Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sự kiện lịch sử trọng đại, hào hùng, xua tan mọi luận điệu xấu độc

4/28/2025 12:23:16 PM

Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) - trang vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, một sự kiện trọng đại biến ước mơ của nhân dân ta về độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc thành hiện thực. Song, bất chấp sự thật, ở đâu đó vẫn còn những người “hậm hực”, với thái độ “hằn học”, cố tình đưa ra những xuyên tạc về sự kiện lịch sử trọng đại này. Vì vậy, chúng ta phải đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu trang bác bỏ.

Thành phố Hồ Chí Minh đang vươn mình phát triển thành đô thị, trung tâm tài chính bậc nhất Đông Nam Á. Ảnh: TTXVN

Đại thắng mùa Xuân 1975 là chiến công chói lọi, thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng. Chỉ trong 55 ngày đêm, ta đã đánh bại hoàn toàn quân ngụy với trên một triệu tên, do Mỹ tổ chức, huấn luyện, nuôi dưỡng và trang bị; đập tan chế độ ngụy quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam. Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam (tính từ năm 1954 - 1975), đế quốc Mỹ đã tiêu tốn 676 tỉ USD; nếu so với Chiến tranh thế giới thứ nhất (25 tỉ USD), Chiến tranh thế giới thứ hai (341 tỉ USD) và chiến tranh ở Triều Tiên (54 tỉ USD), thì chi phí của Mỹ cho cuộc chiến tranh tại Việt Nam là một con số khổng lồ. Trong 09 năm trực tiếp đưa quân tham chiến tại Việt Nam, có khoảng gần 58 nghìn lính Mỹ đã thiệt mạng. Đây là thất bại to lớn của đế quốc Mỹ.

Đại thắng mùa Xuân 1975 kết thúc oanh liệt 30 năm đấu tranh (chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc xâm lược) giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; mang tầm vóc to lớn cả về quân sự và chính trị, cả về không gian và lực lượng. Điều đó thể hiện sâu sắc tài thao lược, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh xuất sắc của Đảng ta trong việc tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận, tạo và nắm bắt thời cơ, hạ quyết tâm cho trận quyết chiến chiến lược để giành thắng lợi trọn vẹn. Đồng thời, phản ánh nghị lực phi thường của Quân đội ta, nhân dân ta, khẳng định ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã thực hiện trọn vẹn ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc mà Người để lại: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”1.

Đánh giá về tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện lịch sử đó, Đại hội lần thứ IV của Đảng đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất. Một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”2.

Từ thắng lợi vĩ đại đó, trải qua nửa thế kỷ, đất nước ta đã và đang phát triển vượt bậc, vươn tầm, từng bước sánh vai với các cường quốc năm châu. Đó là sự thật rất sáng tỏ. Vậy nhưng, vẫn luôn xuất hiện những luận điệu xảo trá, đen tối, thâm độc nhằm xuyên tạc ý nghĩa cao cả và trọng đại của Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước. Điển hình và tựu chung của các luận điệu xấu xa ấy cho rằng: cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chúng ta là sai lầm, dẫn đến cảnh “nồi da nấu thịt”, “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam - Bắc. Để ngụy biện cho luận điệu trên, họ lấy dẫn chứng Nam - Bắc Triều Tiên, Đông - Tây nước Đức không có cuộc kháng chiến nhưng vẫn bình thường, phát triển. Có thể khẳng định rằng, những luận điệu đó không hề mơ hồ, ngây ngô hoặc hồ đồ mà là một ý đồ thâm độc, đổi trắng thay đen của các thế lực thù địch. Và tất nhiên, sự công kích trắng trợn đó không lừa dối được ai. Chúng ta có đủ luận cứ để bác bỏ hoàn toàn ý đồ xấu xa đó với những nội dung sáng tỏ sau:

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là cuộc chiến tranh chính nghĩa, không phải “nồi da nấu thịt” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (năm 1954), thực hiện Hiệp định Giơnevơ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương chuyển cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ đấu tranh quân sự sang đấu tranh chính trị, mong muốn giữ vững hòa bình, tiến tới thống nhất đất nước thông qua tổng tuyển cử vào tháng 7/1956. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ với dã tâm thực hiện mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta đã trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, dựng lên chính quyền tay sai Việt Nam cộng hòa ở miền Nam, từ chối tổng tuyển cử, ra sức đàn áp những người yêu nước. Từ năm 1965 đến tháng 01/1973, Mỹ đã huy động khoảng 03 triệu lượt quân Mỹ và chư hầu cùng khối lượng khổng lồ vũ khí, khí tài quân sự vào loại hiện đại nhất trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, từng bước mở rộng chiến tranh ra miền Bắc; đồng thời, nuôi dưỡng chính quyền tay sai để thực hiện mưu đồ biến miền Nam Việt Nam thành tiền đồn của Mỹ ở Đông Nam Á.

Tổng thống Pháp Ph. Mit-tơ-răng trong dịp sang thăm chính thức Việt Nam tháng 02/1993, khi trả lời các nhà báo, đã nhận xét: “Ông Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại nhưng không tìm được. Dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập, ông Hồ Chí Minh đã bị đẩy vào chiến tranh”3.

Như vậy, dưới góc độ lịch sử và pháp lý, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam không phải là một cuộc nội chiến, “nồi da nấu thịt” như các thế lực thù địch rêu rao, xuyên tạc, mà là cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống giặc ngoại xâm. Bởi, chính đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược, còn Việt Nam chỉ thực hiện quyền tự vệ chính đáng. Cũng giống như cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đó, trước họa xâm lược của đế quốc Mỹ, nhân dân Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác, buộc phải đứng lên chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, không phải vì hận thù mà vì khát vọng độc lập và thống nhất đất nước.

Không có chuyện “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam - Bắc

Sau Hiệp định Giơnevơ, với mưu đồ hất cẳng Pháp để độc chiếm miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm làm công cụ cai trị và đàn đáp nhân dân ta. Giữa năm 1956, Ngô Đình Diệm tuyên bố lập nước “Việt Nam cộng hòa”. Thực tế, cái gọi là chính quyền “Việt Nam cộng hòa” không phải là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam. Bởi, chính nhân dân miền Nam là lực lượng nòng cốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam, điển hình là phong trào Đồng Khởi năm 1959 hay sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1960. Các lực lượng này được xây dựng từ chính người dân miền Nam, phản ánh khát vọng độc lập, tự do của họ.

Mặt khác, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm cũng như các chính quyền của ngụy sau này, về bản chất chỉ là một bộ máy được Mỹ dựng lên và nuôi dưỡng, phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Thực tiễn lịch sử minh chứng: sau khi lên làm tổng thống ngụy, Ngô Đình Diệm đã thi hành ngay chính sách trả thù những người kháng chiến; phát động chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” với khẩu hiệu “tiêu diệt cộng sản tận gốc”, “thà giết nhầm hơn bỏ sót”. Tháng 5/1959, Ngô Đình Diệm ra đạo luật phát xít 10/59, thẳng tay giết hại biết bao chiến sĩ, đồng bào yêu nước: “Tiếng máy chém đầu văng trong ánh thép, nhân dân quằn quại dưới xiềng gông, đạn bom rơi, xác ngã chất chồng, người chết không yên, tan mồ nát mả”4. Tính từ cuối năm 1954 đến năm 1959, chúng đã bắt giam 466.000 người, giết hại 68.000 người; điển hình là vụ thảm sát Phú Lợi (tháng 12/1958): chúng đầu độc 6.000 tù nhân yêu nước, giết hại 1.000 người và làm 4.000 người khác trúng độc nặng. Chúng còn hò hét “lấp sông Bến Hải”, “Bắc tiến”, “giải phóng cố đô”, v.v. Như vậy, đủ thấy tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai “trời không dung, đất không tha”, buộc chúng ta phải đứng lên kháng chiến, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đâu phải là “huynh đệ tương tàn”!

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, tạo điều kiện cho những người từng ở phía bên kia chiến tuyến có cơ hội hòa nhập với xã hội. Khoản 2, Điều 5, Chương I, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, quy định rõ: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Điều đó chứng minh rằng cuộc kháng chiến không nhằm tiêu diệt lẫn nhau, mà nhằm giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Vì vậy, luận điệu cho rằng, Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi của cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” giữa người Việt với nhau là một nhận định hoàn toàn sai trái, không phản ánh đúng bản chất của cuộc chiến.

Thành quả vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân 1975

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975 là chặng đường chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Thời gian càng lùi xa, cùng với những đổi thay của thực tiễn trong nước và thế giới, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa to lớn và giá trị trường tồn của Đại thắng mùa Xuân 1975. Điều đó đã chứng minh rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là chính nghĩa, hoàn toàn đúng đắn và đã mang lại những thành tựu vĩ đại:

Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài liên tục 21 năm; chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 117 năm của thực dân, đế quốc xâm lược trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, thống nhất. Nếu không có thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, Việt Nam có thể đã bị chia cắt hai miền, thậm chí vẫn còn cảnh bị đô hộ của chủ nghĩa thực dân mới. Việc thống nhất đất nước đã giúp nhân dân ta được sống trong hòa bình, cùng nhau xây dựng và phát triển, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Mở đường cho sự phát triển của Việt Nam. Sau chiến tranh, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhờ có độc lập, chủ quyền và sự đoàn kết toàn dân, Việt Nam đã từng bước phục hồi, cải cách và phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Qua gần 40 năm đổi mới, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc; tạo tiền đề vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, phồn vinh, thịnh vượng.

Khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Phát huy tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cùng với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, sáng tạo, Đảng ta đã tăng cường đoàn kết hữu nghị quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ vật chất và tinh thần của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa anh em và ngay cả nhân dân Mỹ. Cuộc kháng chiến của Việt Nam toàn thắng đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; là biểu tượng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Nhiều nước từng chịu ách thuộc địa đã lấy Việt Nam làm hình mẫu trong cuộc đấu tranh giành độc lập của họ.

Quan hệ Việt Nam - Mỹ ngày nay. Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, trải qua hành trình dài nỗ lực của cả hai phía Việt Nam và Mỹ, tháng 7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, làm tiền đề cho bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước. Các chuyến thăm sau đó của lãnh đạo cấp cao hai nước tới Việt Nam và Mỹ thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, ngày 10/9/2023, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Việt Nam và Mỹ tuyên bố nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, một lần nữa ghi dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Việc Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, trở thành đối tác chiến lược toàn diện cho thấy rằng, cuộc chiến không xuất phát từ lòng thù hận dân tộc, mà từ khát vọng độc lập, tự do và tự chủ. Thử hỏi, nếu như cuộc kháng chiến của Việt Nam là “sai lầm”, liệu Mỹ có thể tôn trọng và hợp tác với Việt Nam như hiện nay?

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam là hoàn toàn chính nghĩa, nhằm bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước, không phải là cuộc “nồi da nấu thịt” hay “huynh đệ tương tàn” như các thế lực thù địch từng xuyên tạc. Thành quả mà cuộc kháng chiến mang lại là không thể phủ nhận, giúp Việt Nam có được vị thế vững chắc như ngày hôm nay. Do đó, mọi âm mưu bóp méo lịch sử nhằm phủ nhận công lao của nhân dân ta, gây chia rẽ dân tộc và làm lung lạc nhận thức của thế hệ trẻ cần phải bị vạch trần, đấu tranh bác bỏ. Chúng ta cần nhìn nhận lịch sử một cách khách quan và khoa học, tỉnh táo trước các thông tin sai lệch. Việc hiểu đúng về quá khứ không phải để khơi gợi hận thù, mà để trân trọng hơn những giá trị của hòa bình và độc lập ngày hôm nay. Để chúng ta đoàn kết hơn, quyết tâm hơn, tiếp tục phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975 vào xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn.

GS, TS. VŨ VĂN HIỀN
_______________
        

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 621.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Nxb CTQGST, H. 2005,  tr. 471.

3 - Báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 11/02/1993.

4 - Nhà thơ Viễn Phong – Văn bia Đền thờ liệt sĩ Bến Dược, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.