Quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum luôn bám sát địa bàn, tận tụy với dân, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đưa Phong trào vào cuộc sống bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Đội công tác địa bàn Bộ đội Biên phòng Tỉnh tuyên truyền chủ quyền, an ninh biên giới cho nhân dân. |
Với hơn 292km đường biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia, khu vực biên giới tỉnh Kon Tum có diện tích rộng hơn 4.300km², trên địa hình phức tạp, với kết cấu hạ tầng, giao thông và đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Đây cũng là địa bàn các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”,… để chống phá; hoạt động tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm hình sự về ma túy, vũ khí, buôn lậu, gian lận thương mại, vượt biên, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép,… ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, những năm qua, cùng với nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kon Tum tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị các cấp và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Theo đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã cụ thể hóa chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo trong nghị quyết lãnh đạo các cấp; chỉ đạo cơ quan, các đồn Biên phòng triển khai chặt chẽ, hiệu quả công tác vận động quần chúng trên địa bàn. Nhằm tạo cơ sở pháp lý, gắn trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương ký kết quy chế phối hợp, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và triển khai đồng bộ, hiệu quả ở các cấp, lực lượng1. Chủ trì, phối hợp với các cấp, ngành địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm, nhằm hoàn thiện cơ chế, phương thức huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Trong thực hiện, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân đối với công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Thường xuyên hỗ trợ củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; giúp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả của Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn; làm tiền đề để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Đến nay, có 284 tập thể thôn (làng), 857 lượt hộ gia đình, 841 lượt cá nhân thuộc 13 xã biên giới tự nguyện đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc; 635 tổ/4231 lượt hộ gia đình, cá nhân đăng ký tham gia các tổ tự quản an ninh, trật tự thôn (làng). Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân, nhất là của cư dân ở sát biên giới về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới ngày càng được nâng cao; thường xuyên tự tổ chức kiểm tra, bảo vệ đoạn biên giới, cột mốc quốc giới; kịp thời nắm bắt, cung cấp thông tin, tình hình liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cho chính quyền địa phương và lực lượng Biên phòng. Thông qua lao động sản xuất hằng ngày trên nương rẫy và quản lý bảo vệ rừng, người dân tự giác tổ chức thành các nhóm hộ gia đình tuần tra bảo vệ biên giới, tự quản, tự kiểm tra bảo vệ an toàn 86 cột mốc quốc giới; tổ chức phát quang hàng trăm ki-lô-mét đường tuần tra biên giới, đường lên cột mốc quốc giới; trực tiếp cung cấp hằng trăm nguồn tin có giá trị, giúp Bộ đội Biên phòng và các lực lượng đấu tranh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.
Thời gian tới, trước những thách thức và yêu cầu mới đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia nói chung, khu vực biên giới tỉnh Kon Tum nói riêng, đòi hỏi phải có sự nhận thức đầy đủ và sự vào cuộc có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả nhiều giải pháp để phát huy sức mạnh của toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Trong đó, với chức trách, nhiệm vụ được giao, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác vận động quần chúng. Trọng tâm là đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” và triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới vững mạnh gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Trên cơ sở các quy chế phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các cơ quan, đồn Biên phòng cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch sát với thực tiễn, nhiệm vụ; phối hợp triển khai hiệu quả, huy động tối đa nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Đồng thời, duy trì nghiêm nền nếp, chất lượng hoạt động phối hợp với lực lượng Công an các cấp trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới; thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng với các địa phương của Lào và Campuchia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới nắm vững, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Căn cứ tình hình thực tế từng địa bàn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện biên giới thống nhất nội dung, triển khai đồng bộ hoạt động tuyên truyền, vận động sát thực tế, phù hợp với từng đối tượng. Cùng với tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phát huy vai trò lực lượng chuyên trách, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường vận động, hướng dẫn, tổ chức nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Chú trọng kết hợp hoạt động tuần tra, kiểm soát với tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia, kịp thời phát hiện các dấu hiệu, hành vi phạm tội; ngăn chặn, bắt giữ, xử lý đúng pháp luật.
Các tổ, đội công tác địa bàn tiếp tục quán triệt tốt phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thực hiện “ba bám, bốn cùng”, đến từng ngõ, từng nhà kết hợp tuyên truyền pháp luật về chủ quyền, an ninh biên giới với vận động, hướng dẫn nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm cho đồng bào dân tộc thiểu số từng bước chuyển đổi nhận thức, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và xã hội để phát triển kinh tế. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, từ bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, không phù hợp với nếp sống văn hóa mới, trái với các quy định của pháp luật, từng bước nâng cao đời sống gia đình, tự lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thường xuyên kiện toàn Đội vận động quần chúng của các đơn vị; chú trọng lựa chọn những đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, ưu tiên xây dựng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Thường xuyên bồi dưỡng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếng Lào, Campuchia; nâng cao trình độ, năng lực công tác, xây dựng tác phong dân vận sâu sát, nhiệt tình cho đội ngũ cán bộ các cấp. Quán triệt thực hiện nghiêm quan điểm của Đảng về công tác dân vận là “gần dân, trọng dân, hiểu dân, tin dân”, với phương châm: chủ động, linh hoạt; thận trọng, kiên trì; cụ thể, khoa học; mềm dẻo, sáng tạo; lấy tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục là chính. Cùng với đó, tiếp tục phát huy tốt vai trò hạt nhân, nòng cốt của đội ngũ cán bộ đồn Biên phòng tăng cường trong hệ thống chính trị và trong các phong trào tại địa phương, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các lực lượng trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới2.
Bốn là, tiếp tục chung tay cùng cấp ủy, chính quyền phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giúp nhân dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Các cơ quan, đồn Biên phòng cần nắm chắc tình hình địa bàn, đời sống nhân dân, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra chủ trương, biện pháp để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới. Chủ động phối hợp với các cấp, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển kinh tế theo thế mạnh của từng vùng gắn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nhằm tạo ra nhiều việc làm, tăng năng suất lao động trên địa bàn biên giới.
Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện các mô hình, phần việc cụ thể của Bộ đội Biên phòng Tỉnh, như: “phân công sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp người dân tộc thiểu số kết nghĩa giúp hộ người dân tộc thiểu số nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới”, “phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Hỗ trợ bò giống sinh sản cho người nghèo tại các xã biên giới”, “Thôn đạo bình yên”, “Mỗi tuần làm sạch một thôn làng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em tới trường”, … gắn với các chương trình, phong trào của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững trên chính đôi tay, mảnh đất quê hương mình, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Đại tá LÊ MINH CHÍNH, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh
____________________
1 - Đến nay, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã có quy chế phối hợp với Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Tỉnh; Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân 04 huyện biên giới, 100% các đồn Biên phòng tổ chức kết nghĩa, ký kết Quy chế phối hợp với Đảng ủy, Ủy ban nhân dân 13 xã biên giới.
2 - Hiện có: 01 đồng chí tham gia Tỉnh ủy; 04 đồng chí tham gia cấp ủy cấp huyện; 09 đồng chí tham gia cấp ủy cấp xã; 16 đồng chí tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã; 13 đồng chí tăng cường cho 13 xã biên giới và 92 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 81 chỉ bộ thôn (làng) biên giới.