Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh với xây dựng thế trận hậu cần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

5/17/2019 8:30:53 AM

Xây dựng, phát triển tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã tạo ra thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Những bài học về xây dựng, tổ chức hoạt động của tuyến chi viện chiến lược này đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu vận dụng vào xây dựng thế trận hậu cần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Để chi viện cho chiến trường miền Nam, thực hiện quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, ngày 19-5-1959, Đoàn 559 được thành lập1, có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Kể từ đây, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh ra đời, phát triển cùng sự lớn mạnh của cách mạng miền Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Vận tải bằng cơ giới trên Đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Nhận thức rõ vị trí đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã cùng quân và dân ta vượt lên mưa bom, bão đạn, kiên cường bám trụ, vừa chiến đấu, vừa mở đường để đưa lực lượng, vũ khí vào chiến trường miền Nam. Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, qua 16 năm (1959 - 1975), Bộ đội Trường Sơn đã vượt lên muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, xây dựng, phát triển tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn thành hệ thống giao thông vận tải liên hoàn, đi qua địa bàn 20 tỉnh (09 tỉnh của Việt Nam, 07 tỉnh của Lào và 04 tỉnh của Cam-pu-chia), ở cả phía Đông và Tây Trường Sơn vào đến tận Đông Nam Bộ, tỏa ra khắp các hướng chiến trường, trở thành “huyết mạch” nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam và cả chiến trường Nam Đông Dương. Hệ thống kho tàng chiến lược có trữ lượng hàng chục vạn tấn vật chất cùng các cơ sở bảo đảm kỹ thuật và 04 bệnh viện, 18 bệnh xá tiểu đoàn giao liên, 27 đội điều trị, 90 đội phẫu. Như vậy, đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến chi viện chiến lược để vận chuyển tiềm lực của hậu phương lớn miền Bắc tới tiền tuyến lớn miền Nam, mà còn là tuyến hậu cần chiến lược, căn cứ hậu phương, hậu cần chiến lược, chiến dịch trực tiếp của các chiến trường.

Trước sự ngăn chặn, đánh phá vô cùng khốc liệt của đế quốc Mỹ và tay sai, Bộ đội Trường Sơn đã vận dụng, phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam trong công tác hậu cần, giải quyết thành công nhiều vấn đề về xây dựng lực lượng, thế trận; xây dựng hậu phương tại chỗ; tổ chức chỉ huy, chỉ đạo và thực hành bảo đảm hậu cần. Từ năm 1959 đến năm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển cho các chiến trường hơn 01 triệu tấn vật chất, vũ khí, trang bị; bảo đảm cho hơn 1.100.000 lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân vào miền Nam chiến đấu, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ chiến trường trở về hậu phương, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh. Đặc biệt, trong Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò là căn cứ hậu cần chiến lược phía trước, kết hợp chặt chẽ với căn cứ hậu cần chiến lược phía sau và căn cứ hậu cần tại chỗ của các chiến trường tạo thành sức mạnh tổng hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu về cơ động lực lượng, vận chuyển vật chất và chi viện, bổ sung lực lượng, phương tiện hậu cần, kỹ thuật cho Chiến dịch2.

Vận dụng những bài học về xây dựng, phát triển Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vào công tác hậu cần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, trước hết, cần quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng thế trận hậu cần chiến lược, chiến dịch, hậu cần khu vực phòng thủ liên hoàn, vững chắc, có khả năng cơ động cao. Thực tiễn cho thấy, trong suốt quá trình hình thành, phát triển tuyến hậu cần chiến lược 559 luôn có sự gắn kết chặt chẽ với hậu phương lớn miền Bắc, hậu cần Quân khu 4 và hậu cần các chiến trường trong tiếp nhận, cơ động lực lượng, vật chất, binh khí kỹ thuật để bảo đảm cho hoạt động tác chiến. Nhờ đó, hình thành thế trận hậu cần rộng khắp, hoàn chỉnh, vững chắc, mà kẻ địch dù không từ âm mưu, thủ đoạn nào, nhưng cũng không chia cắt, phá vỡ được. Đi đôi với xây dựng thế trận vững chắc, Bộ đội Trường Sơn luôn bảo đảm khả năng cơ động cao, lấy binh trạm hậu cần làm nòng cốt, xây dựng lực lượng cơ động mạnh với lực lượng vận tải cơ giới là chủ lực; vận dụng đa phương thức vận tải, kết hợp chặt chẽ giữa vận chuyển và chiến đấu để chi viện các chiến trường.

Vì vậy, xây dựng thế trận hậu cần các cấp hiện nay phải bảo đảm toàn diện, lấy “thế trận lòng dân” làm nền tảng, lấy tạo nguồn, khai thác tiềm năng tại chỗ là yếu tố cơ bản để hình thành các khu vực hậu cần tại chỗ có khả năng độc lập bảo đảm trong mọi tình huống. Chúng ta cần làm tốt quy hoạch, chuẩn bị thế trận hậu cần; trong đó, hạt nhân là căn cứ hậu cần các cấp phải được xây dựng liên hoàn, vững chắc, nhất là tuyến vận tải đường bộ, đường thủy chiến lược, chiến dịch liên kết căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, các khu vực hậu cần và lực lượng hậu cần các cấp với nhau, đặc biệt là hướng, địa bàn trọng yếu. Các địa phương cần có phương án, lộ trình thích hợp xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở lưỡng dụng, như: đường giao thông, cầu, bến cảng sông, biển, kho bãi, cơ sở y tế, bưu chính viễn thông,... kết hợp kinh tế với quốc phòng, phát triển tiềm lực hậu cần tại chỗ. Đồng thời, coi trọng đẩy mạnh phát triển các đoàn kinh tế - quốc phòng, cơ sở sản xuất hậu cần các cấp trên từng địa bàn; trong đó, có phương án dự trữ trước vật tư chiến lược và dự trữ công nghệ cho một số nhà máy, xí nghiệp công nghiệp nhằm tăng cường tiềm lực tại các địa bàn trọng yếu.

Hai là, tổ chức lực lượng hậu cần đồng bộ, linh hoạt, vững chắc với hạt nhân là các binh trạm, đơn vị vận tải cơ giới phù hợp với điều kiện mới. Các trục đường vận tải chiến lược Bắc - Nam có vai trò sống còn trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Do đó, trên các trục đường này cần triển khai các căn cứ hậu cần, cụm hậu cần có hình thức tổ chức lực lượng phù hợp, đặt tại các khu vực thích hợp, sẵn sàng bảo đảm cho tác chiến. Từng căn cứ hậu cần, khu vực hậu cần trên hướng, địa bàn chiến lược, chiến dịch phải tổ chức đồng bộ, lấy hậu cần khu vực phòng thủ làm nền tảng và luôn có lực lượng dự bị cơ động mạnh, nhất là hướng, khu vực trọng yếu nhằm tạo ra khả năng bảo đảm tổng hợp, độc lập, có sự liên kết vững chắc, phù hợp với phương án tác chiến. Đồng thời, chuẩn bị nhiều phương án cơ động linh hoạt, chuyển hóa về tổ chức, thích ứng trong mọi tình huống, đặc biệt là tình huống bị địch chia cắt chiến lược, chiến dịch. Việc bố trí lực lượng hậu cần các cấp cần phân tán hợp lý nhưng có khả năng bảo đảm tập trung nhanh. Để nâng cao khả năng bảo đảm, một vấn đề vô cùng quan trọng trong tổ chức lực lượng hậu cần là phải có chiến lược từng bước hiện đại hóa trang, thiết bị hậu cần đồng bộ với trang bị tác chiến.

Ba là, triệt để lợi dụng điều kiện tự nhiên kiên cường bám trụ giữ vững và phát triển tuyến chi viện luôn thông suốt, phù hợp với tác chiến tương lai. Để làm được điều này, ngay trong thời bình, chúng ta cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước với quy hoạch, phát triển kinh tế, quốc phòng, công trình quốc phòng, trong đó có quy hoạch xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần các cấp. Đồng thời, có cơ chế chính sách bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng, nâng cao độ che phủ, bảo đảm bí mật, an toàn cho các công trình nói chung, hậu cần nói riêng. Khi xảy ra tác chiến, đó sẽ là những nơi bảo vệ cho các cơ sở và lực lượng hậu cần để giữ ổn định thế trận, bảo toàn được tiềm lực, duy trì hoạt động bảo đảm liên tục, kịp thời trong mọi tình huống. Chiến tranh tương lai (nếu xảy ra), địch sẽ tập trung đánh phá ác liệt hậu phương, căn cứ hậu cần các cấp ngay từ đầu và trong suốt quá trình tác chiến. Vì vậy, phải chủ động, sớm nghiên cứu các giải pháp cả về nghệ thuật và kỹ thuật quân sự trên cơ sở ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học công nghệ mới để nâng cao khả năng bảo vệ hậu cần trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trong đó, chú trọng phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng hậu cần với lực lượng tác chiến và khu vực phòng thủ để chiến đấu bảo vệ hậu phương, hậu cần theo kế hoạch thống nhất. Bên cạnh đó, lực lượng hậu cần các cấp phải được huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, năng lực tự bảo vệ trong các tình huống.

Bốn là, tăng cường củng cố, phát triển mối quan hệ đoàn kết hữu nghị sẵn sàng chi viện, giúp đỡ lẫn nhau về hậu cần với các nước láng giềng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hình thành, phát triển, hoạt động hiệu quả là nhờ có sự giúp đỡ rất lớn từ tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt của nhân dân ba nước Đông Dương. Vì vậy, ngày nay, cùng với phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta phải quán triệt, thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chú trọng giữ gìn, phát huy mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp với các nước láng giềng anh em. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là trao đổi hàng hóa, đầu tư phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động nhân đạo (khắc phục thảm họa, hậu quả chiến tranh), hợp tác sản xuất, dịch vụ, hỗ trợ giúp nâng cao đời sống nhân dân, nhất là vùng biên giới, cùng nhau xây dựng đường biên giới chung hòa bình, hữu nghị. Đồng thời, tăng cường quan hệ đối ngoại quốc phòng trên lĩnh vực hậu cần. Đây là cơ sở quan trọng để phối hợp, huy động, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong củng cố quốc phòng, xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần trong thời bình, sẵn sàng bảo đảm cho tác chiến khi kẻ thù gây chiến tranh xâm lược.

Kế thừa và phát triển các bài học xây dựng Đường Trường Sơn, chúng ta quyết tâm xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. 

Thượng tá, TS. ĐỒNG VĂN THƯỞNG, Học viện Hậu cần

____________

1 - Đến tháng 6-1970, Đoàn 559 được tổ chức lại thành Bộ Tư lệnh 559; tháng 7-1970 đổi tên thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

2 - Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm cơ động thần tốc 03 quân đoàn, 05 sư đoàn, 02 trung đoàn binh chủng và phục vụ 41 vạn người hành quân vào các chiến trường chiến đấu.