Những chủ trương công tác lớn

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội

11/4/2024 11:06:56 AM

Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm tổng thể các biện pháp nhằm bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, toàn quân cần quán triệt, nắm vững nội dung, chủ động tham mưu, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời đưa Luật Phòng thủ dân sự đi vào cuộc sống.

Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Đây là cơ sở quan trọng để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng thủ dân sự, góp phần hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động phòng thủ dân sự. Đồng thời, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Các đại biểu tham dự khai mạc tập huấn toàn quân triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự năm 2024. Ảnh: qdnd.vn

Ngay sau khi Luật Phòng thủ dân sự được ký ban hành, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương xây dựng các văn bản, đề án, kế hoạch triển khai thi hành Luật; chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành văn bản mới bảo đảm phù hợp với Luật; biên soạn, in, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến và đưa nội dung cơ bản của Luật Phòng thủ dân sự vào chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội. Phối hợp, chỉ đạo các cơ quan báo chí trong và ngoài Quân đội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Luật bằng nhiều hình thức, biện pháp thiết thực. Đồng thời, chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tổ chức quán triệt, học tập, tập huấn Luật theo quy định, v.v. Qua đó, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các đối tượng, nhất là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang về thực hiện Luật Phòng thủ dân sự.

Nhờ làm tốt việc quán triệt và tích cực triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự, nên khi cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào nước ta, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã vận hành thông suốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, huy động đông đảo lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả do bão và mưa lũ gây ra1. Qua đó, thể hiện rõ vai trò xung kích, nòng cốt thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”; đồng thời, khẳng định ý thức, trách nhiệm của toàn quân trong quán triệt, thực hiện Luật Phòng thủ dân sự.

Những kết quả trên đây mới là bước đầu, nhưng thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm chính trị của toàn quân trong việc quán triệt, triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự. Để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền kiến thức phòng thủ dân sự cho các lực lượng và nhân dân. Đây là vấn đề rất quan trọng trong thực hiện Luật Phòng thủ dân sự của mọi cá nhân, tổ chức và cả cộng đồng nói chung, lực lượng vũ trang nói riêng, bởi chỉ có đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền mới nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự thống nhất, đồng lòng và quyết tâm cao độ cho các lực lượng trong triển khai nhiệm vụ quan trọng này. Để thực hiện tốt nội dung này, Cục Cứu hộ cứu nạn cần phát huy vai trò chủ trì phối hợp với các cơ quan tiếp tục nghiên cứu biên soạn, phát hành các ấn phẩm, tài liệu, chương trình đào tạo, tập huấn để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân nắm vững các nội dung của Luật. Nghiên cứu lựa chọn, đưa các nội dung kiến thức phòng thủ dân sự phù hợp vào chương trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và học sinh, sinh viên. Chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan báo chí, nhất là phát huy vai trò của báo chí Quân đội trong tuyên truyền về Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, v.v.

Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về phòng thủ dân sự, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và Quân đội là lực lượng nòng cốt trong tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời, tích cực, chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa để tuyên truyền xuyên tạc, kích động gây mất an ninh, trật tự, gây khó khăn cho công tác huy động lực lượng và tổ chức ứng phó khắc phục hậu quả. Cùng với đó, phát huy vai trò “đội quân công tác” tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực, tự giác tham gia các hoạt động phòng thủ dân sự, nhất là phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Hai là, tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức và cơ chế chỉ đạo, chỉ huy, điều hành phòng thủ dân sự. Các cơ quan chức năng của Bộ Tổng Tham mưu cần chủ động nghiên cứu, tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức lại Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự các cấp bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tinh, gọn, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, quy chế hoạt động phù hợp với đặc thù phòng thủ dân sự, bảo đảm chỉ đạo bao quát, toàn diện; phân công rõ ràng, phân cấp hợp lý, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong phòng thủ dân sự.

Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng, bổ sung, điều chỉnh quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với các bộ, ngành Trung ương trong tham mưu về hoạch định chủ trương, chính sách, phát huy hiệu quả các nguồn lực, triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước. Trọng tâm là Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội với Bộ Công an; Quy chế phối hợp trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quy chế phối hợp bảo đảm giao thông vận tải trong ứng phó sự cố, tai nạn tàu thuyền trên biển, tai nạn hàng không dân dụng với Bộ Giao thông vận tải; Quy chế phối hợp bảo vệ môi trường xử lý, khắc phục các sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh với Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Y tế, v.v. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy trình ứng phó các loại hình sự cố, thảm họa, như: sự cố tràn dầu, chất thải và môi trường; động đất, sóng thần; vũ khí hủy diệt hàng loạt, v.v.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng thủ dân sự. Đây là nội dung rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả thi hành Luật và kết quả phòng thủ dân sự. Cục Cứu hộ cứu nạn cần phát huy vai trò Cơ quan Thường trực chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình các mặt; trên cơ sở đó, đề xuất Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành bảo đảm đồng bộ với Luật Phòng thủ dân sự. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí về năng lực phòng ngừa thảm họa, chiến tranh đối với các công trình lớn, công trình trọng điểm; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng thủ dân sự.

Để công tác bảo đảm cho hoạt động phòng thủ dân sự được thông suốt, kịp thời, cần đẩy mạnh nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài chính, thanh toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh, xây dựng và ban hành chính sách đẩy mạnh xã hội hóa trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các vấn đề bất cập trong cơ chế, chính sách, vướng mắc trong tổ chức thực hiện để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục, kịp thời đưa Luật vào thực tiễn.

Bốn là, xây dựng, kiện toàn lực lượng chuyên trách đủ sức hoàn thành nhiệm vụ; nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ và xây dựng lực lượng rộng rãi trong phòng thủ dân sự. Phát huy kết quả đạt được, bám sát Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 của Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng chuyên trách đồng bộ về tổ chức, trang bị và con người, bảo đảm có quy mô phù hợp, trang bị hiện đại, đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cao đủ sức đảm nhiệm vai trò là lực lượng hạt nhân trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa. Trọng tâm là Trung tâm quốc gia Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn; Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu; Trung tâm Ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân,... cùng hệ thống thông tin (Tổng đài 112) triển khai tại Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố phục vụ cho tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố, thảm họa; nghiên cứu thí điểm mô hình doanh nghiệp Quân đội hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả một số sự cố đặc thù theo mô hình cung cấp dịch vụ của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Nam.

Cùng với xây dựng lực lượng chuyên trách “tinh, gọn, hiệu quả”, cơ quan Quân sự các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng xây dựng lực lượng kiêm nhiệm có trang bị và quy mô hợp lý, tham gia hiệu quả vào hoạt động phòng thủ dân sự, hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách khi có tình huống xảy ra. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng thủ dân sự, tích cực xây dựng và kiện toàn mô hình các đội xung kích ở cơ sở, phát huy tính tự chủ, tự lực của địa phương để sẵn sàng xử lý kịp thời, linh hoạt các sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa theo đúng phương châm “bốn tại chỗ”. Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích thành lập các tổ chức hỗ trợ quản lý thiên tai, thảm họa; cơ sở đào tạo, huấn luyện; đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ công tác phòng thủ dân sự; xây dựng, phát triển lực lượng tình nguyện viên tuyên truyền, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

Năm là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp; tăng cường huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ cho các lực lượng làm nhiệm vụ quan trọng này. Quán triệt, thực hiện Kế hoạch số 4654/KH-BQP về thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo của Bộ Quốc phòng, Cục Cứu hộ cứu nạn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tập trung xây dựng hoàn thiện Kế hoạch sử dụng lực lượng, phương tiện của Bộ Quốc phòng phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả các sự cố, thảm họa giai đoạn 2026 - 2030; Kế hoạch Phòng thủ dân sự các cấp sử dụng lực lượng, phương tiện của Bộ Quốc phòng phối hợp với các lực lượng trên địa bàn làm nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả các sự cố, thảm họa giai đoạn 2026 - 2030. Trên cơ sở đó, ban hành hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm địa bàn.

Các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng tập huấn, huấn luyện, diễn tập; bồi dưỡng kinh nghiệm tổ chức, điều hành, kỹ năng, quy trình xử lý sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng. Trong đó, chú trọng huấn luyện chuyên sâu, nâng cao kỹ năng khai thác, sử dụng các phương tiện ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa môi trường, tìm kiếm cứu nạn hiện đại, v.v. Để đạt hiệu quả cao, các cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung huấn luyện, diễn tập sát với sự cố, thiên tai trên từng địa bàn; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện cơ bản, toàn diện với chuyên sâu. Tổ chức tốt việc tập huấn về công tác chỉ huy, chỉ đạo, phối hợp, điều hành hoạt động phòng thủ dân sự. Cơ quan quân sự các cấp chủ động nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp chỉ đạo đổi mới phương pháp huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự; gắn diễn tập phòng thủ dân sự với diễn tập khu vực phòng thủ,... nhằm vận hành tốt cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, điều hành và nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng xử lý tình huống cho các lực lượng. Mặt khác, cần phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện cứu hộ, cứu nạn,... cho các bộ, ngành, địa phương, nâng cao năng lực, kinh nghiệm để thực hiện tốt phòng thủ dân sự từ cơ sở.

Cùng với các giải pháp trên, toàn quân tích cực hợp tác quốc tế về ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn, nâng cao hiệu quả hợp tác về đào tạo, huấn luyện, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, v.v. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Trọng tâm đẩy mạnh triển khai Đề án “Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030 và các chương trình, dự án khác, nâng cao năng lực phòng thủ dân sự trong Quân đội. Đồng thời, chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và nghiên cứu phát triển lý luận về phòng thủ dân sự, v.v.

Phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt, nắm vững các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch thi hành Luật Phòng thủ dân sự để triển khai thực hiện theo đúng lộ trình, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng NGUYỄN TRỌNG BÌNH, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam
__________________
       

1 - Điều động, sử dụng 143.700 cán bộ, chiến sĩ (60.528 bộ đội, 83.172 dân quân tự vệ); 4.290 phương tiện các loại tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả. Kêu gọi 51.319 tàu thuyền với 219.913 người về nơi an toàn. Gia cố, hộ đê, xử lý sạt trượt: 21.297m. Tổ chức di dời 96.336 hộ với 374.743 người đến nơi an toàn. Tổ chức tìm kiếm cứu nạn được 870 người, tìm kiếm được 185 thi thể. Triển khai cầu phao bảo đảm giao thông thay thế cầu Phong Châu bị sập. Hỗ trợ nhân dân trong vùng bị thiệt hại gần 60 tấn hàng; vận chuyển 100 tấn gạo do Chính phủ cấp hỗ trợ cho các tỉnh trên địa bàn Quân khu 1, 2, 3. Phát động toàn quân ủng hộ đồng bào bão lụt được 145,735 tỉ đồng, v.v.