Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh) là đơn vị đầu ngành toàn quân, thực hiện chức năng tham mưu, tư vấn, thẩm định, giám sát về kỹ thuật và nghiên cứu ứng dụng công nghệ dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ; trực tiếp triển khai điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn, vật nổ, xử lý bom đạn cấp 5; dò tìm bom mìn, vật nổ chống khủng bố. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, bởi tuy chiến tranh đã lùi xa và sau hàng chục năm nỗ lực rà phá nhưng lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại vô cùng lớn, đòi hỏi toàn quân nói chung, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn nói riêng phải có nỗ lực và quyết tâm cao hơn nữa. Nhận thức rõ hậu quả do bom mìn, vật nổ tồn sót gây ra đối với đời sống của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm đã triển khai toàn diện các mặt công tác và có nhiều chủ trương đột phá để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; trong đó, đáng chú ý là đột phá nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ. Thực tế cho thấy, đây là tư duy, chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển khoa học, công nghệ trong kỷ nguyên 4.0; thực hiện lấy khoa học, công nghệ làm động lực phát triển. Với đặc điểm nhiệm vụ của Trung tâm có tính đặc thù cao, nguy hiểm, độc hại, nguy cơ mất an toàn luôn rình dập, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả dò tìm, xử lý, tăng mức độ an toàn, giảm nhẹ sức lao động cho cán bộ, nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ càng có ý nghĩa đặc biệt hơn.
Tổ chức huấn luyện xử lý bom mìn trong tình huống khủng bố. |
Thực hiện khâu đột phá, trước hết, Trung tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch định hướng nghiên cứu khoa học bảo đảm tính khả thi. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị về công tác nghiên cứu khoa học, trọng tâm là Nghị quyết số 1652-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác khoa học quân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Trung tâm đã chủ động tham mưu với Binh chủng và phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, toàn quốc tổ chức khảo sát, nắm tình hình thực trạng ô nhiễm bom, mìn, vật nổ, nhất là nhu cầu bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm trang bị phục vụ rà phá bom mìn, vật nổ và xử lý bom, đạn cấp 5. Từ đó, xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học 05 năm và từng năm phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao. Hiện nay, Trung tâm đã xây dựng, hoàn chỉnh kế hoạch định hướng nghiên cứu khoa học đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Trong đó, xác định trọng tâm nghiên cứu tập trung vào giải quyết những vấn đề cấp thiết từ thực tiễn đặt ra, như: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các trang thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ; nghiên cứu, tính toán thiết kế tay gắp vật nổ; chế tạo thiết bị phá sóng điều khiển từ xa phục vụ huấn luyện đội phòng, chống bom mìn khủng bố; thiết kế, chế tạo thùng chứa bom mìn, vật nổ cơ động; nghiên cứu, mô phỏng quá trình tổ chức xử lý xì tháo thuốc nổ phục vụ huấn luyện xử lý đạn dược, v.v. Đó là cơ sở để Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm xây dựng nghị quyết, chương trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn đơn vị; đồng thời, cũng là cơ sở để kiểm tra, thẩm định, đánh kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của các phòng, ban trong Trung tâm.
Chú trọng đổi mới cơ chế quản lý, điều hành, phương pháp nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật theo hướng có trọng tâm, trọng điểm được Trung tâm hết sức coi trọng. Theo đó, việc phân cấp, trao quyền cho các tập thể, cá nhân, phát huy vai trò của nhóm nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài từng bước được đẩy mạnh; đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp lựa chọn đề tài, nhiệm vụ, lấy sản phẩm cuối cùng là mục tiêu, tiêu chí để đánh giá chất lượng nghiên cứu. Đối với nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, Trung tâm tập trung phục vụ cho thực hiện các nhiệm vụ đặc thù, đặc biệt, chuyên sâu trong xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, xử lý bom mìn khủng bố. Tập trung đổi mới theo hướng tăng thực nghiệm, thí nghiệm, chú trọng nâng cao làm chủ trang thiết bị mới, hiện đại, v.v. Đối với việc soạn thảo, đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác rà phá bom mìn, vật nổ, Trung tâm tổ chức lực lượng chuyên sâu, tiến hành thu thập thông tin, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cũng như thực trạng quản lý nhà nước trong công tác điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn, vật nổ để xây dựng văn bản. Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề, tham gia ý kiến chuyên gia, cơ quan chức năng để hoàn thiện văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành. Đồng thời, chú trọng đổi mới phương pháp hội thi, hội thao, kiểm tra đánh giá kết quả công tác nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật bảo đảm khách quan, thực chất. Nhờ cách làm đó, Trung tâm đã làm chủ các công nghệ dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ thế hệ mới, hiện đại; góp phần nâng cao hiệu quả công tác đặc thù nhưng rất quan trọng này. Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã hoàn thành 14 đề tài nghiên cứu cấp Bộ Quốc phòng, cấp Binh chủng, 21 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở và xây dựng, tham mưu ban hành 03 thông tư, hàng chục văn bản liên quan đến lĩnh vực rà phá bom mìn, vật nổ, xử lý bom đạn cấp 5. Trong đó, Đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị xì tháo thuốc nổ phục vụ xử lý bom mìn vật nổ cơ động” được Hội đồng nghiệm thu Bộ Quốc phòng đánh giá hoàn thành xuất sắc và được trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2022 (Giải thưởng VIFOTEC).
Nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, Trung tâm chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, xem đây là giải pháp quan trọng, cơ sở để nhiệm vụ nghiên cứu phát triển đúng hướng, đạt hiệu quả cao. Theo đó, cùng với việc thực hiện tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ, trách nhiệm, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho các lực lượng, Trung tâm tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm cân đối về chuyên ngành, độ tuổi; trong đó, ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, ở lĩnh vực nghiên cứu mới, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có trình độ tay nghề cao. Thực hiện chủ trương đó, Trung tâm tham mưu với Binh chủng Công binh lựa chọn những cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn tốt, có kỹ năng, kinh nghiệm trong dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ để bổ sung cho Trung tâm. Đồng thời, gửi cán bộ, nhân viên đi đào tạo, bồi dưỡng tại các trường, các trung tâm đào tạo trong và ngoài Quân đội; đẩy mạnh việc tự học tập, tự nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, nhân viên để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đáng chú ý, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, Trung tâm chú trọng phát hiện, lựa chọn những cán bộ có năng lực nghiên cứu và nhân viên chuyên môn nòng cốt ở các phòng để giao đảm nhiệm các đề tài quan trọng, chuyên sâu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ khó, quan trọng, vừa phát huy được thế mạnh của đội ngũ này, vừa giúp họ tích lũy kinh nghiệm, trưởng thành qua thực tiễn. Bên cạnh đó, Trung tâm quan tâm mạnh dạn phân công cán bộ, nhân viên kỹ thuật trẻ tham gia các đề tài nghiên cứu và phân công cán bộ có nhiều kinh nghiệm kèm cặp, bồi dưỡng để họ nâng cao trình độ, phát triển năng lực, tư duy nghiên cứu, tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Đồng thời, có chính sách bố trí, sử dụng phù hợp, thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, động viên, khuyến khích cán bộ, nhân viên cống hiến, phát triển. Đến nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Trung tâm cơ bản đủ về số lượng, cơ cấu, có chất lượng cao, đủ khả năng nghiên cứu, thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học, công nghệ phức tạp trong lĩnh vực dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh, Trung tâm đẩy mạnh liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ với các cơ sở uy tín trong và ngoài Quân đội nhằm tận dụng thế mạnh về trang thiết bị, trình độ công nghệ, tạo sức mạnh tổng hợp trong nghiên cứu, ứng dụng. Theo đó, cùng với việc tổ chức các đoàn khảo sát, nhận chuyển giao công nghệ của các nước theo chủ trương của Bộ Quốc phòng, Trung tâm đẩy mạnh hợp tác, trao đổi học tập kinh nghiệm về cải tiến, nâng cấp và thiết kế, chế tạo trang bị kỹ thuật mới; tích cực hợp tác với các trung tâm, viện nghiên cứu có uy tín trong nước để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học. Thời gian qua, Trung tâm đã hợp tác với các chuyên gia Liên bang Nga, Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Học viện Kỹ thuật quân sự, Viện Kỹ thuật Công binh (Binh chủng Công binh),... triển khai thành công nhiều đề tài, dự án, góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa phương tiện, trang bị kỹ thuật phục vụ dò tìm, xử lý bom mìn.
Luyện tập xử lý bom mìn trong tình huống khủng bố. |
Cùng với các giải pháp trên, Trung tâm thường xuyên quan tâm làm tốt công tác bảo đảm cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trên cấp theo quy định, hằng năm Trung tâm tự bổ sung kinh phí cho công tác nghiên cứu, ưu tiên bảo đảm cho các đề tài trọng điểm, nội dung nghiên cứu mới. Thời gian qua, Trung tâm đã triển khai thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, thực nghiệm; củng cố nâng cao chất lượng các trạm xử lý, các kho bảo ôn; xây dựng kho quản lý dữ liệu về bom mìn. Nhờ đó, tạo diện mạo mới và sự đột phá về hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, cải thiện rõ nét điều kiện làm việc của cán bộ, nhân viên, tạo nền tảng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ của Trung tâm.
Những kết quả trong nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, nhân viên Trung tâm những năm qua đã được ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả tích cực, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ, bảo đảm an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ và bảo vệ môi trường. Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã xử lý an toàn hàng nghìn tấn bom đạn cấp 5 và bom mìn vật nổ thu hồi trong quá trình dò tìm; thực hiện rà phá, làm sạch hàng nghìn héc ta đất bị ô nhiễm bom mìn ở những khu vực liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, Trung tâm đã tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc “Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”, góp phần đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn.
Nhiệm vụ phía trước của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn còn nặng nề, nhưng với bản lĩnh, trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo và tiềm lực về mọi mặt, nhất là nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động chuyên môn, tin tưởng rằng Trung tâm sẽ vững bước phát triển hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đại tá NGUYỄN THẾ LƯƠNG, Giám đốc Trung tâm