Công an nhân dân và Quân đội nhân dân là hai lực lượng vũ trang cách mạng trọng yếu của Đảng, Nhà nước, “là hai cánh tay của Nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính”1. Qua các thời kỳ cách mạng, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, Công an nhân dân và Quân đội nhân dân luôn kề vai, sát cánh, đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chiến đấu, lập nên những chiến công oanh liệt, cùng toàn dân đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân. Mối quan hệ phối hợp giữa hai lực lượng đã góp phần hun đúc nên truyền thống vẻ vang, để lại nhiều bài học quý, là sức mạnh và nhân tố quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ khi chính quyền cách mạng ra đời, Công an nhân dân đã cùng Quân đội nhân dân chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Công an nhân dân và Quân đội nhân dân luôn đoàn kết, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hiệp đồng chặt chẽ trong công tác, chiến đấu, bảo vệ an toàn các căn cứ địa cách mạng, các đồng chí lãnh đạo, cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ; làm trong sạch địa bàn, bảo vệ an toàn các trận địa, mục tiêu, cơ sở kinh tế, quốc phòng; bảo vệ bí mật, an toàn chuyển quân, vận chuyển lương thực, vũ khí; diệt ác, trừ gian, bắt và tiêu diệt hàng trăm toán thám báo, gián điệp biệt kích, chỉ điểm của địch; xây dựng lực lượng chính trị, phát động phong trào quần chúng; bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân,... góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc.
Đất nước thống nhất, Công an nhân dân và Quân đội nhân dân đã phối hợp làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; cùng nhau trao đổi, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan; tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta; đấu tranh làm thất bại chiến tranh tâm lý, xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở hai đầu đất nước; hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng.
Bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, quan hệ phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được nâng lên tầm cao mới. Nổi bật là, trước những diễn biến mới, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân đã phối hợp nắm chắc tình hình, giữ vững thế chủ động, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động xử lý có hiệu quả các tình huống, hóa giải kịp thời thách thức, biến động phức tạp của cục diện an ninh - chính trị thế giới và khu vực, không để bị động, bất ngờ, góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo và môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, hai lực lượng đã phối hợp nghiên cứu, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chiến lược, nghị quyết, kết luận, đề án quan trọng về quốc phòng, an ninh, như: Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược An ninh mạng quốc gia, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tình báo trong tình hình mới, v.v.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu tại Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2021 thực hiện Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Ảnh:bocongan.gov.vn |
Phối hợp bảo vệ an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng của đất nước, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách và hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương và triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Tích cực phối hợp tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo; phát huy hiệu quả hoạt động của nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia. Đặc biệt, thời gian qua, Công an nhân dân và Quân đội nhân dân luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu, cùng nhau phối hợp chặt chẽ trên mặt trận phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Lúc cao điểm, hai lực lượng đã huy động trên 230.000 cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội và Dân quân tự vệ tham gia ở tất cả các khâu trong phòng, chống dịch Covid-19, từ truy vết, khoanh vùng, chốt chặn, vận hành các khu cách ly tập trung, hỗ trợ tiêm vaccine, điều trị người bệnh,... các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ đời sống của nhân dân. Qua đó, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, người “Chiến sĩ Công an nhân dân” đi đầu trên mọi mặt trận tiếp tục tỏa sáng, được nhân dân tin yêu, cảm phục và đánh giá cao.
Những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực còn nhiều diễn biến mới, phức tạp. Hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ, sắc tộc, tôn giáo diễn ra gay gắt. Bên cạnh an ninh truyền thống, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như: khủng bố, an ninh mạng, an ninh môi trường, thiên tai, dịch bệnh,... tiếp tục là thách thức lớn đối với an ninh quốc gia của các nước, trong đó có Việt Nam. Tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự báo, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định của khu vực và môi trường đầu tư phát triển. Âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn nhiều tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, nhất là vấn đề sức khỏe, đời sống và việc làm của người dân; làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội cần tập trung giải quyết.
Tình hình trên đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân cần tiếp tục tăng cường sức mạnh đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ hơn nữa để hoàn thành xuất sắc mục tiêu: “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương,…” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục phối hợp cụ thể hóa và tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ các chiến lược, nghị quyết, kết luận, đề án quan trọng của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, nhất là các giải pháp để “chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi”, “bảo vệ biên giới quốc gia”, “bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng”, “bảo vệ an ninh con người”. Phối hợp đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; rà soát, tham mưu bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh và liên quan đến quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Hai là, coi trọng công tác phối hợp nắm tình hình, trao đổi và kiểm tra xác minh thông tin; nhận định, đánh giá, dự báo sớm tình hình; nhận diện rõ các nguy cơ, mối đe dọa đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách, biện pháp có tính chiến lược về bảo đảm quốc phòng, an ninh. Luôn sẵn sàng các giải pháp tổng thể, các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Ba là, phối hợp tham mưu, tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh theo đúng phương châm: “phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên” trong mọi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tham mưu giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, xung đột xã hội, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, môi trường, thực hiện chế độ chính sách, quan hệ lao động, không để phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, xung kích tuyến đầu trên mặt trận phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; tích cực tham gia thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội, an dân, phục hồi và phát triển toàn diện các mặt của đời sống xã hội; làm sâu sắc hơn, tỏa sáng hơn phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, người “Chiến sĩ Công an nhân dân” trong thời kỳ mới.
Bốn là, thường xuyên phối hợp rà soát, bổ sung, điều chỉnh và tổ chức huấn luyện, diễn tập, triển khai thực hiện hiệu quả các phương án, kế hoạch xử lý tình huống về quốc phòng, an ninh, bảo vệ an toàn trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền và các mục tiêu trọng điểm. Nội dung phương án, kế hoạch phải chi tiết, cụ thể, sát hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn địa bàn và dự kiến được các tình huống xảy ra; phân công rõ nhiệm vụ của từng lực lượng, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thành phần, lực lượng tham gia; công tác chỉ huy, chỉ đạo, điều hành, tổ chức hiệp đồng và công tác bảo đảm theo đúng phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, địa phương; hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đoàn khách, hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam.
Năm là, tăng cường phối hợp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và số cơ hội chính trị, chống đối cực đoan trong nội địa, đặc biệt là đối với các âm mưu, hoạt động tình báo, gián điệp, tác động chuyển hóa nội bộ, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động tụ tập đông người trái pháp luật, biểu tình gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn, phá hoại, khủng bố và hoạt động nhằm “ly khai”, “tự trị” tại các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tội phạm, lấy “chủ động phòng ngừa” từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa và tích cực phối hợp đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, nhất là trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia; tội phạm lợi dụng thiên tai, dịch bệnh; tội phạm về ma túy; tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tội phạm mua bán người, v.v. Làm tốt công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới; quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; quản lý người nước ngoài tại Việt Nam; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Sáu là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và Quân đội nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung và trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa hai lực lượng. Phối hợp cụ thể hóa và thực hiện thắng lợi mục tiêu “xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng lực lượng tiến thẳng lên hiện đại,... tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”2. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ lực lượng vũ trang; chủ động thông tin, tuyên truyền định hướng về mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân; kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm hạ uy tín, chia rẽ lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang.
Đại tướng, GS, TS. TÔ LÂM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
____________________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 153.
2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 158.