Là triều đại lấy Phật giáo làm quốc đạo, đề cao nhân nghĩa, nhà Lý luôn chủ trương hòa hiếu với lân bang để bảo vệ nền độc lập. Khi buộc phải tiến hành chiến tranh chống xâm lược thì quyết giành thắng lợi để bảo vệ giang sơn, giữ yên bờ cõi, đánh địch bằng mọi cách, thắng rồi vẫn “mở đường hiếu sinh”, lấy hòa hiếu với kẻ xâm lược để “dập tắt muôn đời chiến tranh”, kiến tạo nền hòa bình bền vững.
Mặc dù bị thất bại thảm hại trong cuộc xâm lược Đại Cồ Việt (thời nhà Lý đổi thành Đại Việt) lần thứ nhất, nhưng từ khi nhà Lý thay thế nhà Lê trị vì Đại Việt, nhà Tống lại nuôi ý đồ chuẩn bị chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Theo tính toán của họ, nếu giành được một thắng lợi ở phương Nam thì địa vị trong nước không những được củng cố, mà còn là lời cảnh báo đanh thép đối với hai nước Liêu, Hạ ở phương Bắc vẫn thường xuyên gây rối, quấy phá vùng biên ải.
Thực hiện mưu đồ đó và rút kinh nghiệm trong lần thất bại trước, nhà Tống âm thầm, cẩn trọng chuẩn bị cho cuộc chiến tranh xâm lược, từ tìm cách mua chuộc một số thổ tù miền núi nước ta đến việc dụ dỗ, lôi kéo hai nước Chăm-pa, Chân Lạp vào cuộc chiến; bí mật, gấp rút tuyển mộ binh lính và xây dựng các căn cứ hậu cần gần sát biên giới Đại Việt, v.v. Hiểu rõ những mưu đồ của địch, nhà Lý xây dựng kế sách bảo vệ giang sơn một cách chủ động, khôn khéo, kiên quyết; phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tiến hành đồng thời nhiều biện pháp, cách thức để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình; trong đó, kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao là nét nổi bật.
Một là, thực hiện kế sách hòa hiếu với bên ngoài để trì hoãn âm mưu xâm lược của đối phương. Kế thừa kinh nghiệm đối ngoại khéo léo, uyển chuyển của các đời vua Đinh, Lê trước đó, nhà Lý hết sức mềm dẻo duy trì, tìm mọi cách vun đắp, củng cố mối quan hệ ngoại giao thân thiện với nhà Tống, nhằm tranh thủ thời gian hòa bình để xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ sự vẹn toàn của quốc gia, dân tộc. Nhận rõ âm mưu xâm lược của ngoại bang, ngay từ khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã cử hai viên quan ngoại bang (quan làm công tác đối ngoại) là Lương Nhậm Văn và Lê Tái Nghiêm sang nhà Tống biếu sản vật địa phương nhằm kết nối giao hảo. Trước sự chủ động của nhà Lý, các quần thần nhà Tống khuyên vua Tống Chân Tông không nên nhận lễ vật của Đại Việt, nhưng do sự khéo léo và vì không có cớ gì để từ chối nên vua Tống buộc phải nhận và tiến hành bang giao. Đồng thời, cử sứ giả sang sắc phong Lý Công Uẩn làm Giao Chỉ quận vương, Tĩnh Hải quân tiết độ sứ. Nhờ chính sách ngoại giao mềm dẻo, với tinh thần hòa hiếu, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, nhà Lý đã ứng xử khôn khéo, linh hoạt, hiệu quả trước những thách thức và sức ép bành trướng xâm lược nên quan hệ ngoại giao hữu hảo giữa hai nước được duy trì hơn 50 năm. Vì thế, mặc dù đã chuẩn bị chu đáo, nhưng nhà Tống chưa dám tiến đánh Đại Việt, một mặt do chưa quên thất bại của cuộc chiến tranh xâm lược Đại Cồ Việt trước đó; mặt khác, do phương pháp kết giao mềm dẻo của các “vương” phương Nam khiến cho những kẻ hiếu chiến nhất trong triều đình không có cớ gì để phát động cuộc chiến. Bởi lẽ, với bất kỳ vương triều phong kiến phương Bắc nào khi có ý định thôn tính lân bang khác cũng đều có kẻ hiếu chiến thích dùng vũ lực, nhưng cũng có người ôn hòa chỉ muốn hòa nghị để nô dịch dân tộc khác, còn binh sĩ thì chán nản không muốn tới một chiến trường xa xôi, hiểm trở, nơi “rừng thiêng, nước độc”. Như vậy, hòa hiếu chính là phương sách hữu hiệu, “không cần tốn một mũi tên, ngọn giáo” để phân hóa kẻ thù, kéo dài thời gian hòa bình, tập trung dựng xây đất nước vững mạnh.
Nắm rõ nội tình của các triều đại phong kiến phương Bắc, các triều vua nhà Lý luôn lấy mục đích “thái bình cho muôn dân” mà giao hảo, ứng xử mềm dẻo, thân thiện với nhà Tống trên danh nghĩa “nước nhỏ thuần phục nước lớn”, bên ngoài danh nghĩa là “vương” nhưng bên trong thực chất là “đế”, mà câu thơ “Nam quốc sơn hà nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” trong bài thơ thần bất hủ “Nam quốc sơn hà” đã nói lên điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 1010 đến 1073, có đến 23 đoàn sứ giả Đại Việt sang Tống đưa cống phẩm vật để thực thi chính sách kết giao, hòa hiếu. Và như trở thành thông lệ, mỗi khi vua Đại Việt mất, nhà Tống đều cử sứ giả sang phúng viếng và tiếp tục sắc phong vua mới lên ngôi. Như vậy, việc thiết lập mối quan hệ bang giao với nước Tống trong chừng mực nào đó đã gián tiếp khẳng định tính chính danh của vương triều Lý và sự tồn tại độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Việt. Đó không phải là sự nhu nhược mà là tổng thể các biện pháp ngoại giao khôn khéo, vừa mềm dẻo, uyển chuyển, nhưng cũng rất quyết liệt, mạnh mẽ, không khoan nhượng và là kế sách hòa hiếu “giữ yên biên thùy” có từ ngàn đời của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.
Hai là, ngăn chặn chiến tranh xâm lược của địch từ sớm, từ xa bằng cuộc tập kích chiến lược “tiên phát chế nhân”. Mặc dù xây dựng được mối bang giao tốt đẹp với các nước lân bang, nhưng nhà nước Đại Việt không chỉ trông chờ vào điều đó, mà luôn chủ động đối phó với nạn ngoại xâm một cách kiên quyết. Khi bắt buộc phải tiến hành chiến tranh để “giữ yên bờ cõi”, nhà Lý đã hết sức chủ động với phương châm chiến lược: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”, nhằm làm giảm thiểu sức mạnh, nhuệ khí, ý chí và hành động xâm lược của địch, tạo tiền đề cho việc giành thắng lợi trong chiến tranh. Thấy rõ mưu đồ nhà Tống lăm le, ráo riết chuẩn bị xâm lược Đại Việt, trong cuộc họp bàn cách đánh giặc của Hội đồng cơ mật triều đình, Lý Thường Kiệt chủ trương: để giành thế chủ động, trước hết phải phá tan các căn cứ xuất phát tiến công xâm lược của địch ở biên giới, sau đó quay về phòng thủ đất nước. Được triều đình tán thành, sau khi củng cố lại lực lượng và lập phương án ngăn ngừa phản trắc ở phương Nam, Lý Thường Kiệt tổ chức một cuộc tập kích chiến lược, nhằm vào hệ thống thành trì nơi cung cấp nhân lực, lương thực, khí giới, phá tan các căn cứ hậu cần và nơi trú quân của địch gần biên giới - bàn đạp của cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt. Thực hiện ý định trên, Lý Thường Kiệt thống lĩnh hơn 10 vạn quân tinh nhuệ, bất ngờ mở cuộc tiến công bằng cả đường thủy và đường bộ sang phía Nam đất Tống, nhanh chóng tiêu diệt các đồn, trại của giặc, triệt phá các căn cứ quân sự, hậu cần quan trọng ở dọc biên giới từ cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu cho tới thành Ung Châu. Với tư tưởng chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo, quân Đại Việt đã giành thắng lợi lớn, buộc địch phải bị động, lúng túng đối phó, tạo tiền đề cho thắng lợi toàn cục của cuộc chiến tranh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước. Đây là cuộc tiến công mang tính chất tự vệ tích cực trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Bằng cuộc tiến công táo bạo đó, Lý Thường Kiệt đã đẩy kẻ thù vào thế bị động chiến lược, khiến cuộc hành binh sau đó của chúng chậm trễ vì gặp nhiều khó khăn, vừa tiến quân vừa run sợ, ta có thời gian để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến, sẵn sàng đánh bại quân xâm lược. Đòn “dĩ công vi thủ” vô cùng hiệu quả này đã thể hiện nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tuy là đòn tiến công quân sự nhưng mang ý nghĩa ngoại giao to lớn: dùng sức mạnh quân sự cảnh cáo quân xâm lược Tống và chặn đứng ý đồ đen tối của vua quan nước Chăm-pa ở phương Nam lăm le “theo đóm ăn tàn”.
Ba là, đánh thắng địch trên phòng tuyến và giành lợi thế trên bàn thương lượng hòa bình. Sau khi phá tan các căn cứ quân sự, hậu cần của địch, Lý Thường Kiệt rút quân về, dựa vào phòng tuyến sông Như Nguyệt được xây dựng trước đó để phá tan 10 vạn quân Tống xâm lược. Thực tiễn cuộc kháng chiến cho thấy, sau đòn phản công xuất sắc trên phòng tuyến sông Như Nguyệt đánh vào lực lượng chủ yếu của giặc, nhất là trong cuộc tiến công đánh tan đạo quân của Triệu Tiết, làm cho chúng “mười phần chết năm, sáu”, về cơ bản đã dập tắt ý chí xâm lược của quân Tống. Nhờ đó, ta đẩy địch ở vào tình thế “vô cùng nguy khốn”, “rối ren”, lương cạn, quân số dần hao mòn, thời tiết khắc nghiệt khiến cho quân Tống ngày càng “sức cùng, lực kiệt”. Chỉ trong thời gian ngắn, với nghệ thuật quân sự độc đáo, nhà Lý đã khiến cho quân Tống “tiến thoái lưỡng nan”, không thể tập trung lực lượng để chọc thủng phòng tuyến Như Nguyệt tiến về thành Thăng Long, mà rút lui thì lại mất thể diện và mang “trọng tội với thiên triều”.
Nắm chắc tình hình mọi mặt, nhất là thấy rõ “tình cảnh éo le” của đối phương, Đại Việt có thể mở một cuộc tiến công lớn để kết thúc chiến tranh, song bằng nhãn quan chiến lược, Lý Thường Kiệt quyết định mở cuộc đàm phán giảng hòa với mục đích cao cả “không nhọc tướng tá, khỏi tốn xương máu và bảo an được tôn miếu”. Là một nước nhỏ phải đương đầu với nước lớn để bảo vệ nền độc lập dân tộc, Đại Việt không bao giờ chỉ dựa vào vũ lực để giành chiến thắng triệt để, tiêu diệt hoàn toàn đối phương; mọi hoạt động quân sự diễn ra đều chỉ nhằm đạt đến mục đích đẩy quân xâm lược vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, không còn sự lựa chọn nào khác là phải chấp nhận ngừng chiến, lui quân. Như vậy, việc chủ động giảng hòa của nhà Lý đã mở “lối thoát” để cho quân Tống rút lui “trong danh dự”, thực hiện tư tưởng nếu địch chịu lui quân thì ta sẵn sàng “trải chiếu tiễn đưa”, đây như là “phao cứu sinh” cho chủ tướng Quách Quỳ; đồng thời, tránh được họa binh đao giữa hai nước, kiến tạo nền hòa bình bền vững. Vì thế, chủ tướng giặc là Quách Quỳ đang khiếp nhược trước đòn đánh của quân ta, liền vội vã vớ lấy cơ hội “ngàn năm có một” ấy để rút quân về nước. Thế nhưng, để vớt vát lấy chút thể diện, hắn đòi vua Lý sau này phải sang Tống dâng biểu tạ lỗi. Nghe tin thất trận, vua Tống ức lắm, định tiếp tục tăng viện để kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt, nhưng “lực bất tòng tâm”, vả lại hoạt động ngoại giao của ta đã vạch rõ cho triều đình nhà Tống thấy việc bãi binh là “khôn ngoan” hơn cả và là sự lựa chọn “duy nhất đúng” vào thời điểm đó. Không đánh thì tức, mà muốn đánh cũng khó, triều đình nhà Tống đành tự an ủi rằng: đất Đại Việt chỉ là chốn cùng hải, tận sơn, đầy thú ác, khí độc,… nếu có chiếm được thì cũng chả ích gì. Phát huy những thắng lợi vẻ vang đó, sau khi kết thúc chiến tranh, bằng những hoạt động ngoại giao hết sức chủ động, vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết, Đại Việt đã buộc nhà Tống phải trả lại những vùng đất đã chiếm trước đây, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ yên biên thùy.
Với nghệ thuật kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình bền vững, nhà Lý đã giữ vững chủ quyền của dân tộc và mối quan hệ cùng tồn tại qua nhiều thế hệ với lân bang, nhất là với nước Tống hùng mạnh. Đây thực sự là kinh nghiệm quý cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
HÀ THÀNH - VŨ TRANG