Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Hoàng Văn Thái được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao đảm trách nhiều chức vụ quan trọng, dù bất kỳ ở đâu hay cương vị nào, Đại tướng cũng luôn tỏ rõ là nhà chỉ huy quân sự tài ba, sáng ngời phẩm chất “đạo làm tướng” theo lời dạy của Bác Hồ, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc.
Đại tướng Hoàng Văn Thái - nhà chỉ huy quân sự tài ba
Đại tướng Hoàng Văn Thái (tên khai sinh là Hoàng Văn Xiêm), sinh ngày 01/5/1915, tại làng An Khang, tổng Đại Hoàng (nay là xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Sớm giác ngộ cách mạng, năm 18 tuổi, Đồng chí tham gia phong trào đấu tranh của công nhân, đến năm 23 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1944, Đồng chí được giao nhiệm vụ tham gia tổ chức Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, phụ trách công tác tình báo và tác chiến. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Bộ Tổng Tham mưu và giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng.
![]() |
Ðảng ủy Chiến dịch biên giới năm 1950 (người trên cùng là Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam). Ảnh tư liệu |
Để chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến, Đồng chí đã vận dụng kinh nghiệm thực tiễn chỉ huy chiến đấu ở Hải Phòng vào chỉ đạo mặt trận Hà Nội. Theo đó, Đồng chí đã chỉ đạo xây dựng thế trận liên hoàn, bố trí lực lượng theo khu vực để kìm giữ, tiêu hao quân Pháp trong suốt 02 tháng, bước đầu làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng. Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, với tư duy quân sự nhạy bén, Đồng chí chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu, tham mưu cho Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Trung ương Quân ủy phát triển bộ đội địa phương và dân quân du kích; xác định phương thức hoạt động của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương, góp phần quan trọng vào phát triển chiến tranh du kích. Cuối năm 1947, trước cuộc tiến công quy mô lớn của thực dân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc, Đồng chí đề xuất với Bộ Tổng Chỉ huy ra “mệnh lệnh” cho toàn quân, toàn quốc thực hiện kế hoạch tác chiến và phân công nhiệm vụ, địa bàn tác chiến cho các đơn vị trên chiến trường. Được giao làm Chỉ huy trưởng Mặt trận Bắc Kạn - Đường số 3, dưới sự chỉ huy của Đồng chí, quân ta đã giành thắng lợi ở Chợ Mới, Đèo Giàng, góp phần làm nên Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội (01/1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong quân hàm Thiếu tướng cho Đồng chí.
Cuối năm 1950, với cương vị là Tham mưu trưởng Chiến dịch Biên giới, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái đã tham mưu cho Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch chọn đúng mục tiêu, hướng, khu vực tiến công chủ yếu; tập trung hỏa lực cho các trận then chốt; vận dụng sáng tạo phương châm “đánh điểm, diệt viện”,… góp phần để Chiến dịch thắng lợi hoàn toàn, “đánh dấu một bước phát triển về công tác tham mưu, nghệ thuật tổ chức, chỉ đạo chiến dịch của Quân đội ta”1.
Với mưu đồ giành lại quyền chủ động và kết thúc chiến tranh trong “danh dự”, thực dân Pháp cử tướng Nava làm tổng chỉ huy đội quân viễn chinh ở Đông Dương, lấy Tây Bắc làm chiến trường chính; xây dựng kế hoạch tập trung lực lượng cơ động mạnh, thực hiện các đòn tiến công nhằm tiêu diệt chủ lực của ta. Nắm chắc mưu đồ đó, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái đã chỉ đạo các cơ quan của Bộ Tổng Tham mưu tập trung nghiên cứu, bám sát tình hình, xây dựng Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 chặt chẽ, kịp thời báo cáo, đề xuất với Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị chọn Tây Bắc làm hướng tiến công chính, các hướng khác là hướng phối hợp, buộc quân địch phải phân tán lực lượng để đối phó, từng bước làm phá sản “Kế hoạch Nava”. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trên cương vị Tham mưu trưởng Chiến dịch, Đồng chí đã tham mưu nhiều ý kiến sắc sảo về bố trí, sử dụng lực lượng, chọn hướng đột phá, cách đánh, công tác tổ chức, hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh, sự phối hợp tác chiến giữa các chiến trường, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật,... góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Khi được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đồng chí chỉ đạo công tác huấn luyện quân sự của toàn quân và trực tiếp chỉ đạo công tác các nhà trường Quân đội. Trên cương vị này, Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, nâng cao khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang.
![]() |
Đồng chí Hoàng Văn Thái báo cáo tình hình chiến trường miền Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu |
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tháng 10/1967, Đồng chí được cử giữ chức Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Phó Bí thư Quân ủy Miền, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền. Là vị tướng dạn dày kinh nghiệm, Đồng chí đã cùng với các đồng chí trong Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền lãnh đạo, chỉ đạo Cục Tham mưu Miền xây dựng các kế hoạch tác chiến; đồng thời, trực tiếp tham gia chỉ huy các đợt tiến công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968; đánh bại các cuộc hành quân “Toàn thắng 1-71”; “Chen La 2” (1971) của địch; Chiến dịch tiến công Nguyễn Huệ (1972), v.v.
Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973, Đồng chí trở về giữ cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, phụ trách tác chiến và chi viện chiến trường. Với những kinh nghiệm tác chiến có được từ chiến trường miền Nam, Đồng chí đã cùng các cơ quan Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu, hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến chiến lược, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Đồng chí được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng Kế hoạch Tác chiến chiến lược bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước. Đồng chí đã cùng với tập thể Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan từng bước hoàn chỉnh các kế hoạch tác chiến chiến lược, điều chỉnh thế bố trí lực lượng, phương tiện của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phù hợp với chiến lược phòng thủ bảo vệ Tổ quốc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân; xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng khu vực phòng thủ, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng vũ trang ba thứ quân.
Người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Được Bác Hồ tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức xây dựng Bộ Tổng Tham mưu - “cơ quan quân sự cơ mật của đoàn thể, là cơ quan đầu não của quân đội, có nhiệm vụ xây dựng quân đội mạnh, luyện quân giỏi, biết địch, biết ta rõ ràng, bày mưu hay kế khéo, tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù”2, Đại tướng Hoàng Văn Thái luôn khắc ghi lời Bác dặn, tập trung xây dựng Bộ Tổng Tham mưu từ một cơ quan chỉ có 08 thành viên buổi ban đầu, nhanh chóng phát triển trở thành bộ máy tham mưu, chỉ đạo tác chiến chiến lược xuất sắc của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; hình thành hệ thống tham mưu các cấp trong toàn quân. Với tầm nhìn chiến lược, Đồng chí luôn chú trọng xây dựng và huấn luyện các đơn vị chủ lực vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, kỷ luật, trình độ kỹ thuật, chiến thuật và bảo đảm đầy đủ vũ khí, trang bị,... để từ đó tạo ra những “quả đấm thép”, thực hiện những trận đánh then chốt, then chốt quyết định, những chiến dịch chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta. Đồng chí Hoàng Văn Thái là vị tướng giỏi của những chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng lớn, là vị tướng tài ba của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Trong tư duy chiến lược của Đại tướng, đòn tiến công của bộ đội chủ lực tại một chiến dịch phải luôn đi cùng với thế tiến công của lực lượng vũ trang địa phương trên toàn chiến trường; tiến công quân sự luôn kết hợp với nổi dậy của quần chúng, đấu tranh quân sự luôn đi cùng đấu tranh chính trị; đánh địch bằng cả ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược.
Trong quá trình hoạt động, công tác, trực tiếp được Chủ tịch Hồ Chí Minh dìu dắt, Đại tướng Hoàng Văn Thái luôn ghi nhớ lời dạy: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”3. Theo đó, Đại tướng hết sức coi trọng xây dựng Quân đội về chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và coi đây là nhân tố quyết định đối với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội ta. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm sai trái của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xét lại về quy luật của chiến tranh, quan điểm tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí, trang bị và những luận điệu phủ nhận vai trò của nhân tố chính trị, tinh thần, vai trò của quần chúng nhân dân trong chiến tranh, v.v.
Đại tướng vừa là nhà tổ chức quân sự tài năng, đồng thời cũng là nhà lý luận quân sự lớn của Quân đội. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tờ “Quân sự tập san” (nay là Tạp chí Quốc phòng toàn dân) do Đồng chí phụ trách ra số đầu tiên tháng 4/1948 đã kịp thời phổ biến những kinh nghiệm chiến đấu của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tạo nền móng cho việc hình thành tạp chí lý luận quân sự đầu tiên của Quân đội ta. Sau khi kết thúc một chiến dịch, mỗi trận đánh, Đồng chí kịp thời chỉ đạo tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá nghiêm túc những thành công cũng như khuyết điểm trong quá trình tổ chức và thực hành chiến đấu, rút ra những bài học kinh nghiệm, phát triển lý luận về chỉ đạo chiến lược, tác chiến chiến dịch và chiến thuật. Đại tướng có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác nghiên cứu khoa học quân sự, lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh, xây dựng ngành Lịch sử quân sự Việt Nam; trực tiếp biên soạn nhiều tác phẩm, luận văn quân sự, chủ trì nhiều đợt tổng kết và nghiên cứu về lịch sử và nghệ thuật quân sự Việt Nam, có nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu cho công tác huấn luyện bộ đội, v.v. Đó là những tài sản có giá trị to lớn đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Từ người thanh niên yêu nước tham gia hoạt động cách mạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giáo dục, rèn luyện, bản thân ra sức phấn đấu “Phải cố gắng vừa học, vừa làm, có quyết tâm làm thì khó mấy cũng phải làm được...”4, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã trở thành nhà chỉ huy quân sự tài ba của Quân đội; “trọn nghĩa” với Tổ quốc; “vẹn tình” với đồng bào, quê hương, đồng chí, đồng đội; một vị tướng tài, đức song toàn “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”.
Đại tá, TS. LÊ THANH BÀI, Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam
__________________
1 - Bộ Quốc phòng – Đại tướng Hoàng Văn Thái - Nhà quân sự tài năng, đức độ của cách mạng Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2015, tr. 42.
2 - Đại tướng Hoàng Văn Thái – Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2007, tr. 650.
3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 217.
4 - Đại tướng Hoàng Văn Thái – Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2007, tr. 667.