Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Học viện Hậu cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật

11/7/2024 7:58:13 AM

Đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật là nhiệm vụ mới, đòi hỏi bức thiết, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện Hậu cần đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đối tượng này; trong đó, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo là một trọng tâm.

Quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đề án1 về đào tạo cán bộ hậu cần - kỹ thuật và trên cơ sở mục tiêu, lộ trình sáp nhập hai ngành: Hậu cần, Kỹ thuật theo Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) và Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương, Kế hoạch số 1228/KH-BQP, ngày 25/4/2022 của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Học viện Hậu cần đã chủ động triển khai nhiều chủ trương, giải pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này. Theo đó, Học viện đã rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, từ tổ chức biên chế, trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên đến hệ thống giáo trình, tài liệu, vật chất, trang thiết bị bảo đảm cho đào tạo, huấn luyện. Đồng thời, tổ chức hội thảo khoa học; khảo sát, tham khảo ý kiến các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là các đơn vị đã sáp nhập cơ quan hậu cần, kỹ thuật, v.v. Trên cơ sở đó, tổng hợp, bổ sung, điều chỉnh và xây dựng 02 bộ chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật cấp trung (lữ) đoàn và đào tạo ngắn đối tượng này; trong đó, tích hợp vào chương trình đào tạo trên 40% thời lượng về nội dung kỹ thuật, bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương và tình hình thực tế, bước đầu đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Thủ trưởng Học viện phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật trung (lữ) đoàn.

Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, yêu cầu đòi hỏi cao, trong khi nguồn lực của Học viện có hạn, thời gian nghiên cứu chưa nhiều nên trong triển khai vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: tính kế thừa của các chương trình giữa các cấp học, bậc học có nội dung chưa cao; tính tích hợp của chương trình chưa được giải quyết triệt để; dung lượng công tác kỹ thuật trong chương trình chưa cân đối với nội dung công tác hậu cần. Bên cạnh đó, các yếu tố bảo đảm cho công tác đào tạo đối tượng mới này, nhất là năng lực, trình độ đội ngũ giảng viên và hệ thống thao trường, cơ sở vật chất, giáo trình, tài liệu chưa đồng bộ với yêu cầu phát triển của quy trình, chương trình đào tạo, v.v.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ hậu cần - kỹ thuật trong tình hình mới, Học viện tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo cho đối tượng này; trong đó, tập trung vào các nội dung sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ quan trọng này. Xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật là nhiệm vụ mới, cấp thiết nhưng cũng rất phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên ngành về hậu cần, kỹ thuật, trong khi quá trình sáp nhập giữa hai ngành vẫn chưa hoàn thành. Vì vậy, Học viện yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, đề án của cấp trên về xây dựng Quân đội, giáo dục và đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết số 230-NQ/QUTW; Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương “Về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới”; Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Trên cơ sở đó, nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo cán bộ hậu cần - kỹ thuật, từ đó đề cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đảm bảo tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo. Trước mắt, Học viện chỉ đạo Phòng Đào tạo phát huy vai trò cơ quan chủ trì, trung tâm phối hợp hiệp đồng tổ chức kiểm tra, rà soát kết quả thực hiện và đề xuất phương án hỗ trợ các bộ phận tháo gỡ khó khăn, hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch năm 2024. Chủ động nắm tình hình theo hướng “đón đầu”, bám sát các quan điểm, chủ trương, định hướng về xây dựng Điều lệ Công tác hậu cần - kỹ thuật, Điều lệ Công tác tham mưu hậu cần - kỹ thuật và thực tiễn triển khai sáp nhập ngành Hậu cần, ngành Kỹ thuật để tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu, biện pháp thực hiện các nghị quyết, kế hoạch trong năm 2025 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính khả thi cao. Trong đó, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; bảo đảm tài liệu, cơ sở vật chất, trang thiết bị,… đồng bộ với quy trình, chương trình đào tạo.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn kết hợp với tham vấn từ chuyên gia để rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo. Để thực hiện tốt nội dung quan trọng này, Học viện thành lập Hội đồng thẩm định chương trình với nòng cốt là Ban Giám đốc, cán bộ chủ trì các phòng, khoa để trực tiếp chỉ đạo, điều hành; lựa chọn cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm, chuyên môn tốt để xây dựng các nhóm, bộ phận phụ trách các mảng xây dựng quy trình, chương trình, v.v. Đồng thời, ban hành hệ thống quy chế hoạt động, kế hoạch, lộ trình thực hiện. Quá trình hoạt động, Hội đồng đã chỉ đạo các nhóm, bộ phận triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ; tổ chức 03 hội thảo khoa học, 06 lần sơ kết, rút kinh nghiệm và 02 lần phối hợp với ngành Hậu cần, Kỹ thuật tổ chức diễn tập. Qua đó, phát huy trí tuệ, sức mạnh tập thể, tiếp thu được nhiều ý kiến bổ ích, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo.

Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo cán bộ hậu cần - kỹ thuật tổ chức sơ kết (năm 2024).

Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm được đúc rút, nhất là những tồn tại đã chỉ ra qua các lần sơ kết, Học viện tiếp tục phát huy vai trò của Hội đồng trong chỉ đạo, điều hành các phòng, khoa triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo theo phương châm: “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu” và bám sát chuẩn đầu ra cho các đối tượng theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Trong đó, về quy trình đào tạo, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh theo hướng cân đối thời gian cho từng đối tượng, từng hình thức đào tạo. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm định chất lượng giáo dục - đào tạo gắn với tiếp thu ý kiến phản hồi của học viên, đơn vị để kịp thời điều chỉnh quy trình đào tạo phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Về chương trình đào tạo, coi trọng lựa chọn, đa dạng hóa khối kiến thức phù hợp với các chuyên ngành hậu cần - kỹ thuật, tăng tỷ lệ các môn học tự chọn; tăng tỷ lệ kiến thức chỉ huy tham mưu kỹ thuật. Đồng thời, tích cực rà soát, chắt lọc, tinh chỉnh chương trình chi tiết, nội dung, đề cương môn học, học phần theo hướng: cấu trúc gọn, logic, khả thi cao, đảm bảo tính liên thông, kế thừa giữa các cấp học, bậc học. Trong đó, lấy xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo đối tượng chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật binh chủng hợp thành cấp trung (lữ) đoàn làm trung tâm để làm cơ sở nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chương trình cho cán bộ trung (lữ) đoàn các quân chủng, binh chủng chiến đấu, bảo đảm và chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật cấp sư đoàn.

Ba là, tăng cường phối hợp với các nhà trường, đơn vị để xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân - nơi tiếp nhận, sử dụng cán bộ được đào tạo tại Học viện sau khi tốt nghiệp, có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia xây dựng chương trình, nội dung đào tạo thông qua việc phản hồi, đóng góp ý kiến, đề xuất, kiến nghị rút từ thực tế công tác hậu cần - kỹ thuật. Vì vậy, tăng cường công tác phối hợp trong giáo dục, đào tạo nói chung, xây dựng chương trình, quy trình đào tạo chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật nói riêng giữ vai trò rất quan trọng. Theo đó, Học viện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong toàn quân tăng cường khảo sát, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đơn vị về những nội dung chưa phù hợp, còn thiếu, cũng như nhu cầu đơn vị cần. Tích cực phối hợp, đề xuất đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế đơn vị kết hợp mời cán bộ các cơ quan, đơn vị trực tiếp tham gia vào quy trình đào tạo tại Học viện, nhất là trong diễn tập, kiểm tra, v.v. Trước mắt, Học viện chỉ đạo các phòng, khoa đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hậu cần - kỹ thuật cấp sư đoàn và tương đương để xin ý kiến các cơ quan, đơn vị; nắm phản hồi từ các đơn vị về chất lượng cán bộ tốt nghiệp khóa 2023 - 2024. Trên cơ sở đó, tổng hợp, rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo các đối tượng đảm bảo sát thực tiễn, kịp thời triển khai đào tạo theo kế hoạch. Cùng với đó, Học viện tăng cường liên kết với các học viện, nhà trường, nhất là Học viện Kỹ thuật quân sự để trao đổi, cập nhật tài liệu về công tác kỹ thuật, kịp thời bổ sung, hoàn thiện chương trình, tạo sự thống nhất trong đào tạo cán bộ hậu cần - kỹ thuật hướng tới mục tiêu chung là đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ hậu cần - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện nay.

Bốn là, kết hợp đồng bộ giữa xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung đào tạo với củng cố, tăng cường nguồn lực phục vụ giáo dục, đào tạo và đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học. Mục tiêu cao nhất của việc xây dựng, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung đào tạo là nâng cao chất lượng học viên tốt nghiệp ra trường. Bởi vậy, cùng với đẩy mạnh hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung đào tạo mới, Học viện triển khai đồng bộ các mặt công tác, xây dựng các thành tố, đổi mới các khâu, bước trong giáo dục, đào tạo. Trong đó, tập trung kiện toàn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đồng bộ về các chuyên ngành, có kiến thức toàn diện về hậu cần, kỹ thuật và được chuẩn hóa về chất lượng theo quy định. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy - học theo hướng lấy người học làm trung tâm; tăng cường áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, phương pháp nêu vấn đề; đề cao tích cực tự học, tự nghiên cứu của học viên. Cùng với đó, Học viện tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhất là các phòng học chuyên dùng chuyên ngành kỹ thuật, hệ thống thao trường, hạ tầng công nghệ thông tin,... tạo nền tảng xây dựng “nhà trường thông minh”, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nói chung, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ hậu cần - kỹ thuật nói riêng, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại.

Trung tướng, PGS, TS. PHAN TÙNG SƠN, Giám đốc Học viện
____________________
        

1 - Công văn số 2941/TB-VT, ngày 23/8/2022 của Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu về thống nhất phương án đào tạo cán bộ hậu cần - kỹ thuật; Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, v.v.