Cách đây 50 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng. Thắng lợi vĩ đại đó là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố; trong đó, sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng là nhân tố cơ bản nhất, quyết định nhất và vẫn vẹn nguyên giá trị trong thời đại mới.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được bắt đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong trận quyết chiến chiến lược này, ta đã đập tan hơn một triệu quân ngụy và xóa bỏ hoàn toàn chế độ thực dân kiểu mới, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 có tầm vóc to lớn cả về quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, khẳng định nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng ta.
![]() |
Tại rừng cao su Biên Hòa (Đồng Nai), Lễ chuyển giao cờ Chiến thắng cho Đại đội 2 (đơn vị hai lần anh hùng) thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, Sư đoàn 304 trước khi vào giải phóng Sài Gòn. Ảnh tư liệu |
1. Đánh giá đúng tình hình, nắm chắc thời cơ, hạ quyết tâm chiến lược kịp thời, chính xác
Theo Hiệp định Paris năm 1973, đế quốc Mỹ buộc phải rút quân và chấm dứt mọi can thiệp quân sự đối với miền Nam Việt Nam. Nhưng với bản chất hiếu chiến, xâm lược, chúng tiếp tục tăng cường viện trợ cho ngụy quân, ngụy quyền, mưu đồ “phi Mỹ hoá chiến tranh”. Nhận thức đúng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, với ý chí và khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tháng 10/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) đã ban hành Nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới”. Nghị quyết khẳng định: con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kỳ trong tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Dưới ánh sáng Nghị quyết 21, sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, quân và dân ta ở miền Nam đã có nhiều hoạt động quân sự, chính trị chống địch phá hoại Hiệp định Paris và thu được nhiều thắng lợi.
Để thực hiện mục tiêu giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, bước sang năm 1974, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo mở nhiều chiến dịch trên các địa bàn chiến lược, như Nông Sơn - Thượng Đức, La Sơn - Mỏ Tàu, Đường 14 - Phước Long,… nhằm thăm dò, đánh giá sức mạnh của ngụy quân Sài Gòn và khả năng chi viện, can thiệp trở lại của đế quốc Mỹ. Thông qua các chiến dịch, Bộ Chính trị đã rút ra những nhận định quan trọng về tương quan lực lượng trên chiến trường: Ta đang ở thế thắng, thế chủ động và đi lên; địch đang ở thế thua, thế bị động và đi xuống. Mỹ đã rút ra, đang gặp nhiều khó khăn, nên không có khả năng quay trở lại (can thiệp trực tiếp bằng quân sự). Theo đó, từ 18/12/1974 - 08/01/1975, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị lần hai, khẳng định đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn; đồng thời, thông qua Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976; trong đó có dự kiến, nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu đã phát huy vai trò, trực tiếp tham mưu cho Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công; nhất là trong nắm tình hình, xây dựng phương án, quyết tâm chiến lược và tổ chức lực lượng trên chiến trường.
Trước diễn biến rất nhanh của Chiến dịch Tây Nguyên, đặc biệt là sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Đồng thời, chỉ đạo khẩn trương huy động lực lượng tiến công giải phóng Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Trung Trung bộ,… nhằm tạo thế và lực cho giải phóng Sài Gòn. Thông qua những thắng lợi chiến lược trên khắp các chiến trường, Bộ Chính trị nhận định: về chiến lược, về lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế của ngụy. Theo đó, ngày 01/4/1975, Bộ Chính trị họp và quyết định: “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm”1. Ngày 04/4/1975, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Quân chủng Hải quân phối hợp với Quân khu 5 giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị phê chuẩn chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trải qua 55 ngày đêm chiến đấu, với phương châm: “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, “một ngày bằng hai mươi năm”, quân và dân ta đã giành toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Điều đó cho thấy, nhãn quan chiến lược sắc sảo và sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng ta trong đánh giá tình hình, nắm vững quy luật chiến tranh cách mạng, kịp thời phát hiện những nhân tố mới, nhất là nhạy bén trước các động thái của địch để liên tục bổ sung quyết tâm chiến lược, tận dụng thời cơ, thúc đẩy thời cơ, quyết đoán chớp thời cơ để giành thắng lợi.
2. Chỉ đạo chuẩn bị lực lượng mạnh, triển khai thế trận hiểm, đánh chắc thắng
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã toàn thắng trong thời gian gần hai tháng. Đó là thành công đặc biệt xuất sắc của Đảng ta do đã có kế hoạch chuẩn bị lực lượng với quy mô lớn, cả về con người, cơ sở vật chất, nhất là đội ngũ cán bộ và vũ khí trang bị, bảo đảm thực hiện quyết tâm chiến lược giành toàn thắng trong thời gian nhanh nhất, triệt để nhất với tổn thất thấp nhất. Trên thực tế, để thực hiện quyết tâm chiến lược, cùng với chỉ đạo các chiến trường phát triển bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dân quân du kích và tự vệ phối hợp với bộ đội chủ lực, tiến công tiêu diệt địch, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy và bảo vệ địa phương, từ tháng 10/1973 đến đầu năm 1975, chúng ta đã tổ chức thành lập liên tiếp 04 quân đoàn chủ lực cơ động chiến lược với các binh chủng, tạo nên những “quả đấm thép” trên các địa bàn chiến lược; đồng thời, tăng cường vũ khí, trang bị, vật chất cho chiến trường miền Nam2.
Cùng với chuẩn bị lực lượng mạnh, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu chủ động chuẩn bị thế trận và chiến trường theo hướng tạo thế hiểm, bí mật, bất ngờ, đánh chắc thắng. Thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, để tạo điều kiện thuận lợi và chắc thắng cho chiến dịch Tây Nguyên - đòn tiến công chiến lược mở màn, Bộ Chính trị đã chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở Trị Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi,… nhằm phối hợp tác chiến, căng kéo địch, không cho chúng tăng cường lực lượng ứng cứu Tây Nguyên. Sau khi giải phóng Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã chỉ đạo toàn quân chớp thời cơ nâng cao tốc độ tiến công. Theo đó, các đơn vị đã nhanh chóng phát triển chiến đấu xuống vùng duyên hải Trung Bộ, lần lượt giải phóng Bình Khê, Phú Yên, Nha Trang, Cam Ranh,... phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược của địch, tạo thời cơ chiến lược mới. Tiếp đó, ta tiến hành đòn tiến công chiến lược vào Huế và Đà Nẵng, làm thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường cả về lực lượng và thế trận. Nắm chắc thời cơ, các binh đoàn chủ lực của ta nhanh chóng cơ động phát triển về giải phóng Sài Gòn. Như vậy, về chiến lược, Đảng ta đã nắm vững thời cơ, giải quyết thành công việc chuẩn bị lực lượng mạnh, thế trận hiểm hóc, vừa đánh địch rộng khắp, lại vừa tập trung được lực lượng mạnh ở những hướng trọng yếu, các đô thị, trung tâm đầu não, khu tập trung binh lực lớn của địch và giành toàn thắng.
![]() |
Đại tướng Nguyễn Tân Cương kiểm tra công tác huấn luyện của Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 34. Ảnh: qdnd.vn |
3. Phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, kết hợp tiến công và nổi dậy, giành toàn thắng
Nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự cũng là thành công xuất sắc của Đảng ta trong chỉ đạo, phát triển chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói riêng là sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy. Đó là sự kết hợp giữa những đòn tiến công quân sự quy mô lớn của bộ đội chủ lực đánh thẳng vào các đô thị, trung tâm đầu não, căn cứ quân sự lớn của địch và sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng cách mạng, đập tan bộ máy cai trị của ngụy quyền ở địa phương, cơ sở, giải phóng từng địa bàn chiến lược tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Với quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975, ngày 27/3/1975, Bộ Chính trị đã chỉ thị: “Phải nhanh chóng phát động quần chúng vũ trang nổi dậy, đập tan các lực lượng kìm kẹp ở cơ sở, chiếm lĩnh các công sở, kho tàng, nhà máy, thành lập chính quyền cách mạng và sáp vào vận động binh sĩ địch bỏ súng đầu hàng, làm tan rã các đơn vị quân ngụy”3. Theo đó, để tạo lập thế trận, mở thông cửa ngõ cho đại quân ta tiến vào Sài Gòn, ngày 09/4/1975, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo khối chủ lực Miền mở các cuộc tiến công lớn kết hợp với nổi dậy, thực hành bao vây, chia cắt Sài Gòn - Gia Định theo hai hướng: Xuân Lộc ở phía Đông Bắc và Thủ Thừa, Bến Lức ở phía Tây Nam, cắt Đường số 4, mở các hành lang xuống các tỉnh miền Tây Nam Bộ. 17 giờ ngày 26/4/1975, năm cánh quân với 04 quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 của ta đồng loạt tiến vào Sài Gòn4. Đồng thời, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã điều động hơn 1.700 cán bộ vào các quận nội thành và vùng ven thành phố cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động quần chúng nổi dậy, phối hợp với đòn tiến công của chủ lực. Lực lượng vũ trang Thành phố, cả bộ đội địa phương, dân quân, du kích, biệt động,… tích cực phối hợp chiến đấu và dẫn đường cho các binh đoàn chủ lực đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu nội đô Sài Gòn.
Được tổ chức chặt chẽ, khoa học, cách đánh linh hoạt, sáng tạo và sức mạnh vượt trội, ngay từ những ngày đầu của Chiến dịch, trên các hướng, lực lượng ta đã tiêu diệt các sư đoàn phòng ngự vòng ngoài của địch, không cho chúng co cụm về vùng ven Thành phố. Đồng thời, tổ chức lực lượng đột kích mạnh thọc sâu vào nội đô Sài Gòn. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Nắm vững thời cơ địch đầu hàng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo lực lượng vũ trang Miền nhanh chóng cùng nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long kết hợp tiến công và nổi dậy diệt một bộ phận, bắt và làm tan rã toàn bộ Quân đoàn 4 ngụy, giải phóng hoàn toàn Đồng bằng sông Cửu Long trong hai ngày (30/4 và 01/5/1975).
4. Kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp để đánh địch, thắng địch
Có thể khẳng định, trong suốt 30 năm chiến tranh cách mạng, cùng với phát huy tối đa sức mạnh dân tộc bằng các các hoạt động quân sự, chính trị,… Ðảng ta luôn chú trọng tăng cường đoàn kết quốc tế, phát huy cao nhất sức mạnh của thời đại, góp phần tạo nên ưu thế vượt trội để đánh thắng kẻ thù. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với chủ trương đẩy lùi khả năng can thiệp trở lại của Mỹ, bằng các biện pháp ngoại giao linh hoạt, sắc sảo, Đảng ta đã gắn cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc với dòng chảy chính của xu thế cách mạng thế giới; mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam; đó là, tăng cường đoàn kết hợp tác toàn diện, chặt chẽ với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa; thắt chặt quan hệ đoàn kết chiến đấu với Lào, Campuchia và các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh; tranh thủ tối đa sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới, phối hợp hiệu quả với phong trào đấu tranh tại Liên hợp quốc, phong trào Không liên kết và các tổ chức khu vực, v.v. Điều đó khẳng định Đảng ta đã thực hiện xuất sắc đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao; phát huy cao độ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh thắng quân xâm lược Mỹ cùng bè lũ tay sai.
Đại thắng mùa Xuân 1975 là “cột mốc vàng” của lịch sử dân tộc Việt Nam trong “cuộc đụng đầu lịch sử” chống đế quốc Mỹ xâm lược. Nhìn lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình của Đảng, để lại những bài học to lớn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là, phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Bám sát thực tiễn, nhận diện nắm bắt đúng thời cơ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, các nước trong khu vực, nhằm không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, lấy xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” làm nòng cốt, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Đại tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
_____________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 95 - 96.
2 - Từ tháng 6/1973, ta đã đưa vào chiến trường 14 vạn quân và hàng vạn tấn vũ khí dự trữ ở hành lang chiến lược. Tiếp đó, vào cuối năm 1974 chi viện cho chiến trường miền Nam 4,9 vạn quân; 17 vạn tấn hàng hóa, gồm vũ khí, lương thực thực phẩm, xăng dầu và 1.200 xe vận tải, xe kéo pháo,... đáp ứng kịp thời yêu cầu quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
3 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 90.
4 - Hướng Tây Bắc - Quân đoàn 3, hướng Bắc - Quân đoàn 1, hướng Đông Nam - Quân đoàn 2, hướng Đông - Quân đoàn 4, hướng Tây và Tây Nam - Đoàn 232.