Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển

6/6/2019 8:35:44 AM

Theo đánh giá của Tổ chức Bảo tồn quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học biển lớn của thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái, loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Hiện nay, chúng ta đã nghiên cứu, ghi nhận được 20 kiểu hệ sinh thái biển, điển hình như các hệ sinh thái: cửa sông ven biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, rạn san hô, thảm cỏ biển,… và 11 nghìn loài sinh vật cư trú; trong đó, nhiều hệ sinh thái đặc trưng, nhiều loài sinh vật có giá trị kinh tế cao.

Một số loài sinh vật biển Việt Nam. Nguồn: vast.ac.vn

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp quyết liệt, nhằm bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học biển. Đến năm 2018, cả nước đã có 10 khu bảo tồn biển được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần thiết thực bảo vệ các hệ sinh thái biển đặc thù, các loài sinh vật biển quý, hiếm, phát triển kinh tế biển gắn với đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh trong vùng biển đặc quyền kinh tế, phối hợp giải quyết tốt các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong khu vực Biển Đông, v.v.

Bên cạnh kết quả đạt được, cơ chế, chính sách về bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học biển của nước ta chưa đồng bộ; công tác quản lý, khai thác các khu bảo tồn biển quan trọng của quốc gia và quốc tế chưa chặt chẽ, hiệu quả. Nhận thức, ý thức của người dân và cộng đồng về giữ gìn, bảo vệ đa dạng sinh học biển còn có mặt hạn chế. Việc khai thác tự do, tràn lan, tận diệt, chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế trước mắt đã làm phá vỡ các sinh cảnh tự nhiên, gây cạn kiệt, phá hủy các hệ sinh thái. Cùng với đó, ô nhiễm môi trường biển, đảo do tràn dầu, rác thải sinh hoạt, du lịch, biến đổi khí hậu,… đặc biệt việc cải tạo các khu rừng ngập mặn, đầm phá, bãi triều ven biển thành các vùng nuôi trồng thủy sản, cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng với tốc độ nhanh, quy mô lớn đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học biển.

Trước thực trạng đó, Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu: “quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000”.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, trước hết, các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngư dân ven biển, trên đảo cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc bảo tồn, phát triển sinh học biển theo quy định của Luật Đa dạng sinh học. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để không chỉ tạo cơ chế thuận lợi, mà còn tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động khai thác, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học biển một cách hiệu quả. Hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế về bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu, khai thác tiềm năng các loài đặc hữu và các kỳ quan sinh thái trong phát triển du lịch, kinh tế ven biển; tài nguyên, môi trường biển; tập trung vào các vùng biển sâu, biển xa; mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia, chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học biển, phục hồi các hệ sinh thái. Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ giữa đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học biển với đa dạng hóa hình thức, biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, sự cố môi trường biển, ngăn chặn các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của các sinh vật biển, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển nói riêng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Nguyễn Đức Phú thực hiện