Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)

11/4/2024 11:07:12 AM

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” khẳng định: xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực phòng thủ quân khu thành khu vực phòng thủ vững chắc. Đây là chủ trương lớn, xuyên suốt, được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, với nhiều giải pháp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quân khu 4 là địa bàn chiến lược trọng yếu trên nhiều phương diện, nhất là về quốc phòng, an ninh của cả nước1. Trong nhiều năm qua, về cơ bản, tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn Quân khu giữ vững sự ổn định; kinh tế được phục hồi và phát triển; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang được nâng lên. Tuy nhiên, do lịch sử để lại và do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan, đời sống của nhân dân ở một số địa phương còn nhiều khó khăn, khả năng bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng còn hạn chế. Bên cạnh đó, tình hình an ninh tôn giáo, an ninh biên giới2, an ninh nông thôn và khu công nghiệp ở một số địa phương tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Thời tiết cực đoan, thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp,… đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ xây dựng các tiềm lực, thế trận trong khu vực phòng thủ của Quân khu. Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của Quân khu trong thế phòng thủ chung của cả nước, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ; kế thừa, phát huy kinh nghiệm, truyền thống của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc,… Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, với nhiều kết quả nổi bật.

Quân khu 4 chỉ đạo Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Hà Tĩnh năm 2023.

Trước hết, Quân khu đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai nghiêm túc, chặt chẽ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng khu vực phòng thủ. Ban hành Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Quân khu với các tỉnh ủy trên địa bàn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương và xây dựng phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp kiện toàn ban chỉ đạo khu vực phòng thủ, Hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện theo đúng quy định; xây dựng quy chế, chương trình hành động bảo đảm khoa học, sát thực tiễn. Cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, cơ quan Quân sự, Công an, Biên phòng và các ban ngành, đoàn thể địa phương phối hợp làm tham mưu được vận hành liên hoàn, đồng bộ, từng bước phát huy hiệu quả; tiềm lực và thế trận phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ được xây dựng “cơ bản, liên hoàn, vững chắc”, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng huy động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống.

Tiềm lực chính trị, tinh thần, văn hóa, xã hội trong phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu thường xuyên chăm lo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều biện pháp phù hợp, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, truyền thống kiên cường, bất khuất của quân và dân Quân khu trong giai đoạn mới. Cùng với đó, công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc3. Đặc biệt, năm 2023, Thường vụ Đảng ủy Quân khu đã phối hợp với tỉnh ủy 06 tỉnh chỉ đạo thành lập 100% chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn theo đúng hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương4, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự nói chung, xây dựng phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ nói riêng.

Quán triệt, thực hiện phương châm dựa vào dân, “dân là gốc”; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc,... trong xây dựng phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ, Quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh; chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả thiết thực5. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận trong nhân dân. Đặc biệt, lực lượng vũ trang Quân khu đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản Nhà nước và nhân dân6. Phối hợp các lực lượng tuần tra bảo vệ biên giới, kịp thời ngăn chặn, triệt phá các đường dây buôn bán ma tuý, buôn lậu xuyên quốc gia, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan giúp bạn Lào xây dựng các cụm bản phát triển; phối hợp với Bạn tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sỹ hy sinh tại Lào về nước an táng. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Trong xây dựng tiềm lực kinh tế, khoa học của phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ, Quân khu phối hợp với các tỉnh gắn kết chặt chẽ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng với thế bố trí chiến lược quốc phòng, quân sự. Ưu tiên xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, có tính lưỡng dụng cao, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, sẵn sàng huy động, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất vật chất hậu cần trong chiến tranh. Thẩm định chặt chẽ về mặt quốc phòng đối với quy hoạch các khu công nghiệp. Phối hợp với các ban, ngành địa phương, lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy trình, quy định; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị phát triển mạng thông tin liên lạc quân sự bảo đảm vững chắc, thông suốt phục vụ cho lãnh đạo, chỉ đạo, hiệp đồng thực hiện các nhiệm vụ. Hệ thống cơ sở hạ tầng, trang bị, phương tiện ngành giao thông vận tải; mạng lưới y tế cả quân và dân y từ tuyến Quân khu đến cơ sở được chăm lo xây dựng vững mạnh, sẵn sàng huy động bảo đảm khi có tình huống xảy ra.

Đối với công tác xây dựng lực lượng, Quân khu quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu theo hướng “tinh, gọn, mạnh, cân đối, đồng bộ”; sắp xếp, kiện toàn tổ chức biên chế các cơ quan, đơn vị theo lộ trình, phù hợp với yêu cầu. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp; các đơn vị dự bị động viên biên chế đúng quy định. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành 100% chỉ tiêu diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện gắn với tác chiến chiến lược trên hướng chiến trường miền Trung và diễn tập phòng thủ dân sự bảo đảm an toàn, sát thực tế. Tập trung nguồn lực xây dựng các thành phần, thế trận khu vực phòng thủ, nhất là trong xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, các chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới đất liền, v.v. Qua đó, không ngừng nâng cao sức mạnh phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Hiện nay, Quân khu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và bầu cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá với tính chất, quy mô, mức độ cao hơn. An ninh tôn giáo, an ninh mạng, an ninh nông thôn, khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài và trên tuyến biên giới phía Tây Quân khu còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Để tiếp tục xây dựng phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ các tỉnh ngày càng vững chắc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, là nhân tố quyết định đảm bảo cho việc xây dựng phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ tỉnh, huyện tiến hành đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Để đạt hiệu quả cao, Quân khu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, bảo đảm giữ vững nguyên tắc: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nói chung, xây dựng khu vực phòng thủ nói riêng. Cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước đột phá trong xây dựng tiềm lực mọi mặt của khu vực phòng thủ, nhất là xây dựng cơ sở chính trị, củng cố “thế trận lòng dân”, tăng cường xây dựng tiềm lực kinh tế, tiềm lực, thế trận quân sự trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu. Chú trọng kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong khu vực phòng thủ, đặc biệt là Ban Chỉ đạo phòng thủ Quân khu và khu vực phòng thủ ở các cấp. Chủ động phối hợp nắm, đánh giá đúng tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương, đối sách phù hợp, xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Hai là, đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo nguồn lực vật chất, kỹ thuật xây dựng phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ. Trước hết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, nhất là các dự án trọng điểm. Ưu tiên nguồn lực xây dựng các công trình mang tính lưỡng dụng cao, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa sẵn sàng bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ cấp tỉnh, huyện; các chốt chiến đấu dân quân thường trực tuyến biên giới; trụ sở làm việc của ban chỉ huy quân sự cấp xã, nhà trực của dân quân (phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành); xây dựng thao trường huấn luyện các cấp, thao trường bắn biển; thao trường huấn luyện, diễn tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu của cơ quan Quân khu bảo đảm tiến độ, chất lượng và an toàn. Quản lý chặt chẽ công trình quốc phòng, khu quân sự, hệ thống hang động.

Ba là, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang Quân khu trong xây dựng phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các quyết định về tổ chức biên chế Quân đội giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao; thực hiện tốt nhiệm vụ động viên quốc phòng. Quan tâm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, lực lượng dự bị động viên hùng hậu. Nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu. Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực xây dựng các thành phần, thế trận trong phòng thủ Quân khu và khu vực phòng thủ. Phát huy vai trò tích cực của lực lượng vũ trang trong xây dựng hệ thống chính trị địa phương trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị từ cơ sở, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, tuyến biên giới. Thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc, tôn giáo; chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tăng cường phối hợp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, kịp thời định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu và nhân dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân, giữ vững tuyến biên giới hòa bình, ổn định phát triển, tạo hành lang bảo vệ vững chắc cho phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ.

Xây dựng phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước. Đó cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Quân khu, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, nhằm nâng cao khả năng phòng thủ chung của cả nước; giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Trung tướng TRẦN VÕ DŨNG, Chính ủy Quân khu
___________________
        

1 - Gồm 06 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Trong đó: có 22 huyện biên giới; đường biên giới dài 1.337,038km, giáp với 07 tỉnh của nước bạn Lào; 32 huyện ven biển (bờ biển dài 722km, với 30 hòn đảo lớn nhỏ); 02 khu kinh tế trọng điểm là Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Vũng Áng (Hà Tĩnh); có 34 dân tộc sinh sống.

2 - Tình trạng di, dịch, hồi cư của người Mông; xuất, nhập cảnh trái phép; buôn bán, vận chuyển ma túy, hàng cấm; truyền đạo trái phép ở tuyến biên giới phía Tây Quân khu diễn biến phức tạp.

3 - Năm năm qua, tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh theo phân cấp cho gần 335.200 đối tượng.

4 - Đến tháng 12/2023 đã thành lập được 1.651/1.651 chi bộ, vượt kế hoạch 01 năm.

5 - Phụng dưỡng 60 Mẹ Việt Nam anh hùng; từ 2019 - 2023: xây dựng 993 Nhà tình nghĩa; thăm, tặng quà đối tượng chính sách gần 6,2 tỷ đồng; 1.107 xã, 23 huyện trên địa bàn Quân khu đạt chuẩn nông thôn mới.

6 - Từ 2019 - 2023: điều động 157.685 lượt cán bộ, chiến sĩ và 2.959 lượt phương tiện; công tác khắc phục lũ, lụt, sạt lở đất tại Thủy điện Rào Trăng 3, Thừa Thiên - Huế và xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị (năm 2020).