Nghệ thuật chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971

5/29/2023 8:11:23 AM

Trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, ta đã tiêu diệt lớn lực lượng địch, bẻ gãy và làm thất bại hoàn toàn cuộc hành quân với quy mô lớn nhất của quân đội Sài Gòn trong năm 1971, bảo vệ vững chắc các tuyến vận tải và cơ sở hậu cần chiến lược của ta. Thắng lợi của Chiến dịch là đòn giáng mạnh vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, để lại nhiều bài học quý, nhất là nghệ thuật chuyển hóa thế trận.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì bàn kế hoạch tác chiến, chuẩn bị Chiến dịch
Đường 9 - Nam Lào năm 1971 (Ảnh tư liệu). 

Đầu năm 1971, với mưu đồ đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ và quân đội Sài Gòn ráo riết mở các cuộc tiến công ra toàn cõi Đông Dương, sử dụng quân ngụy làm nòng cốt, dưới sự chi viện tối đa của hỏa lực Mỹ, tập trung đánh vào tuyến hành lang vận chuyển và khu vực hậu cần chiến lược của ta ở Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia. Thực hiện mưu đồ đó, cùng với đẩy mạnh “bình định” ở miền Nam, địch mở nhiều cuộc hành quân quy mô lớn; trong đó, cuộc hành quân “Lam Sơn 719” có quy mô lớn nhất, huy động lực lượng, phương tiện hùng hậu1, tiến công khu vực Đường 9 - Nam Lào, mưu đồ cắt đứt hoặc phá hủy hoàn toàn các tuyến vận tải và cơ sở hậu cần chiến lược của ta; cô lập chiến trường miền Nam, làm cho chủ lực của ta không thể mở các đợt tiến công lớn; đồng thời, kiểm nghiệm khả năng của quân đội Sài Gòn trong thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Nắm chắc tình hình và theo sát động thái của địch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, nhằm tiêu diệt lực lượng lớn quân địch, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân của chúng, giữ vững tuyến vận tải và các cơ sở hậu cần chiến lược của ta. Sau gần 02 tháng chiến đấu liên tục, với nghệ thuật quân sự độc đáo, ta đã giáng cho địch một đòn chí mạng, mở ra khả năng hoàn toàn đánh bại quân chủ lực tinh nhuệ nhất thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn. Đây là thắng lợi điển hình của chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, khắc họa những nét đặc sắc về nghệ thuật chuyển hóa thế trận.

Một là, tạo lập thế trận ban đầu bất ngờ, vững chắc, hiểm hóc, làm cơ sở để chuyển hóa thế trận trong quá trình tác chiến. Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào diễn ra ở địa bàn tác chiến rộng, ít dân, đối tượng tác chiến là lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến nhất của quân đội Sài Gòn với quân số đông, vũ khí, trang bị và phương tiện cơ động hiện đại, tiến hành tác chiến điện tử, nghi binh rộng rãi; được sự chi viện hỏa lực của không quân, pháo binh và một phần lực lượng Quân đội Mỹ. Vì vậy, để tác chiến phản công giành thắng lợi, ta cần phải xây dựng thế trận ban đầu bất ngờ, vững chắc, hiểm hóc, có thế đánh, thế giữ; thuận lợi cho cơ động lực lượng, phương tiện, chuyển hóa thế trận linh hoạt, kịp thời; luôn giữ vững quyền chủ động phản công, tạo ưu thế hơn hẳn địch ở không gian và vào thời điểm có tính quyết định để đánh bại cuộc hành quân của chúng.

Thực hiện ý định trên, Bộ Tổng Tham mưu chủ động xây dựng kế hoạch tác chiến, chỉ đạo việc tổ chức lực lượng và chuẩn bị chiến trường. Theo đó, ta thành lập Binh đoàn 70 - Binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược đầu tiên của Quân đội ta, gồm 03 Sư đoàn bộ binh: 304, 308, 320 và các đơn vị binh chủng. Nhờ có lực lượng cơ động mạnh, ta kịp thời điều chỉnh vị trí bố trí của các bộ phận, tạo thế trận ban đầu bất ngờ, hiểm sắc, đánh địch trên các hướng. Để tạo thế trận phản công, Bộ Tư lệnh Chiến dịch bố trí Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) được tăng cường pháo binh, pháo phòng không phối hợp với lực lượng tại chỗ, làm nhiệm vụ chốt chặn và tạo thế Chiến dịch ở cầu Cha Ki, Điểm cao 351, Cô Rốc,... nhằm ngăn chặn địch tiến công trên hướng chủ yếu theo Đường số 9 từ Lao Bảo đến Bản Đông. Trên hướng phản công chủ yếu (hướng Bắc Đường 9) ta bố trí Sư đoàn 308, Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320); trên hướng phản công thứ yếu (hướng Nam) bố trí Sư đoàn 324 (thiếu) và Sư đoàn 2 (thiếu) được tăng cường một bộ phận xe tăng, pháo binh, phòng không; hướng phản công phối hợp (hướng Tây) bố trí Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) ở Mường Phàn, Phà Lan. Đây thực sự là thế trận ban đầu hiểm, chắc, tạo thuận lợi cho lực lượng chủ lực cơ động của ta xuất hiện từ rất sớm, gây bất ngờ và tạo nên những đòn đột kích mạnh ở những vị trí quan trọng, tiêu diệt lớn lực lượng địch.

Để tạo thế trận vững chắc cho lực lượng tại chỗ, chiếm giữ các vị trí hiểm yếu, quan trọng, ta điều chỉnh lực lượng Mặt trận B5 và một số lực lượng của Quân khu Trị - Thiên (B4). Đoàn vận tải 559 được tổ chức thành lực lượng phòng không rộng khắp, tập trung vào các trọng điểm, điểm cao có giá trị chiến thuật (ở khu vực phía Bắc và Nam Đường 9), sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không. Cùng với các biện pháp tổ chức, bố trí, triển khai lực lượng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch kịp thời chỉ đạo bố trí thiết bị chiến trường, tạo thế có lợi cho ta, phá vỡ thế trận tiến công của địch. Đồng thời, ta mở thêm đường mới để lực lượng vận tải cơ giới đẩy mạnh vận chuyển vật chất; tổ chức xây dựng sẵn công sự, trận địa ở một số khu vực trọng điểm, như: Cu Bốc, Cu Rốc, các điểm cao: 660, 723; tổ chức chốt Chiến dịch ở khu vực Cầu Cha Ki, Điểm cao 351, để chặn đứng quân địch ở Bản Đông, không cho chúng tiến lên Sê Pôn.

Nhờ tạo lập thế trận bất ngờ, vững chắc, hiểm hóc, nên ngay từ đầu ta hình thành thế chặn, thế vây, thế cắt, thế kìm giữ, thế đánh địch rộng khắp, kịp thời chuyển hóa thế trận linh hoạt, tiêu diệt lớn lực lượng, phương tiện, buộc địch phải triển khai đội hình ở thế bất lợi, hạn chế khả năng phối hợp giữa các hướng tiến công, làm phá sản âm mưu “đánh nhanh, tiến nhanh” bằng ưu thế trực thăng vận và thiết xa vận của chúng.

Hai là, nắm chắc tình hình, kịp thời điều chỉnh, bổ sung quyết tâm chiến đấu, chủ động tiến công tiêu diệt địch. Đặc điểm của chiến dịch phản công là tổ chức đánh địch trong trạng thái chúng đang tiến công, nên cả ta và địch đều tìm mọi biện pháp để giành quyền chủ động, tính biến động rất cao, tình huống diễn biến mau lẹ, phức tạp, thậm chí ngoài dự kiến. Chính vì vậy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch phải luôn theo sát diễn biến chiến trường, nắm chắc tình hình mọi mặt, kịp thời điều chỉnh, bổ sung quyết tâm, kế hoạch tác chiến, nhằm giành quyền chủ động phản công, đánh bại mọi thủ đoạn, biện pháp tác chiến của địch.

Thực tiễn Chiến dịch cho thấy, trước khi tiến công, địch đẩy mạnh các hoạt động nghi binh ở Nam Khu 4. Tuy nhiên, do phát hiện kịp thời, ta đã kịp thời điều chỉnh quyết tâm chiến đấu, nhanh chóng cơ động, triển khai lực lượng, phương tiện, chuyển trọng tâm chuẩn bị vào khu vực Đường 9 - Nam Lào, sẵn sàng phản công đánh bại cuộc hành quân của chúng. Khi địch thực hành tiến công, nhận thấy lực lượng của ta ở phía Nam Đường 9 tương đối mỏng - chủ yếu là các đơn vị thuộc Đoàn 559, khả năng giữ vững các chốt và điểm tựa phòng ngự ở đây hạn chế, Bộ Tư lệnh Chiến dịch điều Sư đoàn 324 cơ động từ Đường số 12 tăng cường cho hướng Nam. Nhờ chuyển hóa thế trận kịp thời, các lực lượng ở hướng Nam nhanh chóng tiến công tiêu diệt gọn 01 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 01 tiểu đoàn khác thuộc Sư đoàn bộ binh 1 của địch, giữ vững thế trận phản công trên hướng này. Do liên tiếp hứng chịu những thất bại nặng nề, địch quyết định điều chỉnh kế hoạch, tổ chức lại lực lượng, đưa thê đội hai vào chiến đấu, nhưng vẫn không xoay chuyển được cục diện, buộc phải ngừng tiến công, chuyển dần sang phòng ngự ở Bản Đông, tập trung khai thông, giải tỏa Đường số 9 (đoạn Lao Bảo - Bản Đông). Nắm chắc những thay đổi về biện pháp tác chiến của địch, ta nhanh chóng điều chỉnh quyết tâm chiến đấu, tổ chức lực lượng bao vây, chia cắt, cô lập địch trên từng khu vực, hình thành thế trận phản công có lợi, tập trung lực lượng, bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, tiến hành trận then chốt Chiến dịch tiêu diệt lớn quân địch co cụm ở Bản Đông, buộc chúng phải rút bỏ cứ điểm quan trọng này. Nắm chắc diễn biến Chiến dịch, ta kịp thời bổ sung quyết tâm, tổ chức lực lượng, cơ động chặn đường rút và chuyển sang truy kích tiêu diệt địch, giành thắng lợi.

Ba là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, để đánh bại lực lượng lớn của địch, cùng nhiều thủ đoạn, biện pháp tác chiến, hạn chế điểm mạnh và khoét sâu điểm yếu của chúng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nắm chắc tình hình, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, kết hợp chặt chẽ các thủ đoạn chiến đấu, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng địch và địa hình, phát huy sở trường, cách đánh của từng lực lượng, thực hiện “đánh sâu, hiểm, rộng khắp”, kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Trên hướng phản công phía Đông, khi địch đang triển khai đội hình tiến công, các lực lượng của B5 tổ chức phục kích đường bộ, đường sông trên đoạn Bộng Kho - Đầu Mầu; tập kích bằng hỏa lực pháo binh vào các căn cứ hậu cần, sở chỉ huy của địch ở Sa Mưu, Đông Hà, Cửa Việt,... tiêu diệt nhiều sinh lực và phá hủy phương tiện chiến đấu, làm chậm tốc độ tiến quân của chúng, tạo điều kiện cho các hướng khác làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng phản công tiêu diệt địch. Trên hướng phản công chủ yếu, Trung đoàn 88 (Sư đoàn 308) bám sát địch, bất ngờ tập kích đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 21 biệt động quân của địch ở Điểm cao 316; Trung đoàn 64 vận động tiến công đánh thiệt hại Tiểu đoàn 6 dù ở điểm cao 456, diệt gọn 02 đại đội ngụy; Trung đoàn 102 bao vây tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 39 biệt động quân ở Điểm cao 500. Đặc biệt, Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) được tăng cường xe tăng, pháo binh, pháo cao xạ và công binh tổ chức vây lấn địch ở Điểm cao 543, sau đó đồng loạt tiến công, kết hợp đột phá với thọc sâu, chia cắt tiêu diệt Tiểu đoàn 3 dù, bắt sống chỉ huy cùng Bộ Tham mưu Lữ đoàn địch. Tại khu vực Bản Đông, nhờ chuẩn bị thế trận tốt, ta chặn đứng đội hình tiến công của địch, sử dụng lực lượng bao vây chặt, đánh cắt giao thông trên Đường số 9 (đoạn Lao Bảo - Bản Đông), kiên quyết không cho chúng phát triển lên Sê Pôn, bảo vệ được tuyến vận tải chiến lược của ta. Khi quân địch rút chạy khỏi Bản Đông, ta nhanh chóng chuyển từ bao vây sang truy kích tiêu diệt địch. Như vậy, nhờ chủ động lựa chọn các hình thức chiến thuật, kết hợp chặt chẽ với các biện pháp tác chiến, ta luôn giữ vững quyền chủ động phản công, kịp thời chuyển hóa thế trận, đẩy địch vào thế bị động, triển khai ở địa hình bất lợi, lúng túng đối phó, mất dần quyền chủ động tiến công, dẫn đến thất bại.

Những bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật chuyển hóa thế trận được rút ra từ Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào đi vào nghệ thuật quân sự Việt Nam như một trong những chiến dịch điển hình cần tiếp tục được nghiên cứu, phát triển, vận dụng sáng tạo vào chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. TRỊNH ĐỨC DUY, Trường Sĩ quan Lục quân 1
______________

1 - Gồm: 03 sư đoàn bộ binh, 01 liên đoàn biệt động quân, 02 thiết đoàn thiết giáp, 16 tiểu đoàn pháo binh, 700 máy bay các loại (có cả B-52); lực lượng tăng cường: 01 lữ đoàn thủy quân lục chiến, 01 trung đoàn bộ binh và một số đơn vị hỏa lực, v.v.