Hệ thống cảnh báo sóng thần Việt Nam

2/23/2017 8:24:56 AM
Một cơn sóng thần tràn qua đê và chảy vào thành phố Miyako, tỉnh Iwate (Nhật Bản) vào ngày 11-3-2011. (Ảnh: AFP)

Theo các nhà khoa học, “sóng thần” là cơn sóng cực lớn, được khởi phát từ dưới đáy biển sâu, do tác động chủ yếu của động đất và sự dịch chuyển địa chất lớn (núi lửa phun, va chạm các mảng vỏ đại dương, v.v.). Khi còn ở ngoài khơi xa, chiều cao sóng tương đối nhỏ, nhưng chiều dài bước sóng lại cực lớn, có thể dài đến hàng trăm ki-lô-mét, nên rất khó nhận biết ngay từ đầu. Khi vào gần bờ, năng lượng đó bị dồn nén, bung ra và tàn phá tất cả những gì mà nó tràn qua. Các công trình nghiên cứu có giá trị cho thấy, một trận sóng thần có thể gây thiệt hại đối với khu vực bờ biển cách nơi nó phát sinh hàng nghìn ki-lô-mét, nên nếu được phát hiện sớm, kịp thời làm công tác phòng tránh, sẽ giảm đáng kể thiệt hại. Vì vậy, công tác dự báo, cảnh báo sóng thần đã, đang là vấn đề cấp bách đối với các quốc gia, nhất là đối với các quốc gia có biển.

Tuy nhiên, đây là công việc rất phức tạp, đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn cả về khả năng quan trắc và các trang bị, phương tiện tiên tiến, hiện đại. Hiện nay, tại khu vực Thái Bình Dương, hệ thống cảnh báo sóng thần quốc tế gồm hai trung tâm lớn1 thường xuyên hoạt động. Đó là cơ sở quan trọng để các nước trong khu vực có thể khai thác, sử dụng thông tin trực tiếp trong phòng, chống các thảm họa do sóng thần gây ra.

Đối với Việt Nam, mặc dù chưa đủ điều kiện trang bị, thiết bị và năng lực quan trắc, phát hiện sóng thần từ giữa Thái Bình Dương, nhưng việc cảnh báo sóng thần để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai được Chính phủ hết sức quan tâm. Ngày 06-11-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế về báo tin động đất và cảnh báo sóng thần trên phạm vi toàn quốc. Tiếp đó, ngày 04-9-2007, Chính phủ đã quyết định thành lập Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần Việt Nam - cơ quan duy nhất (cho đến nay) được giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Với nỗ lực vượt bậc, chỉ trong thời gian ngắn, Trung tâm đã trở thành thành viên chính thức của hệ thống cảnh báo sóng thần khu vực và quốc tế. Hiện tại, với đội ngũ cán bộ khoa học được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản, có trình độ chuyên sâu cùng các thiết bị, phương tiện được Nhà nước đầu tư, Trung tâm có thể xử lý, định vị tâm chấn của động đất một cách nhanh chóng, chính xác. Điều đó đã được chứng minh khi năm 2011, sóng địa chấn của vụ động đất - sóng thần gây thảm họa lớn ở Nhật Bản đã được Trung tâm phát hiện, thu nhận chỉ sau 2 - 3 phút kể từ lúc xảy ra, với đầy đủ các thông số, như: độ lớn, tọa độ tâm chấn và độ sâu chấn tiêu, v.v. Gần đây, một số trận động đất khác ở khu vực và trong nước đều được Trung tâm phát hiện và kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng, với sai số khoảng 0,1 so với thông số của Trung tâm cảnh báo động đất Hoa Kỳ.

Tuy vậy, so với trình độ ở khu vực và thế giới, hệ thống quan trắc, cảnh báo động đất - sóng thần của Việt Nam còn hạn chế, nhất là trong dự báo, phát hiện các cơn sóng thần từ xa. Vì thế, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cảnh báo sóng thần, cả ở Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, các trạm địa phương, trạm quan trắc mực nước biển ven bờ và mạng lưới báo tin - cảnh báo và ứng phó với động đất - sóng thần quốc gia, bảo đảm tính đồng bộ, vững chắc, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Duy Khanh thực hiện

____________

1 - Gồm: Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ và Trung tâm tư vấn sóng thần Tây Bắc Thái Bình Dương của Nhật Bản.