Lịch sử, điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển của đảo Cồn Cỏ

9/26/2022 8:28:30 AM

Cồn Cỏ là hòn đảo ven bờ và là huyện đảo cùng tên thuộc tỉnh Quảng Trị, cách đất liền khoảng 15 hải lý, có diện tích khoảng 2,2 km2, dân số trên 400 người. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh; là tiền đồn quan trọng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc và là một trong những điểm mốc để xác định đường cơ sở của lãnh hải Việt Nam.

Về kiến tạo địa lý, đảo Cồn Cỏ có độ cao trung bình từ 07 m - 10 m so với mực nước biển, trên đảo có 02 điểm cao nhất là điểm phía Đông - Điểm cao 37 (cao khoảng 37 m) và điểm phía Tây nằm gần chính giữa đảo (cao hơn 63 m). Đảo Cồn Cỏ còn có tên gọi khác là: Hòn Cỏ, Thảo Phù, Con Hổ hay Hòn Mệ.

Theo các nhà khảo cổ học, vào những thế kỷ đầu công nguyên, đảo Cồn Cỏ được cư dân người Việt khám phá và đặt nền móng cho sự xác lập quyền quản lý. Điều đó được minh chứng, khi tại khu vực Bến Nghè đã tìm thấy nhiều công cụ bằng đá của cư dân Việt đã từng sinh sống tại đây. Trong khoảng thế kỷ XVII - XVIII, trên con đường giao lưu buôn bán, cư dân Đại Việt coi Cồn Cỏ là một điểm dừng chân. Dưới thời nhà Nguyễn, t­ương truyền nơi đây còn được dùng để giam giữ những người có tội.

Sau hiệp định Giơnevơ (1954), đảo Cồn Cỏ ch­ưa có dân sinh sống. Đến năm 1959, tr­ước âm mưu của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai lăm le chiếm đảo, được lệnh của trên, Trung đội súng máy phòng không 12,7 mm của Trung đoàn 270 thuộc Đặc khu Vĩnh Linh do Thiếu úy Dư­ơng Đức Thiện chỉ huy đã v­ượt sóng ra giữ đảo. Đúng 11 giờ ngày 08/8/1959, lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên trên đảo, một lần nữa khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Việt Nam. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với lũy thép Vĩnh Linh, Cồn Cỏ đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, t­ượng đài bất khuất sừng sững giữa biển khơi - chiến hạm không bao giờ bị đánh chìm trên Biển Đông - Đảo Anh hùng và được Bác Hồ gửi thư khen.

Đảo Cồn Cỏ có giá trị về địa chất cùng hệ sinh thái và cảnh quan đa dạng, lại không quá xa bờ, có tiềm năng du lịch hết sức phong phú, đa dạng. Đảo được ví như một bảo tàng thiên nhiên độc đáo, với các thềm đá bazan kỳ vĩ cùng các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ những đụn cát, san hô, sò điệp và những mùa tắm kéo dài khi nước biển ở đây luôn trong và ấm. Cùng với đó, rừng trên đảo cũng là khá hiếm của đảo núi lửa ở Việt Nam với ba tầng cây cỏ, dây leo và thảm thực vật phong phú. Ngoài ra, Cồn Cỏ nằm trong chuỗi địa danh lịch sử nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị, gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của dân tộc, như: hàng rào Macnamara, địa đạo Vĩnh Mốc, cầu Hiền Lương, nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9, nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, v.v.

Do có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh cũng như tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch, lâm, nông, thủy sản,… ngày 01/10/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 174/2004/NĐ-CP về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ (thuộc tỉnh Quảng Trị) và xây dựng thành đảo du lịch - đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Sau khi thành lập, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của Trung ương và tỉnh Quảng Trị, cùng sự nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trên đảo, Cồn Cỏ đã, đang tự khẳng định mình và có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, xứng đáng là “hòn ngọc” - đảo văn hóa, du lịch - mắt thần trên Biển Đông - đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Thực hiện TRẦN TOÀN