Nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch tiến công Bình Giã, Đông Xuân 1964 - 1965

12/4/2024 9:43:11 AM

Cách đây 60 năm, lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, Bộ Chỉ huy Miền tập trung lớn lực lượng chủ lực, mở chiến dịch tiến công Bình Giã và giành thắng lợi vang dội, tạo thế và lực mới cho ta trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là chiến dịch để lại nhiều bài học về nghệ thuật tác chiến chiến dịch; trong đó, tạo lập và chuyển hóa thế trận là nét nổi bật.

Năm 1964, trước sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam, buộc địch phải căng kéo đối phó, mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền tay sai ngày càng gay gắt, liên tục xảy ra các cuộc đảo chính quân sự. Trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ - ngụy vẫn ngoan cố thực hiện “Kế hoạch Mc Namara” hòng bình định miền Nam trong 03 năm, dùng ưu thế quân sự và mọi thủ đoạn thâm độc để đè bẹp phong trào cách mạng, ngăn chặn sự phát triển tác chiến tập trung của chủ lực ta. Thực hiện mưu đồ đó, trên địa bàn trọng yếu Bà Rịa, chúng thiết lập 04 chi khu quân sự (Đức Thạnh, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc), tăng cường lực lượng, phương tiện, ra sức xây dựng đồn, bốt, tích cực gom dân, lập ấp; trong đó, Bình Giã được cho là “ấp chiến lược kiểu mẫu”, được chúng tổ chức lực lượng riêng để bảo vệ, hòng nhân rộng ra toàn miền Nam.

Tượng đài chiến thắng Bình Giã. Ảnh minh họa

Về ta, thực hiện chủ trương của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam xác định, phải xây dựng được khối chủ lực mạnh, tổ chức tác chiến tập trung lớn, nhằm tiêu diệt từng bộ phận quân chủ lực ngụy, đánh bại chỗ dựa cơ bản của đế quốc Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, tạo cục diện mới cho cách mạng. Cụ thể hóa nhiệm vụ trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch tiến công Bình Giã trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, nhằm tiêu diệt bộ phận sinh lực, phá kế hoạch “bình định trọng điểm” của địch, hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy phá “ấp chiến lược”, đẩy mạnh chiến tranh du kích, mở rộng vùng giải phóng. Mặc dù là chiến dịch đầu tiên của bộ đội chủ lực Miền, phải cơ động chiến đấu ở địa bàn xa hậu phương, nhưng với quyết tâm chiến đấu cao và nghệ thuật quân sự độc đáo, lần đầu tiên ta tiêu diệt gọn chi đoàn thiết giáp được trang bị hỏa lực mạnh của địch, gây cho chúng những thiệt hại không thể ngờ tới. Thắng lợi quan trọng, đầu tiên này tạo bước ngoặt trong so sánh lực lượng và cục diện chiến trường có lợi cho ta, góp phần quan trọng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch, mở ra những điều kiện để tiến lên đánh bại các âm mưu chiến lược của Mỹ - ngụy; đồng thời, khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của chủ lực Quân giải phóng miền Nam, nhất là về nghệ thuật tác chiến chiến dịch, trong đó có nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận.

Một là, khéo nghi binh, lừa, dụ địch”, lập thế trận ban đầu vững chắc, hiểm hóc. Trong chiến dịch tiến công Bình Giã, để gây bất ngờ cho địch, thuận lợi cho ta bắt đầu và kết thúc chiến dịch vào nơi và thời điểm có lợi nhất, thực hiện các đòn đánh trúng, đánh hiểm, làm thất bại các biện pháp tác chiến của chúng, ta khôn khéo, vận dụng linh hoạt các mưu kế, “lừa, dụ địch” theo cách đánh của ta, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Theo đó, trước khi Chiến dịch diễn ra, để giữ bí mật, bất ngờ cho hướng chủ yếu và trận then chốt quyết định, ta sử dụng rộng rãi các biện pháp nghi binh nhằm đánh lạc hướng và buộc địch phải phân tán khối chủ lực cơ động đối phó trên diện rộng, để lộ nhiều sơ hở ở khu vực Đức Thạnh - Bình Giã. Thực hiện ý định trên, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo mở đợt hoạt động của bộ đội địa phương trên toàn chiến trường, thực hiện tập kích các “ấp chiến lược” xung quanh chi khu quân sự Hoài Đức, Long Điền, Đất Đỏ; phục kích đoàn xe địch trên Đường số 15; tập kích hỏa lực vào sân bay Biên Hòa nhằm hạn chế khả năng chi viện bằng không quân của địch, v.v. Nhờ những hoạt động nghi binh rộng khắp, xa địa bàn Chiến dịch nên ta đã đánh lạc hướng chú ý của địch, khiến chúng phán đoán sai ý định tiến công của ta, buộc phân tán lực lượng, hỏa lực để đối phó trên diện rộng, hoàn toàn bị động, nên trước khi ta nổ súng tiến công, hướng Đức Thạnh, Bình Giã trở thành nơi sơ hở, mỏng yếu. Tận dụng kết quả nghi binh, Trung đoàn 761 và Trung đoàn 762 bí mật hành quân vượt sông Đồng Nai, băng qua Quốc lộ 20 và Quốc lộ 1 vào chiếm lĩnh, triển khai đội hình tiến công, bảo đảm bí mật, an toàn, đúng kế hoạch, thời gian (Sở Chỉ huy Chiến dịch triển khai ở núi Nưa; Trung đoàn 761 ở Nam Xuân Sơn; Trung đoàn 762 ở Đông Nam núi Nghệ; lực lượng pháo binh ở Bắc Vạn Kiếp và Tây Bắc Đức Thạnh). Với thế bố trí này, ta tạo được thế trận ban đầu vững chắc, hiểm hóc, bí mật, bất ngờ, có thể đánh được địch rộng khắp trên toàn địa bàn Chiến dịch; đồng thời, tập trung được chủ lực trên khu vực tác chiến chủ yếu, cho phép chuyển hóa thế trận linh hoạt, sẵn sàng đánh bại ứng cứu, giải tỏa của địch bằng cả đường bộ và đổ bộ đường không trong quá trình tác chiến. Như vậy, với nghệ thuật nghi binh tài tình, ta đã tạo lập thế trận ban đầu vững chắc, căng địch ra trên nhiều hướng, tạo thế có lợi nhất cho ta, bất lợi nhất cho địch, bất ngờ tiến công trên hướng mà địch không ngờ tới, giành thế chủ động ngay từ đầu, khiến chúng “mạnh hóa yếu, nhiều hóa ít”, lúng túng, mất thế chủ động, đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, dẫn đến thất bại.

Hai là, kịp thời điều chỉnh lực lượng, đánh bại các biện pháp tác chiến của địch. Để hạn chế sức mạnh về lực lượng, hỏa lực và khả năng cơ động, đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” và “trực thăng vận” của địch, ta bám sát, nắm chắc tình hình mọi mặt, kịp thời điều chỉnh lực lượng, luôn giành và giữ quyền chủ động, thực hiện thắng lợi các trận then chốt chiến dịch. Bằng nghệ thuật “khêu ngòi” khéo léo, ta đã tạo ra áp lực ở Bình Giã ngày càng lớn, buộc địch ngay lập tức mở cuộc hành quân “Bình Tuy 33”, giải tỏa dọc Đường số 2 lên Bình Giã, Đức Thạnh. Tuy nhiên, lực lượng Chi đoàn 3 thuộc Thiết đoàn 1 của địch lại không đi vào trận địa phục kích ta đã bỗ trí sẵn ở Nam Núi Nghệ và Tây Đường 372, vì vậy ta bỏ lỡ thời cơ, để địch cơ động đến Đức Thạnh. Nắm chắc địch sẽ hành quân quay về, nên Trung đoàn 762 đã kịp thời điều chỉnh lực lượng, bổ sung quyết tâm chiến đấu, bố trí lại đội hình phục kích ở phía Đông Núi Nghệ, tạo nên thế trận vững chắc, hiểm hóc. Vì thế, khi địch quay trở về trong tâm thế chủ quan, mệt mỏi, đã lọt vào trận địa phục kích của ta, Trung đoàn nhanh chóng xuất kích, chặn đầu, khóa đuôi, bao vây, chia cắt, liên tục tiến công, khiến chúng hoàn toàn bất ngờ, bị thiệt hại nặng nề - trận then chốt thứ nhất của Chiến dịch giành thắng lợi. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, ta tiêu diệt gọn một chi đoàn thiết giáp của địch, gây tiếng vang lớn. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, khi hình thái địch có sự thay đổi, dựa trên thế trận ban đầu, ta đã chuyển hóa thế trận nhanh, từ bị động chuyển sang thế chủ động, sẵn sàng đánh địch khi thời cơ đến.

Cùng với đó, trong Đợt 2 của Chiến dịch, sau khi tiêu diệt Tiểu đoàn 33 biệt động quân của địch, với nhận định chúng sẽ tiếp tục tăng viện hòng chiếm lại bằng được “ấp chiến lược” Bình Giã, ta kịp thời điều chỉnh thế trận, Trung đoàn 761 di chuyển về bố trí ở Quảng Giáo (Nam Xuân Sơn), bổ sung phương án tác chiến cho các bộ phận, sẵn sàng đánh địch. Nhờ đó, tuy lực lượng, phương tiện của ta chỉ có hạn sau trận đánh tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 33 biệt động quân của địch, nhưng đã kịp thời, chủ động ở thế trận có lợi, khéo “lừa dụ” Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến vào sâu trong thế trận ta chuẩn bị sẵn để tiêu diệt gọn, bắt sống 08 tên, trong đó có 01 đại úy cố vấn Mỹ, khẳng định bước trưởng thành mạnh mẽ của bộ đội chủ lực Miền. Như vậy, mặc dù địch huy động những đơn vị thiện chiến, được sự chi viện mạnh của hỏa lực không quân, pháo binh để ứng cứu, giải tỏa cho Bình Giã, nhưng bằng nghệ thuật chuyển hóa thế trận kịp thời, linh hoạt, thực hiện thắng lợi các trận then chốt chiến dịch, bộ đội chủ lực Miền đã tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn tinh nhuệ của địch, làm “rung chuyển” chiến trường miền Nam.

Ba là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, xử lý hiệu quả các tình huống trong quá trình tác chiến. Thực hiện phương châm tác chiến “đánh điểm, diệt viện”, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chủ yếu, Bộ Tư lệnh Chiến dịch bám sát diễn biến chiến đấu, chỉ đạo các đơn vị vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu nhằm đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của địch ở quy mô chiến dịch, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Theo đó, để “kéo” địch ra ngoài căn cứ, bộc lộ lực lượng, phương tiện ngoài công sự, tạo thời cơ thuận lợi cho ta tiêu diệt gọn từng chi đoàn được trang bị hỏa lực mạnh, ta đã khéo nghi binh, lựa chọn mục tiêu “khêu ngòi” hợp lý; đồng thời, vận dụng hiệu quả chiến thuật tiến công địch trong công sự, liên tục gây áp lực ngày càng lớn lên “ấp chiến lược” Bình Giã, buộc địch phải sử dụng những đơn vị tinh nhuệ nhất, ứng cứu, giải tỏa, rơi vào thế trận đã được chuẩn bị sẵn của ta, bị thiệt hại nặng nề.

Để giải cứu cho “ấp chiến lược” Bình Giã, địch huy động lớn lực lượng, phương tiện, chi viện tối đa bằng hỏa lực không quân, pháo binh, tiến hành đồng thời cả cơ động đường bộ và khả năng ứng biến linh hoạt của đổ bộ đường không. Vì vậy, hình thái địch có tính biến động cao, tình huống chiến đấu diễn biến phức tạp, mau lẹ, đòi hỏi Bộ Tư lệnh Chiến dịch phải xử lý kịp thời, linh hoạt. Để giữ vững quyền chủ động tiến công, liên tục “phá thế địch”, “điều dụ” các đơn vị tinh nhuệ của chúng hành động theo cách đánh của ta, trong quá trình tác chiến, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, như: vận động tập kích, tiêu diệt gọn Chi đoàn thiết giáp 3; tiến công địch đổ bộ đường không vào Đông Nam ấp Bình Giã, tiêu diệt Tiểu đoàn 33 biệt động quân; phục kích tiêu diệt Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến, v.v. Cùng với đó, trong từng trận đánh, các thủ đoạn chiến đấu, như: bao vây, thọc sâu, chia cắt, sử dụng hỏa lực khống chế, buộc địch phải đổ bộ vào khu vực ta dự kiến được vận dụng rộng rãi. Để nâng cao hiệu quả tiêu diệt địch, các đơn vị luôn “bám thắt lưng địch mà đánh”, không cho chúng phân tuyến sử dụng hỏa lực sát thương ta,… góp phần phát huy cách đánh sở trường của các lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đánh bại các biện pháp tác chiến của địch.

Thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã góp phần quan trọng làm thất bại về cơ bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của chủ lực Quân Giải phóng miền Nam. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận, giành quyền chủ động trong tác chiến được rút ra từ Chiến dịch vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng và phát triển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

TS. TRẦN LỆNH AN, Trường Sĩ quan Lục quân 2