 130 kho đạn vào năm 2035. Bên cạnh đó, nước này còn sửa đổi 03 nguyên tắc chuyển giao thiết bị và công nghệ quân sự, quốc phòng cho các nước khác - hoạt động đánh dấu sự khởi đầu cho vai trò ngày càng tăng của Nhật Bản đối với an ninh trong khu vực.
Theo các chuyên gia, thời gian qua, Tokyo và Washington đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực quân sự, nổi bật là việc Nhật Bản có kế hoạch trang bị tên lửa Tomahawk cho các tàu khu trục (do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo). Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng đang tìm cách tăng cường khả năng tương tác với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nhằm gia tăng sức mạnh răn đe ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đặc biệt, gần đây, Nhật Bản cũng “không ngại” thể hiện vai trò chiến lược quan trọng của mình khi khẳng định và cam kết cùng đồng minh Mỹ bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, với tham vọng bảo vệ trật tự quốc tế đang bị xáo trộn.
Mở rộng tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Nhật Bản có tầm nhìn khá bao quát về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khi xác định đây là khu vực rộng lớn trải dài từ châu Á - Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương đến Trung Đông và châu Phi - nơi có hơn một nửa dân số thế giới (so với bản đồ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong Sách xanh của Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MOFA) thì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhật Bản có sự khác biệt. Điều thú vị là trong những năm qua, tầm nhìn của Nhật Bản về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không ngừng mở rộng về phía Đông, cách tiếp cận của đất nước “mặt trời mọc” đối với khu vực này cũng rất linh hoạt và phát triển theo thời gian.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình (2006 - 2007), cố Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với trọng tâm là các giá trị chính trị. Nhưng trong nhiệm kỳ sau (2012 - 2020), cách tiếp cận của Ông đối với khu vực này lại tập trung vào các quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế. Còn hiện nay, mục tiêu quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ, tăng cường các quy tắc hiện có và đưa ra các quy tắc mới, hướng tới một trật tự quốc tế hòa bình, ổn định - vấn đề rất quan trọng đối với an ninh và sự phát triển thịnh vượng của khu vực. Mục tiêu cuối cùng là tăng cường kết nối thông qua tài trợ và phát triển cơ sở hạ tầng trong toàn khu vực. Đây được xem là chiến lược cạnh tranh với dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Để thúc đẩy Chiến lược, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tập trung nâng cao năng lực hoạt động trên biển, gia tăng các cuộc tập trận đa phương nhằm cải thiện khả năng chiến thuật cũng như phối hợp với các lực lượng nước ngoài hỗ trợ tự do và an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tokyo cũng giúp các nước ở khu vực Đông Nam Á đào tạo lực lượng thực thi pháp luật hàng hải; chuyển giao tàu tuần tra và các trang thiết bị đảm bảo an toàn hàng hải cho Philippines; cử chuyên gia tới giúp Indonesia và Malaysia; hỗ trợ năng lực an ninh hàng hải cho Djibouti và Sri Lanka, v.v. Ngoài ra, Nhật Bản còn cam kết, tích cực tham gia đối thoại chiến lược ba bên với Australia và Mỹ, tham gia các định dạng ba bên: Nhật Bản - Mỹ - Ấn Độ; Nhật Bản - Ấn Độ - Australia.
Trong quan hệ đồng minh với Mỹ, hai bên đồng ý thành lập Bộ Chỉ huy thống nhất Mỹ - Nhật Bản; đồng thời, cho phép Mỹ đặt trụ sở tại xứ sở “hoa anh đào” để tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực. Hai bên cũng nhất trí về việc hợp tác phát triển, sản xuất tên lửa và các công nghệ tiên tiến ở Nhật Bản; tăng cường hợp tác tổ hợp công nghiệp quốc phòng và xuất khẩu sang bên thứ ba. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đẩy mạnh hợp tác với AUKUS (Mỹ - Anh - Australia) trong các dự án nâng cao năng lực trụ cột, như: phát triển năng lực trí tuệ nhân tạo, tàu chiến không người lái và tên lửa siêu thanh. Việc nước này đẩy mạnh hợp tác với AUKUS làm dấy lên những đồn đoán Tokyo sẽ trở thành một phần của liên minh này trong tương lai. Năm 2023, Nhật Bản cùng với Mỹ và Hàn Quốc tăng cường phối hợp chiến lược để đưa hợp tác an ninh ba bên lên tầm cao mới. Tuyên bố chung được lãnh đạo ba nước đưa ra nhấn mạnh, một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở sẽ là mục tiêu chung. Mới đây, ngày 06/6/2024, ba nước còn tổ chức diễn tập chung cho lực lượng bảo vệ bờ biển. Tháng 4 vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ba bên: Mỹ - Nhật Bản - Philippines, Thủ tướng Fumio Kishida cho rằng, hợp tác nhiều lớp giữa các đồng minh, các quốc gia có cùng chí hướng đánh dấu sự hình thành một cơ chế hợp tác mới và Nhật Bản tham gia là điều cần thiết, hướng đến việc duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do, cởi mở dựa trên pháp quyền.
Giới quan sát cho rằng, sự phát triển của liên minh ba bên Mỹ - Nhật Bản - Philippines sẽ tác động đến vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bởi ASEAN nằm trong trọng tâm của các cơ chế tiểu đa phương, là khu vực diễn ra sự cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng gay gắt giữa các cường quốc. Còn Hội đồng chuyên gia hợp tác ASEAN - Nhật Bản thì nhấn mạnh, ASEAN đã phát triển từ một khu vực chủ yếu nhận viện trợ của Nhật Bản thành một đối tác đang phát triển và có ảnh hưởng lớn.
Ngoài ASEAN, Nhật Bản cũng lôi kéo một số nước châu Âu vào nỗ lực thúc đẩy Chiến lược của mình, như: đẩy mạnh hợp tác về an ninh với Anh, Pháp và Đức - đối thoại “2 + 2”; đưa các nhóm đa phương, như: APEC và Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Mới đây, Nhật Bản tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác tới các nước Nam bán cầu bằng chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Yoko Kamikawa tới các nước: Madagascar, Côte d’Ivoire, Nigeria, Sri Lanka và Nepal (từ ngày 26/4 đến 05/5/2024). Đây là lần đầu tiên người đứng đầu ngành ngoại giao đất nước “mặt trời mọc” thăm đảo quốc Madagascar kể từ khi nước này giành được độc lập (năm 1960). Trong chuyến thăm này, bà Kamikawa nhấn mạnh, Nhật Bản cần đẩy mạnh hợp tác với các nước Nam bán cầu (hiện diện ngày càng mạnh mẽ trên trường quốc tế), xây dựng niềm tin chiến lược với các nước châu Phi, Nam Á để cùng phát triển thịnh vượng và hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trước bối cảnh quốc tế đang chia rẽ sâu sắc và xung đột ở nhiều nơi.
Các chuyên gia nghiên cứu quốc tế cho rằng, Nhật Bản đã và đang thúc đẩy khá thành công chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhất là việc đạt được tầm nhìn ngoại giao và đảm nhận vai trò dẫn đầu khu vực trong việc định hình nhận thức và quan điểm của các đối tác, điều đó cũng giúp nâng cao vị thế của xứ sở “hoa anh đào” trong khu vực và thế giới.
LÂM PHƯƠNG - VIẾT TÂN