Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025

4/10/2025 8:24:15 AM

Hội nghị An ninh Munich 2025 diễn ra trong bối cảnh cục diện chính trị, an ninh thế giới đang có sự thay đổi nhanh chóng và khó dự báo. Hội nghị đã đưa ra nhiều nội dung, vấn đề liên quan đến an ninh toàn cầu hiện nay và cho thấy thế giới đang trong quá trình tăng tốc chuyển từ trật tự đơn cực sang đa cực.

Tổng thống Volodymyr Zelensky gặp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance bên lề Hội nghị An ninh Munich. Nguồn: AP/vietnamplus.vn

Thế giới đa cực hóa

Trước những biến động của tình hình khu vực và thế giới trong năm 2024 và đầu năm 2025, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine, chiến sự tại Trung Đông và sự thay đổi lập trường, chính sách của Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Hội nghị An ninh Munich 2025 (diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16/02/2025) đưa ra nhận định: cục diện chính trị, an ninh thế giới đang thay đổi mạnh hướng tới thế giới đa cực. Theo đó, kỷ nguyên thế giới đa cực đặt ra nhiều vấn đề mang tính thời đại, như: quốc gia nào sẽ đóng vai trò là “cực” trong trật tự thế giới mới, nước nào có tiềm năng trở thành “cực mới”, diện mạo của trật tự thế giới đa cực sẽ ra sao, luật chơi thế nào, thế giới đa cực có công bằng, bình đẳng và ổn định hơn hay bất ổn, bất bình đẳng hơn so với trật tự thế giới đơn cực?

Báo cáo trung tâm tại Hội nghị cho rằng: “trật tự dựa trên luật lệ” hay trật tự thế giới đơn cực do Mỹ chi phối đã không còn tồn tại, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ hai (ngày 20/01/2025) và thế giới đang bước sang kỷ nguyên trật tự thế giới đa cực. Theo báo cáo này, xu hướng hình thành trật tự thế giới đa cực chịu tác động của nhiều yếu tố: (1). Các quốc gia phương Tây thiếu đoàn kết, thiếu vai trò lãnh đạo, bị thách thức từ bên trong bởi tư tưởng cực hữu và dân túy; (2). Mâu thuẫn giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu bắt đầu gia tăng. Điều đó được thể hiện rõ khi Phó Tổng thống Mỹ James David Vance đã công khai chỉ trích các nước châu Âu về lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận, đồng thời cáo buộc lục địa già đang đánh mất giá trị căn bản của mình. Thậm chí ông còn tuyên bố mối đe dọa đối với châu Âu không phải từ Nga hay Trung Quốc mà là từ chính nội bộ của lục địa này; (3). Mỹ - quốc gia đóng vai trò là một cực trong trật tự thế giới đơn cực đang đặt lợi ích vị kỷ lên trên hết và có xu hướng bành trướng lãnh thổ; (4). Trung Quốc chủ trương xây dựng trật tự thế giới đa cực và có sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng chính trị để tập hợp lực lượng, lôi kéo các nước đang phát triển để cạnh tranh với Mỹ; (5). Châu Âu trong hơn nửa thế kỷ núp dưới chiếc “ô an ninh” của Mỹ sẽ buộc phải tự bảo đảm an ninh theo hướng nâng ngân sách quốc phòng lên mức 05% GDP; (6). Các “cực” đang nổi, như: Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Phi, Brazil tích cực tận dụng cơ hội để vươn mình; (7). Thế giới đa cực hóa sẽ không tránh khỏi sự phân hóa xã hội, xung đột cả trong nội bộ và giữa các quốc gia, chạy đua vũ trang, sự thiếu hợp tác trong việc hóa giải các thách thức mang tính toàn cầu, như: biến đổi khí hậu, chống tội phạm xuyên quốc gia và chống khủng bố quốc tế. Mặc dù vậy, với những động thái khá rõ ràng hiện nay, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có cách tiếp cận “hòa bình” với Trung Quốc và Nga; đồng thời, chuyển giao nhiều trách nhiệm an ninh hơn cho các đồng minh NATO cho thấy, một trật tự thế giới đa cực có thể được hình thành theo hướng hòa bình, tránh được chiến tranh và xung đột.

Triển vọng giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm (lần đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine) kéo dài 90 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin; trong đó, hai bên đề cập tới nhiều vấn đề, nhất là cách thức hóa giải cuộc xung đột Nga - Ukraine, các đại biểu tham dự Hội nghị An ninh Munich 2025 đã đặc biệt quan tâm tới các nội dung liên quan, như: nội dung thỏa thuận Mỹ - Nga về hóa giải cuộc xung đột Nga - Ukraine, Ukraine có công nhận 04 vùng lãnh thổ đã sáp nhập về Nga như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã từng tuyên bố hay không, Ukraine và châu Âu có được tham gia đàm phán để đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột và ai sẽ bảo đảm an ninh cho Ukraine sau khi đạt được thỏa thuận kết thúc cuộc xung đột?

Sau cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ James David Vance tại Hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ không chấp nhận một thỏa thuận hòa bình mà không có Ukraine tham gia. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho rằng, không thể đòi hỏi châu Âu thực thi thỏa thuận đó, châu Âu không thể gánh vác trách nhiệm bảo đảm an ninh cho Ukraine mà lại không được tham gia đàm phán. Nhiều nhà lãnh đạo khác cũng cảnh báo, nếu Mỹ chỉ tìm cách đạt thỏa thuận hòa bình rồi rũ bỏ trách nhiệm hậu xung đột, thì cả châu Âu và Mỹ sẽ cùng suy yếu và cả hai sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Làm thế nào để bảo vệ Ukraine sau khi có thỏa thuận hòa bình hoặc thỏa thuận ngừng bắn là một trong những chủ đề được thảo luận tại Hội nghị. Theo Thủ tướng Đan Mạch, cách dễ nhất, rẻ nhất và nhanh nhất là kết nạp Ukraine vào NATO. Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cho rằng, thỏa thuận hòa bình ở Ukraine sẽ rất khó đạt được vì còn nhiều ý kiến rất khác nhau; sau khi thỏa thuận hòa bình đạt được, nếu Nga vi phạm thì Ukraine sẽ ngay lập tức được kết nạp vào NATO. Nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, việc bảo vệ Ukraine bằng quân sự là không đủ mà phải cả bằng kinh tế, phải liên kết và xây dựng một Ukraine vững mạnh về kinh tế để làm thành trì cho châu Âu. Còn Chủ tịch Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của Đức, ông Friedrich Merz - người sẽ trở thành Thủ tướng Đức kế tiếp cho rằng, châu Âu sẽ phải đàm phán trên thế mạnh và Đức sẽ sẵn sàng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo châu lục này do vị trí địa chiến lược, địa kinh tế đặc biệt của mình. Có thể thấy các nước tham gia Hội nghị vẫn chưa có tiếng nói chung trong việc hóa giải cuộc xung đột Nga - Ukraine, nên theo dự báo của các chuyên gia, trong thời gian ngắn tới đây, khó có thể chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài 03 năm này.

Quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Á

Các nhà lãnh đạo châu Á tham dự Hội nghị tỏ ra lo ngại trước cách ứng xử của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Ukraine và đặt ra câu hỏi: Hoa Kỳ có còn là đối tác tin cậy với các đồng minh châu Á và Nhật Bản, Hàn Quốc có phải tự chủ an ninh hay không? Mặc dù vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc tin rằng quan hệ liên minh Hàn - Mỹ vẫn rất bền chặt và Seoul có thể vừa củng cố quan hệ liên minh với Washington, vừa cải thiện quan hệ với Bắc Kinh; với Hàn Quốc, quan trọng nhất là định vị ở đâu giữa Mỹ và Trung Quốc. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản thì cho rằng, cách thức Mỹ xử lý vấn đề Ukraine sẽ có tác động trực tiếp tới các đồng minh châu Á.

Theo Phó Tổng thư ký NATO, an ninh châu Á và châu Âu có liên quan mật thiết với nhau, cho nên NATO cũng sẽ quan tâm và can dự vào châu Á không theo phương thức trực tiếp mà thông qua các nước đối tác tại khu vực. Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng, Trung Quốc đang thực thi chủ nghĩa Monroe ở châu Á, giống như cách Mỹ đã thực thi ở châu Mỹ vào đầu thế kỷ XIX; các nước trong khu vực lo ngại khi Trung Quốc đủ mạnh, nước này sẽ coi khu vực châu Á là “sân sau”. Hiện nay, Trung Quốc đang vừa thể hiện sức mạnh với các cường quốc ngoài khu vực, vừa phải nhẹ nhàng xoa dịu các nước láng giềng, nhưng theo các chuyên gia, Bắc Kinh khó có thể đạt được mục tiêu kép này.

Châu Âu trước ngã rẽ định mệnh

Vấn đề được tranh luận nhiều tại Hội nghị An ninh Munich 2025 là trật tự thế giới đã thay đổi một cách căn bản; trong đó, quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương đang xa cách và rạn nứt nghiêm trọng. Với châu Âu, đây là thời điểm rất khó khăn vì lục địa này phải đánh giá lại toàn diện môi trường chiến lược cũng như định hướng chính sách an ninh, ngoại giao và quốc phòng trong kỷ nguyên mới. Lãnh đạo các nước châu Âu phải thuyết phục người dân hiểu được những thách thức trong kỷ nguyên mới và đồng hành cùng chính phủ. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo các nước châu Âu về nguy cơ đổ vỡ quan hệ với Mỹ và EU phải tự chủ, tự bảo vệ mình. Ông kêu gọi châu Âu phải thành lập quân đội của riêng mình, trong đó có sự tham gia của quân đội Ukraine, bởi đây là đội quân duy nhất có kinh nghiệm chiến trường ở châu lục này, là đội quân tinh nhuệ và hiện đại nhất hiện nay có khả năng sản xuất 1,5 triệu thiết bị bay không người lái mỗi năm. Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel lại cho rằng, việc Mỹ rút khỏi châu Âu là cơ hội để châu lục trưởng thành hơn và có thể tự bảo đảm an ninh cho mình mà không cần có Hoa Kỳ. Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cảnh báo, châu Âu phải “tỉnh dậy” để hiểu rằng châu lục này chưa trong tình trạng chiến tranh nhưng không còn ở tình trạng hòa bình nữa. Các hạ tầng chiến lược ở đáy biển Baltic bỗng dưng gặp sự cố liên tục không phải là ngẫu nhiên mà là hình thức chiến tranh mới.

Theo các chuyên gia, qua phát biểu của lãnh đạo các nước châu Âu tại Hội nghị cho thấy, có sự đồng thuận nhất định về những việc cần phải làm trong thời gian tới và xác định EU đang đứng trước ngã rẽ định mệnh. Trong bối cảnh quan điểm giữa Mỹ và châu Âu có nhiều khác biệt, nhất là khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ hai và liên minh Trung Quốc - Nga ngày càng quyết đoán, lục địa già cần có sự điều chỉnh chiến lược để vừa củng cố sức mạnh quốc phòng, vừa linh hoạt trong ngoại giao nhằm bảo vệ lợi ích và duy trì vị thế trên trường quốc tế.

Thế giới cần Hiệp ước Yalta 2.0

Hiệp ước Yalta do lãnh đạo các cường quốc giành chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai là Liên Xô, Mỹ và Anh ký (tháng 02/1945) nhằm thiết lập trật tự thế giới sau chiến tranh, thường được gọi là “trật tự Yalta”. Sau khi Liên Xô sụp đổ, “trật tự Yalta” cũng vì thế mà sụp đổ theo, còn Mỹ tự cho mình quyền thiết lập trật tự thế giới đơn cực, có khả năng chi phối thế giới. Nhưng kể từ khi Nga phục hồi vị thế cường quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo và đề xuất tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các cường quốc là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bàn thảo về trật tự thế giới mới. Giới nghiên cứu gọi Hội nghị này là “Yalta 2.0”. Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Hollande khi đó đã chấp nhận đề nghị này. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, hội nghị này đã không thể thực hiện được. Hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương bình thường hóa quan hệ với Nga sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine kết thúc và sáng kiến tổ chức Hội nghị Yalta 2.0 nên được các bên cân nhắc để thảo luận việc thiết lập trật tự thế giới đa cực.

Đại tá LÊ THẾ MẪU