Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam

9/16/2024 10:21:06 AM

Gần 80 năm qua, sự ra đời và phát triển của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) với những thành tựu to lớn đạt được đã khẳng định tính cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Thế nhưng, các thế lực thù địch luôn tìm cách bóp méo, xuyên tạc tư tưởng, phủ nhận công lao của Người về vấn đề này. Đó là dã tâm đen tối, luận điệu trơ trẽn, phản động cần phải vạch trần, bác bỏ.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN.

Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh - từ lý luận đến thực tiễn

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới là hệ thống luận điểm về bản chất, tính chất và yêu cầu xây dựng một nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đối lập với mô hình nhà nước của thiểu số kẻ thống trị. Với khát vọng tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, thấm nhuần quan điểm “chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội”, nhưng theo Người, vấn đề quan trọng là bản chất của chính quyền nhà nước đó. Trên cơ sở dày công nghiên cứu các mô hình nhà nước đương thời, nhất là nhà nước tư sản ở Mỹ, Pháp,... Người nhận thấy, mặc dù mô hình nhà nước tư sản có những bước tiến bộ hơn so với nhà nước phong kiến chuyên chế, nhưng về bản chất, các nhà nước đó vẫn chỉ là sự thay thế ách thống trị của giai cấp bóc lột này bằng giai cấp bóc lột khác. Chỉ sau khi nghiên cứu về nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Người khẳng định: “Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc. Chính phủ ấy do quốc dân đại hội cử ra sẽ thi hành những nhiệm vụ,...”1. Người cũng chỉ rõ “Nước ta là một nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích là vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều là của dân, chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương đều do dân cử ra”2. Điều này có nghĩa là mọi lợi ích, quyền hành, lực lượng đều thuộc về dân và trách nhiệm xây dựng nhà nước là của toàn dân. Trên thực tế, ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẩn trương chỉ đạo tổ chức tổng tuyển cử, chỉ đạo xây dựng hệ thống pháp luật, đặc biệt là xây dựng Hiến pháp để đảm bảo cho Nhà nước ta là nhà nước dân chủ, pháp quyền. Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh mang bản chất giai cấp công nhân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thể hiện sự thống nhất chặt chẽ giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam là cơ sở lý luận trực tiếp, sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng nhà nước ta từ khi ra đời đến nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với sự đồng lòng, tin tưởng và ủng hộ của nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, thực sự là nhà nước kiểu mới - nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, sau gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ngày càng hoàn thiện và có những bước phát triển mới, thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đóng góp vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Điều đó càng khẳng định và minh chứng giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước kiểu mới ở Việt Nam.

Nhận diện và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc

Với dã tâm, mưu đồ đen tối, các thế lực thù địch đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, mượn danh “nghiên cứu lịch sử”,… để xuyên tạc và phủ nhận giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh; trong đó, xuyên tạc tư tưởng về nhà nước kiểu mới là một trọng tâm của chúng.

Một là, chúng xuyên tạc, cho rằng: “Hồ Chí Minh không tuân thủ mô hình nhà nước công nông binh do Đảng Cộng sản Việt Nam chọn từ năm 1930, mà chọn mô hình nhà nước “cộng hòa” kiểu Pháp, không phải là nhà nước chuyên chính vô sản”. Đây là luận điệu thể hiện rõ mưu đồ đen tối nhằm xuyên tạc và phủ nhận công lao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc kiến tạo nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Chúng ta biết, trong quá trình tìm đường cứu nước, Người đã nghiên cứu kỹ lưỡng các mô hình nhà nước trên thế giới và phác họa mô hình “Chính phủ công nông binh” - nhà nước chuyên chính vô sản. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (tháng 5/1941), Người đã đề xuất mô hình Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với mục tiêu “độc lập - tự do - hạnh phúc”, tạo nền tảng để tập hợp lực lượng và thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng thành công, đảm bảo sự ra đời của nhà nước chuyên chính vô sản. Người đã soạn thảo và thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” công bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam mới, tên gọi “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” - một quốc gia tự do, độc lập. Trong nhà nước này, nhân dân là chủ nhân, với tất cả quyền hành, lực lượng, lợi ích đều thuộc về dân. Như vậy, việc lựa chọn và đặt tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ mô hình nhà nước công nông binh sang mô hình nhà nước đại diện cho khối đoàn kết toàn dân là bước đi sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, phù hợp với đặc thù và nguyện vọng của dân tộc Việt Nam. Đó thực chất vẫn là một nhà nước chuyên chính vô sản, chứ không phải “mô hình kiểu Pháp” như các thế lực thù địch đang bịa đặt, rêu rao.

Hai là, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất giai cấp công nhân của nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Chúng viện dẫn việc Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời, bao gồm các đảng phái: Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội và mời các nhân sĩ, trí thức tham gia Đoàn Cố vấn tối cao của Chính phủ mới để xuyên tạc rằng: “Nhà nước mà Hồ Chí Minh áp đặt ở Việt Nam không mang bản chất giai cấp công nhân, mà mang tính chất tư sản, tiểu tư sản”. Phải khẳng định rằng, ngay từ đầu, nhà nước kiểu mới ở Việt Nam luôn mang bản chất giai cấp công nhân và được thống nhất với tính nhân dân và tính dân tộc. Khi chỉ đạo xây dựng Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”3. Nghĩa là, nhà nước kiểu mới ở Việt Nam do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, hướng đến mục tiêu đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và được tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin. Tuy nhiên, ngay sau khi Nhà nước ta ra đời, trước tình thế phải tổ chức cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai để bảo vệ thành quả cách mạng và chính quyền non trẻ nên việc tập hợp các đại biểu của các đảng phái yêu nước, thậm chí “rút bớt các thành viên cộng sản” để lập chính phủ mới là một sách lược mềm dẻo, sáng tạo và linh hoạt. Điều này thể hiện tầm nhìn và trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong việc tổ chức bộ máy nhà nước, phù hợp với hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, nhằm quy tụ, tập hợp lực lượng và hoàn toàn không phải như các thế lực thù địch xuyên tạc, bịa đặt.

Ba, phủ nhận tính pháp quyền của nhà nước kiểu mới ở nước ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng cho rằng: “Nhà nước mà Hồ Chí Minh xây dựng là nhà nước của dân, do dân, vì dân chỉ là mị dân, không có tính pháp lý” và lập luận rằng: “không thể xây dựng một nhà nước dân chủ trong một đất nước nghèo nàn, lạc hậu như Việt Nam; thể chế nhà nước dân chủ chỉ có ở các nước phát triển phương Tây”, v.v. Những luận điệu này thực chất nhằm xóa nhòa những giá trị lý luận và thực tiễn về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, lãnh đạo thực hiện. Trên thực tế, ngay từ năm 1919, trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Chính phủ Pháp và chính quyền thuộc địa, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu ban hành hiến pháp, bãi bỏ chế độ cai trị bằng sắc lệnh, thay thế bằng các đạo luật và khẳng định: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Tư tưởng về nhà nước pháp quyền hợp hiến, có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ là điểm nổi bật trong xây dựng nhà nước kiểu mới ở Việt Nam của Hồ Chí Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (03/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định một trong những nhiệm vụ cấp bách là phải có một hiến pháp dân chủ và đề nghị “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay” cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu trong cả nước để sớm có quốc hội và nhà nước hợp hiến do nhân dân bầu ra vào ngày 06/01/1946. Sau đó, Quốc hội đã bầu ra Chính phủ của toàn dân. Như vậy, cả trong tư tưởng và thực tiễn, Hồ Chí Minh luôn coi trọng tính pháp lý và vai trò làm chủ của nhân dân trong nhà nước kiểu mới - nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam. Điều này đã phản bác hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cho rằng đó là “nhà nước mị dân, không có tính pháp lý”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng chân chính, cả cuộc đời luôn phấn đấu vì dân, vì nước và thực tiễn trong suốt 24 năm đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, Người đã cống hiến hết mình vì dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân đạt được những thắng lợi to lớn. Mong muốn tột bậc của Người là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”4, và “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”5. Dù có nhìn ở khía cạnh nào đi chăng nữa, thì thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng ngời, tận trung với nước, tận hiếu với dân, không như những gì các thế lực thù địch bôi nhọ, xuyên tạc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, cùng di sản tư tưởng vô giá, trong đó có tư tưởng về nhà nước kiểu mới. Nắm vững tư tưởng của Người, vận dụng và phát triển sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là niềm vinh dự, tự hào của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đó là hành động thiết thực nhất phản bác, đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ bản chất khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch vững mạnh, thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN SỸ HỌA - Đại tá, TS. ĐÀM QUANG ĐỨC
____________________
        

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 150.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 232.

3 - Sđd, Tập 12, tr. 370.

4 - Sđd, Tập 4, tr. 187.

5 - Sđd, tr. 187.