Trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966, tuy ta sử dụng lực lượng ở quy mô nhỏ, địa bàn sát các căn cứ lớn của địch, nhưng với nghệ thuật vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo, nên đạt hiệu suất chiến đấu cao. Thắng lợi của Chiến dịch mở ra khả năng chủ lực ta có thể đánh thiệt hại nặng và đánh tiêu diệt từng tiểu đoàn quân Mỹ, củng cố vững chắc quyết tâm dám đánh và đánh thắng đế quốc Mỹ trong giai đoạn cách mạng mới.
Bước sang năm 1966, thực hiện ý đồ mở cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất trên toàn chiến trường, ở địa bàn Khu 5, địch huy động lớn lực lượng, phương tiện, được sự chi viện mạnh của hỏa lực không quân, pháo binh, tiến công theo 03 hướng: Bắc Bình Định (chủ yếu), Nam Quảng Ngãi và Bắc Phú Yên. Trên hướng tiến công Nam Quảng Ngãi, địch mở cuộc hành quân mang tên “Diều hâu đôi”, sử dụng 05 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, 08 tiểu đoàn chủ lực quân ngụy và sự chi viện của 01 tàu hàng không mẫu hạm, 02 tàu khu trục hạm, 04 tàu đổ bộ, xe tăng, xe bọc thép, kết hợp đổ bộ đường biển, đường không và tiến công đường bộ càn quét Đức Phổ, Đông Ba Tơ,… nhằm “tìm diệt” các đơn vị chủ lực của ta.
Về ta, quán triệt Nghị quyết số 12 (tháng 12/1965) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đề ra nhiệm vụ cho các lực lượng vũ trang “Ra sức tiến công và phản công địch, kiên quyết tiêu diệt quân Mỹ và ngụy, đánh bại kế hoạch phản công chiến lược của chúng, giữ vững, mở rộng và xây dựng căn cứ địa vùng rừng núi, đồng bằng, phát triển lực lượng cách mạng”1. Trong khi quân chủ lực cơ động của địch đang bị giam chân ở Nam Quảng Ngãi, nhận thấy Tây Sơn Tịnh là hướng sơ hở, mỏng yếu nên Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch tiến công vào địa bàn quan trọng này nhằm tiêu diệt, tiêu hao bộ phận sinh lực quân Mỹ, làm tan rã lực lượng quan trọng chủ lực ngụy, góp phần đập tan kế hoạch phản công mùa khô lần thứ nhất, đánh bại âm mưu “tìm diệt” của địch; đồng thời, hỗ trợ phong trào quần chúng đấu tranh, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng; qua đó, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, tổ chức, chỉ huy hiệp đồng chiến đấu quy mô ngày càng lớn. Với quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược cùng nghệ thuật quân sự độc đáo, ta đã gây cho địch những tổn thất to lớn, giáng “đòn đích đáng” vào ý chí xâm lược và âm mưu “tìm diệt” của quân Mỹ. Qua thực tiễn Chiến dịch đã ghi nhận những tiến bộ vượt bậc của ta trong thực hành tác chiến chiến dịch với đối tượng là quân Mỹ; trong đó, nghệ thuật vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách đánh vào từng điều kiện cụ thể là nét nổi bật.
Thăm tượng đài chiến thắng Ba Gia – Sơn Tịnh. Ảnh: baotanglichsu.vn |
Một là, vận dụng sáng tạo nghệ thuật “khêu ngòi”, khéo lừa, dụ địch vào thế trận ta chuẩn bị sẵn. Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh diễn ra ở địa bàn chỉ cách căn cứ Chu Lai khoảng 20km, cách thị xã Quảng Ngãi khoảng 10km. Để “kéo” quân Mỹ ra khỏi căn cứ, ta vận dụng nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện”, lựa chọn mục tiêu “khêu ngòi” chính xác, khéo lừa dụ địch rơi vào thế trận ta chuẩn bị sẵn, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chủ yếu. Trên cơ sở nghiên cứu tình hình các mặt, ta sử dụng công binh của Trung đoàn 21 kết hợp với du kích đánh cắt giao thông Đường 1 (Nam núi Võ). Trong điều kiện địch đã dồn lực lượng đi càn quét ở phía Nam (Đức Phổ, Đông Ba Tơ), thì khu vực này là hướng sơ hở, mỏng yếu và là tuyến đường huyết mạch, nếu bị ta đánh cắt thì sẽ tác động mạnh đến việc vận chuyển lực lượng, hậu cần, kỹ thuật,… giữa các căn cứ lớn của địch. Đồng thời, đây là khu vực giáp ranh, phía sau là vùng giải phóng của ta, nên nếu ta chiếm được địa bàn này thì không những tỉnh Quảng Ngãi bị “cắt làm đôi” mà hai căn cứ quan trọng của địch là Chu Lai và thị xã Quảng Ngãi sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng. Khi bị ta “điểm trúng huyệt”, để khôi phục lại tuyến vận chuyển quan trọng này, địch ngay lập tức sử dụng lực lượng quân ngụy giải tỏa. Quyết tâm của Tư lệnh Chiến dịch là đánh quỵ quân ngụy, buộc địch phải sử dụng quân Mỹ ứng cứu, thực hiện ý định “kéo” bằng được quân Mỹ ra khỏi căn cứ để tiêu diệt. Vì vậy, ta tập trung lực lượng đánh thiệt hại nặng 01 đại đội quân ngụy từ Châu Ổ cơ động ra, bắn cháy nhiều xe và chặn đứng đoàn xe gần 100 chiếc cơ động từ thị xã Quảng Ngãi ra Chu Lai. Trước sự “bất lực” của quân ngụy, địch buộc phải sử dụng quân Mỹ kết hợp với lực lượng lớn quân ngụy ứng cứu, giải tỏa, rơi vào thế trận của ta đã bí mật bố trí sẵn ở Khánh Mỹ, Đông Giáp, Phước Bình. Nhờ vậy, chỉ trong hai ngày, bằng các trận đánh liên tục, gối đầu nhau, ta đã giáng cho địch những đòn chí mạng, tiêu diệt gọn 02 đại đội và đánh thiệt hại nặng 03 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, ý đồ “tìm diệt” của địch bị thất bại đau đớn.
Hai là, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật; kịp thời chuyển hóa thế trận, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Đây là chiến dịch ta trực tiếp tác chiến với quân Mỹ có sức mạnh về hỏa lực không quân, pháo binh, khả năng cơ động, ứng cứu, giải tỏa nhanh. Vì vậy, để giữ quyền chủ động, tập trung tiêu diệt địch ở khu vực trọng điểm đã xác định, ta vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, nhằm phát huy sở trường, cách đánh của từng lực lượng, kịp thời chuyển hóa thế trận, đánh thiệt hại nặng các tiểu đoàn quân Mỹ.
Để thực hiện trận đánh “khêu ngòi” Chiến dịch, ta đánh cắt giao thông ở đoạn đường huyết mạch, khu vực trọng yếu Nam núi Võ, buộc địch phải sử dụng lực lượng lớn liên tục ứng cứu, giải tỏa. Khi địch thực hiện các cuộc hành quân “tìm diệt”, ứng cứu, giải tỏa, bằng hình thức chiến thuật vận động tiến công, Trung đoàn bộ binh 21 đã chủ động chiến đấu tạo thế, chiếm Điểm cao 62 trước địch, dồn Tiểu đoàn 1 thủy quân lục chiến Mỹ vào thế trận bất lợi; liên tục tiến công, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Để cứu nguy cho Tiểu đoàn 1 thủy quân lục chiến Mỹ, địch điều Tiểu đoàn 2 thủy quân lục chiến ứng cứu, giải tỏa, ta đã kịp thời sử dụng Tiểu đoàn 33 ngăn chặn địch, Tiểu đoàn 90 vận động tiến công, thực hiện “bám thắt lưng địch mà đánh”, không cho chúng kịp phân tuyến; xung phong bằng nhiều hướng, mũi, giành thắng lợi. Để nâng cao hiệu quả tiêu diệt địch, căn cứ vào tình hình thực tiễn, ta vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật khác như: phục kích lực lượng địch cơ động bằng đường bộ từ Châu Ổ ra; tập kích tiêu diệt Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến Mỹ ở Phước Bình, Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 5 quân ngụy tại Lâm Lộc, Sơn Trung. Đặc biệt, Tiểu đoàn bộ binh 22 sau khi đánh xong Điểm cao G, vì trời sáng không cơ động về vị trí trú quân được nên đã chuyển sang phòng ngự ở làng Hòa Vinh dưới chân Điểm cao 62, đánh lui 05 lần xung phong của địch, giữ vững trận địa, tiêu diệt hơn 100 tên địch.
Khi địch sử dụng lớn lực lượng cả đổ bộ đường không và cơ động đường bộ để ứng cứu, giải tỏa, tình huống diễn biến mau lẹ, phức tạp; ta kịp thời chuyển hóa thế trận, giành và giữ quyền chủ động tiến công. Phát hiện địch huy động 04 tiểu đoàn quân Mỹ và 07 tiểu đoàn quân ngụy, thiết lập trận địa pháo binh ở dốc Sỏi để chuẩn bị hành quân giải tỏa, ta nhanh chóng điều chỉnh lại thế bố trí, điều Trung đoàn bộ binh 21 đến Nam Bình - Hòa Vinh, Trung đoàn bộ binh 1 đến Vĩnh Khánh - Phước Lộc và lệnh cho các đơn vị tập trung lực lượng chuẩn bị diệt quân Mỹ đổ bộ đường không ở khu vực trọng điểm Khánh Mỹ - Đông Giáp - Phước Bình. Trong trận tiến công địch ở Phước Bình của Trung đoàn bộ binh 1, sau khi chiếm được làng Phước Bình, đẩy địch ra khỏi làng, dồn vào khu vực cánh đồng, tuy nhiên lúc này trời gần tối, ta kịp thời điều chỉnh quyết tâm tác chiến, chuyển từ tiến công sang tập kích, tiêu diệt gần hết Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến Mỹ. Như vậy, nhờ kịp thời chuyển hóa thế trận, nên mặc dù địch huy động những đơn vị thiện chiến, tinh nhuệ nhất để ứng cứu, giải tỏa, nhưng đều rơi vào thế bất lợi, bị động, lúng túng đối phó, lần lượt bị ta tiêu diệt.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến của bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương và nổi dậy của quần chúng nhân dân tạo thế đánh địch rộng khắp. Trong Chiến dịch Tây Sơn Tịnh, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang ba thứ quân, cùng với tập trung “quả đấm mạnh” đánh những đòn quyết định, ta chủ trương sử dụng bộ đội địa phương, du kích trong địa bàn và nổi dậy của quần chúng nhân dân phối hợp tác chiến, tạo sức mạnh tổng hợp, tiến công địch rộng khắp, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó. Thực tiễn Chiến dịch cho thấy, khi địch huy động lực lượng lớn hành quân giải tỏa, kết hợp cơ động đường bộ và đổ bộ đường không, ta sử dụng lực lượng vũ trang địa phương cùng với du kích huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn đánh nhỏ, lẻ, ngăn chặn quân ngụy cơ động đường bộ trên Đường số 2, hướng Đại Lộc và An Điểm, chặn đứng ý đồ “tiến công hợp điểm” của địch, tạo thời cơ thuận lợi để lực lượng chủ lực Sư đoàn bộ binh 2 tập trung tiêu diệt quân Mỹ đổ bộ đường không ở Điểm cao 62 và Gò Cát.
Phối hợp chặt chẽ với hướng tiến công chủ yếu, trên hướng tiến công thứ yếu, Tiểu đoàn 83 của tỉnh Quảng Ngãi và Đại đội địa phương huyện Nghĩa Hành tiến công tiêu diệt 0l đại đội thuộc Trung đoàn 4 quân ngụy đóng ở Hành Thịnh, Tiểu đoàn 48 của Tỉnh diệt đại đội quân ngụy ở An Phong (xã Đức Chánh) và phối hợp với du kích đánh vào hội đồng xã, diệt 49 tên dân vệ, uy hiếp mạnh tinh thần của bọn tay sai, tề điệp. Trong Đợt 3, Tiểu đoàn 48 của Tỉnh cùng du kích tiến công địch ở Quán Hồng, cầu Măng Giang, xã Nghĩa Hiệp, thị trấn Đông Cát và Thu Xà, phá cầu Dập và cầu Giắt Dây, buộc địch phải phân tán lực lượng, hỏa lực đối phó trên các hướng.
Như vậy, hoạt động mạnh mẽ, liên tục, đều khắp của bộ đội địa phương và du kích trên các hướng đã thu hút, căng kéo lực lượng địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó một cách thụ động trên diện rộng, tạo thời cơ thuận lợi để chủ lực của ta liên tiếp giáng cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ những đòn đích đáng. Đồng thời, hoạt động tác chiến hiệu quả của Sư đoàn bộ binh 2 đã giam chân chủ lực địch trên hướng chủ yếu, để bộ đội địa phương tranh thủ đánh một số chốt, cứ điểm, phá thế kìm kẹp của địch và cùng với lực lượng đấu tranh chính trị phát động quần chúng nổi dậy mở rộng vùng giải phóng.
Thắng lợi của Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh thể hiện tinh thần quyết tâm dám đánh quân Mỹ và quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của địch. Những bài học kinh nghiệm quý được rút ra từ Chiến dịch, nhất là nghệ thuật vận dụng cách đánh cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tá, ThS. HOÀNG VĂN TOAN, Trường Sĩ quan Lục quân 1
________________
1 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam – Một số chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Tập 1, Nxb QĐND, H. 2018, tr. 280.