Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

8/19/2024 5:33:32 AM

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã lật đổ chế độ thực dân - phong kiến, đưa dân tộc ta bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi vang dội đó được hội tụ từ nhiều nhân tố khác nhau; trong đó, nghệ thuật chỉ đạo sáng suốt của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi là nét nổi bật.

Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu

Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, trước những biến chuyển mau lẹ và khó lường của tình hình, chỉ trong thời gian ngắn, Đảng ta đã tổ chức 02 hội nghị: Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11/1939) và Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11/1940), ra nghị quyết chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, xác định mục tiêu hàng đầu là giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập.

Thực hiện chủ trương trên, cách mạng Việt Nam từ năm 1941 đã đứng về phía Đồng minh chống phát xít, tổ chức và phát triển lực lượng rất nhanh chóng, rộng khắp trong cả nước, chuẩn bị điều kiện tiến lên giành thắng lợi quyết định khi thời cơ đến. Tháng 8/1945, thắng lợi vĩ đại của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc chống phát xít đã tác động mạnh mẽ đến cục diện thế giới, tạo ra những thuận lợi có tính chất “bước ngoặt” cho cách mạng nước ta. Bám sát thực tiễn, Đảng ta kịp thời chớp lấy cơ hội “ngàn năm có một”, phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại nhiều giá trị và bài học quý, góp phần bổ sung lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin; trong đó, nghệ thuật tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi có giá trị lý luận sâu sắc, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển sáng tạo vào thực tiễn cách mạng nước ta.

Một là, xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu, rộng khắp, sẵn sàng nổi dậy tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. Nhận thức rõ quần chúng nhân dân là yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng, ngay sau khi trở về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 ở Pác Bó (Cao Bằng), quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh), nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi tất cả các lực lượng, kể cả những tầng lớp trung gian trong xã hội, “liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”1.

Tháng 10/1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, thể hiện chủ trương cứu nước của Đảng: “Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Để cụ thể hóa chủ trương trên, chương trình của Việt Minh được tóm tắt thành “mười chính sách của Việt Minh” và phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Đây là lần đầu tiên Mặt trận Dân tộc Thống nhất trình bày công khai đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình. Nhờ đưa ra những chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp với nguyện vọng của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam, nên lực lượng cách mạng đã phát triển rầm rộ với sự ủng hộ mạnh mẽ, đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào các tổ chức đoàn thể do Việt Minh thành lập, như: Hội Phụ nữ cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Tự vệ cứu quốc, v.v. Bắt đầu từ Trung ương (Tổng bộ Việt Minh) đến các địa phương (làng, xã), từ miền núi đến đồng bằng, thành thị đến nông thôn, từ Bắc vào Nam, cả trong và ngoài nước,… tạo nên lực lượng cách mạng hùng hậu.

Để khởi nghĩa giành thắng lợi, Đảng ta chủ trương đưa quần chúng ra đấu tranh với các hình thức thích hợp nhằm tập dượt, rèn luyện nhân dân ngày càng có thêm nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. Theo đó, các cấp ủy đảng địa phương đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân trên các địa bàn, kể cả ở trung tâm kinh tế, chính trị như: đấu tranh của công nhân bến tàu Sài Gòn chống quân Nhật đánh đập; công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm đấu tranh đòi tăng lương, v.v. Như vậy, với sự chủ động từ sớm trong tập hợp và xây dựng lực lượng, dựa trên cơ sở liên minh công - nông, bằng nhiều cách tiến hành khác nhau, phù hợp với các đối tượng, thành phần trong xã hội, Đảng ta đã tập hợp được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thực lực cách mạng; đồng thời, đưa quần chúng nhân dân rèn luyện, tập dượt trong thực tiễn đấu tranh, tạo nhân tố bên trong quyết định, một trong những yếu tố quan trọng, đầu tiên của thời cơ tổng khởi nghĩa.

Hai là, đẩy mạnh phong trào thành lập lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa và chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Cùng với phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, Đảng ta chỉ đạo đẩy mạnh phong trào xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, bắt đầu từ vùng núi và trung du. Các Đội tự vệ Cứu quốc được thành lập ở những nơi có Hội Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Từ trong lực lượng Tự vệ Cứu quốc, tổ chức ra các Đội Tự vệ chiến đấu (còn gọi là tiểu tổ du kích) làm hạt nhân, được tổ chức chặt chẽ hơn, trang bị đầy đủ hơn và luyện tập bài bản hơn, làm nòng cốt cho nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng.

Cùng với xây dựng lực lượng, Đảng ta còn coi trọng việc xây dựng các khu căn cứ làm nơi đứng chân, xây dựng và củng cố lực lượng. Hai khu căn cứ đầu tiên được xây dựng là Cao Bằng do lãnh tụ Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo với hoạt động của Đội vũ trang Cao Bằng và khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai do Trung ương Đảng trực tiếp tổ chức. Cuối năm 1943, hai khu căn cứ này được nối liền, hình thành thế liên hoàn, vững chắc, tạo tiền đề cho sự ra đời Khu giải phóng Việt Bắc, gồm các tỉnh: Cao - Bắc - Lạng, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và vùng ngoại vi. Cùng với đó là sự ra đời của các chiến khu kháng Nhật, như: Trần Hưng Ðạo (Ðông Triều, Quảng Ninh), Quang Trung (Hòa Bình - Ninh Bình - Thanh Hóa), Vần - Hiền Lương (Phú Thọ - Yên Bái), Vĩnh Sơn, Núi Lớn (Quảng Ngãi), v.v. Nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng vũ trang và các căn cứ địa cách mạng, để có lực lượng chủ lực làm nòng cốt và chuẩn bị cho việc phát động chiến tranh du kích, ngày 22/12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Từ đây, cách mạng Việt Nam xuất hiện 03 hình thức tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (đội quân chủ lực), các đội vũ trang ở châu và các đội tự vệ nửa vũ trang ở xã, đánh dấu sự phát triển mới của lực lượng vũ trang cách mạng.

Ngày 15/5/1945, tại Định Biên Thượng (Chợ Chu, Thái Nguyên), lễ hợp nhất các lực lượng vũ trang cách mạng thành Việt Nam Giải phóng quân đã được tiến hành. Các đơn vị Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thống nhất lại thành lực lượng bộ đội chủ lực lấy tên là Việt Nam Giải phóng quân, tổng số gồm 13 đại đội. Nhờ chủ động, kịp thời, linh hoạt thành lập lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa rộng khắp ở các địa phương trong cả nước, Đảng ta đã tạo ra thời cơ cách mạng, tình thế cách mạng trực tiếp, để khi các yếu tố thuận lợi do diễn biến của tình hình thế giới tác động đến, phát động toàn dân nhất tề đứng dậy khởi nghĩa. Các đơn vị giải phóng quân, du kích quân từ căn cứ địa Việt Bắc đến các chiến khu tổ chức tiến công địch, mở đường cho quần chúng vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân.

Ba là, chớp thời cơ, phát động toàn dân vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Nhận thức rõ tính chất quyết định, ý nghĩa chiến lược của thời cơ khởi nghĩa, Đảng ta đã hành động kịp thời và kiên quyết trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, với sự chủ động, nhạy bén, tầm nhìn chiến lược, trước diễn biến không ngoài dự kiến đó, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”; trong đó, nêu rõ nhận định rất quan trọng: “Mặc dù tình hình chính trị khủng khoảng sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương hiện nay chưa thực chín muồi”2. Tháng 5/1945, trên chiến trường châu Âu, phát xít Đức bại trận; ở châu Á, quân Nhật buộc phải lui về thế phòng ngự chiến lược. Giữa lúc cao trào khởi nghĩa từng phần của nhân dân ta đang lan rộng thì trên thế giới nhiều sự kiện diễn ra dồn dập, liên quan đến triển vọng tình hình Đông Dương: Hội nghị Potsdam bàn vấn đề hậu chiến, trong đó có vấn đề quân Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật trên bán đảo Đông Dương; quân đội Liên xô tham chiến ở Viễn Đông, đánh tan đội quân Quan Đông của Nhật; Mỹ ném 02 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, v.v. Một vấn đề do tình thế đặt ra, số phận nước Việt Nam sẽ ra sao khi phát xít Nhật đầu hàng và bọn đế quốc mới - nhân danh Đồng minh và được pháp lý quốc tế công nhận sắp nhảy vào Đông Dương. Cách mạng Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lịch sử.

Sau khi phân tích, đánh giá và cân nhắc tình hình hết sức khoa học, Trung ương Đảng quyết tâm hành động với phương châm chiến lược: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới. Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”3. Giờ hành động đã đến, Ủy ban khởi nghĩa được thành lập và Lệnh Tổng khởi nghĩa được ban ra. Trong thư kêu gọi đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ”4. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 diễn ra và kết thúc nhanh gọn trên cả nước trong vòng 02 tuần lễ, trong bối cảnh cao trào chống Nhật, cứu nước đã lên đến đỉnh điểm, quân Nhật Bản đã thua trận, Chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa kết thúc, chính quyền tay sai Nhật Bản ở Đông Dương không còn chỗ dựa. Hai tuần lễ ngắn ngủi đó chính lại là khoảng thời gian quân đội Nhật trên bán đảo Đông Dương đầu hàng Đồng minh; quân Anh, Pháp, Tưởng chưa kịp kéo đến. Nếu cuộc Tổng khởi nghĩa của ta nổ ra sớm hơn, khi Nhật chưa đầu hàng, thì sẽ gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều tổn thất, còn nếu nổ ra muộn hơn, khi quân Anh (theo gót quân Anh là quân Pháp) và quân Tưởng đã nhảy vào nước ta, thì thời cơ thuận lợi nhất có thể đã trôi qua. Với chính quyền mới giành được, nhân dân ta có đủ cơ sở chính trị và pháp lý, trên cương vị chủ nhân của đất nước đón tiếp quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật và sẵn sàng đối phó với mọi mưu toan của các thế lực thù địch trên tư thế của một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Thắng lợi nhanh gọn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng hùng hồn cho bản lĩnh và tài nghệ lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang, trong đó nghệ thuật tạo và nắm vững thời cơ của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh là nét nổi bật. Đây thực sự là kinh nghiệm quý cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

HÀ THÀNH - VŨ TRANG
_________________
      

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 149.

2 - Sđd, tr. 365.

3 - Võ Nguyên Giáp – Từ nhân dân mà ra, Nxb QĐND, H. 1964, tr. 222.

4 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 418.