Covid-19 – Phép thử tình đoàn kết của Liên minh Châu âu

8/17/2020 9:10:31 AM

Những năm gần đây, sự gắn kết trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) bị rạn nứt bởi một loạt vấn đề: khủng hoảng nợ công, làn sóng người di cư, phong trào dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan,... dẫn tới việc Anh rời khỏi Liên minh. Điều đáng lo ngại hơn là, đại dịch Covid-19 đã, đang làm gia tăng hoài nghi về sự tồn tại của 27 thành viên trong “ngôi nhà chung”.

Thập kỷ chìm trong khủng hoảng

Năm 1991, sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhằm triển khai dự án hướng Đông, mở rộng đường biên giới nội khối tới sát nước Nga, EU đã ồ ạt kết nạp một loạt quốc gia từng nằm trong Khối Hiệp ước Warszawa do Liên Xô đứng đầu. Dấu mốc đáng chú ý nhất của dự án này là việc 10 quốc gia Đông Âu gia nhập EU vào năm 2004, nâng tổng số thành viên của EU từ 15 nước lên 25 nước. Đây được cho là bước tiến mạnh mẽ của EU nhằm khuếch trương thanh thế. Tuy nhiên, cũng từ đó, nhiều mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh làm “rung lắc” nền móng của “ngôi nhà chung” có tuổi đời hơn nửa thế kỷ này.

Khái niệm về một EU phát triển đa tốc độ được nhắc tới với tần suất ngày càng cao. Thậm chí, nhiều nhà chính trị cho rằng, EU hiện nay giống một guồng máy được lắp ghép bởi nhiều bộ phận hoạt động lạc nhịp khi phải đối phó với tình huống lớn, điển hình như cuộc khủng hoảng nợ công năm 2009, bắt nguồn từ “chúa chổm” Hy Lạp rồi lan sang các quốc gia khác có nền kinh tế yếu nằm trong nhóm PIIGS, gồm: Bồ Đào Nha, Italy, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Mặc dù, cùng nằm trong một ngôi nhà chung, sử dụng đồng tiền chung, song mỗi quốc gia lại có cách quản lý tài chính độc lập. Vì vậy, những thành viên có cách chi tiêu “vung tay quá trán” như Hy Lạp tạo hiệu ứng domino trong cả hệ thống.

Tiếp theo là khủng hoảng người nhập cư bắt đầu từ năm 2011, với hàng triệu người từ châu Phi - Trung Đông vượt biên trái phép qua đường biển, đường bộ thổi bùng mâu thuẫn trong nội bộ EU về nghĩa vụ chia sẻ gánh nặng với các quốc gia nằm ở tuyến đầu, như: Italy, Hy Lạp, Bulgaria và Pháp. Mặc dù sau nhiều tranh cãi, một cơ chế phân bổ người di cư tới các nước đã được đưa ra, song, đến nay một số thành viên (Ba Lan, Séc và Hungary) vẫn cương quyết không chấp nhận cơ chế này.

Theo các chuyên gia, cú giáng mạnh nhất vào niềm kiêu hãnh của EU là cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh vào năm 2016, với kết quả đa số cử tri tán thành kế hoạch rời bỏ ngôi nhà chung (hay còn gọi là Brexit). Ngày 31/01/2020, nước Anh chính thức rút khỏi EU sau 47 năm gắn bó. Đây không chỉ là tổn thất vô cùng lớn với uy tín của EU, mà còn đặt dấu hỏi lớn về đường hướng, sự toàn vẹn và tương lai của Liên minh. Nhiều nhà chính trị nhận định rằng, hậu Brexit, EU sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng mô hình liên kết và hội nhập sâu sắc.

Covid-19 khoét sâu rạn nứt

Trong lúc “cú sốc” mang tên Brexit vẫn còn chưa nguôi ngoai, “lục địa già” lại tiếp tục phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mới mang tên Covid-19. Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã tấn công các nước EU từ tháng 02/2020, Italy là “nạn nhân” đầu tiên và ngay sau đó lan rộng ra khắp châu Âu. Nó không chỉ gây thiệt hại về người, mà còn ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế EU. Với tốc độ lây lan khủng khiếp, Covid-19 đã nhấn chìm triển vọng tăng trưởng của EU và đặt các nền kinh tế nội khối trước các thách thức nghiêm trọng. Theo các nhà phân tích, cú sốc đối với kinh tế gây ra bởi Covid-19 còn khủng khiếp hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Việc giãn cách xã hội đã làm giảm hoạt động, gây thiệt hại nghiêm trọng kinh tế của Khối, từ thương mại, du lịch đến vận tải, dịch vụ ăn uống công cộng, v.v. Trong thời gian tới, người dân châu Âu sẽ có ít việc làm, ít đầu tư và giảm chi tiêu hơn.

Bên cạnh đó, Covid-19 còn cho thấy sự chia rẽ ngày càng lớn giữa các thành viên EU trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh. Không thể phủ nhận, kể từ khi dịch bùng phát, EU đã phải vật lộn để đưa ra một mặt trận thống nhất về gói kích thích kinh tế, chia sẻ thiết bị y tế và bảo vệ các nguồn cung cấp thiết yếu sau khi các nước thành viên thắt chặt hoặc đóng cửa biên giới để cố gắng kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, có một thực tế thấy rõ là, 27 quốc gia thành viên đều đang đối phó với mối đe dọa chung bằng các kế hoạch riêng lẻ. Đáng lưu ý là, bỏ qua những kêu gọi phối hợp, các nước thành viên đã không thống nhất được biện pháp y tế cũng như tiến độ thực hiện theo diễn biến của dịch bệnh. Chẳng hạn, như: Pháp và Đức quyết định phong tỏa các thiết bị bảo hộ mà lẽ ra đã có thể hỗ trợ ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh ở Italy; Ba Lan, Séc, Hungary chủ động triển khai các biện pháp phong tỏa khắt khe, nhằm sớm kiểm soát tốc độ lây lan của loại virus gây chết người này; trong khi đó, Hà Lan, Thụy Điển lại theo đuổi chính sách miễn dịch cộng đồng. Quyết định đơn phương của mỗi nước thành viên đã khiến cuộc khủng hoảng chuyển từ vấn đề y tế sang vấn đề tự do đi lại và thị trường chung - vốn là hai trong số các nền tảng và tiến trình xây dựng cộng đồng châu Âu. Những tranh cãi về việc mở lại đường biên giới giữa các nước cũng làm hình ảnh về một EU thống nhất bị suy giảm giá trị.

Nhìn chung, cách tiếp cận khác biệt và những tình huống chính trị khác nhau đã dẫn đến các quyết định hoàn toàn chỉ đơn thuần mang tính quốc gia, không đáp ứng được yêu cầu ứng phó với tình hình trong phạm vi châu lục và toàn cầu. Không những vậy, nội bộ EU ngày càng xuất hiện những hoài nghi liên quan đến các khoản đóng góp, cống hiến của nước phát triển hơn và những nước có thể được nhận tài trợ. Đơn cử một việc thống nhất đóng góp quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 đã xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Trong khi một số nước (Italy, Tây Ban Nha và Pháp,…) ủng hộ các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu phát hành một trái phiếu ghi nợ chung với tên gọi “trái phiếu corona”, tạo quỹ vay mượn giữa các quốc gia để ứng phó với hậu quả của Covid-19, thì các nước Bắc Âu (Đức, Hà Lan, Phần Lan và Áo) lại không đồng tình vì lo ngại kế hoạch nợ chung này sẽ làm họ phải chia sẻ tất cả các khoản nợ công, nghĩa là, người nộp thuế của các nước này sẽ phải chi trả cho sự hoang phí của các nước Nam Âu.

Có thể thấy rất rõ rằng, đại dịch Covid-19 không chỉ làm phát lộ những lỗ hổng của EU trong cách ứng phó với dịch bệnh, mà còn phơi bày thực tế “mạnh ai nấy làm” trong hoàn cảnh đối mặt với khó khăn, thử thách. Điều này cho thấy, các thành viên ưu tiên giải quyết vấn đề của quốc gia hơn là quan tâm tới thách thức chung của Khối.

Tương lai nào cho EU?

Kể từ khi ra đời, EU đã tạo ra những tranh luận gay gắt về khả năng một liên minh với đường phân chia hai cực, gồm các quốc gia Nam Âu (Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp) và các nước Bắc Âu (Áo, Hà Lan và Đức). Những người ủng hộ giải pháp này lập luận rằng, sự khác biệt giữa hai khu vực trên là không thể hòa giải, cả về lối sống, nhận thức xã hội lẫn tâm lý người dân. Khả năng chia rẽ đã xuất hiện lần đầu tiên ở Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng nợ năm 2009 và giờ đây nó càng trở nên căng thẳng hơn với “sự xuất hiện” của Covid-19. Nói cách khác, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh một số xu hướng tiêu cực vốn đã khiến châu lục này phải chao đảo trong suốt thập kỷ qua và buộc các chính phủ EU phải đương đầu với những thách thức mà họ đã tìm cách lảng tránh trong một thời gian dài. Đó chính là việc thiếu phương tiện để đối phó với khủng hoảng như một mặt trận thống nhất. Thậm chí, nhiều nhà bình luận bi quan còn nhận định, vào thời điểm này, nếu một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trực tuyến tại Italy, thì 80% người tham gia có thể sẽ bỏ phiếu chọn cách ra đi giống nước Anh. Không chỉ các đảng bảo thủ phản đối liên minh “lá cờ xanh” hiện tại, mà nhiều cử tri tự do và cánh tả cũng không đứng về phía EU khi họ quan sát phản ứng của Khối trước đại dịch và sự thờ ơ đối với số phận của “đất nước hình chiếc ủng”.

Trước đó, nhiều cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy xu hướng hoài nghi đang gia tăng mạnh tại các nước thành viên EU khác, như: Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp và ngay cả những quốc gia Đông Âu gia nhập sau cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều ý kiến thất vọng với “ngôi nhà” này. Khi mới gia nhập, họ trông chờ vào việc lấp đầy nhanh chóng hố sâu ngăn cách về mặt kinh tế và đảm bảo một tiếng nói bình đẳng trong những cuộc thảo luận. Tuy nhiên, theo thời gian, sự kiên nhẫn dần mất đi vì những kỳ vọng không được thỏa mãn. Khi dư chấn của cuộc khủng hoảng nợ vẫn ám ảnh người dân, sức cộng hưởng của cuộc khủng hoảng người nhập cư và những gì đang diễn ra giữa đại dịch Covid-19 sẽ hỗ trợ cho chủ nghĩa hoài nghi châu Âu tăng mạnh hơn.

Nhiều chính trị gia nhận định rằng, hiện có ba thách thức đối với sự tồn vong của EU. Thứ nhất, liên minh này đang bị sa sút uy danh và sự tín nhiệm trong dân chúng ở các nước thành viên. Thứ hai, nội bộ Liên minh châu Âu bị phân bè, chia phái sâu sắc. Thứ ba, EU thiếu vắng một chiến lược hoàn chỉnh thích hợp cho tương lai trong bối cảnh châu lục cũng như thế giới đã chuyển biến rất cơ bản trên mọi phương diện.

Tương lai của EU sẽ phụ thuộc vào cách thức khối này đối phó với đại dịch Covid-19. Nếu không thể củng cố lại mối liên kết, gia tăng sức đề kháng và chuẩn bị cho các kịch bản xấu hơn, EU sẽ đánh mất uy tín với các quốc gia thành viên. Khi đoàn kết trở thành khẩu hiệu thay vì hành động, quyền lực của EU sẽ suy giảm và câu chuyện chia tách có thể sẽ không chỉ dừng lại ở Anh, mà nhiều khả năng sẽ có thêm Italy, Hy Lạp và một số quốc gia khác.

LÂM PHƯƠNG - NGUYỄN ĐỨC XIỂN*
______________  

* - Học viện Quốc phòng.