Quán triệt chủ trương của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, Vùng Cảnh sát biển 1 đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, linh hoạt, hiệu quả, nhằm đưa công tác này đi vào chiều sâu, thực chất, tạo môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Vùng Cảnh sát biển 1 có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên vùng biển từ cửa sông Bắc Luân (tỉnh Quảng Ninh) đến đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị). Đây là vùng biển rộng, trải dài hơn 760km, qua 10 tỉnh, thành phố ven biển và nhiều cảng lớn thuộc “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”, nên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hoạt động kinh tế biển, du lịch, v.v.
![]() |
Tổ chức giao lưu với lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc. |
Nhận thức rõ trọng trách đó, những năm qua, cùng với triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác, đối ngoại quốc phòng được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng xác định là nội dung trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Trên thực tế, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân viên, chiến sĩ về thực hiện nhiệm vụ đối ngoại không ngừng được nâng lên; việc hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước nhằm chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tìm kiếm cứu nạn, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU),… ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Các hoạt động tập huấn, trao đổi đoàn, thăm và giao lưu với cảnh sát biển các nước được tiến hành thường xuyên, hiệu quả. Đặc biệt, Vùng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Phân cục Nam Hải, Cục Cảnh sát biển Trung Quốc trong tuyên truyền, giám sát thực thi Hiệp định phối hợp nghề cá, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc, góp phần xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định, đưa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai lực lượng ngày càng phát triển.
Hiện nay và trong thời gian tới, dự báo tình hình Biển Đông nói chung, khu vực biển Vùng quản lý nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều tình huống mới về các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, đe dọa đến môi trường hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên biển. Trong khi đó, phạm vi nhiệm vụ của Vùng rộng; các lực lượng phải hoạt động độc lập, dài ngày trên biển; hoạt động thăm, giao lưu và đón tàu Cảnh sát biển các nước đến thăm diễn ra thường xuyên; đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác đối ngoại mỏng, kinh nghiệm chưa nhiều, trình độ ngoại ngữ không đồng đều,… đặt ra những khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Trước thực tế đó, để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, Đảng ủy, Chỉ huy Vùng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau.
Trước hết, Vùng tăng cường công tác giáo dục, làm cho cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về sự cần thiết, vị trí, vai trò của hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới; thấy rõ những khó khăn, phức tạp, nhạy cảm khi làm việc trong môi trường quốc tế,… từ đó, xác định rõ động cơ, thái độ, trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nội dung giáo dục phải toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng; mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc, quy định trong hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển, nhất là yêu cầu cao khi làm việc trong môi trường quốc tế; những chuẩn mực về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hiểu biết luật pháp quốc tế, năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tin học; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, v.v. Qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ có nhận thức sâu rộng, không ngừng củng cố lập trường, quan điểm, bồi dưỡng và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam”, ra sức học tập, hoàn thiện bản thân - “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”. Tập trung bồi dưỡng, rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ luôn nhạy bén về chính trị, tuân thủ nhận thức chung cấp cao, hết sức tỉnh táo, cẩn trọng trong xử lý các vấn đề tồn tại và nảy sinh trong quan hệ với các nước, bảo đảm mọi hoạt động, tình huống đều được xử lý đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, luật pháp quốc tế. Để đạt hiệu quả thiết thực, Vùng tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, đa dạng các hình thức, biện pháp giáo dục, bảo đảm sát đặc điểm địa bàn, đối tượng và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, như thông qua: sinh hoạt, tọa đàm, hội nghị, tập huấn, học tập chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, v.v.
![]() |
Luyện tập chung với Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc. |
Để mỗi hành động, việc làm của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ luôn đúng, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Quân ủy Trung ương, cùng các chỉ thị, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam về chủ động, tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về quốc phòng, Đảng ủy Vùng xây dựng Chương trình số 750/CTr-ĐU, ngày 07/6/2024 về “Thực hiện Nghị quyết số 2662-NQ/QUTW, ngày 26/02/2024 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Trong đó, xác định rõ nội dung, biện pháp tiến hành cũng như lộ trình, thời gian và mục tiêu cụ thể, phân rõ trách nhiệm cho từng cá nhân, cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình chặt chẽ, rà soát kỹ các nội dung liên quan đưa vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ của cơ quan, đơn vị mình; chỉ huy các cấp cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực, bền vững.
Xuất phát từ đặc thù của cán bộ, nhân viên phải thường xuyên tiếp xúc, làm việc với nhiều đối tượng đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, Đảng ủy Vùng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ bí mật Nhà nước và bí mật quân sự; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn, hoạt động cài cắm, móc nối, lôi kéo, phá hoại của các thế lực thù địch. Cùng với đó, tiến hành có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết công tác đối ngoại quốc phòng, làm cơ sở rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Công tác đối ngoại là nhiệm vụ đặc biệt; trong đó, mọi biểu hiện non kém về phẩm chất, năng lực hoặc tri thức quân sự, kiến thức xã hội,… đều dẫn đến những hệ lụy xấu. Vì vậy, Vùng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động đối ngoại cho cán bộ, nhân viên. Tập trung đầu tư nguồn lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ đối ngoại đủ số lượng, chất lượng cao, chuyên nghiệp, hiện đại, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn nghiệp vụ sâu, ngoại ngữ giỏi; nắm chắc tình hình quốc tế, khu vực, trong nước và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị; am hiểu luật pháp quốc tế, nghi thức ngoại giao, truyền thống, văn hóa các nước, v.v. Để đạt được mục tiêu trên, Vùng tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng nâng cao kiến thức, hiểu biết về luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), các hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết. Tiếp tục thực hiện đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”, Vùng cử cán bộ, nhân viên tham gia các lớp tập huấn chuyên ngành biên - phiên dịch, các khóa học ngoại ngữ, lễ tân đối ngoại,… nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ chuyên ngành. Để biến quá trình “đào tạo, bồi dưỡng” thành “tự đào tạo, bồi dưỡng”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng yêu cầu đội ngũ cán bộ, nhân viên xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, tự giác học tập, nghiên cứu, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập quốc tế. Từng cán bộ, nhân viên phải thấy rõ mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ với trình độ của bản thân để không ngừng nâng cao năng lực toàn diện, nhất là “kỹ năng mềm” khi thực hiện các hoạt động đối ngoại, nâng cao năng lực xử lí các tình huống “nhạy cảm” và những vấn đề ở tầm quốc tế, v.v.
Thực hiện chủ trương của Đảng về “đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương kết hợp chặt chẽ với đối ngoại song phương”, Vùng phối hợp chặt chẽ với các thành phần, lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp, đưa hợp tác Cảnh sát biển phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Hải quân, Biên phòng, Kiểm ngư,… phát huy thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển nhằm chia sẻ thông tin, nghiên cứu, dự báo, kịp thời xử lý các vấn đề liên quan, không để bị động, bất ngờ. Kết hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội thực hiện hiệu quả các quy chế, quy định khi đón tiếp và làm việc với các đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc tại đơn vị bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối. Để tăng cường chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, duy trì mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước, Vùng chỉ đạo lựa chọn lực lượng tham gia các khóa tập huấn1 do các nước tổ chức; tham gia diễn tập tìm kiếm, cứu nạn, xử lý sự cố thiên tai; tham dự các hội nghị song phương, hội thảo khoa học, diễn đàn, giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”, v.v. Thông qua đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý các tình huống trên biển, kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế của cán bộ, nhân viên ngày một nâng cao. Đặc biệt, Vùng phối hợp chặt chẽ với Phân cục Nam Hải, Cục Cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên trao đổi thông tin tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của nhau, thông tin cứu hộ, cứu nạn đột xuất; hằng năm phối hợp tổ chức tốt tuần tra liên hợp, tuần tra chung phòng, chống tội phạm vi phạm trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc,… góp phần duy trì môi trường an ninh, an toàn, tôn trọng luật pháp trên biển.
Với quyết tâm chính trị cao cùng nhiều giải pháp khoa học, hiệu quả, mang tính đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tin tưởng chắc chắn rằng, chất lượng công tác đối ngoại quốc phòng của Vùng Cảnh sát biển 1 ngày càng phát triển vững chắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, thực thi pháp luật, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Thiếu tướng TRẦN VĂN THƠ, Tư lệnh Vùng
__________________
1 - Sĩ quan lên tàu (Lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ), vận hành sửa chữa tàu, xuồng nhỏ và kỹ năng cứu thương (Hải quân Mỹ), an ninh hàng hải, cập mạn và kiểm tra tàu, thuyền (Hải quân Vương quốc Anh), v.v.