Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự

5/9/2022 10:09:34 AM

Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự1, được thành lập ngày 09/7/2009, theo  Quyết định số 2165/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ đào tạo sĩ quan, nhân viên kỹ thuật cho các đơn vị trong toàn quân; đào tạo học viên của Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia; nghiên cứu khoa học; giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên trên địa bàn.

Trong quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Kỹ thuật, của các cơ quan chức năng cấp trên, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên, học viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ của Nhà trường đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Hiện nay, Nhà trường đã và đang tích cực tham gia phát triển khoa học kỹ thuật quân sự và hội nhập sâu, rộng hơn vào hệ thống giáo dục đại học của Nhà nước và Quân đội; đóng góp vào quá trình xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Gần 50 năm qua, nhà trường đã đào tạo được hơn 16.000 cán bộ, sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; hơn 1.000 cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp ngành và cấp cơ sở do cán bộ, giảng viên, học viên chủ trì thực hiện thành công đã trực tiếp phục vụ nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Nhà trường cũng như góp phần giải quyết các vấn đề kỹ thuật tại đơn vị. Kết quả các khóa đào tạo gần đây có trên 88% học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi. Học viên, sinh viên tốt nghiệp ra trường đều hoàn thành chức trách ban đầu, có trên 65% hoàn thành ở mức tốt và khá.

Để đạt được kết quả nêu trên, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã triển khai toàn diện các mặt công tác, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng Đảng bộ Nhà trường trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, Nhà trường vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là giải pháp quan trọng hàng đầu, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, nhận thức, trách nhiệm, ý chí quyết tâm cho đội ngũ giảng viên. Thực tiễn công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường đã khẳng định, sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo, chỉ huy các cấp có ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng đội ngũ giảng viên. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa, đơn vị luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác giáo dục, đào tạo2. Trên cơ sở đó, Đảng ủy Nhà trường đã ra Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo”; với những chủ trương, giải pháp đồng bộ, là cơ sở để Ban Giám hiệu, các cơ quan, khoa, đơn vị xây dựng kế hoạch, đề án phát triển đội ngũ nhà giáo toàn diện, với bước đi và lộ trình cụ thể, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ. Đồng thời, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nhiệm vụ của Quân đội, Tổng cục Kỹ thuật, Nhà trường; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; những thuận lợi, khó khăn trong công tác. Để đạt hiệu quả, Nhà trường kết hợp giáo dục chung với giáo dục riêng, lồng ghép với giáo dục theo chuyên đề hằng năm của các đối tượng. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, v.v. Nhờ đó, đội ngũ giảng viên của Nhà trường luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết với công việc; phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực; tính mô phạm của người giảng viên trong nhà trường Quân đội được phát huy; có phong cách dân chủ, khoa học, sâu sát; nêu cao trách nhiệm, không ngừng khắc phục khó khăn, gương mẫu đi đầu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên có số lượng và cơ cấu phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Đảng ủy Nhà trường lãnh đạo sát sao việc rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ giảng viên, từng bước kiện toàn theo hướng “chuẩn hóa”, tinh, gọn, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý; xây dựng đội ngũ giảng viên kế cận, kế tiếp, bảo đảm tính kế thừa và phát triển vững chắc giữa các thế hệ. Về số lượng, trước thực trạng đội ngũ giáo viên của Trường còn thiếu so với biểu biên chế, một mặt, Nhà trường tích cực lựa chọn những cán bộ đủ điều kiện tạo nguồn, bổ sung cho các khoa giáo viên, phù hợp với chuyên ngành đào tạo; mặt khác, chủ động đề xuất cấp trên, xin chỉ tiêu tuyển sinh để gửi đi đào tạo ở các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, trong nước và ngoài nước; kết hợp với lựa chọn những học viên tốt nghiệp loại giỏi của các khóa, có năng khiếu sư phạm và tâm huyết để tạo nguồn giáo viên. Đồng thời, thường xuyên, chủ động liên hệ, bám nắm và đề nghị trên bổ sung từ nguồn cán bộ tốt nghiệp các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, nhất là cán bộ tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài. Tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, tuyển dụng các giảng viên có học hàm, học vị và kinh nghiệm giảng dạy, quản lý giáo dục trên địa bàn; đội ngũ cán bộ qua thực tế, có kinh nghiệm chỉ huy và quản lý từ các đơn vị để tạo nguồn giáo viên. Bên cạnh đó, với những chuyên đề đặc thù hoặc các bộ môn thiếu giáo viên chủ chốt, Nhà trường mời các chuyên gia ở các học viện, nhà trường, các cơ sở nghiên cứu về giảng dạy để đáp ứng kịp thời yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Về cơ cấu, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường yêu cầu các phòng, khoa, ban từng bước điều chỉnh, đảm bảo cân đối về độ tuổi, ngành, khối, loại cán bộ, cấp bậc quân hàm,… phù hợp với nhiệm vụ giảng dạy theo cấp đào tạo, hướng tới thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.

Đào tạo, bồi dưỡng, “chuẩn hóa” đội ngũ nhà giáo cả về trình độ học vấn, năng lực sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn, được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là khâu quan trọng quyết định chất lượng đội ngũ giáo viên. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, Nhà trường yêu cầu các phòng, khoa thường xuyên rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ này, làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; đưa nguồn đã được quy hoạch đi đào tạo, bồi dưỡng những tiêu chí còn thiếu, đi dự nhiệm, tham quan diễn tập tổng hợp đơn vị để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Kết hợp các loại hình đào tạo, bồi dưỡng ở các học viện, nhà trường với mở lớp bồi dưỡng tại Trường và bồi dưỡng trong thực tế công tác giảng dạy. Đối với cán bộ trẻ, thực hiện hình thức đào tạo cơ bản, tập trung là chủ yếu; cán bộ đã có trình độ sau đại học, giảng viên không có điều kiện đào tạo tập trung thì tự học, tự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức là biện pháp chủ yếu để nâng cao trình độ. Để kịp thời bổ sung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, Nhà trường chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trẻ, có triển vọng, tiếp tục thực hiện luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên có điều kiện đi thực tế đơn vị; đẩy mạnh xây dựng đội ngũ giáo viên đầu ngành, nhất là các khoa chuyên ngành. Bên cạnh đó, Nhà trường yêu cầu các khoa giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch phân công các giảng viên có kinh nghiệm trực tiếp bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn. Nhằm đẩy nhanh việc tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nhà trường thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ phục vụ soạn thảo bài giảng điện tử và nghiên cứu khoa học; lựa chọn, cử cán bộ, giảng viên có đủ khả năng đi bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ ở nước ngoài. Tăng cường bồi dưỡng phương pháp sư phạm, xây dựng kế hoạch, sắp xếp thời gian, địa điểm để giảng viên trẻ và trợ giảng tập giảng. Tổ chức các nhóm, câu lạc bộ rèn luyện nghiệp vụ, phương pháp sư phạm cho đội ngũ giảng viên. Tích cực tổ chức hội thảo, báo cáo khoa học, thông tin chuyên đề, tham quan trao đổi kinh nghiệm, học thuật với các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Bên cạnh đó, Nhà trường xây dựng kế hoạch, khuyến khích giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học, đưa hoạt động này thành nền nếp, phát triển ngang tầm nhiệm vụ. Với giải pháp đồng bộ trên, đến nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ đại học trở lên, đạt 98,73%; trong đó, sau đại học 81,53% (thạc sĩ  64,42%, tiến sĩ 19,11%).

Để đội ngũ giảng viên yên tâm công tác, tập trung học tập, nghiên cứu, Nhà trường quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và chế độ, chính sách. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác hậu phương quân đội, nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài. Cùng với tận dụng triệt để nguồn kinh phí của trên, Nhà trường huy động các nguồn kinh phí tự cân đối, đào tạo lại,… để hỗ trợ những giảng viên theo học chương trình sau đại học, bồi dưỡng ngoại ngữ tập trung. Bên cạnh đó, kịp thời tôn vinh các nhà giáo có trình độ cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn và có nhiều đóng góp cho công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường và Quân đội. Thực hiện tốt các chính sách, chế độ đãi ngộ, bảo đảm điều kiện làm việc và sinh hoạt, nhất là nhà ở cho đội ngũ nhà giáo của Trường để họ yên tâm công tác.

Với những thành tích đã đạt được cùng với những giải pháp phù hợp, hiệu quả trong xây dựng đội ngũ giảng viên thời gian qua, cơ sở tiền đề quan trọng để Trường Đại học Trần Đại Nghĩa - Trường Sĩ quan Kỹ thuật tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ quan trọng này, góp phần xây dựng Nhà trường chính quy, mẫu mực, thông minh, hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Đại tá, TS, NGƯT. NGUYỄN CHIẾN HẠM, Chính ủy Nhà trường
_________________

1 - Tiền thân là Trường Sơ cấp kỹ thuật (B754), được thành lập ngày 12/5/1975. Qua các thời kỳ, nhiệm vụ, tên gọi của Trường là, năm 1978: Trường Hạ sĩ quan kỹ thuật; năm 1982: Trường Sĩ quan kỹ thuật Vin-hem Pich; năm 1997: Trường Cao đẳng kỹ thuật Vin-hem Pich; năm 2009: Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự. Ngày 23/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc thành lập Trường Đại học Trần Đại Nghĩa trên cơ sở nâng cấp Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự.

2 - Nghị quyết số 86-NQ/ĐUQSTW, ngày 29/3/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới; Nghị quyết số 29-NQ/TW về  “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, v.v.