Một số vấn đề về bố trí vật cản công binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

11/10/2016 3:42:15 PM

Bố trí vật cản là một nội dung quan trọng trong bảo đảm vật cản công binh cho tác chiến. Vật cản nếu được bố trí đúng, hiểm hóc, linh hoạt sẽ phát huy hiệu quả, trực tiếp hỗ trợ, góp phần nâng cao sức mạnh và hiệu suất chiến đấu của bộ đội.

Đặc điểm nổi bật của bảo đảm vật cản công binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là được chuẩn bị trước một bước từ thời bình cả về lực lượng, phương tiện, trang bị, khí tài đến kế hoạch bảo đảm, phương án bố trí hệ thống vật cản trên các hướng (khu vực) tác chiến và tiến hành trong thế trận khu vực phòng thủ địa phương được xây dựng vững chắc, với mạng lưới công binh nhân dân rộng khắp. Đây là thuận lợi rất cơ bản, khác so với chiến tranh giải phóng trước đây. Tuy nhiên, với đối tượng tác chiến có ưu thế về binh khí kỹ thuật, hoả lực mạnh, trinh sát, tác chiến điện tử hiện đại; đặc biệt là, khả năng cơ động bố trí, khắc phục vật cản nhanh bằng các phương tiện tiên tiến, thủ đoạn linh hoạt,… đặt ra cho công tác bảo đảm công binh nói chung, tổ chức bố trí, xây dựng hệ thống vật cản công binh nói riêng nhiều thách thức. Để hệ thống vật cản phát huy hiệu quả, thực sự là những chướng ngại ngăn chặn, kìm giữ làm chậm tốc độ tiến công, sát thương, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng, phương tiện chiến tranh của địch, tạo thế, thời cơ thuận lợi cho hoạt động của các lực lượng tác chiến, đòi hỏi chúng ta cần có những nghiên cứu thấu đáo về vấn đề này cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Bài viết xin đề cập một số nội dung về bố trí vật cản công binh để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Bộ đội Công binh thực hành triển khai vật cản, bảo vệ mục tiêu trong một cuộc diễn tập. (Ảnh: qdnd.vn)

Việc lựa chọn sử dụng loại vật cản và kỹ thuật, chiến thuật bố trí vật cản phải căn cứ vào các yếu tố, như: đối tượng tác chiến, hình thức chiến thuật, đặc điểm địa hình, môi trường tác chiến, v.v. Để chống địch tiến công bằng tên lửa hành trình, chúng ta có thể sử dụng các loại khí cầu bố trí xung quanh mục tiêu cần bảo vệ hoặc trên các hướng dự kiến tên lửa bay vào để ngăn chặn. Đây là phương pháp khá hiệu quả, do tên lửa hành trình khi tiếp cận mục tiêu thường bay ở độ cao khoảng 50m - 100m nhằm tránh sự phát hiện, đánh trả. Việc quản lý và bố trí các loại khí cầu rất đơn giản, có thể giao cho lực lượng dân quân tự vệ đảm nhiệm. Trong đánh địch đổ bộ đường không, do địch thường tổ chức hỏa lực dọn bãi trước khi đổ quân; vì vậy, để tránh hoả lực dọn bãi làm mất hiệu lực của vật cản, không nên bố trí vật cản trước. Trường hợp này có thể tổ chức lực lượng tại chỗ, dùng vật cản nổ phục kích, tập kích lực lượng địch từ bãi đổ bộ cơ động đến vị trí tập kết; hoặc cơ động, thiết lập nhanh hệ thống vật cản để ngăn chặn, cô lập địch ở các khu vực (bãi) đổ bộ, tạo điều kiện để lực lượng cơ động tiến công tiêu diệt. Ngoài ra, khi điều kiện cho phép, có thể bố trí các bãi cọc chống đổ bộ đường không, nhằm nghi binh dụ địch đổ bộ vào các khu vực ta đã dự kiến. Để chống địch đổ bộ đường biển, đường sông, phải bố trí cả vật cản dưới nước và vật cản trên cạn, kết hợp vật cản nổ với vật cản không nổ. Ngay từ thời bình, ở các khu vực dự kiến địch đổ bộ, có thể chủ động trồng cây chắn sóng tạo các tuyến vật cản thiên nhiên. Khi tác chiến xảy ra, việc triển khai bố trí các bãi vật cản để ngăn chặn địch đổ bộ cần phân trách nhiệm cụ thể, theo hướng: vật cản trên cạn do lực lượng tác chiến thực hiện; vật cản dưới nước, từ độ sâu 05m nước trở vào bờ do bộ đội địa phương, công binh lục quân đảm nhiệm; từ 05m nước trở ra do công binh Hải quân đảm nhiệm. Do khối lượng vật cản lớn và lợi dụng được mặt nước để che giấu, nên có thể triển khai bố trí sớm khi phát hiện địch có ý định đổ bộ.

Trong chiến đấu phòng ngự, phòng thủ, vật cản là một trong bốn yếu tố tạo nên sự vững chắc của thế trận (công sự trận địa, vật cản, hoả lực, cơ động). Khi xây dựng thế trận phòng ngự, ngoài việc triệt để lợi dụng vật cản thiên nhiên, nhất thiết phải tổ chức hệ thống vật cản nổ và không nổ liên hoàn, vững chắc, tập trung ở phía trước, bên sườn và có thể ở bên trong các điểm tựa, cụm điểm tựa, nằm trong tầm khống chế của hoả lực bộ binh, để ngăn chặn địch. Theo đó, cần triệt để tận dụng, cải tạo địa hình, tạo nên các vách đứng, vách hụt, hào chống tăng, bố trí hàng rào dây thép gai, rào sừng hươu, bãi chông, v.v. Kỹ thuật bố trí các bãi vật cản không nổ đơn giản, nên có thể huy động mọi lực lượng cùng tham gia, trong đó lực lượng công binh làm nòng cốt. Đối với vật cản nổ, việc bố trí phải được nghiên cứu kỹ. Do địch có khả năng cơ động cao, chuyển hướng tiến công nhanh, linh hoạt, lại được trang bị nhiều phương tiện khắc phục vật cản hiện đại, nên ta phải xác định tỉ lệ bố trí và cấp các bãi mìn ở từng khu vực phòng ngự cho phù hợp. Theo tính toán, để giải quyết mâu thuẫn giữa khối lượng vật cản cần bố trí, biên chế lực lượng, trang bị công binh và thời gian có, ở cấp chiến dịch nên bố trí trước khoảng 30% - 40% vật cản, số còn lại để cơ động bố trí, nhằm tăng tính hiệu quả, vững chắc của hệ thống vật cản, đối phó với tình huống địch chuyển hướng tiến công và khả năng khắc phục vật cản của địch. Bên cạnh đó, trong giai đoạn thực hành chiến đấu, nên sử dụng ít nhất từ 1/6 - 1/9 lực lượng công binh chiến dịch tổ chức thành các đội cơ động vật cản, sẵn sàng cơ động bố trí vật cản đánh địch đổ bộ đường không, vu hồi đường bộ, đường sông; bảo vệ bên sườn cho lực lượng cơ động tiến công; bịt lấp, bổ sung các bãi vật cản bị địch khắc phục, phá hoại. Về hình thức bố trí, tùy điều kiện cụ thể để xác định. Đối với chiến đấu phòng thủ, có thể bố trí thành các dải, tuyến vật cản hoặc vùng vật cản (chủ yếu là vật cản không nổ); chiến đấu phòng ngự nên bố trí thành các cụm mìn, bãi mìn, ổ vật cản để ngăn chặn địch.

Trong chiến đấu tiến công, do thời gian chuẩn bị, chiến đấu ngắn, nên chủ yếu sử dụng vật cản nổ, bố trí thành các bãi mìn: chướng ngại, chặn hậu, bao vây, ngăn chặn. Việc thực hiện do các đội cơ động vật cản tiến hành, triển khai bố trí tại các khu vực dự kiến theo kế hoạch thống nhất của người chỉ huy binh chủng hợp thành. Ngoài ra, khi có điều kiện, có thể hiệp đồng, sử dụng lực lượng vũ trang địa phương để bố trí các bãi mìn ngăn chặn, bao vây. Quá trình thực hiện, cần chú ý tuyệt đối giữ bí mật, tránh làm lộ ý định tác chiến; các bãi vật cản không làm ảnh hưởng tới hành động chiến đấu của bộ đội, v.v.

Duy trì “sức sống” và nâng cao hiệu quả của hệ thống vật cản công binh luôn là một mục tiêu được đặt ra. Trên cơ sở phân tích những yếu tố tác động đến hệ thống vật cản trong chiến đấu, để đạt được điều đó, theo chúng tôi cần làm tốt một số yêu cầu sau.

Một là, nắm chắc địch, triệt để tận dụng, cải tạo địa hình, địa vật và các vật liệu tại chỗ để tổ chức bố trí hệ thống vật cản cho phù hợp. Người chỉ huy và cơ quan công binh cần nghiên cứu nắm chắc âm mưu, thủ đoạn tiến công của địch, ý định tác chiến của người chỉ huy binh chủng hợp thành, đặc điểm địa hình,… để tổ chức bố trí hệ thống vật cản phù hợp. Cần tuân thủ nguyên tắc bố trí tập trung, có trọng điểm, kết hợp với cơ động hợp lý, đảm bảo có các bãi vật cản cố định ở những khu vực (hướng) tác chiến chủ yếu và dự kiến bố trí các bãi vật cản cơ động theo nhiệm vụ trong từng giai đoạn chiến đấu. Trong triển khai bố trí, cần kết hợp hài hòa các thành phần, loại vật cản, giữa vật cản nhân tạo với vật cản tự nhiên để tạo ra hệ thống vật cản đa dạng, vững chắc. Đặc biệt, cần triệt để tận dụng vật liệu có sẵn trong tự nhiên và tích cực cải tạo địa hình, như: cưa đổ cây làm vật cản; gốc cây cưa cao để làm cọc chống tăng; đào hào chống tăng; tạo vách đứng, vách hụt, bẫy sập;… khắc phục sự hạn chế về trang bị, vật tư bảo đảm, v.v.

Hai là, chọn khu vực bố trí và ph­ương pháp xây dựng hệ thống vật cản phù hợp; kết hợp chặt chẽ bố trí vật cản với ngụy trang, nghi trang giữ bí mật. Để phát huy hiệu quả của vật cản, khu vực bố trí bãi vật cản phải kín đáo, hiểm hóc, bất ngờ, độ ổn định cao, địch khó phát hiện và khắc phục. Người chỉ huy và cơ quan công binh căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định thời cơ, phương pháp triển khai bố trí vật cản cho phù hợp. Quá trình tiến hành, vận dụng linh hoạt cả hai phương pháp: bố trí cố định và bố trí cơ động, vừa hạn chế thiệt hại do địch đánh phá, vừa bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, buộc địch phải liên tục khắc phục, tạo điều kiện để tiêu diệt chúng. Cùng với đó, chú trọng làm tốt công tác ngụy trang các bãi vật cản; tích cực xây dựng hệ thống vật cản giả, tổ chức nghi trang, nghi binh, nhằm bảo vệ, nâng cao “sức sống” của hệ thống vật cản.

Ba là, th­ường xuyên theo dõi, nắm chắc tình trạng hệ thống vật cản, tích cực khôi phục, bổ sung, sửa chữa để duy trì sức chiến đấu liên tục, dài ngày. Hệ thống vật cản là một trong những mục tiêu địch tập trung đánh phá. Vì vậy, quá trình tác chiến phải có biện pháp theo dõi, nắm chắc tình hình hệ thống vật cản, nhất là sau mỗi lần địch thực hành hoả lực đánh phá và tiến công. Lực lượng phòng ngự, phòng thủ các cấp nhất thiết phải tổ chức các phân đội trinh sát công binh và các đài trinh sát chuyên môn, kết hợp với đài trinh sát của các lực lượng trên từng khu vực (hướng) tác chiến để nắm chính xác thực trạng hệ thống vật cản. Căn cứ vào mức độ thiệt hại và diễn biến chiến đấu để có biện pháp khôi phục cho phù hợp. Nếu hư hỏng nhẹ thì tiến hành bổ sung bảo đảm đủ mật độ quy định hoặc khôi phục, sửa chữa để duy trì sức sống các bãi vật cản. Trường hợp bãi vật cản hư hỏng nặng, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và việc khôi phục quá khó khăn, nguy hiểm, mất nhiều thời gian thì có thể cơ động bãi vật cản mới kế tiếp để thay thế. Trong quá trình thực hiện, phải triệt để tận dụng và phát huy lực lượng, phương tiện, vật liệu tại chỗ của khu vực phòng thủ địa phương, để đáp ứng kịp thời yêu cầu chiến đấu.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong xây dựng, duy trì hệ thống vật cản. Khối lượng vật chất để xây dựng hệ thống vật cản rất lớn; khả năng lực lượng, phương tiện của công binh các cấp có hạn, thời gian làm công tác chuẩn bị tác chiến có xu hướng ngày càng ngắn, yêu cầu rất khẩn trương. Trong khi đó, các lực lượng tác chiến trong thế trận khu vực phòng thủ địa phương được chuẩn bị trước một bước từ thời bình, trong đó có thế trận, lực lượng công binh ba thứ quân, mạng lưới công binh nhân dân rộng khắp. Đây là điều kiện “cần” và “đủ” để thực hiện kết hợp giữa các lực lượng trong bảo đảm, xây dựng hệ thống vật cản công binh. Để thực hiện tốt vấn đề này, ng­ười chỉ huy và cơ quan phải nắm chắc tình hình thực lực về công binh của khu vực phòng thủ địa phương, đơn vị bạn có liên quan, làm cơ sở tổ chức hiệp đồng huy động lực lượng, phương tiện, vật chất tham gia xây dựng, bố trí hệ thống vật cản trong giai đoạn chuẩn bị chiến đấu và phối hợp để bảo vệ, bổ sung, duy trì hệ thống vật cản trong chiến đấu, v.v. Trong quá trình tiến hành, lực lượng công binh chuyên trách của đơn vị phải làm nòng cốt. Cùng với đó, cần phát huy tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các loại khí tài, trang bị công binh hiện đại; phát triển các phương pháp phóng rải bom, mìn tiên tiến, cho phép thiết lập các bãi vật cản nhanh, hiểm hóc, khó tháo gỡ,… đáp ứng yêu cầu của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá PHÙNG NGỌC SƠN, Tư lệnh Binh chủng Công binh