Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5

8/26/2024 8:26:17 AM

Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn quân nói chung, Quân khu 5 nói riêng. Đặc biệt, đối với các đơn vị huấn luyện chiến đấu của Quân khu, việc nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ đã, đang là đòi hỏi cấp thiết, cần những giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm đáp ứng sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ.

Chi bộ là tổ chức nền tảng của Đảng, trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên; là cầu nối giữa Đảng với quần chúng, hạt nhân chính trị của Đảng ở cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Để lãnh đạo cách mạng Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt”1, “chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”2. Cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu của Quân khu lãnh đạo đơn vị cấp đại đội (với biên chế ổn định, đủ quân số), có nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và thực hiện các nhiệm vụ khác. Hiện nay, chi bộ các đơn vị chiến đấu của Quân khu chiếm hơn 19% tổng số chi bộ; trong đó, gần 17,4% chi bộ có cấp ủy; đội ngũ cấp ủy viên, bí thư, phó bí thư chi bộ hầu hết được đào tạo cơ bản, thường xuyên được bồi dưỡng, kiện toàn đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Song, với số lượng đảng viên không nhiều (khoảng 09 đồng chí), nên tỷ lệ lãnh đạo thấp; phần lớn cán bộ, đảng viên có tuổi đời khá trẻ, ít kinh nghiệm công tác,… ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ.

Tọa đàm, khảo sát giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ các đại đội đủ quân tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk.

Nhận rõ điều đó, những năm qua, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Thường vụ Đảng ủy Quân khu chú trọng xây dựng cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cấp ủy các cấp thường xuyên chỉ đạo cấp ủy, chi bộ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; chấp hành nghiêm nguyên tắc, chế độ sinh hoạt đảng, gắn xây dựng cấp ủy, chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với xây dựng đại đội vững mạnh toàn diện  “mẫu mực, tiêu biểu”. Lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành đại hội chi bộ nhiệm kỳ, kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng các cấp sau đại hội, sáp nhập, thành lập mới đúng quy định, nguyên tắc. Cấp ủy cấp trên chỉ đạo và trực tiếp thẩm định nội dung chuẩn bị sinh hoạt của chi bộ; phân công cấp ủy viên, cơ quan chính trị thường xuyên theo dõi kiểm tra, nhận xét đánh giá chất lượng lãnh đạo của từng đơn vị chặt chẽ, thống nhất.

Cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu luôn quán triệt sâu sắc các văn bản của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị về xây dựng Đảng, chủ động đề ra nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả nâng cao năng lực lãnh đạo, thực hiện nghiêm quy trình ra nghị quyết sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng đơn vị và những vấn đề thực tiễn đặt ra. Thường xuyên bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo các mặt công tác trọng yếu, xác định đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lãnh đạo toàn diện đơn vị, nhất là những nhiệm vụ khó khăn, đột xuất, phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của đơn vị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu còn bộc lộ sự bất cập. Cá biệt, một số cấp ủy, chi bộ chưa chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; chậm xác định công tác trọng tâm, khâu yếu, mặt yếu cần tập trung lãnh đạo. Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên chưa chặt chẽ, toàn diện; năng lực của một số cán bộ, đảng viên có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, v.v. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về yêu cầu, tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ chưa đầy đủ. Một số cấp ủy, cơ quan chính trị chưa thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện chế độ, nền nếp sinh hoạt, quy trình lãnh đạo của các cấp ủy, chi bộ. Công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ bí thư, phó bí thư chi bộ, chi ủy viên chưa được thường xuyên, v.v. Thực tế đó đặt ra đòi hỏi cấp thiết phải có giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Phạm vi bài viết, chúng tôi đề xuất một số giải pháp về vấn đề này để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Một là, tập trung nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo chuyển biến rõ nét về trách nhiệm của từng người gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao; phát huy tốt vai trò, năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ trong từng nhiệm vụ của đơn vị. Theo đó, cấp ủy, chi bộ phải thường xuyên quán triệt các văn bản về công tác xây dựng Đảng; trực tiếp là Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư; Hướng dẫn số 1677/HD-CT, ngày 28/9/2018 của Tổng cục Chính trị và Nghị quyết số 11-NQ/ĐU, ngày 02/5/2008 của Đảng ủy Quân khu 5 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lực lượng vũ trang Quân khu giai đoạn mới”, v.v. Thường xuyên, liên tục, kiên trì tiến hành giáo dục, quán triệt trong cấp ủy, chi bộ để mỗi cán bộ, đảng viên thấy được niềm vinh dự, tự hào khi thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên; đồng thời, nhận thức rõ tính trọng yếu, khâu then chốt của nhiệm vụ xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của từng cá nhân và tập thể đơn vị. Để đạt hiệu quả, cấp ủy cấp trên, chi ủy, chi bộ trước và sau buổi sinh hoạt cần tiến hành kiểm tra nhận thức về các nội dung sinh hoạt chi bộ trong tháng; đưa vào nội dung đánh giá kết quả kiểm tra nhận thức chính trị cuối năm để từng cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, rèn luyện, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm bản thân trong nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ gắn với hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao trên từng cương vị công tác.

Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, cơ quan chính trị các cấp; xây dựng cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu vững mạnh. Hằng tháng, quý, cấp ủy cơ sở cần có kế hoạch phân công cấp ủy viên, cơ quan chính trị dự sinh hoạt chi bộ để nắm tình hình; đồng thời, giúp cho bí thư chi bộ, chi ủy viên nắm vững các nguyên tắc, quy trình, phương pháp tổ chức một buổi sinh hoạt; cách thức lựa chọn nội dung lãnh đạo, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ, đúng với quy định, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Tổng cục Chính trị. Cơ quan chính trị các cấp thường xuyên hướng dẫn, cụ thể hóa nội dung quy trình lãnh đạo phù hợp với loại hình chi bộ các đơn vị chiến đấu; tăng cường theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện của từng cấp ủy, chi bộ để giúp đỡ, chấn chỉnh kịp thời.

Cùng với đó, thực hiện tốt các giải pháp xây dựng cấp ủy, chi bộ vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao. Chú trọng xây dựng đại đội đủ quân có cấp ủy; gắn xây dựng cấp ủy, chi bộ với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp; kịp thời kiện toàn, bổ sung, nâng cao tỷ lệ lãnh đạo trong đơn vị. Đẩy mạnh, đa dạng hóa nội dung, hình thức hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực tiến hành công tác đảng cho đội ngũ bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên, cán bộ chính trị các đơn vị chiến đấu. Hằng năm, ngoài những nội dung theo quy định, cấp ủy các cấp cần chỉ đạo đi sâu bồi dưỡng những nội dung mới, sát thực tiễn từng đơn vị, nhất là với những đồng chí lần đầu tham gia chi ủy. Chú trọng hướng dẫn, giúp đỡ cấp ủy, chi bộ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong khâu chuẩn bị, xác định nội dung lãnh đạo, nội dung sinh hoạt chuyên đề và kỹ năng điều hành sinh hoạt chi bộ của bí thư, phó bí thư, chi ủy viên. Tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp, tác phong, lề lối làm việc của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ chủ trì theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát, chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình đơn vị.

Ba là, nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ. Cấp ủy, chi bộ cần bám sát, cụ thể hóa tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Hướng dẫn số 1677/HD-CT của Tổng cục Chính trị trong từng buổi sinh hoạt chi bộ. Chú trọng thực hiện chu đáo mọi công tác chuẩn bị: từ nội dung đến lựa chọn hình thức, chương trình, địa điểm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của chi bộ ở từng thời điểm cụ thể. Lựa chọn nội dung sinh hoạt định kỳ phải đúng, trúng, thiết thực, sát với tình hình của đơn vị, bám sát nhiệm vụ trong tháng, bảo đảm vừa lãnh đạo toàn diện, vừa trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lặp giữa nội dung, biện pháp lãnh đạo với nhiệm vụ công tác chuyên môn. Tổ chức tốt sinh hoạt theo chuyên đề để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ; tăng tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ.

Cùng với duy trì nghiêm chế độ, nền nếp sinh hoạt, cấp ủy, chi bộ, cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt các hình thức, phương pháp điều hành sinh hoạt cho phù hợp, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, ý thức xây dựng của đảng viên để có những quyết định đúng đắn, kịp thời, thiết thực, có tính khả thi; khắc phục dứt điểm tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Nội dung sinh hoạt chi bộ cần báo trước ít nhất một ngày để đảng viên chủ động chuẩn bị ý kiến; sắp xếp thời gian tham gia sinh hoạt bảo đảm đảng số.

Bốn là, phát huy trách nhiệm, sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện nghị quyết; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ. Đây là nội dung quan trọng trong quy trình; thể hiện rõ năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ. Vì vậy, khi đã có nghị quyết, cấp ủy, chi bộ phải phân công chi ủy viên phụ trách từng mặt công tác cụ thể, xây dựng kế hoạch, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác. Thực hiện tốt công tác phổ biến, quán triệt nghị quyết tới mọi cán bộ, chiến sĩ; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên, quyền làm chủ của mọi quân nhân; động viên cán bộ, chiến sĩ hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết chi bộ và nhiệm vụ được giao. Đi sâu, bám sát mọi hoạt động của các lực lượng để kiểm tra, nắm vững tình hình, kết quả thực hiện, kịp thời điều chỉnh, bổ sung chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cho phù hợp với sự phát triển của tình hình thực tiễn ở đơn vị.

Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu là vấn đề vừa cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của toàn quân nói chung, lực lượng vũ trang Quân khu 5 nói riêng trong tình hình mới, đòi hỏi cần tiếp tục được quan tâm, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới.

Đại tá TRẦN ĐỨC GIANG, Trưởng phòng Tổ chức, Cục Chính trị Quân khu
_______________________
        

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 113.

2 - Sđd, tr. 278.