Lợi dụng tự do tôn giáo để kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc - trò cũ soạn lại

7/25/2019 7:57:29 AM

Trong chiến lược chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo là một trọng điểm; phụ họa cho mưu đồ đó, họ thường lặp đi lặp lại các luận điệu xuyên tạc Đảng và Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo của người dân. Báo cáo thường niên của Ủy hội Quốc tế Hoa Kỳ về tự do tôn giáo thế giới (USCIRF) những năm qua là một điển hình!

Mục tiêu nhất quán và xuyên suốt của họ là đối lập tôn giáo với chế độ xã hội chủ nghĩa; tách các tôn giáo khỏi khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Để thực hiện điều đó, họ sử dụng các thủ đoạn: xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo; dựng chuyện bịa đặt, vu cáo các cấp chính quyền phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo để kích động, chia rẽ trong nước và hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế, v.v. Họ coi các phần tử cực đoan, chống đối trong các tôn giáo là “ngòi nổ”, là lực lượng nòng cốt để lôi kéo, tập hợp quần chúng làm “đối trọng” với Đảng, Nhà nước và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Cùng với việc hậu thuẫn cho các lực lượng này hoạt động chống phá đất nước, họ còn phối hợp chặt chẽ với các cá nhân, tổ chức quốc tế thiếu thiện chí để bịa đặt, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Cũng như các năm trước, Báo cáo thường niên năm 2019 của USCIRF công bố ngày 29-4-2019 lại đưa ra nhận định sai trái về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Họ cho rằng: tình hình vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục có khuynh hướng tiêu cực, tình trạng chung của các nhóm tôn giáo ở Việt Nam đã xấu đi trong năm 2018; rằng: “Chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp mọi tôn giáo, thường bắt giữ những người biểu tình ôn hòa để đòi hỏi tự do tín ngưỡng và tự do thờ phụng”, “Nhiều tổ chức tôn giáo không được chính phủ công nhận và không được cấp giấy phép sinh hoạt”? v.v. Đây là những luận điệu bịa đặt cũ rích, được nhào nặn, lặp đi, lặp lại với ý đồ chính trị xấu xa. Vì không thể phủ nhận hoàn toàn đời sống tôn giáo đang diễn ra hết sức phong phú ở nước ta, Báo cáo buộc phải ghi nhận “một số thành tựu và tiến triển” trong công tác bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Tuy ra vẻ có chú ý đến những biến đổi ở Việt Nam, song điểm bao trùm và xuyên suốt trong Báo cáo vẫn là những thông tin áp đặt, định kiến chủ quan, nhằm hậu thuẫn các hoạt động vi phạm pháp luật núp dưới chiêu bài “đấu tranh cho tự do tôn giáo”, “dân chủ, nhân quyền”, hòng can thiệp nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn chính trị đất nước ta.

Vấn đề đặt ra, tại sao USCIRF cứ “trò cũ soạn lại” như thế? Dễ hiểu thôi. Với rắp tâm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, họ không thể thừa nhận những thành tựu đổi mới của nhân dân ta và những tiến bộ về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Do bị chi phối bởi quan điểm của những thế lực cực hữu trong chính giới Hoa Kỳ, họ chỉ quanh quẩn với những trò cũ mà không vượt qua được “lằn ranh” định kiến với Việt Nam; không căn cứ vào tình hình thực tế về tự do tôn giáo đang diễn ra, mà chỉ dựa vào thông tin của những kẻ bất mãn, chống đối trong nước, các tổ chức phản động lưu vong - những kẻ thường lợi dụng vấn đề “dân chủ, nhân quyền, tôn giáo” để chống phá Việt Nam. Với cách tiếp cận áp đặt, chủ quan, mang nặng tư duy thời chiến tranh lạnh như vậy, USCIRF đang đi ngược lại mối quan hệ Đối tác toàn diện và Tầm nhìn chiến lược đang phát triển rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ!

Ở mỗi quốc gia khác nhau, có những quan niệm khác nhau về tự do tôn giáo được xác định bởi truyền thống, văn hóa dân tộc. Bởi vậy, để có đánh giá đúng đắn, khách quan về tự do tôn giáo ở bất kỳ một nước nào, phải căn cứ vào nhiều nội dung, nhưng trước hết phải dựa trên hai vấn đề cơ bản nhất: chính sách, pháp luật của nhà nước và thực tế đời sống tôn giáo của nhân dân.

Là một nước đa tôn giáo, nhưng cộng đồng các tôn giáo Việt Nam luôn luôn gắn bó với vận mệnh của dân tộc; là một trong những nhân tố tích cực làm nên sự đa dạng và đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng và từ đặc điểm, tình hình tôn giáo, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; thực hiện bình đẳng, đoàn kết giữa các tôn giáo, không thành kiến, phân biệt đối xử; nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, v.v. Ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 234/SL khẳng định:“Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật”1. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng chỉ rõ: “Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”2.

Thể chế hóa quan điểm của Đảng và luật pháp quốc tế về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các Hiến pháp của nước ta: năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều thể hiện rõ quan điểm nhất quán, xuyên suốt là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Điều 24, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Cùng với đó, Quốc hội ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) và Chính phủ có Nghị định hướng dẫn tổ chức thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, phù hợp với yêu cầu của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thời kỳ mới của đất nước. Đồng thời, thể hiện sự tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm hơn nữa quyền tự do tôn giáo của nhân dân; đổi mới cơ chế quản lý, tạo thông thoáng, minh bạch, cơ chế pháp lý nhằm tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Ngược lại với những luận điệu trí trá, bịa đặt về tự do tôn giáo ở Việt Nam, những năm qua, với các chủ trương, chính sách, pháp luật đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ta được bảo đảm tốt trong thực tế. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân được các cấp chính quyền tôn trọng, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật; số lượng cơ sở thờ tự, số lượng tín đồ, chức sắc, chức việc cũng như các lễ hội không ngừng tăng lên. Hiện nay, Việt Nam có hơn 24,3 triệu người là tín đồ của 6 tôn giáo lớn; cả nước có hơn 28.000 cơ sở thờ tự; hơn 8.000 lễ hội được tổ chức hằng năm; các tôn giáo đều có hệ thống đào tạo riêng của mình, v.v. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các địa phương đã giải quyết tốt việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tạo điều kiện tu sửa, nâng cấp, xây mới cơ sở thờ tự của các tôn giáo; thủ tục hành chính giải quyết nhu cầu sinh hoạt tôn giáo bảo đảm nhanh, gọn, đúng quy định. Đồng thời, phối hợp tốt với các bộ, ngành, đoàn thể, cụ thể hóa chủ trương chăm lo đời sống đồng bào tôn giáo bằng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, làm cho đời sống đồng bào các tôn giáo được nâng lên, giải quyết kịp thời các vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Cùng với việc tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà nước ta nghiêm cấm mọi hoạt động lợi dụng tự do tôn giáo để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Thời gian qua, việc các cơ quan chức năng ở một số địa phương bắt giữ, xử lý một số người lợi dụng tự do tôn giáo để chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động các cơ quan nhà nước và công dân, truyền bá mê tín dị đoan, phát triển tà đạo,... làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội là việc làm bình thường, hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam. Điều đó hoàn toàn không phải là hành vi “đàn áp” hay “hạn chế” tôn giáo, như các luận điệu thù địch xuyên tạc.

Trên đất nước ta, từ Bắc vào Nam, từ thành thị, nông thôn đến miền núi, ở đâu cũng có đền, chùa, tháp chuông, nhà nguyện, tòa thánh,… được xây dựng khang trang, cùng với các nghi lễ mang đậm bản sắc tôn giáo ở mỗi vùng miền. Đồng bào Công giáo, chắc hẳn ai cũng thấy rõ những thay đổi tại Vương cung Thánh đường La Vang ở Hải Lăng, Quảng Trị - nơi từng bị bom đạn Mỹ phá hủy năm 1972, hiện đã được xây dựng lại trên một khu đất rộng 21 ha, có sức chứa 5.000 người. Đây là trung tâm hành hương Công giáo lớn nhất cả nước. Không chỉ đồng bào Công giáo, tín đồ các tôn giáo khác cũng cảm nhận được những biến đổi to lớn trong đời sống tôn giáo, nhất là về cơ sở thờ tự, điều kiện tiến hành nghi lễ của tôn giáo mình. Các trung tâm của Phật giáo Hòa Hảo ở miền Tây Nam Bộ, như: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, hay các trung tâm của đạo Cao Đài, như: Tòa thánh Tây Ninh, Tòa thánh Bến Tre,… đều được giữ gìn, phát triển, đáp ứng nhu cầu của đông đảo tín đồ trong không khí an lành, hướng thiện và là điểm tham quan, du lịch tâm linh của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Không chỉ chăm lo cho đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ngày một tốt hơn, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng hết sức có trách nhiệm đối với các hoạt động tôn giáo quốc tế. Việt Nam từng 3 lần tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak). Đặc biệt, đã tổ chức rất thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2019 tại Chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam), với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu quốc tế thuộc 570 phái đoàn đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, cùng hơn 20 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam,… được bạn bè quốc tế đánh giá hết sức tích cực.

Thực tế trên đã phản ánh sự phong phú, đặc sắc trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam hiện nay. Tự nó cho thấy, mọi chiêu trò lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam, kích động, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc đều bị lật tẩy!

VINH HIỂN

__________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 48.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 165.