Tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn

5/15/2019 1:55:55 PM

Cách đây 60 năm, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (sau gọi là Đoàn 559) có nhiệm vụ mở đường xuyên dãy Trường Sơn vào Nam và từ đây Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển, trở thành mạch máu giao thông chiến lược, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nhân kỷ niệm 60 năm sự kiện quan trọng này, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia: “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc”. Đây là Hội thảo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn; là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại trang sử hào hùng, oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Qua đó, chúng ta thấy rõ hơn tầm vóc, giá trị lịch sử của đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - tuyến chi viện chiến lược huyền thoại, kỳ tích vĩ đại của dân tộc ta, con đường nối liền Nam - Bắc; con đường của khát vọng cháy bỏng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; biểu tượng của sức mạnh tinh thần và trí tuệ Việt Nam, của ý chí quyết chiến, quyết thắng và lòng dũng cảm, quyết tâm sắt đá “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đồng thời, là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết chiến đấu, gắn bó keo sơn của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Đây còn là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tri ân công lao, sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong và đồng bào các dân tộc trên tuyến đường Trường Sơn đã không tiếc tuổi thanh xuân, mồ hôi, xương máu để chiến đấu, xây dựng, bảo vệ, giữ vững mạch máu giao thông chiến lược này. Đặc biệt, qua Hội thảo chúng ta tiếp tục khẳng định, làm rõ hơn, sâu sắc hơn tầm nhìn chiến lược sâu rộng, sự lãnh đạo, chỉ đạo sắc sảo, đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khi quyết định mở đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên bộ.

Quân đội ta hành quân trên đường Trường Sơn trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Ảnh tư liệu

Ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới tạm thời chia cắt hai miền Nam – Bắc. Miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, ra sức đàn áp, khủng bố, thực hiện các chiến dịch “tố cộng - diệt cộng”, đặt cách mạng miền Nam trước muôn vàn khó khăn. Trước tình hình đó, tháng 1 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) họp ra Nghị quyết 15, quyết định chuyển hướng cách mạng miền Nam, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Nghị quyết chỉ rõ: “Con đường phát triển của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”.

Thực hiện Nghị quyết 15, cách mạng miền Nam đã đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang; chuyển thế từ bị truy lùng ráo riết sang chủ động tiến công địch cả về chính trị, quân sự. Để kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường, quyết tâm giành cho được độc lập, tự do, thống nhất đất nước, ngày 19-5-1959, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn công tác Quân sự đặc biệt (sau là Đoàn 559), xây dựng tuyến chi viện chiến lược trên bộ, cùng song hành với Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là một quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, hết sức đúng đắn, táo bạo, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quá trình xây dựng, phát triển con đường chiến lược Trường Sơn trải qua nhiều giai đoạn, gắn liền với các thời kỳ phát triển của cách mang miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân và dân ta đã vượt lên mưa bom, bão đạn, nắng núi, mưa rừng để phát tuyến, mở đường, đưa lực lượng, vũ khí vào chiến trường. Từ những “lối mòn” buổi khởi đầu, với phương thức vận chuyển chủ yếu là thô sơ, gùi thồ, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã phát triển thành hệ thống đường liên hoàn kéo dài hàng nghìn ki-lô-mét, một “trận đồ  bát quái xuyên rừng rậm”, với nhiều phương thức vận tải, vươn tới khắp các hướng chiến trường, mở ra con đường chiến thắng cho cách mạng miền Nam.

Sau 16 năm (1959 - 1975), tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh được xây dựng gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở cả phía Đông và Tây Trường Sơn vào đến tận chiến trường Đông Nam Bộ, với gần 17.000 km đường cơ giới, trên 3.000 km đường giao liên, gần 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, hàng nghìn ki-lô-mét đường sông suối và đường dây thông tin tải ba kéo dài suốt dọc tuyến, trở thành huyết mạch nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Con đường huyền thoại này không chỉ là tuyến vận tải quân sự, tuyến hậu cần chiến lược mà còn là một chiến trường tổng hợp, mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch. Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã sớm phát hiện vai trò chiến lược vô cùng to lớn của hệ thống Đường Trường Sơn đối với cuộc kháng chiến của quân và dân ta ở miền Nam và sự thành bại của cuộc chiến tranh xâm lược của chúng, nên không từ một thủ đoạn nào để ngăn chặn, phá hoại. Chúng đã biến tuyến Đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh thành chiến trường thử nghiệm hàng loạt các chủ trương chiến lược, thủ đoạn chiến thuật, các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại nhất lúc bấy giờ, thực hiện “chiến lược ngăn chặn”, “chiến tranh bóp ngẹt”, nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, với tinh thần dũng cảm, thông minh, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta trên chiến trường Trường Sơn đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đánh bại mọi thủ đoạn chiến tranh ngăn chặn của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.. Dù mưa bom, bão đạn, mạch máu giao thông vẫn không ngừng chảy, sức người, sức của chi viện cho miền Nam vẫn ngày đêm ra tiền tuyến. Trong 16 năm, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển hơn một triệu tấn vũ khí, phương tiện, vật chất và hàng hóa; vận chuyển, bảo đảm hành quân cho hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào miền Nam chiến đấu và đưa hàng vạn thương binh ra miền Bắc, lập nên những kỳ tích vĩ đại, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Đường Trường Sơn ra đời xuất phát từ ý chí quyết tâm thống nhất nước nhà, ý đồ chiến lược sắc sảo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là cụ thể hóa đường lối chiến tranh nhân dân và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trực tiếp là tổ chức tuyến chi viện trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ cách mạng hai miền Nam - Bắc; thực hiện mục tiêu chi viện cho chiến trường, quyết tâm đánh thắng địch ở miền Nam, không cho chúng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, bảo vệ vững chắc hậu phương của cách mạng. Đồng thời, thể hiện nét độc đáo, tài thao lược của Đảng ta trong thực hiện chủ trương kháng chiến toàn dân, toàn diện, mỗi người dân là một chiến sĩ, cả nước cùng hướng về miền Nam thành đồng Tổ quốc. Từ thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta có thể thấy Trường Sơn là chiến trường lớn đã làm phân tán lực lượng Mỹ - ngụy Sài Gòn, hạn chế chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc và làm tăng thêm sức mạnh chiến đấu của quân và dân ta ở miền Nam. Nếu không có tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, chúng ta khó có thể mở được những chiến dịch với quy mô ngày càng lớn trên khắp chiến trường miền Nam và rút ngắn thời gian để có Đại thắng mùa Xuân 1975. Điều đó càng cho thấy tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn của tuyến đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và trên hết là nhãn quan chiến lược sáng suốt, đúng đắn của Đảng ta. Nếu như quyết định mở tuyến chi viện đường Trường Sơn là một sáng tạo chiến lược độc đáo của Đảng trong việc giải quyết vấn đề hết sức quan trọng của chiến tranh là vấn đề bảo đảm hậu cần, xây dựng hậu phương, thì sự chỉ đạo, điều hành xây dựng, phát triển, tổ chức hoạt động của các lực lượng trên chiến trường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh cho thấy sự linh hoạt, nhạy bén, một thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng.

Thời kỳ đầu, để giữ gìn lực lượng, Trung ương Đảng yêu cầu mọi hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn phải bảo đảm tuyệt đối bí mật; việc vận chuyển hoàn toàn thực hiện bằng gùi thồ. Đến đầu những năm 1960, cùng với chủ trương chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công để đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, yêu cầu chi viện chiến trường ngày càng lớn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo xây dựng, phát triển Đoàn 559 ngày càng mạnh để thực hiện nhiệm vụ của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời giải quyết những khó khăn, trở ngại hết sức gay gắt của tuyến chi viện chiến lược. Nhằm mở tuyến tăng cường chi viện cho chiến trường, cuối năm 1960, Đảng ta và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã thỏa thuận, thống nhất mở con đường chiến lược Tây Trường Sơn trên đất Bạn - biểu tượng minh chứng cho tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào. Cùng với quyết định “lật cánh” đường vận tải chiến lược từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, Đảng chỉ đạo đẩy mạnh việc xoi mở các đường trục ngang, đường sông, đường ống xăng dầu, xây dựng các tuyến “đường kín” đi đến các hướng chiến trường, tạo ra bước ngoặt quan trọng cho tuyến chi viện chiến lược này.

Trước nguy cơ phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ ồ ạt mở các cuộc phản công chiến lược ở miền Nam và sử dụng không quân “leo thang” đánh phá ra miền Bắc. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (khóa III) đề ra các chủ trương lớn để đánh thắng giặc Mỹ, trong đó chỉ rõ: Vấn đề mấu chốt là phải đảm bảo giao thông vận tải thông suốt trên những chặng đường chiến lược quan trọng. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải khắc phục mọi khó khăn để giữ vững những con đường chi viện cho miền Nam. Thực hiện phương hướng đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định tăng cường lực lượng cho Đoàn 559, tập trung hầu như tất cả các quân, binh chủng, với lực lượng lớn gồm: bộ binh, công binh, thông tin, phòng không, vận tải cơ giới, hậu cần, kỹ thuật,… và động viên lực lượng đông đảo dân công, thanh niên xung phong, với tổng quân số lúc cao nhất lên tới hơn 12 vạn người. Đồng thời, Đảng ta đã chỉ đạo vận dụng linh hoạt phương thức vận tải, nhanh chóng chuyển sang phương thức vận tải cơ giới, coi đây là hình thức chủ yếu; kết hợp chặt chẽ giữa vận chuyển và chiến đấu, tổ chức chiến đấu hiệp đồng binh chủng, chuyển từ phòng tránh sang chủ động tiến công, thực hiện phương châm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, tất cả phục vụ nhiệm vụ vận chuyển. Từ sự chỉ đạo của Đảng, trên tuyến đường Trường Sơn, Đoàn 559 tổ chức thành 5 bộ tư lệnh khu vực và hệ thống các binh trạm, các sư đoàn vận tải ô tô, sư đoàn bộ binh, công binh, phòng không,… dựa vào địa thế hiểm trở của đại ngàn Trường Sơn xây dựng căn cứ dự trữ vật chất, xây dựng, phát triển mạng cầu đường chiến lược, chiến dịch, hình thành một kiểu tổ chức vận tải chiến lược là binh đoàn, binh chủng hợp thành, lấy tác chiến là nền tảng, vận tải làm trung tâm. Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng nên nghệ thuật chỉ đạo và thực hành hoạt động vận tải sáng tạo, linh hoạt; các “chiến dịch vận tải” được thực hiện bằng việc tiến hành vận chuyển hiệp đồng quy mô lớn, kết hợp với chiến đấu chống địch ngăn chặn, tăng cường đánh địch trên không, mặt đất, bảo vệ tuyến đường và hành lang vận tải theo một kế hoạch thống nhất. Đây là nét độc đáo, chưa có tiền lệ trong lịch sử chiến tranh của dân tộc; sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam vào điều kiện chiến trường Trường Sơn.

Mặc dù kẻ thù ra sức ngăn chặn, hủy diệt, biến Trường Sơn thành chiến trường khốc liệt nhất, với hàng trăm nghìn trận không kích, càn quét, nống lấn, dội xuống Trường Sơn 4 triệu tấn trong tổng số 7 triệu tấn bom Mỹ ném xuống trong cả cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân ta đã nêu cao ý chí quật cường, tinh thần cách mạng tiến công “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Mặt đường là trận địa”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”,… kiên quyết giữ vững mạch máu giao thông. Bộ đội Trường Sơn đã kết hợp chặt chẽ “vận chuyển và chiến đấu, chiến đấu và vận chuyển”, tổ chức đánh hàng nghìn trận, bắn rơi hơn một nghìn máy bay, tiêu diệt hàng chục nghìn tên địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh, đánh bại chiến tranh ngăn chặn khốc liệt của kẻ thù, mở đường thắng lợi để tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh không ngừng phát triển, ngày càng vươn sâu, vươn xa vào chiến trường miền Nam. Từ tổ chức vận chuyển bộ theo cung ngắn, đội hình nhỏ, hoạt động theo mùa, vào ban đêm là chủ yếu, chúng ta đã tiến tới sử dụng vận tải đa phương thức: đường bộ, đường sông, đường ống xăng dầu; tổ chức vận tải ban ngày, hoạt động quanh năm, với đội hình sư đoàn xe tập trung, phục vụ đồng thời nhiều chiến dịch, nhiều hướng chiến trường. Nếu như 5 năm đầu (1959 - 1964), Đoàn 559 mới chỉ chuyển hàng vào tới khu V được hơn 2.500 tấn, thì từ năm 1966 đã chuyển hàng tới tận Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong 07 tháng mùa khô 1967 - 1968, toàn tuyến đã vận chuyển được 63.024 tấn hàng cho các chiến trường, bảo đảm vũ khí, hậu cần, kỹ thuật cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Đặc biệt, trong hơn 02 năm chuẩn bị cho Kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn  đã chuyển cho các chiến trường số lượng vũ khí và hàng hóa kỷ lục, lên tới hơn 410.000 tấn, thực sự đưa sức mạnh của hậu phương ra tiền tuyến, góp phần quyết định vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc của Nhân dân ta.

Những đóng góp của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là minh chứng sống động về quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, cũng như sự chỉ đạo sát sao và tài thao lược của Đảng ta. Con đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại cùng với những chiến công, kỳ tích không chỉ thể hiện đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh nhân dân độc đáo, tài tình của Đảng và Bác Hồ vĩ đại mà còn thể hiện bản lĩnh vững vàng, quyết tâm sắt đá, ý chí dời non lấp biển của toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhờ đường lối đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta không chỉ phát huy tối đa sức mạnh của toàn dân tộc mà còn tranh thủ được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và bạn bè quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn để xây dựng, phát triển tuyến đường chiến lược Trường Sơn, chi viện ngày càng nhiều sức người, sức của cho các chiến trường, đáp ứng sự phát triển, lớn mạnh của cách mạng miền Nam và cuộc chiến tranh giải phóng.

Trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là con đường tạo thế và lực cho chiến trường miền Nam, con đường chia cắt địch; một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày nay, Đường Hồ Chí Minh là con đường gắn kết chặt chẽ các dân tộc Việt Nam, suốt từ Nam chí Bắc, con đường đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của chúng ta đi đến thắng lợi.

Sau 60 năm nhìn lại, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thấy rõ hơn giá trị và những kỳ tích vĩ đại của đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, cũng như sự hy sinh to lớn của quân và dân ta trong những năm tháng bám trụ chiến đấu kiên cường trên tuyến chi viện chiến lược này. Ôn lại lịch sử hào hùng và bi tráng đó, chúng ta càng thấy rõ hơn giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và tự hào về lịch sử, truyền thống của dân tộc, về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Nhân dân anh hùng, Quân đội anh hùng!

Khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc; chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, tinh thần quyết chiến, quyết thắng và tư tưởng cách mạng tiến công của Bộ đội Trường Sơn năm xưa cần được tiếp tục phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, khó lường, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, đối tượng và đối tác đan xen như hiện nay, nhất là các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đòi hỏi chúng ta càng phải  tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường cách mạng mà Đảng,Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Trên cơ sở đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, văn minh.

Đại tướng LƯƠNG CƯỜNG, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam