Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

9/27/2024 3:18:02 PM

Ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 139/2024/QH15 về “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, với những nội dung cơ bản sau:

Về quan điểm chung, Nghị quyết xác định Quy hoạch không gian biển quốc gia mang tính khung, tổng thể, tích hợp, đa ngành, động và mở, dẫn dắt; cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển, để xây dựng Việt Nam thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia; thống nhất với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Về mục tiêu tổng quát, hướng tới tạo lập cơ sở cho phát triển nhanh và bền vững kinh tế biển, góp phần hình thành, phát triển các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo nhiều sinh kế cho người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển; quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa biển, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Trên cơ sở đó, Quy hoạch sẽ phân bổ, sắp xếp hợp lý không gian biển cho các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững, v.v.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Quy hoạch định hướng 05 vấn đề trọng tâm: (1). Hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng các tiêu chí, quy chế xử lý những vấn đề phát sinh đối với những vùng chồng lấn, mâu thuẫn sử dụng trong khai thác, sử dụng không gian biển; hoàn thiện các chính sách phát triển năng lượng sạch, tái tạo và kinh tế biển mới. (2). Xây dựng hạ tầng biển; trong đó, chú trọng những lĩnh vực trọng điểm, như: cảng biển và giao thông kết nối cảng biển với nội địa, thông tin liên lạc biển, hạ tầng kinh tế số. (3). Xây dựng các thiết chế văn hóa biển, đảo; nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của cư dân vùng biển, đảo. (4). Kiểm soát và quản lý các nguồn thải và giải quyết các điểm nóng ô nhiễm môi trường; phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái để tăng diện tích bảo tồn, bảo vệ biển. (5). Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển, đảo; tăng cường đào tạo nhân lực biển và nghiên cứu khoa học, công nghệ. Đồng thời, Quy hoạch cũng xác định 04 khâu đột phá. Thứ nhất, tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics gắn với phát triển ngành công nghiệp tàu thủy và vận tải biển, kết cấu hạ tầng ven biển, hải đảo, v.v.  Thứ hai, phát triển du lịch biển, đảo bền vững, có trách nhiệm, sáng tạo gắn với phát triển đô thị đảo xanh, thông minh. Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp, chống chịu cao, ưu tiên phát triển nuôi biển và đánh bắt xa bờ, gắn với bảo tồn biển và văn hóa biển. Thứ tư, phát triển nhanh và bền vững các loại năng lượng sạch, xanh từ biển, ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh.

Để Quy hoạch đi vào cuộc sống, Nghị quyết cũng đề ra các giải pháp và lộ trình cơ bản nhằm triển khai các dự án quan trọng quốc gia trong giai đoạn tới. Đây chính là cơ sở quan trọng để chúng ta nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về biển và hải đảo, cũng như phát triển kinh tế biển thời kỳ mới.

Thực hiện: Cao Vương