Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối

8/19/2024 5:33:51 AM

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là bước ngoặt vĩ đại, đưa nước ta trở thành một nước độc lập, tự do, dân chủ, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là những giá trị bất diệt của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mãi là chân lý sáng ngời đã và đang tỏa sáng, thôi thúc chúng ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời, đập tan mọi luận điệu của các thế lực thù địch, phản động.

Thực hiện lệnh Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội. Ảnh tư liệu

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh các hoạt động Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - trang vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, sự kiện vĩ đại đã biến mơ ước ngàn đời của nhân dân ta về độc lập dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh, tự do, ấm no, hạnh phúc trở thành hiện thực. Nhưng cũng chính vào thời điểm này, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện những luận điệu đen tối nhằm xuyên tạc, công kích lý tưởng và ý nghĩa cao cả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bất chấp sự thật, những luận điệu đó đã đổi trắng thay đen, coi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ là tự phát của quần chúng nhân dân; do đó không có gì khốc liệt, phức tạp, không có bom rơi, đạn nổ và không có đổ máu, nên đây là sự kiện hết sức bình thường, cần phải lãng quên! Có thể thấy những luận điệu đó không hề hồ đồ, mơ hồ, mà là một ý đồ đen tối, thâm độc, đổi trắng thay đen của các thế lực thù địch. Và, tất nhiên những luận điệu xảo trá đó không thể lừa dối được ai. Bởi, sự thật quá rõ ràng, nhân dân ta rất đỗi tự hào về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và được bạn bè quốc tế thừa nhận, khâm phục ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.

Thực tế đã chứng minh chân lý sáng ngời: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện chính trị đặc biệt thể hiện sự quật khởi của quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng diễn ra liên tục trong suốt 15 năm sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930), từ cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Cuộc vận động dân chủ năm 1936 - 1939, đến phong trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945. Gần 80 năm đã qua càng cho thấy những yếu tố vững chắc để khẳng định Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ là mốc son trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta, mà còn là kỳ tích lịch sử ghi đậm dấu ấn vào phong trào cách mạng chung của thế kỷ XX; là sự kiện trời long đất lở chứ khống phải là “sự kiện bình thường” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch; đồng thời, là gương sáng khích lệ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc cho hàng loạt nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh.

Sự kỳ diệu hiếm có của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được làm sáng tỏ bởi một hệ thống các yếu tố sau:

Một là, sự chuẩn xác đến kỳ lạ trong việc nhận định thời cuộc của Bộ Tư lệnh Cách mạng. Nhận định đánh giá đúng tình hình chí ít đã là một nửa của thắng lợi. Có thể nêu hai dẫn chứng cụ thể để thấy sự tuyệt vời trong nhận định và định hướng của Bác Hồ và Đảng ta. Thứ nhất, bước vào những năm 40 của thế kỷ XX, tình hình thế giới có những diễn biến hết sức nhanh chóng tác động mạnh đến nước ta. Cùng vào thời điểm này, lãnh tụ Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài trở về Tổ quốc cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám ở Pắc Bó (tháng 5 năm 1941). Hội nghị quan trọng này đã phân tích những diễn biến mới của tình hình thế giới, nhất là từ khi Pháp đầu hàng Đức, Nhật xâm lược Đông Dương và chỉ ra rằng: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”1. Thứ hai, đêm 09/3/1945, Nhật nổ súng đánh Pháp và gần như ngay sau đó, ngày 12/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Đình Bảng, Bắc Ninh đã ra ngay Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị là văn kiện quan trọng của Đảng thể hiện tầm nhìn chiến lược, xuyên suốt giai đoạn tiền khởi nghĩa, có nhận định chính xác tuyệt đối rằng: Pháp sẽ thất bại vì không có tinh thần chiến đấu; thiếu vũ khí tinh xảo; không thống nhất hành động với lực lượng chống Nhật ở Đông Dương. Quả nhiên sau đó Pháp đã thua và đầu hàng Nhật. Từ đó, Chỉ thị định hướng khẩu hiệu hành động là “Đánh đuổi phát xít Nhật” thay cho các khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật, Pháp”, chống lại chính quyền Nhật và chính phủ bù nhìn của bọn Việt gian thân Nhật. Chỉ thị nổi tiếng này thực sự là kim chỉ nam cho các chiến sĩ cộng sản, các thành viên Mặt trận Việt Minh vận dụng, định hướng đấu tranh sát với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, Đó là sự thể hiện trí tuệ khoa học tuyệt vời của Đàng trong đánh giá chính xác tình hình, chứ không phải là sự ăn may như các thế lực thù địch tự rao giảng.

Hai là, sự tài tình trong việc nắm bắt và tận dụng thời cơ. Phải khẳng định rằng, thời cơ cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là những điều kiện chín muồi để có thể phát động đấu tranh giành thắng lợi. Nó chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn, được ví như mũi tên bay hoặc nhanh hơn như một tia chớp. Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã khẳng định những cơ hội cho cuộc khởi nghĩa nhanh chín muồi, đó là: (1). Chính trị khủng hoảng (quân thù không rảnh tay đối phó với cách mạng); (2). Nạn đói ghê gớm (quần chúng oán ghét quân cướp nước); (3). Chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt (Đồng minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật). Nắm bắt những cơ hội đó, Đảng ta chủ trương phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Đây là thời kỳ động viên quần chúng sôi nổi, mạnh mẽ, phát triển lực lượng chính trị sâu rộng ở cả nông thôn và thành thị, đồng bằng và rừng núi; kết hợp chặt chẽ các hình thức đấu tranh, đánh du kích, nổi dậy của quần chúng, phá kho thóc giải quyết nạn đói, diệt Nhật trừ gian, đẩy địch vào thế lúng túng, bị động và hoang mang tan rã. Do những nỗ lực chủ quan và yếu tố khách quan làm cho thời cơ đã chín muồi, Đảng ta phát Lệnh Tổng khởi nghĩa. Như vậy, chúng ta nổi dậy khi lực lượng đã được chuẩn bị và đang có khí thế, trong khi quân đội Nhật tuy vẫn còn nguyên vẹn nhưng ý chí bị tan rã; đồng thời, đội quân của phe Đồng minh chưa kịp vào nước ta để tước vũ khí của quân Nhật. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã tập trung sức mạnh của nhân dân đập tan bộ máy thống trị của chính quyền trung ương địch ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và các thành phố, tỉnh lỵ, làng xã, thôn ấp; chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thực sự là nghệ thuật tuyệt vời về việc chọn đúng thời cơ, tận dụng cơ hội giành thắng lợi.

Ba là, sự hoàn hảo của thắng lợi. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thật ngoạn mục, không thể trọn vẹn hơn. Trong thời gian ngắn, với khí thế cách mạng dâng trào như nước vỡ bờ, cuộc Tổng khởi nghĩa giải quyết bốn mục đích hết sức cơ bản và phức tạp là: chấm dứt chế độ phong kiến hàng nghìn năm; chấm dứt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp, 05 năm chiếm đóng và khống chế của phát xít Nhật; thống nhất đất nước, đưa giang sơn thu về một mối; giành quyền tự do, dân chủ cho quần chúng lao động, dựng lên nhà nước Cộng hòa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và của Đông Nam Á. Do được chuẩn bị lực lượng chu đáo, lại phát động nổi dậy đúng lúc, phương thức hành động  hợp lý, mau lẹ và sát hợp với từng địa phương, với một sức mạnh áp đảo nên chúng ta đã giành được chính quyền mà hầu như không đổ máu. Cách mạng nổ ra như sấm sét, bão táp mà không bị tổn thất máu xương, thật là một sự kiện lịch sử hiếm có và là bài học quý. Không chỉ có thế, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn đóng góp cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới một cách thức chặt đứt xiềng xích của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, cổ vũ các dân tộc đứng lên tự giải phóng cho mình.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 càng trọn vẹn hơn khi nó chứng tỏ đó là cuộc cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc cách mạng đó đã tập hợp được sức mạnh của dân tộc và sức mạnh thời đại, đến khi thắng lợi lại hình thành nên sức mạnh mới để dân tộc Việt Nam tiếp tục đương đầu, chiến thắng bọn đế quốc xâm lược và các thế lực thù địch, tay sai. Ngày nay, công cuộc đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giúp đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, v.v. Theo đó, từ một quốc gia kém phát triển, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, tiến bộ. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; tiềm lực của đất nước, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam không ngừng nâng cao,… điều đó đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”2.

Chính vì thế, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước khởi đầu huy hoàng cho những giai đoạn tiếp theo của cách mạng Việt Nam, mãi là chân lý sáng ngời, in sâu vào ký ức của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Chân lý sáng ngời đó sẽ góp phần xua tan những luận điệu đen tối, xuyên tạc, phủ nhận thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của các thế lực thù địch, phản động.

VŨ DŨNG
_________________
       

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 113.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 322.