Nhận lời mời của Ngài Rajnath Singh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa Ấn Độ, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 17 đến 20/6.
Sáng 19/6, tại trụ sở Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Bộ trưởng Rajnath Singh đã chủ trì lễ đón Bộ trưởng Phan Văn Giang và đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam. Ngay sau lễ đón, hai bên đã tiến hành hội đàm.
Bộ trưởng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Rajnath Singh |
Bộ trưởng Phan Văn Giang bày tỏ vui mừng được gặp lại Bộ trưởng Rajnath Singh nhân dịp dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ. Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng, cuộc hội đàm là cơ hội để hai bên trao đổi các định hướng nhằm góp phần phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng song phương, một trụ cột quan trọng và chiến lược của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới. Nhân dịp này, Bộ trưởng Phan Văn Giang gửi lời chia buồn, lời thăm hỏi sâu sắc đến những nạn nhân và thân nhân những người bị ảnh hưởng trong vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng tại bang Odisha của Ấn Độ vừa qua.
Bộ trưởng Rajnath Singh nhiệt liệt chào mừng Bộ trưởng Phan Văn Giang đến thăm chính thức Ấn Độ, cho rằng chuyến thăm sẽ góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân và quân đội hai nước. Bộ trưởng Rajnath Singh khẳng định Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ. Quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển toàn diện trên các lĩnh vực từ chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, quốc phòng-an ninh, đến văn hóa, giáo dục-đào tạo và giao lưu nhân dân. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh, Ấn Độ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam, trong đó có lĩnh vực quốc phòng.
Quang cảnh hội đàm |
Về quan hệ hai nước, hai bộ trưởng đều thống nhất Việt Nam và Ấn Độ có sự gắn bó từ trong lịch sử. Ấn Độ luôn là người bạn tin cậy, gần gũi của Việt Nam. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Phan Văn Giang cảm ơn Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong cuộc kháng chiến giành độc lập trước đây và công cuộc đổi mới hiện nay.
Hai bên thống nhất đánh giá thời gian qua, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ được quan tâm thúc đẩy, triển khai phù hợp với các khuôn khổ, các văn bản, thỏa thuận hợp tác đã ký, đạt được những kết quả thiết thực trên các lĩnh vực: trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; triển khai hiệu quả các cơ chế tham vấn, đối thoại; hợp tác đào tạo; hợp tác quân, binh chủng; công nghiệp quốc phòng; gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; nghiên cứu chiến lược...
Thời gian tới, trên cơ sở Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam- Ấn Độ đến năm 2030, phù hợp với quan hệ hữu nghị, truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, hai bên nhất trí tập trung thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực: Trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao nhằm tăng cường sự tin cậy, hiểu biết và hợp tác giữa hai bên; duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng và tham vấn sĩ quan tham mưu ba quân chủng hải-lục-không quân, giao lưu sĩ quan trẻ; hợp tác đào tạo, hợp tác quân, binh chủng, công nghiệp quốc phòng; gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc..., đồng thời nghiên cứu thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như: an ninh mạng, quân y, cứu hộ cứu nạn... phù hợp với nhu cầu và khả năng đáp ứng của mỗi bên.
Về hợp tác đa phương, hai bên đánh giá Ấn Độ và Việt Nam có quan điểm cơ bản tương đồng trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các cơ chế của ASEAN mà Ấn Độ là đối tác tham gia như Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) mà Ấn Độ là một thành viên tích cực.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ quan điểm về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Nguồn: qdnd.vn