Chống phá Đảng, Nhà nước ta nói chung, xuyên tạc bản chất giai cấp công nhân của Đảng nói riêng là mục tiêu không thay đổi của các thế lực thù địch. Đặc biệt gần đây, trên không gian mạng xuất hiện không ít luận điệu xuyên tạc cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng toàn dân”, từ đó phủ nhận bản chất giai cấp công nhân và vai trò lãnh đạo của Đảng. Vấn đề này cần được nhận diện và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà cho cán bộ, công nhân viên mỏ than Vàng Danh (Quảng Ninh), ngày 6/4/2022. Ảnh: xaydungdang.org.vn |
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”1. Đây là cách diễn đạt hoàn toàn đúng đắn, phù hợp về bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong điều kiện mới.
Tuy nhiên, với mưu đồ thâm độc, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng vấn đề này, thường xuyên tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất của Đảng. Họ cho rằng, nếu “ôm đồm” như vậy, Đảng không còn là Đảng của giai cấp công nhân nữa, mà là “Đảng toàn dân”. Để minh chứng cho luận điệu này, chúng còn lấy số liệu thực tế về tỷ lệ đảng viên xuất thân từ công nhân không cao, trong khi số lượng đảng viên của Đảng xuất thân từ nông dân, trí thức cao hơn để phụ họa. Thâm hiểm hơn, lợi dụng việc Đảng ta chủ trương kết nạp những quần chúng ưu tú là chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, để suy diễn, xuyên tạc cho rằng: bản chất giai cấp công nhân của Đảng sẽ bị phai nhạt, Đảng Cộng sản đang dần thành “Đảng toàn dân”. Đồng thời, hô hào “Đảng toàn dân” thì mới “chính danh” cầm quyền, “đại diện cho toàn dân tộc”(!).
Có thể khẳng định, những luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, phản động, không ngoài dụng ý xấu là nhằm phủ nhận bản chất giai cấp công nhân và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó đi đến xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, làm rõ bản chất giai cấp công nhân của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Lý luận Mác - Lênin đã chỉ rõ, bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản là tổng hòa các mặt, các yếu tố thuộc tính, mối liên hệ tất yếu bên trong quy định sự vận động, phát triển của đảng, được biểu hiện thông qua các tính chất, cách tổ chức và hoạt động của đảng. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân - giai cấp mà bản chất và lợi ích của nó gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bản chất giai cấp công nhân của đảng thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng; ở cương lĩnh, đường lối, nền tảng tư tưởng, các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; ở phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên; mối quan hệ gắn bó giữa đảng với nhân dân và giải quyết vấn đề dân tộc với đoàn kết quốc tế; do đó, về mặt nhận thức, không thể lẫn lộn đảng với toàn bộ giai cấp, với toàn thể nhân dân và dân tộc. Điều đó cũng được V.I.Lênin khẳng định “... không được lẫn lộn đảng, tức là đội tiền phong của giai cấp công nhân, với toàn bộ giai cấp”2. Trên thực tế, Đảng Cộng sản được tổ chức chặt chẽ, khác với các tổ chức khác của giai cấp công nhân, là tổ chức của những người cách mạng, lấy hoạt động cách mạng làm nghề nghiệp. Vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Đại hội II của Đảng khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam là đội tiền phong và bộ tham mưu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nhưng về thực chất, nó vẫn là một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam”3.
Ở Việt Nam, xuất phát từ đặc điểm đất nước và điều kiện của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc nên Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Điều này làm cho bản chất giai cấp công nhân của Đảng thống nhất biện chứng với tính nhân dân và tính dân tộc. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã tiếp tục “Khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng, chúng ta không tách rời Đảng và giai cấp với các tầng lớp nhân dân lao động khác, với toàn thể dân tộc. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng đã mang trong mình tính thống nhất giữa yếu tố giai cấp và yếu tố dân tộc. Chính lập trường và lợi ích giai cấp công nhân đòi hỏi trước hết phải giải phóng dân tộc. Đảng tìm thấy nguồn sức mạnh không chỉ ở giai cấp công nhân mà còn ở các tầng lớp nhân dân lao động, ở cả dân tộc. Cũng từ đó nhân dân lao động và cả dân tộc đã thừa nhận Đảng ta là người lãnh đạo, người đại biểu chân chính cho quyền lợi cơ bản và thiết thân của mình”4. Đến nay, cách diễn đạt bản chất của Đảng đã được bổ sung đầy đủ, sâu sắc hơn như ở đầu bài viết đã nêu. Diễn đạt như vậy không hạ thấp bản chất giai cấp công nhân của Đảng, cũng không trượt sang quan điểm “đảng toàn dân”, “đảng phi giai cấp”, mà diễn giải bản chất giai cấp công nhân của Đảng sâu sắc, biện chứng hơn; phản ánh sự thống nhất về lợi ích, mục tiêu, lý tưởng của các giai cấp, tầng lớp nhân dân và toàn dân tộc trong điều kiện Đảng cầm quyền, lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, diễn đạt này không trái với học thuyết Mác - Lênin về Đảng Cộng sản, bởi: “... giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc”5. Khi đã có chính quyền, giai cấp công nhân và nhân dân lao động chính là đại diện của dân tộc, là chủ nhân của đất nước, thì Đảng Cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân đương nhiên là đội tiên phong của nhân dân lao động và của toàn dân tộc.
Bên cạnh đó, Ðảng Cộng sản Việt Nam vốn dĩ ra đời, phát triển ở nước thuộc địa nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu nên ban đầu, giai cấp công nhân còn nhỏ bé, số lượng còn ít so với các thành phần xã hội khác như giai cấp nông dân,... song luôn chứng tỏ tinh thần cách mạng triệt để, tính tổ chức kỷ luật cao, đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ, đủ khả năng lãnh đạo cách mạng. Vì vậy, tuy số lượng đảng viên xuất thân từ giai cấp công nhân chiếm tỷ lệ không cao trong Đảng, song có vai trò rất quan trọng. Đại hội IV của Đảng đã khẳng định: “Thành phần xã hội xuất thân của đội ngũ cán bộ, đảng viên tuy không phải là yếu tố duy nhất hoặc là yếu tố chủ yếu, nhưng rất quan trọng, vì nó góp phần bảo đảm tính chất giai cấp công nhân của Đảng, có ảnh hưởng không nhỏ đến sức chiến đấu, đến sự trong sạch về tư tưởng và tổ chức của Đảng,...”6. Đây là sự vận dụng, phát triển sáng tạo vấn đề thành phần giai cấp trong Đảng ở nước ta. Đồng thời, phù hợp với chỉ dẫn của V.I.Lênin về các tiêu chí đặc biệt quan trọng để xem xét, đánh giá một đảng có thực sự là đảng của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân, một đảng Mác xít chân chính hay không: “Dĩ nhiên, đại bộ phận Công đảng là công nhân. Nhưng nó có thực sự là một chính đảng của công nhân hay không, điều đó không phải chỉ phụ thuộc vào chỗ đảng đó có bao gồm công nhân hay không, mà cũng còn phụ thuộc vào chỗ ai lãnh đạo nó, và ở tính chất của hành động và của sách lược chính trị của đảng đó ra sao nữa”7. Như vậy, số lượng đảng viên là công nhân tuy có vai trò quan trọng song không quyết định bản chất giai cấp công nhân của Đảng mà được quyết định bởi: Ai là người lãnh đạo của Đảng; chất lượng của đội ngũ cán bộ chiến lược của Đảng ra sao; đường lối lãnh đạo và hành động của Đảng có đúng đắn hay không. Từ những phân tích trên cho thấy, luận điệu về cái gọi là “Đảng toàn dân” mà các thế lực thù địch rêu rao, gán ghép cho Đảng Cộng sản Việt Nam đều xuất phát từ những ý kiến chủ quan và không có cơ sở khoa học. Điều đó càng lộ rõ mưu đồ của họ nhằm phủ nhận bản chất giai cấp công nhân và hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng; từ đó, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm phai nhạt vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, cũng như mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng.
Thực tiễn đã cho thấy, cùng với lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng không hoài nghi, dao động, xa rời mục tiêu, lý tưởng, luôn kiên định lãnh đạo đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội với những đặc trưng đã được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”8.
Và để thực hiện mục tiêu đó, Đảng ta thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, năng lực hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thường xuyên bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với yêu cầu, thực tiễn phát triển đất nước, nguyện vọng của nhân dân; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, tập thể và toàn xã hội. Đồng thời, Đảng không ngừng củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; giữ vững, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động theo quan điểm, lập trường, ý thức tổ chức của giai cấp công nhân. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung, thực sự là tấm gương về phẩm chất, đạo đức, lối sống, hết lòng vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những sâu mọt, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo.
Mặt khác, Đảng, Nhà nước ta luôn củng cố quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo đời sống, đại diện và bảo vệ lợi ích của toàn dân tộc; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chú trọng hoàn thiện thiết chế dân chủ hóa đời sống xã hội, thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở; thường xuyên đổi mới, hoàn thiện chế độ dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện mà Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”9. Xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức liêm chính, thực sự là công bộc của nhân dân.
Cùng với đó, Đảng, Nhà nước ta luôn kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế thông qua đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; mở rộng hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn trên đã khẳng định, Ðảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân Việt Nam, mãi xứng đáng là đội tiên phong, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc; lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thực tế đó là minh chứng rõ ràng nhất bác bỏ luận điểm xuyên tạc bản chất giai cấp công nhân của Đảng mà các thế lực phản động, thù địch vẫn rêu rao, xuyên tạc./.
Thượng tá, TS. PHAN VĂN LƯƠNG - Trung tá, TS. KHÚC VĂN HƯỞNG
______________
1 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2016, tr. 4.
2 - V.I.Lênin - Toàn tập, Tập 8, Nxb Tiến bộ, M. 1979, tr. 289.
3 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 159.
4 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 51, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 30.
5 - C.Mác và Ph.Ăngghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQGST, H. 1995, tr. 623 - 624.
6 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 780 - 781.
7 - V.I.Lênin - Toàn tập, Tập 41, Nxb Tiến bộ, M. 1977, tr. 312 - 313.
8 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQGST, H. 2011, tr. 70.
9 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 192.