Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn

10/13/2024 8:08:33 AM

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng trên địa bàn, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh luôn phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Quảng Ninh là tỉnh miền núi, trung du, ven biển, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, có địa hình đa dạng, phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, khe sâu, dốc đứng; trên địa bàn có nhiều hầm lò, khai trường khai thác, chế biến than, là một trong những địa bàn trọng điểm của Quân khu 3 về thiên tai, bão lũ, v.v. Những năm gần đây, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu và các tác nhân trong phát triển kinh tế - xã hội,… tình hình thiên tai, sự cố trên địa bàn xảy ra với tần suất cao, tính chất phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và hoạt động quân sự, quốc phòng.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham gia đợt cao điểm ra quân làm sạch Vịnh Hạ Long sau cơn bão Yagi (9/2024).

Nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ được giao và tầm quan trọng của nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, lực lượng vũ trang Tỉnh đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời, phát huy vai trò xung kích, nòng cốt trong tổ chức thực hiện. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh luôn quan tâm kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp. Chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt theo phương châm “4 tại chỗ”; duy trì nghiêm chế độ ứng trực, tăng cường công tác phối hợp nắm chắc tình hình, không để bị động

bất ngờ. Với tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, lực lượng vũ trang Tỉnh luôn đi đầu, có mặt kịp thời ở nơi xảy ra thiên tai, sự cố, thể hiện rõ vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Trong 10 năm qua, lực lượng vũ trang Tỉnh đã huy động và phối hợp huy động trên 120 nghìn lượt người, trong đó có hơn 110 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ; hơn 20 nghìn lượt phương tiện tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn. Điển hình như tháng 9/2024, khi cơn bão Yagi đổ bộ vào địa bàn Tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã phối hợp với các lực lượng thông báo cho 7.464 phương tiện/14.246 ngư dân; 1.355 người/2.230 ô lồng, bè đến nơi tránh trú an toàn; sau bão huy động hơn 70 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân khắc phục hậu quả, v.v. Những việc làm đó đã góp phần quan trọng vào việc phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại và khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra, giúp nhân dân và các địa phương nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Qua đó, tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” và tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, tạo nền tảng để hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Thời gian tới, dự báo tình hình thiên tai, sự cố tiếp tục có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, bất thường; những biểu hiện mưa lũ lớn, trái mùa; thời tiết cực đoan, như: nắng nóng, mưa dài ngày, giông lốc, sập đổ hầm lò, tại nạn, hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hoạt động quốc phòng, an ninh. Để phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, lực lượng vũ trang Tỉnh tập trung thực hiện một số nội dung, giải pháp sau.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau cơn bão Yagi (9/2024).

Trước hết, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, trọng tâm là Nghị quyết số 689-NQ/QUTW, ngày 10/10/2014 của Quân ủy Trung ương về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Trong đó, chú trọng tham mưu kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp, hiệu quả vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và hiệu quả phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể với lực lượng vũ trang Tỉnh. Tiếp tục tham mưu cho Tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng lực lượng, mua sắm phương tiện phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở địa phương, cơ sở gắn với xây dựng khu vực phòng thủ theo phương châm “4 tại chỗ”, v.v. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, kiến thức về bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, sự cố, tạo chuyển biến sâu sắc hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về công tác này. Bộ Chỉ huy Quân sự yêu cầu cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tỉnh phải quán triệt và xác định rõ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”; từ đó, xây dựng ý chí, quyết tâm, đề cao trách nhiệm trước nhân dân. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện hình thức, tư tưởng chủ quan, thỏa mãn dừng lại hoặc ngại khó khăn, gian khổ, lơ là, xem nhẹ, mất cảnh giác trong thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, chủ động dự kiến các tình huống, xây dựng các phương án ứng phó sát thực tiễn. Thực hiện phương châm “Chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh, có hiệu quả, lấy phòng là chính”, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu nắm chắc tình hình, tham mưu cho Tỉnh hoàn thiện quy hoạch phân vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, dự kiến các tình huống và xác định các loại hình thiên tai, sự cố có thể xảy ra để xây dựng  kế hoạch, phương án phòng, chống. Để thực hiện tốt nội dung này, Bộ Chỉ huy Quân sự chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, bổ sung những địa bàn, khu vực trọng điểm về thiên tai, sự cố; khu vực thường xảy ra giông lốc; nắm chắc các phương tiện tàu thuyền, các hộ nuôi trồng thủy sản, nhất là các khu vực trọng điểm có nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất ở các địa bàn, như: thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, thị xã Đông Triều, Quảng Yên, huyện Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, v.v. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, khảo sát hệ thống kho tàng, trụ sở làm việc, các hồ đập, hệ thống đê, kè trọng yếu, như: hồ Yên Lập, hồ Tràng Lương, đê tả sông Kinh Thầy, đê sông Đá Bạc, tuyến đê Hà Nam, các khu neo đậu tàu thuyền, khu dân cư gần khai trường của các công ty than. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án sử dụng lực lượng, phương tiện phù hợp, chủ động, kịp thời trong xử lý khi xảy ra các tình huống, sự cố, thảm họa thiên tai.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra các tuyến đường cơ động để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; chủ động hiệp đồng với Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam khảo sát, xây dựng, quản lý các bãi hạ, cất cánh máy bay trực thăng phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị nằm trên địa bàn, như: Sư đoàn 395, Vùng 1 Hải quân, tổ chức phân công, phân nhiệm, địa bàn phụ trách rõ ràng; thống nhất phương án ứng phó, sử dụng lực lượng, phương tiện của các đơn vị tham gia, tránh chồng chéo, lúng túng khi có tình huống xảy ra.

Ba là, xây dựng lực lượng nòng cốt, lực lượng kiêm nhiệm phù hợp; huấn luyện nâng cao khả năng ứng phó với sự cố, thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng. Đây là vấn đề quan trọng, quyết định hiệu quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Theo đó, cùng với rà soát, kiện toàn đội tìm kiếm, cứu nạn trong mưa bão, lũ, lụt và đội tìm kiếm, cứu nạn trong sạt lở đất, sập hầm lò đủ theo quy định, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh yêu cầu cơ quan quân sự cấp huyện chú trọng tham mưu xây dựng lực lượng kiêm nhiệm, lực lượng nòng cốt đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai cứu hộ, cứu nạn; phát huy vai trò của lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ sẵn sàng tham gia ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố tại cơ sở. Tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động của 03 sở chỉ huy phía trước (tại huyện Tiên Yên, thị xã Quảng Yên và thành phố Cẩm Phả) và Đội liên ngành thường trực tìm kiếm, cứu nạn trên Vịnh Hạ Long để kịp thời thông báo, chỉ huy, điều hành, tổ chức ứng phó có hiệu quả sự cố về thiên tai, thảm họa. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương thành lập các tổ, đội trong khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp thuộc ngành than và xác định đây là lực lượng tại chỗ, ban đầu trong việc xử lý các tình huống về thiên tai, sự cố, thảm họa.

Cùng với tổ chức xây dựng lực lượng, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ ứng trực, phối hợp nắm tình hình, dự báo, thông báo, cảnh báo, nhất là trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão; thường xuyên tổ chức luyện tập theo các phương án được giao. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tập huấn, huấn luyện, luyện tập, diễn tập ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn,... sát thực tế, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng của các cấp, kỹ năng sử dụng phương tiện, trang bị và rèn luyện bản lĩnh, ý chí cho cán bộ, chiến sĩ.

Bốn là, chủ động chuẩn bị chu đáo, toàn diện, làm tốt công tác bảo đảm cho phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Trước tính chất phức tạp, khẩn trương của thiên tai, sự cố, để hoàn thành nhiệm vụ, phải tích cực chuẩn bị mọi mặt và coi trọng làm tốt công tác bảo đảm, nhất là về thông tin liên lạc, hậu cần, kỹ thuật. Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn kiện hậu cần - kỹ thuật; chú trọng xây dựng, luyện tập phương án bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Cùng với đó, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huy động, trưng dụng phương tiện, trang bị, vật tư của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ngoài Quân đội tham gia; tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số,... bảo đảm phát huy được mọi nguồn lực của các cấp, các ngành, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.

Ý thức rõ vinh dự, trách nhiệm của mình, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, góp phần xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu, mạnh, đến năm 2030 trở thành tỉnh kiểu mẫu, văn minh, hiện đại.

Đại tá KHÚC THÀNH DƯ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh