Một số nét chính về huyện đảo Vân Đồn

5/24/2022 7:51:54 AM

Nằm ở phía Đông Nam tỉnh Quảng Ninh, huyện đảo Vân Đồn có hơn 600 đảo lớn, nhỏ, diện tích gần 2.200 km2; trong đó, diện tích đất nổi khoảng 580 km2, còn lại là diện tích mặt biển, được tạo thành bởi 02 tuyến đảo Kế Bào và Vân Hải. Là cửa ngõ của vùng biển hiểm yếu, che chắn ngoài khơi vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nơi đây cũng là một trong những cái nôi của nền văn hóa Hạ Long.

Năm 980, triều đình Tiền Lê đã lập đồn Vân tại nơi đây và cử lực lượng trấn giữ; năm 1149 vua Lý Anh Tông lập trang Vân Đồn và từ đây Vân Đồn trở thành thương cảng đầu tiên của Đại Việt. Thương cảng này phát triển mạnh trong thời nhà Lý và nhà Trần, nhưng mang đậm dấu ấn của nhà Trần trong giao thương cũng như đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Năm 1288, trên dòng sông Mang (Quan Lạn), dưới sự chỉ huy của tướng Trần Khánh Dư, quân và dân nhà Trần đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ 3, v.v.

Tổ công tác Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tuyên truyền và cấp phát tờ rơi cho ngư dân tại xã Quan Lạn. Ảnh: canhsatbien.vn

Nhận thức rõ tầm quan trọng chiến lược của Vân Đồn, năm 2007, Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu kinh tế Vân Đồn; đến tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1856/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 17/02/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 266/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040. Theo đó, Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí, du lịch biển, đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế. Cùng với đó, Vân Đồn được xác định là đô thị biển, đảo xanh, hiện đại, thông minh, bền vững và là địa bàn có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Hiện nay, kinh tế của huyện đảo Vân Đồn chủ yếu là nuôi trồng và đánh bắt hải sản; trồng và khai thác lâm nghiệp; dịch vụ du lịch biển; khai thác khoáng sản.

+ Khai thác hải sản có từ lâu đời, song chủ yếu là đánh bắt ven bờ, từ năm 1995 mới phát triển đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thuỷ sản; trong đó, việc nuôi, cấy ngọc trai phát triển mạnh.

+ Rừng trên đảo có nhiều lâm sản, trong đó có nhiều loại gỗ quý, như: lim, táu, nghiến, mun, mần lái, v.v. Ngoài ra còn có các loại chim, thú quý, một số loài được ghi vào sách đỏ thế giới, nổi bật, như: khỉ lông vàng, vẹt đầu bạc, đại bàng đất, công trĩ, hươu sao, v.v.

+ Do ôm trọn vịnh Bái Tử Long, với nhiều hang động, bãi tắm đẹp, khí hậu trong lành, hải sản ngon và có nhiều di tích lịch sử văn hóa, nên tuyến đảo Vân Hải rất có tiềm năng để phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch.

+ Khai thác than đá được tiến hành ở Kế Bào, hiện nay trữ lượng còn rất ít; mỏ cát trắng Vân Hải có trữ lượng trên 13 triệu tấn hiện đang được khai thác; mỏ quặng sắt Cái Bầu có trữ lượng khoảng 154.000 tấn; ở đảo Cái Bầu có vàng sa khoáng và vàng trong quặng sắt.

Tất cả những điều đó là cơ sở quan trọng để triển khai đầu tư xây dựng, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đến với Vân Đồn; đồng thời, là cơ sở để Huyện phân bố dân cư, không gian đô thị, các khu chức năng và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhằm bảo đảm môi trường sống bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn với quốc phòng an ninh trên địa bàn chiến lược.

Thực hiện: TRẦN TOÀN