Nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An có diện tích tự nhiên khoảng 33.475ha, được phân thành 03 khu vực: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Đây là một trong số ít khu dự trữ sinh quyển có tính đa dạng sinh học cao, với những nét đặc trưng của hệ sinh thái tự nhiên vùng Nam Trung Bộ, có nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển du lịch và kinh tế biển; đồng thời, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, nằm trong thế phòng thủ hướng biển của tỉnh Quảng Nam và Quân khu 5.
Du khách tham quan rừng dừa nước Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. |
Theo các nghiên cứu khoa học, vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển (Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), sinh vật biển rất đa dạng với khoảng 311 loài san hô, 311 loài cá, 101 loài rong biển, 05 loài cỏ biển, 159 loài thân mềm, 22 loài giáp xác, 22 loài da gai, 70 loài giun,... cùng hàng trăm loài động, thực vật phù du, trong đó có một số loài đặc biệt quý hiếm, như: rùa biển, cá heo, ốc tù và, trai tai tượng, bàn mai, v.v. Đối với rừng đặc dụng trên đảo, kết quả khảo sát ở độ cao dưới 100m cho thấy, có hơn 288 loài cây thuốc nam xen lẫn trong những cánh rừng thường xanh và cây cổ thụ, như: Gõ mật, Lim xanh, Chò nâu, Bời lời đỏ, v.v. Một số loài thực vật quý hiếm được tìm thấy, như: “lan nhung”, “trầm hương”; đặc biệt, có 04 loài cây được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam (quần thể 03 cây Ngô đồng đỏ, cây Đa núi cao, cây Kén và cây Nánh). Động vật rừng trên đảo có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 05 loài ếch nhái; trong đó, loài chim Yến có tên trong Sách đỏ động vật Việt Nam.
Ở khu vực vùng đệm và vùng chuyển tiếp, hệ sinh thái rừng ngập mặn chiếm ưu thế với đặc trưng là cây Dừa nước (rừng dừa nước Cẩm Thanh), ngoài ra cũng đã phát hiện ở vùng Cửa Đại một số loài cây ngập mặn khác, như: Đước đôi, Vẹt dù, Ráng đại, Ô rô và Tra biển. Hệ động vật rất đa dạng, với 13 loài thân mềm, chủ yếu là Hến, Hàu và Chem chép; 12 loài giáp xác, chủ yếu là Ghẹ xanh, Cua bùn và Tôm rảo đất; 67 loài cá, nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như: cá Đối, cá Dìa, cá Liệt, cá Ông Căn, cá Hồng, cá Mú, v.v.
Cùng với hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng, phong phú, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và giá trị lịch sử; con người nơi đây đôn hậu, hiếu khách; nhiều di tích vẫn giữ vẹn nguyên kiến trúc nghệ thuật độc đáo minh chứng cho sự giao thoa qua các thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt. Cùng với những nét cổ kính của phố cổ Hội An, trên đảo Cù Lao Chàm vẫn còn lưu giữ các chứng tích tín ngưỡng được xây dựng chủ yếu vào thế kỷ 17, 18, như: Đình Đại Càn, Miếu thờ Thành hoàng, Miếu Tiền hiền, Miếu Thần nông, Miếu Tổ nghề yến, chùa Hải Tạng, Lăng Cô, v.v. Với những giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, nhất là những minh chứng rất điển hình, rõ nét về sự giao thoa, tương tác giữa con người và thiên nhiên trong công cuộc bảo tồn, phát huy những giá trị mang tính toàn cầu, ngày 26/5/2009, Cù Lao Chàm - Hội An chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Nằm trong Quy hoạch không gian biển quốc gia và tổng thể phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Nam, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An đang được đầu tư mạnh mẽ về mọi mặt, trở thành “điểm sáng” và hình mẫu tiêu biểu cho những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, bảo đảm tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững.
Thực hiện: CAO VƯƠNG