Nhân quyền là một giá trị vừa mang tính phổ quát của nhân loại, vừa có nét riêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, triệt để lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch đã, đang tuyệt đối hóa, cho rằng “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, nhằm kích động gây mất ổn định chính trị, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia độc lập, có chủ quyền. Đây là sự đòi hỏi hết sức phi lý cần vạch trần, đấu tranh bác bỏ.
Ảnh minh họa. Nguồn: vov.vn |
Nhằm thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, năm 1948, Liên hợp quốc ra Tuyên bố thế giới về quyền con người. Từ đây việc bảo đảm quyền con người trở thành nguyên tắc, nghĩa vụ chung của quốc tế, nhưng quyền ấy cũng có giới hạn nhất định tùy vào mỗi quốc gia, dân tộc. Song, với mưu đồ chính trị đen tối, các thế lực phản động đã lợi dụng tính phổ biến của nhân quyền để ngụy biện rằng: con người và các quyền con người phải được đặt ở vị trí tối cao, bất khả xâm phạm cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Từ đó, họ đưa ra luận điệu “nhân quyền cao hơn chủ quyền” và để đảm bảo nhân quyền cần thiết có thể can thiệp, thậm chí xâm phạm chủ quyền, v.v.
Chống phá về nhân quyền là nội dung trọng tâm của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam. Bằng luận điệu “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, họ đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện yêu sách của họ; thậm chí lấy việc bảo đảm “nhân quyền” cho cá nhân một số người vi phạm pháp luật làm điều kiện để thực hiện đàm phán, cam kết thương mại, kinh tế, đối ngoại, v.v. Thủ đoạn chính của họ vẫn là lợi dụng vấn đề về “dân chủ”, “quyền con người”,... để xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ Nhà nước ta, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Họ nhai đi nhai lại luận điệu cũ rích, rằng: Nhà nước “Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng các quyền con người”, nhất là quyền tự do ngôn luận, báo chí; đàn áp, phân biệt dân tộc, tôn giáo; “kêu gọi” Việt Nam thả hết các “tù nhân lương tâm”, “lên án” cơ quan chức năng bắt người sai quy định, v.v. Mục đích của họ không có gì khác ngoài tạo cơ sở tinh thần, pháp lý, cổ súy lực lượng phản động, chống đối ở trong nước, can thiệp của nước ngoài để tạo cớ, làm mất ổn định chính trị, gây bạo loạn, lật đổ, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây là chiêu bài, thủ đoạn không mới, nhưng cực kỳ thâm độc, nguy hiểm hòng can thiệp, xâm phạm chủ quyền, lật đổ chính quyền không thân thiết với họ, nên cần phải nhận rõ, kiên quyết bác bỏ.
Trước hết, về mặt pháp lý, ngay trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền và một số công ước quốc tế đã xác định, phạm vi, giới hạn của quyền con người phải đặt trong mối quan hệ, tổng thể của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Điều 29 Tuyên ngôn thế giới nhân quyền năm 1948 quy định: các quyền cá nhân sẽ bị hạn chế nếu điều đó là cần thiết để bảo đảm lợi ích chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung của xã hội. Khoản 3, Điều 18 và 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 xác định trách nhiệm xã hội của mỗi người với cộng đồng; được hiểu là trong khi hưởng thụ các quyền, tất cả mọi người đều phải chịu sự hạn chế nhất định, nhằm: “Bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”1, “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật,...”2. Điều này có nghĩa là, quyền của cộng đồng phải được đặt cao hơn quyền của cá nhân; hoàn toàn không có chuyện quyền con người (quyền cá nhân) cao hơn chủ quyền quốc gia, dân tộc. Nói cách khác, quyền con người ở đâu, quốc gia nào, chế độ xã hội nào cũng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật quốc gia đó, không được xâm hại đến quyền của xã hội, quyền và lợi ích của người khác. Luận điệu “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là sự xuyên tạc, hiểu không đúng luật pháp quốc tế, với mưu đồ đen tối, phản động.
Thứ hai, trong mối quan hệ với “chủ quyền”, “nhân quyền” không thể tách rời và phụ thuộc vào chủ quyền quốc gia, dân tộc. Đây là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình vận động và phát triển; trong đó, quyền con người chỉ được bảo đảm, thực thi khi quốc gia, dân tộc có độc lập, chủ quyền. Bởi lẽ, quyền con người cơ bản được bảo vệ và thực hiện trước hết phải bằng hiến pháp, pháp luật nhà nước của quốc gia, dân tộc và những biện pháp tương ứng với đạo luật đó và ngược lại. Vì vậy, chủ quyền quốc gia, quyền độc lập, tự quyết của dân tộc là điều kiện tiên quyết, là cơ sở để bảo vệ và thực hiện quyền con người; chỉ có tôn trọng quyền dân tộc tự quyết để nhân dân các nước tự do lựa chọn chế độ chính trị, mô hình kinh tế và con đường phát triển, mới có thể bảo đảm tôn trọng, bảo vệ những quyền cơ bản của mỗi con người. Trong lời mở đầu của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 chỉ rõ: “... Xét rằng điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền”. Khoản 1, Ðiều 1 Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 nêu rõ: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết”. Còn lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của các quốc gia trên thế giới đã minh chứng, nếu đất nước bị áp bức, nô lệ thì nhân dân bị dìm trong cảnh lầm than, cùng cực; nhân quyền bị chà đạp nghiêm trọng. Chỉ khi đất nước độc lập, hòa bình thì nhân quyền mới được bảo đảm. Như vậy, chủ quyền quốc gia, quyền dân tộc tự quyết và quyền con người có quan hệ biện chứng với nhau. Theo đó, nhà nước - tổ chức đại diện chủ quyền quốc gia, có trách nhiệm bảo đảm nhân quyền tại quốc gia mình. Không thể một quốc gia hay tổ chức quốc tế nào có thể đảm đương được việc bảo đảm các quyền này của công dân thay cho nhà nước đó. Vì vậy, để bảo đảm quyền con người, thì điều kiện tiên quyết và xuyên suốt là chủ quyền quốc gia phải được tôn trọng, đất nước phải độc lập, hòa bình. Đồng thời, nhà nước phải lấy điều kiện độc lập dân tộc để đem lại cuộc sống hạnh phúc cho người dân. Đây là mục tiêu định hướng chính trị quan trọng trong mọi hoạt động bảo vệ quyền con người của các quốc gia trên thế giới.
Thứ ba, đối với Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam xây dựng, phát triển đất nước theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; luôn coi việc bảo đảm, tạo điều kiện giúp mọi người dân phát triển hài hòa, được thụ hưởng thành tựu về nhân quyền, đạt tới trình độ phát triển chung của loài người là mục đích cao nhất; đồng thời, phát huy tối đa khả năng, sự sáng tạo, thực hiện nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta biết, Tổ quốc là giá trị thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam; chỉ khi nào đất nước được độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia được bảo vệ thì nhân dân mới có hạnh phúc, quyền của mỗi người dân mới được bảo đảm. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam mới được hưởng các quyền độc lập, tự do, mới là người chủ thực sự của đất nước; các quyền cơ bản của người dân mới được đảm bảo. Đặc biệt, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, với đường lối đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Việt Nam đã đạt thành tựu to lớn về nhiều mặt như Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhờ đó, các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị của người dân được đảm bảo với chất lượng ngày càng cao. Một trong những điển hình là công cuộc xóa đói, giảm nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều mới) đã giảm từ 9,88% năm 2015 còn 2,75% năm 2020, về đích trước 10 năm so với Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và là một trong 30 nước áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, được quốc tế ghi nhận. Về tín ngưỡng, tôn giáo, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhất quán tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; mọi công dân có quyền theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo nào. Đến tháng 12/2023, Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, hơn 57 nghìn chức sắc, 147 nghìn chức việc, gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Về vấn đề dân tộc, Việt Nam không chỉ bảo đảm các quyền bình đẳng, mà còn có chính sách ưu tiên đặc biệt để các dân tộc phát triển; luôn quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa; tạo điều kiện để họ tham gia hệ thống chính trị, quản lý xã hội, quản lý nhà nước, ứng cử vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Quốc hội khóa XIV có 86/496 đại biểu là người dân tộc thiểu số thuộc 32 dân tộc khác nhau, chiếm 17,34%, nhiều nhất từ trước đến nay, v.v. Cùng với đó, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội; giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới,... đều được Việt Nam quan tâm, đảm bảo tốt. Đặc biệt, trong phòng, chống đại dịch Covid-19, thiên tai, Việt Nam đã có chính sách, chủ trương biện pháp để đảm bảo tốt nhất cho mọi người dân, “không ai bị bỏ lại phía sau”, được nhân dân, quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngày 14/12/2021, nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp - Việt, ngài Jean-Pi-erre Ar-cham-bault đánh giá: một trong những thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới ở Việt Nam là bảo đảm tốt quyền con người; không ai có thể phủ nhận được những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực bảo đảm nhân quyền. Từ những thành công về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người ở trong nước và sự tích cực chia sẻ kinh nghiệm cũng như sẵn sàng bổ sung nguồn lực trong bảo đảm nhân quyền cho nhiều quốc gia đã nhân lên uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Do vậy, ngày 11/10/2022, tại trụ sở Liên hợp quốc, Việt Nam đã trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Như vậy, cả lý luận và thực tiễn cho thấy, một quốc gia mất chủ quyền thì nhân dân của quốc gia đó sẽ không bảo đảm được quyền con người, việc bảo đảm quyền con người chỉ có được trong quốc gia thực sự có chủ quyền. Không thể có cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, mà chỉ là sự thống nhất giữa quyền con người và chủ quyền quốc gia. Luận điệu “nhân quyền cao hơn chủ quyền” chỉ là ngụy biện cho những toan tính chính trị đen tối. Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc cao hơn tất cả chỉ với mục đích cốt lõi là giải phóng con người, bảo đảm đầy đủ các quyền cơ bản, phổ biến của con người. Mọi sự suy diễn trái với mục đích này đều là bịa đặt, vu khống nhằm kích động, gây bạo loạn để tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia độc lập, có chủ quyền; vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế, cần cực lực lên án, đấu tranh bác bỏ.
Thượng tá, TS. TRẦN THANH SƠN, Trường Sĩ quan Lục quân 1
_____________________
1 - Khoản 3, Điều 18, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.
2 - Khoản 3, Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.