Những chủ trương công tác lớn

Nam Bộ kháng chiến - khát vọng độc lập, tự do

11/21/2020 3:56:05 PM

Sáng ngày 21/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Nam Bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử”.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo, Trưởng đoàn Chủ tịch Hội thảo. Tham gia Đoàn Chủ tịch Hội thảo có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7 và Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự Việt Nam. Dự Hội thảo có các đồng chí nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại biểu lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh; các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội, v.v. Đặc biệt, Hội thảo còn có các nhân chứng lịch sử và hàng trăm sinh viên tiêu biểu của các trường đại học trên địa bàn tham dự.

Đoàn Chủ tịch Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Tân Cương nêu rõ: ngày 23/9/1945, trước hành động xâm lược của thực dân Pháp, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng, Nam Bộ nói chung đã nhất tề xông lên, kiên quyết chiến đấu, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng các loại vũ khí thô sơ, quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và lực lượng vũ trang các tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Rạch Giá,… đã nhất tề đứng lên, quyết chiến với thực dân Pháp xâm lược, kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do còn non trẻ, với tinh thần: “Độc lập hay là chết”. Sự kiện Nam Bộ kháng chiến là dấu son lịch sử thể hiện tinh thần quật cường, hào khí của quân và dân Nam Bộ, làm nên danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng.

Các tham luận trình bày tại Hội thảo đã tái hiện những ngày, tháng kháng chiến gian lao mà anh dũng của nhiều lực lượng, trên nhiều mặt trận. Đồng thời, đều thống nhất khẳng định: Kịp thời phát động kháng chiến là quyết định táo bạo, quyết đoán thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo của Xứ ủy Nam Bộ. Cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ đã trực tiếp góp phần làm chậm bước tiến của địch, để Đảng, Chính phủ, quân và dân cả nước có sự chuẩn bị chu đáo hơn, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Các đại biểu dự Hội thảo

Tiếp nối truyền thống yêu nước, phát huy hào khí Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay luôn nỗ lực, phấn đấu, xứng đáng với những gì mà thế hệ cha anh đã làm được. Toàn Đảng bộ, toàn dân và lực lượng vũ trang Thành phố tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát huy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng.

Bảy mươi lăm năm trôi qua, nhưng những bài học từ Nam Bộ kháng chiến vẫn mang giá trị lịch sử, thực tiễn to lớn. Đó là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nghệ thuật quân sự,… sẽ được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tin, ảnh PHAN HỒ ĐĂNG