Bàn về sử dụng tăng thiết giáp phản công chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

2/12/2024 9:42:29 AM

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), tăng thiết giáp vẫn là lực lượng đột kích quan trọng, không thể thiếu trong tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, cùng với các lực lượng khác góp phần quyết định thắng lợi trên chiến trường. Vì vậy, nghiên cứu nghệ thuật sử dụng lực lượng tăng thiết giáp trong tác chiến phản công chiến lược một cách hệ thống, chuyên sâu là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Phản công chiến lược là loại hình tác chiến có thể được tiến hành ở giai đoạn đầu và trong suốt quá trình chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra); do các binh đoàn chủ lực cơ động làm nòng cốt, kết hợp với các hoạt động tác chiến của khu vực phòng thủ địa phương và các mặt đấu tranh khác, diễn ra ở một hay một số chiến trường (hướng chiến lược), theo ý định, quyết tâm tác chiến của Bộ hoặc bộ tư lệnh chiến trường. Thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta trước đây cũng như các cuộc xung đột quân sự trên thế giới diễn ra thời gian vừa qua cho thấy, tăng thiết giáp vẫn được sử dụng phổ biến và luôn là lực lượng đột kích quan trọng, không thể thiếu, đặc biệt là trong tác chiến tiến công, phòng ngự và phản công. Mặc dù loại phương tiện này có kích thước lớn, quá trình cơ động phát ra tiếng động, nhiệt lượng, phát xạ mạnh, dễ bị phát hiện và tiêu diệt, nhưng nếu tổ chức, sử dụng tăng thiết giáp linh hoạt, sáng tạo, đúng thời cơ, phù hợp với điều kiện tác chiến thì sẽ phát huy tối đa sức mạnh, hiệu quả trong các loại hình tác chiến. Trên thực tế, nhiều trận đánh, chiến dịch, tăng thiết giáp đã cùng với bộ binh là lực lượng đột kích quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi cuối cùng. Trong phản công chiến lược, đối tượng tác chiến của tăng thiết giáp thường là các sư đoàn bộ binh, bộ binh cơ giới, lực lượng hải quân đánh bộ, đổ bộ đường không,… sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử mạnh, được chi viện hỏa lực không quân, pháo binh, tên lửa, phương tiện bay không người lái. Khi bị ta phản công, quân địch dựa vào sức mạnh của vũ khí, trang bị, chống trả quyết liệt, kết hợp tăng cường lực lượng, phương tiện, ngăn chặn, sát thương, đẩy lùi, phá thế phản công của ta để giành lại quyền chủ động.

Hiện nay, lực lượng tăng thiết giáp có sự phát triển, lớn mạnh cả về tổ chức, biên chế, trang bị cũng như trình độ tác chiến; được huấn luyện cơ bản, tham gia diễn tập ở các cấp độ, quy mô, loại hình tác chiến khác nhau, trong đó có tác chiến phản công. Tuy nhiên, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn sử dụng tăng thiết giáp trong tác chiến phản công chiến lược, nhất là trong chiến tranh hiện đại, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Vì vậy, phát huy sức mạnh của tăng thiết giáp trong tác chiến nói chung, tác chiến chiến lược nói riêng khi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xảy ra là vấn đề quan trọng, cần thiết. Bài viết xin trao đổi một số nội dung về sử dụng tăng thiết giáp phản công chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trước hết, tập trung lực lượng tăng thiết giáp vào hướng, khu vực, mục tiêu phản công chủ yếu. Đây là nguyên tắc cơ bản về sử dụng tăng thiết giáp; đồng thời, là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại trong tác chiến phản công chiến lược. Do số lượng tăng thiết giáp của ta có hạn, đã qua nhiều năm sử dụng, chưa được nâng cấp, trong khi đối phương có vũ khí, trang bị hiện đại, khả năng cơ động nhanh, tác chiến điện tử rộng rãi, lại thực hiện chiến tranh “phi đối xứng” nhằm đánh nhanh, giải quyết nhanh, nên cần phải tập trung lực lượng tăng thiết giáp cho những hướng, khu vực, mục tiêu chủ yếu, quan trọng, chiến dịch quyết chiến chiến lược. Thực hiện tốt vấn đề này sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp và ưu thế trên từng hướng, khu vực, để ngăn chặn, làm chậm bước tiến và tạo điều kiện cho lực lượng cơ động chiến dịch, chiến lược tiêu diệt địch. Theo đó, Bộ hoặc bộ tư lệnh chiến trường và cơ quan tham mưu chiến lược phải căn cứ vào địa hình khu vực tác chiến, số lượng, chất lượng của tăng thiết giáp, cách đánh sở trường, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị để bố trí tăng thiết giáp cho phù hợp với từng hướng, khu vực, chiến dịch và chiến dịch quyết chiến chiến lược. Về quy mô, tăng thiết giáp tham gia phản công chiến lược nên sử dụng theo cấp phân đội là chủ yếu, như đại đội, tiểu đoàn; tuy nhiên, cũng cần hạn chế sử dụng tăng thiết giáp nhỏ, lẻ, dàn trải và nếu tham gia phản công chiến lược độc lập, người chỉ huy có thể sử dụng đến cấp lữ đoàn và lữ đoàn tăng cường. Trong từng điều kiện, hoàn cảnh, chiến dịch cụ thể, cũng có thể sử dụng tăng thiết giáp phối hợp với các đơn vị chủ lực binh chủng hợp thành và lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ để phản công tiêu diệt lực lượng phản ứng nhanh, tiêu diệt địch lấn chiếm biên giới, địch đổ bộ từ hướng biển và đánh chiếm lại các đảo, hải cảng, v.v.

Ngoài ra, để giành quyền chủ động chiến lược và kịp thời xử trí các tình huống, lực lượng tăng thiết giáp trực thuộc Bộ hay bộ tư lệnh chiến trường, các quân khu, quân đoàn cũng như lực lượng tăng thiết giáp của Hải quân đều phải tổ chức lực lượng cơ động phản công, phản công chiến lược trên từng hướng, khu vực, mục tiêu, bảo đảm tập trung, hợp lý, mạnh cả về lực lượng, phương tiện, khả năng, sở trường tác chiến cũng như lãnh đạo, chỉ huy và công tác bảo đảm; đồng thời, phải tổ chức lực lượng dự bị để sẵn sàng thay thế. Khi tổ chức lực lượng tăng thiết giáp dự bị phải đủ mạnh, linh hoạt và thành lập ngay từ đầu; khi đã đưa lực lượng dự bị vào sử dụng thì phải thành lập ngay lực lượng dự bị mới. Trong một số chiến dịch, có thể sử dụng tăng thiết giáp dự bị tăng cường cho lực lượng cơ động chiến lược, hình thành các binh đoàn thọc sâu hoặc các cụm lực lượng chiến dịch để phản công tiêu diệt địch trên chiến trường hay hướng chiến lược chủ yếu.

Hai là, bố trí tăng thiết giáp bí mật, bất ngờ, đúng thời cơ, hình thành thế trận phản công liên hoàn, hiểm hóc. Đây là giải pháp quan trọng, quyết định hiệu quả sử dụng tăng thiết giáp; đồng thời, khiến đối phương không dự đoán được phương án, kế hoạch, quyết tâm tác chiến phản công và thế trận của tăng thiết giáp; hạn chế tổn thất lực lượng, phương tiện tăng thiết giáp, nhất là trong điều kiện đối phương có phương tiện trinh sát hiện đại, vũ khí chính xác cao, khả năng sát thương lớn. Trong thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao, thế trận phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố đã được chuẩn bị từ thời bình, tăng thiết giáp tham gia tác chiến phản công chiến lược có điều kiện tận dụng các công trình, hệ thống công sự sẵn có để bố trí lực lượng, phương tiện và ngụy trang, nghi binh,… bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ. Vì vậy, Bộ hoặc bộ tư lệnh chiến trường và cơ quan tham mưu chiến lược phải bố trí lực lượng tăng thiết giáp ở nơi địch không ngờ tới, ít đề phòng, để có thể phản công đánh vào nơi sơ hở, mỏng yếu, làm cho quân địch không kịp đối phó. Bên cạnh đó, phải tận dụng nguồn nhân lực, vật lực tại chỗ, bám sát địa hình khu vực tác chiến để bố trí lực lượng, phương tiện, hình thành thế phản công liên hoàn, hiểm hóc, có thế đánh, thế giữ. Đối với địa hình rừng núi, có thể bố trí xe tăng nhiều hơn xe thiếp giáp; với địa hình trung du có thể sử dụng đội hình xe tăng và xe thiết giáp với số lượng tương đương. Nếu phản công địch trong khu vực đô thị, nên tổ chức đội hình hỗn hợp giữa xe tăng với xe thiết giáp; trong đó, tỷ lệ xe thiết giáp nhiều hơn xe tăng, nhằm tạo khả năng hỗ trợ, chi viện kịp thời cho nhau và hạn chế được những nhược điểm của từng loại xe, khi đó sức mạnh chiến đấu sẽ tăng lên. Còn đối với môi trường tác chiến ở vùng sông nước, cảng biển, hải đảo nên ưu tiên sử dụng xe thiết giáp là chủ yếu.

Khi phản công chiến lược, ngoài lực lượng tăng thiết giáp hiện có, chiến trường có thể được tăng cường thêm tăng thiết giáp của Bộ hoặc của các quân khu, quân đoàn và của lực lượng Hải quân (với địa bàn tác chiến có biển, đảo). Do đó, khi bố trí tăng thiết giáp, người chỉ huy và cơ quan chiến lược cần phải dựa vào thế trận phòng thủ quân khu, khu vực tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố để bố trí cho phù hợp. Ngoài việc bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, đúng thời cơ, cũng cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang khu vực phòng thủ, lực lượng cơ động chiến dịch, chiến dịch - chiến lược, hình thành thế trận phản công liên hoàn, hiểm hóc, để có thể phản công đánh bại các hướng, mũi tiến công của địch.

Ba là, chuyển hóa thế trận linh hoạt, kịp thời. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lực lượng tăng thiết giáp tham gia phản công thường không nhiều, nhưng sự có mặt của tăng thiết giáp sẽ làm tăng khả năng đột phá, tích cực, chủ động, góp phần chuyển hóa thế trận linh hoạt, kịp thời. Với đặc tính ưu việt là khả năng cơ động đột kích mạnh, thọc sâu nhanh, tăng thiết giáp có thể tăng cường sức mạnh và nhịp độ phản công cho lực lượng cơ động chiến lược tiêu diệt quân địch ứng cứu bằng đường bộ, đổ bộ đường không, vu hồi, thọc sâu trên các hướng, qua đó giúp tư lệnh chiến trường kịp thời xử trí các tình huống trong phản công, nhất là trong tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng. Tăng thiết giáp có thể phối hợp hiệp đồng với các lực lượng khác để thực hiện nhiệm vụ, song cũng có thể độc lập tác chiến phản công. Vì vậy, người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến dịch, chiến lược phải căn cứ vào hình thái địch, ta, quyết tâm tác chiến của khu vực phòng thủ địa phương và số lượng tăng thiết giáp đến tăng cường phối thuộc để sử dụng cho phù hợp, song phải bảo đảm linh hoạt và có thể chuyển hóa thế trận trong phản công. Cần quán triệt nghiêm nguyên tắc sử dụng tăng thiết giáp cũng như yêu cầu của tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; trong đó, ngoài việc tập trung ưu tiên tăng thiết giáp cho hướng phản công chủ yếu, quan trọng, chiến dịch quyết chiến chiến lược, cũng phải coi trọng các hướng khác, khu vực khác để có thể chuyển hóa thế trận phản công.

Do tác chiến phản công diễn ra trong phạm vi rộng, trên nhiều địa hình, quân địch có khả năng cơ động, phản ứng nhanh, nên khi sử dụng tăng thiết giáp, người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến lược cần nghiên cứu cách tổ chức bố trí, bảo đảm lực lượng của ta ít hóa nhiều, nhỏ hóa lớn và có thể chuyển từ phản công sang phục kích, tập kích, phòng ngự, vu hồi vào phía sau đội hình quân địch hoặc tham gia phòng, chống bạo loạn và xử trí các tình huống. Trong quá trình phản công, khi xuất hiện thời cơ thuận lợi, người chỉ huy có thể sử dụng tăng thiết giáp tác chiến độc lập, nhưng phải tăng cường lực lượng và làm tốt công tác bảo đảm để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), đối tượng tác chiến của tăng thiết giáp có nhiều thay đổi so với các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây, đó là: quân địch sử dụng vũ khí có độ chính xác cao, khả năng sát thương lớn, phương thức tác chiến hiện đại, v.v. Vì vậy, sử dụng tăng thiết giáp phản công chiến lược phải trên cơ sở quán triệt, nắm chắc các nguyên tắc tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, phải phù hợp với hình thái địch, ta, môi trường tác chiến, bảo đảm yêu cầu linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.

Thiếu tướng ĐỖ ĐÌNH THANH, Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp