Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới

9/26/2024 8:56:13 AM

I. Thực tiễn đòi hỏi và quan điểm của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng thời kỳ mới1

II. Bước phát triển vững chắc của công nghiệp quốc phòng và vấn đề đặt ra.        

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành,... đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, đạt được nhiều kết quả quan trọng, một số kết quả vượt mức so với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Nguồn: baochinhphu.vn

Rõ nét nhất là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng được quan tâm xây dựng và ngày càng hoàn thiện theo hướng đổi mới, hội nhập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, đảm bảo tính thiết thực, khả thi2. Nguồn lực đầu tư phát triển ngày càng được quan tâm, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp quốc phòng được bố trí phù hợp; đã huy động được lượng ngân sách lớn từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cho đầu tư phát triển và sản xuất. Nhiều dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao. Tỷ lệ các dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại và năng lực sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật cũng ngày càng được nâng cao. Riêng năm 2023, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã triển khai thực hiện 66 dự án, 150 đề tài, nhiệm vụ khoa học, công nghệ các cấp đạt kết quả tốt, v.v. Cơ chế chính sách đặc thù và chương trình hợp tác khoa học, công nghệ, công nghiệp quốc gia để phát triển công nghiệp quốc phòng từng bước được hoàn thiện. Qua đó, đã huy động được các nguồn lực cho nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí mới; đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ sở trong và ngoài Quân đội, nhất là khi thực hiện các chương trình, đề án khoa học, công nghệ để phát triển các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, công nghiệp lưỡng dụng, dân sinh.

Hệ thống quản lý và cơ sở công nghiệp quốc phòng từng bước được kiện toàn đồng bộ. Giai đoạn 2011 - 2021, Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Chính phủ quyết định chuyển Tập đoàn Viễn thông Quân đội thành Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; thành lập các tổng công ty: Ba Son, Sông Thu, Công nghiệp công nghệ cao Viettel;… điều chỉnh tổ chức, cơ cấu lại các doanh nghiệp quốc phòng theo hướng tinh, gọn, hiệu quả. Nhiều chương trình, đề án nghiên cứu, thiết kế vũ khí, trang bị kỹ thuật trọng điểm được triển khai, tạo bước tiến vượt bậc, đột phá về năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số loại vũ khí hiện đại, điển hình như: một số tổ hợp tên lửa; các loại rađa thế hệ 3; hệ thống tự động hóa chỉ huy lực lượng phòng không - không quân; máy bay trinh sát không người lái; tàu ngầm quân sự cỡ nhỏ; xe ô tô chỉ huy; xe thiết giáp; súng, đạn chống tăng; đạn nhiệt áp, đạn pháo mặt đất, đạn pháo phòng không; khí tài quan sát, ngắm bắn ngày và đêm; trang bị thông tin thế hệ mới; công cụ giám sát, quản lý và tác chiến trên không gian mạng; các hệ thống mô phỏng xe tăng, máy bay tiêm kích đa năng và một số tàu chiến,... đánh dấu sự phát triển vượt bậc của công nghiệp quốc phòng.

Công nhân Nhà máy Z111 tổng lắp vũ khí bộ binh do nhà máy nghiên cứu, sản xuất. Nguồn: qdnd.vn

Công tác sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật cũng có bước phát triển mạnh. Từ năm 2011 đến nay, đã làm chủ công nghệ, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa nhiều chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, phù hợp với yêu cầu tác chiến của Quân đội; trong đó có trên 90 chủng loại sản phẩm vũ khí, khí tài, đạn dược trang bị cho lục quân, một số loại đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, như: Súng Galil Ace 31, Galil Ace 32, STV 215, STV 380, v.v. Đóng mới gần 30 loại tàu quân sự, gồm các loại tàu tên lửa, tàu pháo, tàu cứu hộ tàu ngầm, tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, tàu chở quân, tàu quân y, v.v. Năng lực sửa chữa tàu phục vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã có bước chuyển biến rõ nét cả về tiến độ và chất lượng. Riêng Viettel đã sản xuất nhiều sản phẩm chất lượng cao, như: Máy thông tin quân sự bảo đảm thông tin liên lạc cả trên bộ, trên không và trên biển; Hệ thống cảnh giới vùng trời quốc gia; Hệ thống rađa công nghệ số ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong bài toán xử lý, hiển thị mục tiêu và nhiễu; Hệ thống mô hình mô phỏng phục vụ công tác huấn luyện chiến đấu; Hệ thống quang điện tử hỗ trợ quan sát, giám sát, trinh sát và chỉ thị mục tiêu sử dụng công nghệ ảnh nhiệt; máy bay không người lái và nhiều sản phẩm dân sự khác3.

Thực hiện chủ trương phát triển lưỡng dụng, công nghiệp quốc phòng đã chủ động tham gia sản xuất các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, tàu thuyền cho Công an nhân dân và các lực lượng thực thi pháp luật; sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ dân sinh có chất lượng tốt, được thị trường tin dùng, như: vật liệu nổ công nghiệp, pháo hoa, đóng và sửa chữa tàu biển, may mặc, điện tử;... trong đó, nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu, như: Tàu cung ứng thuyền viên cho Tập đoàn Damen (Hà Lan); Tàu cứu hộ tàu ngầm và tàu chở dầu cho Hải quân Australia; Tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cho Pháp; Tàu công trình, tàu huấn luyện máy bay, du thuyền, tàu kéo cảng,… xuất khẩu sang nhiều quốc gia4, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, nhất là khu vực biên giới, biển, đảo.

Công tác phát triển nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được coi trọng. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ, công nhân lành nghề chuyên ngành đặc thù công nghiệp quốc phòng ngày càng tăng. Tính đến đầu năm 2022, số lượng cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên tăng khoảng 2,38 lần, thạc sĩ tăng 2,24 lần so với năm 2011. Đã hình thành các tổ, nhóm nghiên cứu mạnh, tiềm năng trên một số lĩnh vực then chốt, trọng điểm, như: vũ khí bộ binh, đóng tàu, nghiên cứu, chế tạo, sản xuất tên lửa và trang thiết bị công nghệ cao. Đồng thời, chuẩn bị tốt mọi mặt và sẵn sàng động viên công nghiệp quốc phòng cho nhiệm vụ thời chiến; bố trí, sắp xếp lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt trên cả ba miền phù hợp với thế phòng thủ tác chiến chiến lược. Hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng được đẩy mạnh với nội dung, hình thức hợp tác đa dạng, như: đào tạo nguồn nhân lực; trao đổi kinh nghiệm tổ chức quản lý nhà nước và luật pháp về công nghiệp quốc phòng; chuyển giao công nghệ,... qua đó góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Đánh giá về những thành tựu trên lĩnh vực này, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Công nghiệp quốc phòng, an ninh được tập trung đầu tư phát triển, sản xuất được nhiều loại phương tiện, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiều thiết bị máy móc, sản phẩm dân dụng chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường”5. Thực tế đó đã minh chứng cho tính đúng đắn, khoa học trong tư duy của Đảng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng thời kỳ mới.

Các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí trưng bày tại không gian ngoài trời tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh: baochinhphu.vn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhận thức về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng của một số cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi chưa thật đầy đủ. Đâu đó vẫn còn biểu hiện coi đây là nhiệm vụ của riêng Quân đội và của các doanh nghiệp quốc phòng. Vì vậy, chưa đề cao trách nhiệm trong tham gia xây dựng, phát triển lĩnh vực quan trọng này. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, các cơ quan với đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện có lúc còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ. Chưa xây dựng được thể chế, cơ chế chính sách có tính đột phá để tạo hành lang pháp lý cho phát triển công nghiệp quốc phòng; việc phát huy tiềm lực nội tại ngành Công nghiệp quốc phòng cũng như của nền khoa học, công nghệ và công nghiệp quốc gia tham gia công nghiệp quốc phòng còn hạn chế. Chất lượng dự báo trong xây dựng một số quy hoạch, kế hoạch chưa cao, v.v.

Hệ thống các cơ sở công nghiệp quốc phòng nhìn chung còn chưa thật đồng bộ. Trình độ, năng lực quản lý của một số doanh nghiệp có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Ngân sách nhà nước đầu tư cho công nghiệp quốc phòng còn thấp so với nhu cầu, v.v. Năng lực thiết kế, chế tạo, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại cho các quân, binh chủng có mặt còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật một số lĩnh vực còn thiếu, nhất là các chuyên gia đầu ngành.

Việc huy động tiềm lực khoa học, công nghệ và công nghiệp quốc gia tham gia xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng chuyển biến còn chậm. Hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp quốc phòng chưa có bước đột phá. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm có mặt còn hạn chế. Sản phẩm quốc phòng xuất khẩu còn ít. Năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế chưa cao. Đánh giá về vấn đề này, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định: Năng lực công nghiệp quốc phòng nhìn chung chưa đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại; chưa có nhiều sản phẩm lưỡng dụng phục vụ dân sinh, xuất khẩu, v.v.

Thực tiễn xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trong thời gian qua đã và đang đặt ra những vấn đề cần tiếp tục quan tâm giải quyết thấu đáo.

Một là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng là chủ trương lớn của Đảng, với cả thuận lợi cùng những khó khăn, thách thức lâu dài khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều, đòi hỏi phải có nhận thức đúng, quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, lực lượng. Đây là vấn đề đặt ra hàng đầu, có tính nền tảng, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng thời kỳ mới.

Hai là, xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng là nhiệm vụ có tính đặc thù cao, đòi hỏi phải đầu tư nguồn lực lớn cả về tài chính, đất đai, con người và công nghệ, v.v. Vì thế, vấn đề đặt ra là phải có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để tập trung nguồn lực, thu hút, huy động vốn, khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực và các quỹ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ba là, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia là chủ trương đúng đắn, song đòi hỏi phải làm chủ được dây chuyền công nghệ hiện đại, lưỡng dụng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các chuyên gia đầu ngành, những tổng công trình sư “có tên tuổi”. Vì vậy, thời gian tới, những vấn đề về nghiên cứu, thiết kế, mua sắm dây chuyền công nghệ hiện đại, lưỡng dụng; chăm lo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ hiện đại,… để công nghiệp quốc phòng thực sự là mũi nhọn của công nghiệp quốc gia cũng là vấn đề đặt ra cấp thiết.

Bốn là, hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, nhiều loại vũ khí hiện đại, uy lực lớn, độ chính xác cao ra đời và được sử dụng ngày càng nhiều trong các cuộc chiến; không gian chiến tranh mở rộng trên các môi trường: không, bộ, biển, không gian mạng, phổ điện từ và vũ trụ. Ranh giới giữa tiền tuyến và hậu phương không phân biệt rõ ràng, do vũ khí có khả năng tác chiến tầm xa, độ chính xác và sức cơ động cao. Tình hình đó đòi hỏi phải phát huy hơn nữa tính chủ động, tự lực, tự cường của công nghiệp quốc phòng; đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế, vươn lên làm chủ thiết kế, công nghệ hiện đại, sửa chữa, cải tiến phần lớn vũ khí, trang bị hiện có; đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo ra hệ thống vũ khí thế hệ mới, có ý nghĩa chiến lược, có sức răn đe cao, trang bị cho các quân binh chủng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Cùng với đó, tích cực sản xuất các mặt hàng có thế mạnh, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu,… thiết thực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn, kinh nghiệm, kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra trong thời gian qua là cơ sở để các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Công nghiệp quốc phòng có những giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

CAO THÀNH - PHẠM CƯỜNG - MINH ĐỨC
______________________
        

1 - Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ số 8/2024.

2 - Từ năm 2011 đến 2021, Bộ Quốc phòng đã đề xuất, ban hành trên 200 văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng. Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

3 - Nhóm Phóng viên – Bài 5: Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 25/01/2021.

4 - Phạm Thị Hiền – Về tính lưỡng dụng của công nghiệp quốc phòng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Trang Thông tin điện tử Trường Chính trị Phú Thọ, ngày 26/4/2022.

5 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 56.

(Số sau: III. Giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới)