Ngày 19/5/1965, Sư đoàn Phòng không 361 - Đoàn Phòng không Hà Nội được thành lập. Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn luôn đoàn kết, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu; chủ động, sáng tạo trong xây dựng và phát triển; huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời và các mục tiêu trọng yếu được giao.
![]() |
Chỉ huy Sư đoàn kiểm tra đánh giá chất lượng mô hình học cụ phục vụ công tác huấn luyện năm 2025. |
Ý thức sâu sắc vinh dự, trách nhiệm khi được quản lý, bảo vệ vùng trời Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, ngay sau khi thành lập, Sư đoàn đã nhanh chóng ổn định tổ chức, vừa xây dựng, huấn luyện, vừa triển khai trận địa, duy trì canh trực, sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời được giao. Chỉ 36 ngày sau khi được thành lập, Sư đoàn đã ra quân đánh thắng trận đầu, bắn rơi 01 máy bay RF-4C của Mỹ xâm phạm bầu trời Hà Nội. Phát huy truyền thống đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các đơn vị của Sư đoàn đã cơ động chiến đấu trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố; trực tiếp tổ chức chỉ huy và tham gia chiến đấu trên 1.800 trận, bắn rơi 591 máy bay Mỹ các loại (220 chiếc rơi tại chỗ), góp phần cùng với các lực lượng đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Đặc biệt, trong Chiến dịch Phòng không tháng 12/1972, Sư đoàn đã cùng các đơn vị bạn và quân, dân Hà Nội anh dũng chiến đấu suốt 12 ngày đêm, làm nên chiến thắng lịch sử vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, giáng đòn quyết định đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn luôn phát huy truyền thống, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, những năm gần đây được Đảng, Nhà nước, Quân đội ưu tiên đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn luôn chủ động triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác; trong đó, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu được đặc biệt coi trọng, đạt được thành tích xuất sắc. Nổi bật là, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu được nâng cao. Công tác quản lý, điều hành, tổ chức huấn luyện bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, đi vào chiều sâu. Chế độ sẵn sàng chiến đấu được duy trì nền nếp, quản lý chặt chẽ, phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành động vi phạm, xâm phạm vùng trời đảm nhiệm; hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời”1, bảo vệ vững chắc các mục tiêu trọng yếu được giao trong mọi tình huống.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, xây dựng và phát triển, Sư đoàn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 10 Huân chương Quân công hạng Nhất, 07 Huân chương Quân công hạng Nhì, 18 Huân chương Quân công hạng Ba, 19 tập thể và 22 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực có những thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó dự báo; nhiệm vụ bảo vệ vùng trời Tổ quốc đặt ra yêu cầu rất cao và đứng trước không ít khó khăn, thách thức do sự phát triển của khoa học, công nghệ quân sự, nhất là ứng dụng thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm xuất hiện nhiều loại vũ khí hiện đại, trong đó có máy bay không người lái (UAV), dẫn đến sự phát triển mang tính đột phá và khó lường về phương thức, thủ đoạn tác chiến tiến công đường không. Để quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời Thủ đô và các mục tiêu trọng yếu được giao, Sư đoàn phải giải quyết nhiều vấn đề; trong đó, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là một trong những nội dung cốt lõi, quan trọng hàng đầu.
Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Theo đó, Đảng ủy Sư đoàn, cấp ủy các cấp tiếp tục quán triệt sâu, kỹ các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; trọng tâm là Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 877-NQ/ĐU, ngày 09/3/2023 của Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo; Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Tổng Tham mưu trưởng; Mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Quân chủng, v.v. Trên cơ sở đó, ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể và biện pháp lãnh đạo, tập trung đột phá vào việc khó, nhiệm vụ mới. Để tạo chuyển biến vững chắc trong huấn luyện, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đặt lên hàng đầu việc đổi mới, nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện công tác quản lý, điều hành huấn luyện chặt chẽ, “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo” và đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong toàn đơn vị. Mặt khác, Sư đoàn đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra huấn luyện; lấy kết quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm cơ sở quyết định đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Trước yêu cầu mới và thách thức đặt ra trong tác chiến đối không, Sư đoàn đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 2423-CT/QUTW, ngày 09/11/2023 của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới”, đa dạng hình thức giáo dục, tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng; những khó khăn và yêu cầu cao về cả trí, lực trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấy rõ tính chất quyết định của công tác huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu đến chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị. Từ đó, tích cực rèn luyện, xây dựng ý chí quyết tâm, bản lĩnh vững vàng, đề cao trách nhiệm, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ; kiên quyết đấu tranh với biểu hiện hình thức, thỏa mãn dừng lại trong huấn luyện, lơ là mất cảnh giác trong canh trực, sẵn sàng chiến đấu.
![]() |
Huấn luyện tháo, nạp đạn tên lửa S-300PMU1. |
Hai là, đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, hình thức tổ chức và phương pháp huấn luyện, đáp ứng yêu cầu tác chiến đối không trong tình hình mới. Thực hiện phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, Sư đoàn tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của Quân chủng nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp huấn luyện, phù hợp với vũ khí, trang bị hiện có và sự phát triển của khoa học, kỹ thuật quân sự, nghệ thuật tác chiến phòng không trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Đồng thời, chỉ đạo huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, coi đó là khâu đột phá trong đổi mới công tác huấn luyện theo hướng hiện đại. Trong đó, lấy huấn luyện chiến thuật làm trung tâm, huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành làm cơ sở, huấn luyện sát đối tượng và phương án bảo vệ mục tiêu làm then chốt. Chú trọng huấn luyện làm chủ khai thác sử dụng vũ khí, khí tài, trang bị, nhất là vũ khí hiện đại; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp để cập nhật những nội dung mới, rút kinh nghiệm phương pháp huấn luyện. Tăng cường huấn luyện tình huống nâng cao, huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, hiệp đồng giữa sở chỉ huy các cấp, kíp chiến đấu phân đội tên lửa, pháo phòng không, trạm ra đa, dây chuyền sản xuất đạn; huấn luyện phải gắn với rèn luyện kỷ luật, thể lực, xây dựng nền nếp chính quy.
Trước sự phát triển của phương tiện, thủ đoạn tác chiến đường không, đặc biệt là các loại UAV, Sư đoàn thường xuyên cập nhật tình hình, nghiên cứu, bổ sung nội dung, phát triển tài liệu huấn luyện “Một số vấn đề về phương tiện bay không người lái và biện pháp trinh sát phát hiện”, “Quy trình tổ chức huấn luyện, cách đánh máy bay không người lái của Sư đoàn Phòng không 361”. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, nhất là các phân đội hỏa lực tên lửa, pháo phòng không, các tổ chế áp UAV, tổ bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh, đài quan sát phòng không và sở chỉ huy các cấp tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập thực binh và tham gia diễn tập hiệp đồng quân binh chủng, để không ngừng nâng cao năng lực chỉ huy, thuần thục quy trình, thao tác phát hiện, xử lý kịp thời, không để bị động, bất ngờ, lỡ thời cơ.
Ba là, nâng cao chất lượng nắm, dự báo tình hình, xử trí kịp thời, thắng lợi các tình huống. Sư đoàn tiếp tục quán triệt, chấp hành nghiêm Quy định số 2582/QyĐ-TM, ngày 31/8/2022 của Tổng Tham mưu trưởng, các chỉ lệnh về sẵn sàng chiến đấu, Điều lệ Tham mưu tác chiến phòng không - không quân, Điều lệnh Tác chiến phòng không, Điều lệnh Chiến đấu sư đoàn phòng không, v.v. Duy trì chặt chẽ, có nền nếp chế độ canh trực sở chỉ huy các cấp; tổ chức lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu đúng quy định. Ưu tiên bảo đảm tốt trang bị kỹ thuật, thông tin liên lạc cho hoạt động đồng bộ giữa đài ra đa VRS-SRS, đài ra đa quang điện tử VEE-LRA, các đài quan sát và sở chỉ huy tự động hóa các cấp, nhằm không ngừng nâng cao khả năng hiệp đồng trong phát hiện, dự báo tình hình và năng lực quản lý phương tiện bay, nhất là đối với các mục tiêu bay thấp, UAV, kiên quyết không để sai, sót, lọt, chậm hoặc hoang báo. Cùng với đó, tổ chức tốt việc hiệu chỉnh, bổ sung vũ khí chiến đấu, đăng ký sổ sách sở chỉ huy các cấp đúng quy định. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Ban Nghiên cứu địch từ cấp trung đoàn đến sư đoàn để nghiên cứu, nắm chắc những âm mưu, thủ đoạn tác chiến mới của địch, làm cơ sở xác định phương thức tác chiến, tổ chức chỉ huy; chủ động rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống văn kiện tác chiến, phương án chiến đấu; kịp thời báo cáo đề xuất phương án bố trí lại lực lượng trên từng địa bàn, hình thành thế trận phòng không vững chắc, linh hoạt, sẵn sàng đối phó hiệu quả với các tình huống tác chiến xảy ra.
Cùng với đó, Sư đoàn thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và các mặt công tác phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo cho Sư đoàn hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Chủ động phối hợp chặt chẽ với đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân, thường xuyên trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng địa bàn đóng quân an toàn, giữ bí mật, bảo đảm an ninh, an toàn các công trình quân sự, trận địa chiến đấu.
Phát huy truyền thống 60 năm đơn vị anh hùng, Sư đoàn 361 tiếp tục đoàn kết, thống nhất, vượt qua khó khăn, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu, xứng đáng là đơn vị chủ lực của Quân chủng, vững vàng bảo vệ an toàn vùng trời Thủ đô.
Đại tá LÊ ANH CHIẾN, Sư đoàn trưởng
___________________
1 - Từ năm 2020 đến nay, Sư đoàn đã phát hiện được trên 1.423.560 tốp mục tiêu, tỷ lệ quan sát phát hiện thông báo mục tiêu đạt 100%, không để sai, sót, lọt, chậm hoặc hoang báo; tham gia bảo vệ an toàn hàng nghìn chuyến bay chuyên cơ của nguyên thủ quốc gia và nước ngoài tới thăm, làm việc, quá cảnh qua vùng trời quản lý của Sư đoàn; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; bảo đảm, phục vụ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam, v.v.