Đôi nét về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc và “vị thế” của Seoul trong khu vực

4/24/2023 7:31:22 AM

Ngày 28/12/2022, Hàn Quốc công bố báo cáo chi tiết về chiến lược mới của nước này tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây được xem là chiến lược khu vực toàn diện đầu tiên của Hàn Quốc nhằm định hình chính sách đối ngoại trong tương lai và cũng là động thái quan trọng giúp nâng tầm vị thế quốc gia.

Bước ngoặt về chính sách

Với 03 nguyên tắc cơ bản của hợp tác là: bao trùm, tin tưởng và cùng có lợi, Hàn Quốc khẳng định trọng tâm của chiến lược mới là nhằm thúc đẩy tự do, hòa bình, thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thông qua việc thiết lập trật tự dựa trên luật lệ và hợp tác về quyền con người. Trong một báo cáo dài 37 trang, Chính phủ Hàn Quốc đã trình bày 09 nhiệm vụ cốt lõi để thực hiện Chiến lược, gồm: (1). Xây dựng trật tự khu vực dựa trên các chuẩn mực và quy tắc; (2). Hợp tác thúc đẩy pháp quyền và quyền con người; (3). Tăng cường các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố trên toàn khu vực; (4). Tăng cường hợp tác an ninh toàn diện; (5). Xây dựng mạng lưới an ninh kinh tế; (6). Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ quan trọng và thu hẹp khoảng cách số; (7). Dẫn đầu hợp tác khu vực về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng; (8). Tham gia “ngoại giao đóng góp” thông qua quan hệ đối tác hợp tác phát triển phù hợp; (9). Thúc đẩy sự hiểu biết và trao đổi lẫn nhau.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc khẳng định, Seoul đặt trọng tâm xây dựng một chiến lược phản ánh giá trị tự do và đoàn kết đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên cơ sở những nhận định về tầm quan trọng của khu vực này. Phương hướng hợp tác cũng như kế hoạch xúc tiến quan hệ với các đối tác trong khu vực, như: Bắc Thái Bình Dương, Đông Nam Á, Nam Á, châu Đại Dương, các nước châu Phi giáp Ấn Độ Dương, châu Âu, Trung - Nam Mỹ cũng được đề cập trong bản báo cáo chi tiết. Trong đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được xác định là đối tác hợp tác quan trọng nhất của Hàn Quốc. Một điểm đáng lưu ý trong chiến lược mới là Chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol dường như thể hiện sự chuyển hướng rất rõ nét so với các chính phủ tiền nhiệm. Trong một thời gian dài, các kế hoạch an ninh của Hàn Quốc thường chỉ giới hạn ở vấn đề bán đảo Triều Tiên, Đông Bắc Á trong khi những sáng kiến khu vực bị bó hẹp ở lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, v.v. Tuy nhiên, thông qua bản báo cáo mang tính đột phá này, Nhà Xanh đã hiện thực hóa ý tưởng mở rộng tầm nhìn sang toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ đó tăng cường hợp tác chiến lược trong các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu.

Đặt trọng tâm vào các yếu tố tự do, pháp trị và nhân quyền, chính sách mới của Hàn Quốc được cho là có nhiều điểm tương đồng với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Nhận định này không chỉ xuất phát từ thông tin cho rằng việc soạn thảo chính sách tầm vóc trên được thực hiện bởi 02 quan chức Vụ Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, mà còn nằm trong những đường lối cụ thể mà Chính phủ đương nhiệm hướng đến. Seoul mong muốn thúc đẩy và tăng cường trật tự khu vực dựa trên các quy tắc và giá trị phổ quát với nền tảng là sự liên minh với các quốc gia cùng chia sẻ giá trị này. Luận điểm trên rất giống với quan niệm của Mỹ tập trung vào “tự do” và “trật tự quốc tế dựa trên các giá trị phổ quát” khi xây dựng chính sách về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hàn Quốc cũng khẳng định lập trường phản đối việc thay đổi hiện trạng đơn phương bằng sức mạnh tại khu vực rộng lớn này. Seoul tuyên bố sẽ đẩy mạnh hợp tác an ninh hàng hải trong khu vực, nhấn mạnh lập trường bảo đảm hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không tại khu vực Biển Đông - tuyến đường biển trọng yếu của thế giới. Ngoài ra, báo cáo cũng gắn hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan với an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Như vậy, có thể thấy, cho dù bày tỏ quan điểm rõ ràng về những vấn đề “nóng” tại khu vực, đặc biệt dễ dẫn đến “sự liên tưởng” tới Trung Quốc, nhưng Nhà Xanh khẳng định, tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc là một sáng kiến bao trùm, không nhắm đến hay loại trừ một quốc gia nào. Hàn Quốc tuyên bố theo đuổi lợi ích chung với Trung Quốc trên nền tảng tôn trọng lẫn nhauđôi bên cùng có lợi. Giới phân tích cho rằng, Hàn Quốc đang muốn nhấn mạnh sự khác biệt với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ mà trong đó trọng tâm là xây dựng liên minh Bộ tứ (Mỹ - Nhật Bản - Australia - Ấn Độ) để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực nhằm phục vụ mục tiêu duy trì các lợi ích và quyền lực của Mỹ như một siêu cường.

Mở rộng vai trò quốc tế

Là nơi sinh sống của 65% dân số thế giới, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phong phú về tài nguyên thiên nhiên, có nhiều tuyến đường biển quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Nơi đây có 03 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Khu vực này cũng tạo ra 62% GDP toàn cầu, chiếm 46% tổng thương mại quốc tế và 50% tổng lượng vận chuyển hàng hải. Ngoài ra, 07 trong số 10 nước có lực lượng quân đội với quy mô lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan và Australia cũng đang hiện diện tại khu vực. Nhận thức được vị thế của vùng lãnh thổ rộng lớn này, sau Mỹ, các quốc gia trên toàn thế giới đã tăng cường can dự vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đang đưa ra các chính sách mang tính chiến lược của riêng mình. Trong khi đó, Hàn Quốc là một quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; gần 3/4 hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc là sang các nước trong khu vực và khu vực này cung cấp 2/3 hàng nhập khẩu cho xứ Kim chi. Tuy nhiên, Hàn Quốc được cho là tương đối “thờ ơ” trong việc tham gia vào cuộc đua đang nóng lên từng ngày nhằm cạnh tranh ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chỉ sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol lên nắm quyền vào tháng 5/2022, quốc gia Đông Bắc Á này mới bắt đầu “đặt bút” cho những phác thảo đầu tiên về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phiên bản Hàn Quốc. Bước chuyển này phản ánh nhận thức rằng sự ổn định và phát triển của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có quan hệ mật thiết với lợi ích lâu dài của xứ Kim chi. Việc tiếp tục đứng “ngoài cuộc chơi” sẽ khiến Seoul bỏ qua những cơ hội hợp tác đầy tiềm năng cũng như xác lập một vị trí xứng đáng trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang thay đổi mạnh mẽ. Với hai mục tiêu chính là kinh tế và an ninh, Chiến lược sẽ là cột mốc quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích quốc gia; đồng thời, thể hiện cam kết của Seoul trong việc mở rộng không gian ngoại giao, tăng cường vai trò và đóng góp cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, phù hợp với vị thế của nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới.

Trên phương diện kinh tế, bên cạnh những tiềm năng khổng lồ, khu vực này hiện là nơi Mỹ thúc đẩy sáng kiến mới mang tên Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Trong đó, vấn đề cốt lõi của IPEF là thiết lập các kênh cung ứng ổn định những nguồn nguyên liệu công nghiệp quan trọng như chất bán dẫn và pin. Đây cũng là thế mạnh của Hàn Quốc khi quốc gia này hiện là nhà xuất khẩu chủ yếu chất bán dẫn, các sản phẩm công nghệ cao và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với việc tham gia IPEF, Hàn Quốc sẽ thiết lập được mạng lưới giữa Mỹ và các đồng minh trong sản xuất các sản phẩm chiến lược như chip và pin - 02 trong số những sản phẩm trọng yếu đối với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trở thành trụ cột trong liên minh kinh tế, an ninh và công nghệ toàn cầu. Vì vậy, việc Hàn Quốc thông báo gia nhập IPEF hoàn toàn không gây ngạc nhiên, mà là bước đi nhằm không chỉ hiện thực hóa cam kết trở thành “quốc gia cốt lõi toàn cầu”, mà còn có thể thực hiện vai trò dẫn dắt trong các cuộc thảo luận đối với các lĩnh vực quan trọng, như: nền kinh tế kỹ thuật số, trung hòa carbon và năng lượng sạch v.v.

Quyết định này đánh dấu sự thay đổi chính sách đối ngoại của Hàn Quốc theo hướng rõ ràng hơn. Trước đây, các chính phủ tiền nhiệm của Hàn Quốc thường cố gắng tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc - đối tác xuất khẩu lớn nhất của xứ Kim chi. Tuy nhiên, khi thúc đẩy IPEF, Nhà Xanh đã thể hiện rõ nỗ lực đa dạng hóa những mối quan hệ kinh tế, thương mại, giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thay vì duy trì chính sách “hợp tác an ninh với Mỹ, hợp tác kinh tế với Trung Quốc”, chính phủ mới của Hàn Quốc đã xây dựng lộ trình để “hợp tác an ninh với Mỹ, hợp tác kinh tế với thế giới”. Điều này phù hợp với lập trường chính sách đối ngoại mới của Tổng thống Yoon Suk-yeol là tập trung giải quyết bất ổn do các mối đe dọa an ninh mới gây ra, tăng cường ngoại giao khu vực để độc lập hơn với Trung Quốc và theo đuổi khả năng cạnh tranh công nghệ cao nhờ năng lực quản trị kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, khi cuộc cạnh tranh kinh tế và địa chính trị Mỹ - Trung Quốc được dự đoán sẽ ngày càng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khu vực này hiện cũng đang duy trì 93% các đặc khu kinh tế của Pháp, cũng như sự gia tăng các hoạt động hải quân của Anh trong khuôn khổ chiến lược “Nước Anh toàn cầu” thì những mối đe dọa an ninh đối với Seoul không chỉ bó hẹp trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Vì vậy, Hàn Quốc buộc phải có những động thái nhằm bảo đảm an ninh cho chính mình trong giai đoạn có nhiều thách thức nảy sinh và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn trong thời kỳ xác lập một cấu trúc an ninh hiệu quả để ứng phó với cạnh tranh quyền lực Mỹ - Trung Quốc. Trong khi đó, Seoul đang bị các thành viên nhóm “Bộ tứ” cũng như các đối tác trong khu vực “phàn nàn” về việc vẫn “bị động” trong tham gia vào các vấn đề an ninh ngoài phạm vi bán đảo Triều Tiên. Do đó, việc công bố lập trường liên quan đến bảo đảm an ninh tại Biển Đông, eo biển Đài Loan trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho thấy, Hàn Quốc đã thể hiện rõ ràng quan điểm và sẵn sàng đóng góp vào cấu trúc an ninh khu vực và xây dựng một vai trò tích cực hơn trong giải quyết các mối đe dọa tiềm tàng. Thông qua Chiến lược, Chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol tái khẳng định vị thế là một đồng minh chủ chốt của Washington ở khu vực. Động thái này không chỉ thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng với Mỹ trong nhiều vấn đề trọng yếu mà còn nằm trong mục tiêu nâng cấp liên minh Hàn - Mỹ thành một liên minh chiến lược toàn diện của Nhà Xanh.

Để hiện thực hóa những ý tưởng mang tính đột phá này, Hàn Quốc phải chuẩn bị những kế hoạch thực hiện chi tiết và cần thêm thời gian để đánh giá kết quả thực tế. Tuy nhiên, phải nói rằng, việc đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khởi đầu tốt để quốc gia Đông Bắc Á này khẳng định vị trí như một “cường quốc tầm trung” trong trật tự khu vực và thế giới đang có nhiều thay đổi.

VÂN KHANH – ĐẶNG TRƯỜNG