Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - thắng lợi của tư duy và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh

5/19/2019 8:42:56 AM

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến chi viện chiến lược Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một trong những nhân tố có vai trò quyết định đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Quyết định xây dựng tuyến chi viện chiến lược và thực hiện thắng lợi quyết định ấy khẳng định sự nhạy bén trong tư duy và tài thao lược trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta.

Bước vào cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương chuyển hướng cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam bằng Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 (khóa II). Đương đầu với kẻ thù có tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự lớn hơn gấp nhiều lần, Trung ương Đảng sớm nhìn nhận: bên cạnh đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, cần phải có chủ trương và biện pháp xây dựng, bảo vệ hậu phương nhằm tạo nên sức mạnh để đánh thắng kẻ thù xâm lược; công tác xây dựng, củng cố hậu phương là một bộ phận quan trọng của đường lối chiến tranh nhân dân chống Mỹ, cứu nước1. Xây dựng hậu phương vững chắc cho phép giải quyết vấn đề nhân lực, tiếp tế hậu cần, nguồn động viên chiến đấu cho quân đội; đồng thời, đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chung của nhân dân, đảm bảo giữ vững và không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế - quốc phòng. Sức mạnh hậu phương là sức mạnh tổng hợp của tất cả các yếu tố, như: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan chặt chẽ với nhau và tạo thành một chỉnh thể thống nhất, v.v.

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Bộ đội Trường Sơn năm 1973. Ảnh: TTXVN

Ý thức rõ vai trò của hậu phương, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa II) của Đảng nhận định: “Miền Bắc là chỗ đứng của ta. Bất kể trong tình thế nào, miền Bắc cũng phải được củng cố”2. Tiếp đó, phát biểu tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ của lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt”3. Xác định quyết tâm xây dựng miền Bắc vững mạnh, thực sự trở thành “nền”, “gốc” cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta và sự nghiệp thống nhất nước nhà”4. Để làm rõ vị trí, vai trò của việc xây dựng, củng cố hậu phương miền Bắc, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) xác định: Miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cũng chính là xây dựng hậu phương cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ nhận thức đúng đắn và xác định rõ vị trí, vai trò của miền Bắc trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, Đảng ta đã hình thành chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp để xây dựng, củng cố hậu phương chiến lược, gắn mọi hoạt động của hậu phương lớn miền Bắc với hoạt động chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Trên cơ sở đó, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo Bộ Quốc phòng tập trung lực lượng ngày càng lớn cho tuyến chi viện chiến lược; đồng thời, thường xuyên theo dõi, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời giải quyết những khó khăn, trở ngại diễn ra hằng ngày. Bên cạnh lực lượng của Quân đội, đông đảo thanh niên xung phong, dân công, công nhân giao thông, văn nghệ sĩ đã được động viên tham gia thực hiện nhiệm vụ trên Đường Hồ Chí Minh. Quá trình tổ chức, xây dựng lực lượng vận tải chiến lược Đường Trường Sơn trải qua nhiều giai đoạn, gắn liền với các thời kỳ phát triển của cách mạng miền Nam. Bộ đội Trường Sơn đã vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, tổ chức, xây dựng tuyến chi viện chiến lược theo quy luật của cuộc chiến tranh nhân dân, phát triển từ thấp đến cao, từ yếu đến mạnh, từ thô sơ đến hiện đại. Ban đầu chỉ là quy mô cấp tiểu đoàn với những đơn vị vận tải nhỏ chủ yếu làm nhiệm vụ giao liên quân sự, vận chuyển một số vật chất, hàng quân sự vào chiến trường miền Nam bằng phương thức gùi, thồ,... đã từng bước phát triển nhanh chóng cả về lực lượng và phương thức vận chuyển, trở thành một binh đoàn lớn, thống nhất chỉ huy trên toàn tuyến. Binh đoàn đủ sức bảo đảm hành quân, cơ động lực lượng tăng cường cho các chiến trường, có khả năng độc lập tác chiến và phối hợp với lực lượng bạn, sáng tạo các hình thức chiến thuật tác chiến linh hoạt, hiệu quả, làm thất bại chiến tranh ngăn chặn của địch. Trước yêu cầu phát triển nghệ thuật chiến dịch phải gắn với chiến dịch vận tải, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Đoàn 559 tổ chức hệ thống chỉ huy, tổ chức những cung, chặng, đội hình vận chuyển, đảm bảo hệ thống kho, trạm phải phù hợp với từng chiến trường trong từng giai đoạn của cuộc chiến. Đây là nét sáng tạo, phát triển mới về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong các chiến dịch vận tải chiến lược của Bộ đội Trường Sơn. Tổ chức cung, chặng, binh trạm, kho tàng, đội hình thích hợp là cơ sở của phương thức vận tải, chỗ dựa để hiệp đồng các binh chủng trong quá trình tổ chức chuẩn bị, thực hành tác chiến ở quy mô chiến lược và chiến dịch. Xuất phát từ tình hình thực tiễn, lực lượng trên tuyến chi viện Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã hình thành hệ thống chỉ huy các cấp và tổ chức 50 binh trạm trên toàn tuyến; tổ chức các cơ quan tham mưu chuyên ngành: bộ binh, công binh, pháo binh, phòng không, vận tải cơ giới, hậu cần, kỹ thuật... đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mở đường, vận tải và chiến đấu bảo vệ cầu đường, bảo vệ vận tải. Đến năm 1970, Bộ đội Trường Sơn đã phát triển tương đương cấp quân khu, biên chế gồm: Bộ Tham mưu và các cục (phòng không, công binh, vận tải, xăng dầu, chính trị, hậu cần); xây dựng các sư đoàn ô tô vận tải, sư đoàn công binh5, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên tuyến chi viện chiến lược.

Tuyến chi viện chiến lược Đường Trường Sơn là chiến trường quan trọng và rất đặc biệt, là nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Địch tập trung mọi nỗ lực và sức mạnh bộ binh, pháo binh và không quân tiến hành cuộc chiến tàn khốc ngăn chặn, phá hoại tuyến vận chuyển chiến lược của ta. Để đối phó với âm mưu, thủ đoạn đánh phá, ngăn chặn quyết liệt của địch, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn không chỉ là tuyến vận tải quân sự, tuyến hậu cần chiến lược mà còn là một chiến trường tổng hợp mang tính đặc thù, tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Trên mặt trận Trường Sơn, chúng ta đã tổ chức phối hợp chặt chẽ hai lực lượng tại chỗ và cơ động: lực lượng làm đường, lực lượng chiến đấu bảo vệ với lực lượng của các binh chủng, lực lượng vận tải; qua đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mở đường, vận tải và chiến đấu bảo vệ đường, bảo vệ vận tải. Từ những nghiên cứu về địch, trong vận tải chiến lược, ta chủ động chuẩn bị số lượng, chất lượng đường, cầu đạt tiêu chuẩn tối thiểu: vững chắc, liên hoàn, bảo đảm công suất của phương tiện đã xác định. Đây là yếu tố chủ quan để hình thành phương án, kế hoạch vận tải, đảm bảo mỗi phương thức vận chuyển khác nhau, cung, chặng và đội hình vận chuyển cũng khác nhau. Tuyến vận tải Trường Sơn lấy phương thức vận tải ô tô làm trung tâm. Vì vậy, ta đã tổ chức thực hiện các chiến dịch vận tải với quy mô ngày càng lớn, phát huy được sức mạnh hiệp đồng giữa các lực lượng trên toàn tuyến. Quá trình này phản ánh nghệ thuật huy động tiềm lực vật chất cho “thế trận vận tải”; tranh thủ thời cơ, thời điểm có lợi, lúc địch lơ là mất cảnh giác, không đề phòng, không đánh phá, bất kể là ngày hay đêm để thực hiện các “chiến dịch vận tải”. Với cách làm như thế, Bộ đội Trường Sơn đã đánh bại thủ đoạn “ngăn chặn” của địch và thực hiện thành công cuộc chiến “chống ngăn chặn”6. Bên cạnh đó, các lực lượng trên Đường Trường Sơn đã chủ động khai thác nguồn lực, phát huy công tác bảo đảm vật chất tại chỗ và sự chi viện từ hậu phương; kết hợp phương thức vận tải thô sơ với vận tải cơ giới, lấy vận tải ô tô làm chủ lực; kết hợp giữa thô sơ và hiện đại, tại chỗ và cơ động, địa phương và Trung ương, trước mắt và lâu dài,... để kịp thời đáp ứng yêu cầu chi viện cho chiến trường đánh to thắng lớn. Những điều này đã trở thành nguyên tắc, nghệ thuật chỉ đạo quá trình tổ chức chuẩn bị và triển khai phương thức vận tải bảo đảm vật chất cho chiến trường và là một thành công nổi bật trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tuyến chi viện Trường Sơn đã bảo đảm cho đại quân ta, cả bộ binh và binh khí kỹ thuật nặng, bí mật, bất ngờ cơ động thần tốc tiến thẳng từ miền Bắc vào miền Nam, tạo ưu thế đột biến của đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là kết quả của nhiều nhân tố hợp thành, trong đó nổi bật là thành công của việc tổ chức, xây dựng tuyến chi viện chiến lược. Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thể hiện tư duy độc đáo, sáng tạo và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh sắc sảo, tài tình của Đảng ta; đồng thời, khẳng định quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng có thể làm nên những chiến công lừng lẫy, những kiệt tác vĩ đại lưu danh vào sử sách. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục coi trọng công tác tổng kết chiến tranh, đúc rút những kinh nghiệm có giá trị vận dụng cao, phù hợp với tư duy và quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng trong điều kiện hiện nay. Trong đó, đặc biệt coi trọng những kinh nghiệm làm nên kỳ tích của Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Bởi, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai (nếu xảy ra), Đường Hồ Chí Minh cùng với Quốc lộ 1A vẫn là tuyến đường quan trọng để liên kết các chiến trường, các khu vực, địa bàn phòng thủ, căn cứ địa - hậu phương chiến tranh.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều biến đổi, diễn biến phức tạp, khó lường. Quan điểm của Đảng về đối tác, đối tượng và đối tác chiến lược đã có những tư duy mới, có sự chuyển hóa lẫn nhau trong quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Tuy nhiên, trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta xác định vẫn phải tiến hành chiến tranh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải thường xuyên quán triệt, thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; các Nghị định 152/2007/NĐ-CP, 02/2019/NĐ-CP, 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, trong đó có xây dựng các khu căn cứ hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Các cơ quan chuyên trách từ Trung ương đến địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, dự kiến các phương án tác chiến chiến lược trên các chiến trường. Cơ quan hậu cần chiến lược cần chủ động hoạch định các yếu tố về bảo đảm vận tải chiến lược phù hợp với thực tiễn mới; chỉ đạo các lực lượng thuộc quyền phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan chiến lược, các quân khu, quân đoàn, các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố để dự kiến, xây dựng một phần các công trình quốc phòng, các kho trạm, căn cứ hậu cần, kỹ thuật và các trục đường cơ động bảo đảm, v.v. Trước mắt, các công trình, căn cứ đó dùng để phục vụ phát triển kinh tế, quốc kế dân sinh, bảo đảm phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ sở cho các ngành, các cấp nâng cao năng lực bảo đảm vật chất hậu cần, kỹ thuật quân sự, là nguồn lực phục vụ cho quá trình xây dựng, phát triển đất nước; đồng thời, sẵn sàng chuyển hóa thế trận, lực lượng và sức mạnh hậu cần, kỹ thuật để đánh thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thượng tướng PHAN VĂN GIANG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

_________

1 - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945-1975), Nxb QĐND, H. 1997, tr. 9.

2 - ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 16, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 577.

3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr.144.

4 - ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 512.

5 - 2 sư đoàn xe ô tô, 4 sư đoàn công binh, 1 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn phòng không, 1 đoàn chuyên gia và cố vấn.

6 - Trong chiến đấu bảo vệ giao thông vận tải, Bộ đội Trường Sơn đã đánh trả 151.133 trận đánh phá của không quân địch, bắn rơi 2.450 máy bay (trong đó có 1 máy bay B-52 và 950 máy bay phản lực), loại khỏi vòng chiến đấu hơn 18.000 tên địch, thu và phá hủy hơn 100 xe quân sự cùng hàng nghìn súng các loại; hiệp đồng cùng các lực lượng khác thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược.