Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (Tiếp theo và hết)

10/1/2024 3:40:10 PM

1. Gieo mầm xanh trên những vùng đất khó

2. Tạo vành đai bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc

3. Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn chiến lược

Trên cơ sở nhận thức rõ vị trí, vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tạo lập, phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị và mạnh về quốc phòng, an ninh, Binh đoàn tập trung xây dựng “thế trận lòng dân” trong thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện; xây dựng mối quan hệ mật thiết, đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trên địa bàn, đoàn kết giữa nhân dân các dân tộc ba nước Đông Dương; trong đó, lấy đơn vị quân đội làm nòng cốt, trung tâm của sự đoàn kết.

Để làm được điều đó, trước hết, Binh đoàn chú trọng việc quán triệt, thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, xây dựng mối quan hệ đoàn kết với chính quyền và nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng quân. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn đẩy mạnh công tác dân vận, bảo đảm an sinh xã hội,… bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm cơ sở, nền tảng nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng, tạo lập thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc trên địa bàn chiến lược, trọng yếu của đất nước.

Lãnh đạo Binh đoàn 15 tham quan ruộng lúa trên đất tái canh cao su của đơn vị cho người dân mượn.

Cùng với phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn, Binh đoàn thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của Binh đoàn. Do đó, ngoài việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động sát với thực tế địa bàn, gắn với cuộc sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán của người dân, Binh đoàn còn chủ động phối hợp với các cơ quan quân sự, Bộ đội Biên phòng, ban, ngành, đoàn thể địa phương, huy động nguồn lực tối đa cho công tác này. Để tăng hiệu quả tuyên truyền, vận động, các công ty, đội sản xuất phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ các cấp, người lao động; sự xung kích, đi đầu của các tổ chức: thanh niên, phụ nữ, công đoàn, v.v. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp theo hướng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, sát với nhiệm vụ đơn vị và phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng. Quán triệt sâu sắc chủ trương “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở Binh đoàn được triển khai đồng bộ, hiệu quả từ trên xuống dưới, luôn bám sát cơ sở, đến tận từng gia đình, từng người dân. Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, mỗi năm, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn trực tiếp về địa phương, thực hiện nhiều hoạt động lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt người lao động, họp thôn, làng,… giúp cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận, tạo sự thống nhất trong các cơ quan, đơn vị và sự đồng thuận, đoàn kết trong xã hội. Thực tiễn cho thấy, khi Tây Nguyên xảy ra bạo động chính trị các năm: 2001, 2004 và 2023, 100% người lao động và nhân dân vùng dự án của Binh đoàn đã một lòng tin vào cấp ủy, chính quyền các cấp, kiên quyết không tham gia các vụ việc này.

Cùng với đó, Binh đoàn tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở địa phương vững mạnh; chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp, nhất là các xã, huyện biên giới; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ trong quản lý, điều hành, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung vào xây dựng cấp ủy, chính quyền các địa phương vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, củng cố lòng tin của nhân dân vào hệ thống chính trị ở cơ sở. Trong tiến hành, các đơn vị luôn coi trọng phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng thôn, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không nghe, không tin theo sự dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo của kẻ xấu; tích cực phát hiện, tố giác tội phạm và kiên quyết đấu tranh với mọi hoạt động chống phá chính quyền, gây chia rẽ đồng bào các dân tộc của các thế lực thù địch. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số một cách đồng bộ, toàn diện. Binh đoàn luôn chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Binh đoàn gắn với tạo nguồn cán bộ cho địa phương, nâng cao dân trí trên địa bàn bằng việc mở rộng và phát triển các mô hình dạy văn hóa, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tiếp thu kiến thức mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống, xây dựng lối sống mới, văn minh. Thực hiện chủ trương này, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Trường Cao đẳng nghề số 21 của Binh đoàn, với 25 ngành nghề đào tạo, hằng năm đào tạo nghề cho hàng nghìn bộ đội xuất ngũ và con, em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; hệ thống các trường mầm non với hơn 130 điểm trường và gần 350 nhóm lớp chăm sóc, giáo dục gần 7.000 cháu (trong đó có hơn 2.500 cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số).

Từ hiệu quả kinh tế, Binh đoàn chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, triển khai nhiều mô hình an sinh xã hội. Các đơn vị đã hỗ trợ xây dựng hàng nghìn ki-lô-mét đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, công trình nước sạch, trường mẫu giáo, điểm bán trú cho con em người lao động và người dân. Xây dựng hàng trăm Nhà tình nghĩa, Nhà đại đoàn kết, mái ấm công đoàn tặng công nhân, người lao động và hộ nghèo, gia đình chính sách; xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động mô hình “gắn kết hộ”. Từ 30 “cặp hộ gắn kết” ban đầu, đến nay Binh đoàn đã nhân rộng được hơn 4.000 “cặp hộ gắn kết”, để cùng trao đổi kiến thức, văn hóa, kinh nghiệm, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống mới, từng bước nâng cao đời sống, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó máu thịt quân - dân nói chung, giữa người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Nhiều phong trào, mô hình sáng tạo được các đơn vị phát động, nhân rộng, như: Vườn rau gắn kết, Hũ gạo gắn kết, Quỹ tấm lòng nhân ái, Thắp sáng đường quê, Bữa sáng đại đoàn kết,... đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, thắp sáng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần “tương thân tương ái”, “tình đồng chí, nghĩa đồng bào” của dân tộc ta; góp thêm những mảng sáng trong bức tranh đổi mới, phát triển ở các thôn làng, các cụm dân cư trên các vùng dự án. Bệnh viện Quân y 15 và 11 Bệnh xá quân - dân y của Binh đoàn thu dung, khám và điều trị hàng vạn lượt người dân mỗi năm; tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhờ đó, đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên các địa bàn đứng chân của Binh đoàn ngày càng nâng cao.

Được thụ hưởng nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn luôn có trách nhiệm cùng nhân dân lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp đã được các dân tộc Tây Nguyên gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”1, Binh đoàn đã thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng hỗ trợ nhân dân xây dựng, củng cố, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nhà rông, Nhà dài; các thiết chế văn hóa, v.v. Tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống đang bị mai một; phát động và tổ chức giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em để trao đổi, học tập những nét văn hóa đặc sắc, tạo ra sự “giao thoa văn hóa” độc đáo; từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh. Đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động trong Binh đoàn luôn là chất keo gắn kết, thành phần nòng cốt không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống, được bà con tin yêu, quý trọng. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát triển và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tốt đẹp, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở từng thôn, làng trên Tây Nguyên đại ngàn. Đặc biệt, trong quá trình triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở hai nước Lào và Campuchia, Binh đoàn thực hiện tốt công tác đối ngoại, giao lưu nhân dân, tạo công ăn việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân sở tại dọc tuyến biên giới, góp phần vun đắp mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa ba nước, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” là việc làm thường xuyên, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội,… trên cơ sở phát huy trách nhiệm của mọi lực lượng và toàn dân. Thời gian tới, với tình cảm, trách nhiệm của mình, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn tiếp tục bám sát cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác dân vận; phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong, gương mẫu trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn. Theo đó, cùng với thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị của Binh đoàn cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu tiếp tục chăm lo hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giàu nghèo giữa các vùng. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng và phát triển các mô hình dạy nghề, dạy văn hóa; tạo điều kiện cho nhân dân, đồng bào dân tộc tại chỗ tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống. Huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực chung sức xây dựng nông thôn mới, bảo đảm tốt an sinh xã hội, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống cho nhân dân vùng dự án. Cùng với đó, phải tích cực chăm lo xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở các cấp vững mạnh toàn diện, nhất là cấp xã; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số một cách đồng bộ, toàn diện, v.v.

Trong bối cảnh các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh các hoạt động chống phá trên địa bàn, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, các cơ quan, đơn vị của Binh đoàn tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền về lòng tự hào, ý thức gìn giữ vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ động phối hợp với địa phương khuyến khích, hỗ trợ việc truyền dạy Cồng chiêng, các giá trị văn hóa truyền thống như: Dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, chỉnh chiêng...; hỗ trợ phát triển các thiết chế văn hóa phù hợp với bản sắc văn hóa của người dân trên địa bàn, tạo sân chơi, môi trường văn hóa lành mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần xây dựng mỗi bản, làng trên địa bàn đơn vị đóng quân trở thành một điểm sáng văn hóa trong kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo vùng Tây Nguyên.

Như sợi chỉ đỏ xuyên suốt gần 40 năm xây dựng, phát triển, Binh đoàn luôn dựa vào nhân dân, gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới “như cây một gốc như con một nhà”. Với tình cảm, trách nhiệm, bằng những mô hình, phần việc cụ thể, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15 luôn nỗ lực không ngừng để màu xanh được trải rộng trên những vùng đất khó, lan tỏa những giá trị tích cực, trở thành động lực quan trọng để mỗi người dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, củng cố “vành đai” biên giới vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; tô thắm thêm truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” trên địa bàn Tây Nguyên chiến lược của Tổ quốc.

ĐÌNH PHIẾM - ĐỨC THỊNH
________________
__

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG, H. 2021, tr.115-116.