Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và những thành tựu to lớn qua 35 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội đã, đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, xứng tầm khu vực và thế giới.
Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục,… và giao dịch quốc tế. Trong lịch sử xây dựng, bảo vệ Thủ đô, nhất là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã đoàn kết vùng lên chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho toàn quốc kháng chiến. Hình tượng quân và dân Thủ đô bám trụ chiến đấu dũng cảm, kiên cường với những cảm tử quân ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch; những trận đánh mưu trí, sáng tạo, hiệu quả tại chợ Đồng Xuân, thị xã Hà Đông, sân bay Bạch Mai, Gia Lâm,… góp phần quan trọng kìm chân địch, tạo thuận lợi cho các cơ quan đầu não của ta di chuyển lên căn cứ địa an toàn. Đó cũng là cơ sở, tiền đề để sau chín năm kháng chiến, quân và dân Hà Nội phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực hình thành những đoàn quân hùng dũng qua năm cửa ô tiến vào giải phóng, tiếp quản Thủ đô, viết nên trang sử hào hùng, bất tử.
Phát huy truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” trong kháng chiến chống Pháp, Hà Nội tiếp tục cùng các tỉnh của hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh Mỹ; cùng lực lượng Phòng không quốc gia chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ, bảo vệ vững chắc bầu trời Hà Nội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, đặc biệt là sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII và khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, 13 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ,… của quốc gia. Hệ thống chính trị các cấp thường xuyên được kiện toàn, xây dựng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, quản lý xã hội; trong đó, tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm của hệ thống tổ chức đảng trở thành nét tiêu biểu của Thủ đô những năm gần đây. Kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài thường xuyên dẫn đầu cả nước (năm 2019 đạt 8,05 tỉ USD, cao nhất trong 35 năm đổi mới và hội nhập). An sinh xã hội được đảm bảo, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015. Diện mạo Thủ đô có nhiều khởi sắc, nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, môi trường, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ,… phát triển mạnh mẽ; quốc phòng, an ninh thường xuyên được tăng cường, khu vực phòng thủ được củng cố ngày càng vững chắc; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế với thủ đô, thành phố của các nước ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu; uy tín, vị thế của Thủ đô không ngừng được nâng cao, xứng đáng là trung tâm ngoại giao của đất nước. Hiện nay, Hà Nội quan hệ, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước; trong đó có ký thỏa thuận hợp tác với hơn 60 thủ đô, thành phố trên thế giới; quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bên cạnh thành tựu đạt đươc, nhiều vấn đề phức tạp, vướng mắc nảy sinh trong quá trình phát triển Thủ đô chưa được giải quyết căn cơ; năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ngành, lĩnh vực,… chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, luôn phải đối mặt với các nguy cơ về thiên tai, sự cố, dịch bệnh và sự chống phá mạnh mẽ của các thế lực thù địch.
Quang cảnh Kỳ họpthứ hai Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI. Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ |
Trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo; các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là đại dịch Covid-19 đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải đoàn kết, thống nhất, quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại.
Tâm thế mới với khát vọng về một Hà Nội “Xanh - Thông minh - Hiện đại”.
Nói tới Hà Nội hôm nay, người dân và bạn bè quốc tế dễ hình dung về một Thủ đô có nhiều tiềm năng, hội tụ sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, truyền thống hào hùng, phẩm chất cao đẹp, với những chiến công và thành tích vang dội được bạn bè và các tổ chức quốc tế ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Đây là cơ hội thuận lợi khẳng định thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa, đưa Hà Nội thành “Thủ đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á - điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Nhận thức sâu sắc điều đó, cùng với tầm nhìn chiến lược, quyết tâm chính trị cao và khát vọng về một Hà Nội xứng tầm khu vực, thế giới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, GRDP/người/năm đạt trên 36.000 USD.
Định hình dáng vóc của một thành phố thông minh
Để khắc phục việc gia tăng dân số cơ học, quá tải về y tế, giáo dục, giao thông và giải quyết bất cập về tốc độ đô thị hóa, phát triển nhà ở, bảo đảm an ninh năng lượng, ô nhiễm môi trường,… Hà Nội chủ trương xây dựng thành phố thông minh, nhằm đáp ứng các yêu cầu quản trị của chính quyền đô thị và đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân, tạo ra những giá trị nhân văn cho cộng đồng. Đây là yêu cầu cấp thiết và là mục tiêu hướng tới của Thủ đô. Lộ trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2018 - 2020), hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh: cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu, chính quyền điện tử, các hệ thống thông minh trong những lĩnh vực: giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, môi trường và an ninh trật tự. Giai đoạn 2 (2020 - 2025), hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý, hình thành nền kinh tế số. Giai đoạn 3 (sau năm 2025), phát triển thành phố thông minh ở mức cao, mang đặc trưng của nền kinh tế tri thức.
Trong giai đoạn 1, Hà Nội đã tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển thương mại điện tử, tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng và phát triển hiện đại, an toàn; đột phá căn bản về công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung trên một hệ thống, gắn với mô hình chính quyền đô thị. Lần đầu tiên, thành phố triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và phần mềm “một cửa” điện tử dùng chung trên phạm vi chính quyền 3 cấp; hoàn thành tích hợp, kết nối 249/249 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hà Nội cũng tích cực ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo nên các thành tố xây dựng thành phố thông minh, trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống thông minh trong một số lĩnh vực “nóng”, như: giao thông, du lịch, y tế, môi trường. Đặc biệt, sự thành công của Hà Nội trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua có sự góp phần quan trọng của các nền tảng thông minh.
Cùng với đó, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Hà Nội được chú trọng, tạo nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét; đặc biệt là hệ thống hạ tầng đô thị, nhà ở thông minh, như: dự án The Manor, Mỹ Đình, An Khánh, Ciputra, Vinhome Riverside, RoyalCity, TimesCity,… góp phần quan trọng tạo dựng bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Thành phố đang đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với một số dự án lớn đang triển khai: Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, Khu đô thị thành phố thông minh,… từng bước phát triển thành một siêu đô thị thông minh dựa trên nền tảng công nghệ mới, con người văn hóa, văn minh, hiện đại. Thời gian tới, Hà Nội đặt trọng tâm vào hai vấn đề lớn là phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh (chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông thông minh,…) và hình thành lớp cư dân thông minh, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thành phố thông minh, hiện đại.
Chung sức, đồng lòng phát triển Thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại
Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, trước mắt, Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả 10 chương trình công tác lớn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiến hành các biện pháp thực hiện thành công việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn. Tranh thủ thời cơ từ hội nhập quốc tế, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ chế, chính sách để khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển Thủ đô; trong đó, chú trọng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Trong công tác quản trị xã hội phải đạt hiệu quả thiết thực; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế. Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, nghìn năm văn hiến và anh hùng, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thượng tôn pháp luật, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội; tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển và luôn coi đó là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, đảm bảo kỷ cương, văn minh đô thị. Tập trung quán triệt, đột phá triển khai thực hiện hiệu quả 02 trong 10 chương trình công tác lớn của Thành phố: Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” và Chương trình số 05-CTr/TU về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, góp phần phát triển Thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại. Tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và Thành phố, các sự kiện chính trị trọng đại của quốc gia, quốc tế. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, giao lưu nhân dân; chủ động hội nhập, nâng tầm của Thủ đô trong khu vực và quốc tế.
Với quyết tâm chính trị cao và lộ trình khoa học, cách làm bài bản, chắc chắn, cùng những bước đi thận trọng, Hà Nội sẽ phát triển xứng tầm, góp phần cùng cả nước hoàn thành khát vọng Việt Nam hùng cường, vươn lên sánh vai với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã di nguyện: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”1.
ĐINH TIẾN DŨNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội
_______________
1 - Báo Nhân dân, số 236, xuất bản 09 - 10/10/1954.