Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức - bước trưởng thành nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng

8/24/2022 8:28:17 AM

Chiến dịch tiến công Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 của quân và dân ta đã tiêu diệt gọn các cứ điểm quân sự kiên cố và một lực lượng lớn sinh lực địch, phá vỡ hệ thống phòng thủ của chúng trên chiến trường Quảng Đà, Quảng Nam. Thắng lợi của Chiến dịch góp phần tạo thế và lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, đồng thời đánh dấu bước trưởng thành nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng.

Đầu năm 1974, trên khắp chiến trường miền Nam, trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, quân địch bắt đầu xuất hiện dấu hiệu suy yếu. Đến giữa năm 1974, các cuộc hành quân lấn chiếm của chúng hầu như không còn, chỉ có một số cuộc hành quân ngăn chặn, giải tỏa mang tính chất phòng ngự tại những khu vực bị ta uy hiếp và xu hướng rút bỏ các đồn bốt ngoại vi, co cụm về các cứ điểm lớn của địch ngày càng hiện hữu. Tại Nông Sơn - Thượng Đức - tiền đồn trọng yếu bảo vệ cửa ngõ phía Tây khu căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng, chúng bố trí phần lớn lực lượng và phương tiện1, kết hợp với hỏa lực không quân, pháo binh sẵn sàng chi viện cho căn cứ, nhằm làm bàn đạp uy hiếp và tiến công hậu phương của ta.

Về phía ta, trước những thắng lợi liên tiếp trên các chiến trường, mở ra khả năng mới về đánh tiêu diệt lớn lực lượng chủ lực địch. Tháng 01/1974, Thường vụ Khu ủy Khu 5 tiến hành đợt hoạt động quân sự lớn, theo chủ trương: bộ đội chủ lực đánh địch với cường độ tăng dần và mở rộng địa bàn, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tiến công, nổi dậy, tạo thế áp đảo tiến tới tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Theo đó, từ tháng 5/1974, lực lượng vũ trang Quân khu 5 tổ chức các đợt hoạt động tại các địa bàn trọng yếu: Thượng Đức, Nông Sơn - Trung Phước, Đường 16 - Quế Sơn, Nghĩa Hành. Với quyết tâm đánh bật đối phương ra khỏi những khu vực quan trọng, mở thông hành lang vận chuyển từ Tây Quảng Đà xuống đồng bằng Quảng Nam, Đà Nẵng; đồng thời, tạo thế và lực cho các đợt hoạt động chiến lược mùa khô năm 1974 - 1975, Quân khu quyết định mở Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch, quân và dân ta đã tiêu diệt lớn quân địch2, làm chủ hai cứ điểm, chi khu quân sự Nông Sơn - Thượng Đức, giải phóng một vùng rộng lớn, đồng thời đánh dấu bước trưởng thành nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng, được thể hiện ở một số nội dung sau:

1. Bí mật xây dựng thế trận tiến công hiểm sắc, bảo đảm cho lực lượng của các binh chủng chuyển hóa thế trận linh hoạt. Thế trận là tổng thể các biện pháp tổ chức, bố trí, triển khai lực lượng và thiết bị chiến trường nhằm tạo thế có lợi và phát huy cao nhất sức mạnh chiến đấu của các lực lượng tham chiến để giành thắng lợi. Khi bố trí thế trận chiến dịch phải bảo đảm phù hợp với ý định và kế hoạch tác chiến, bởi trong tác chiến, thế trận chiến dịch luôn vận động và phát triển theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của chiến trường, thế trận càng hiểm, mưu kế càng hay thì sức mạnh của các lực lượng càng được phát huy cao và khả năng giành thắng lợi sẽ càng lớn. Trong trận chiến đấu có nhiều đơn vị binh chủng tham gia thì việc phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng với nhau, hình thành thế trận có lợi, tạo thành sức mạnh tổng hợp tiêu diệt địch là yêu cầu tiên quyết, đòi hỏi người chỉ huy và cơ quan phải bí mật tổ chức xây dựng thế trận hiểm sắc, linh hoạt.

Để tiêu diệt được cứ điểm Nông Sơn có hệ thống công sự vững chắc, hỏa lực mạnh, do các đơn vị chủ lực của địch chốt giữ, Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng Sư đoàn 2, Trung đoàn 36 cùng một số đơn vị pháo binh, pháo cao xạ của Quân khu để hình thành thế trận tiến công tiêu diệt địch. Ở đây, nét sáng tạo trong tạo lập thế trận tiến công là, ta đã mạnh dạn “đưa pháo lên cao, vào gần, bắn thẳng” để phát huy sức mạnh hỏa lực, trực tiếp bắn phá, tiêu diệt 38/41 lô cốt, hỏa điểm địch, khiến quân địch hoang mang cực độ, qua đó tạo điều kiện để Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 31) và các lực lượng binh chủng tiêu diệt địch trong căn cứ. Sau khi mất Nông Sơn, địch tổ chức cuộc hành quân “Sóng thần Nam” nhằm tái chiếm khu vực này. Nắm được ý định của chúng, ta bố trí Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) tại các điểm cao: 136, 238, 284, Kỳ Vỹ, Văn Chỉ, Khương Quế và khu vực Dương Côi phục kích địch. Đúng như dự kiến của Chiến dịch, quân địch rơi vào thế trận đã chuẩn bị sẵn của ta, nên cuộc hành quân “Sóng thần Nam” của chúng thất bại hoàn toàn. Có thể thấy, với việc bố trí lực lượng pháo binh tại các điểm cao, cộng thêm quân địch có tư tưởng chủ quan, khi cho rằng, ta chưa đủ sức đánh chiếm các cụm cứ điểm như Nông Sơn đã khiến chúng hoàn toàn bất ngờ và choáng váng khi bị tấn công.

Còn ở Thượng Đức, đây là chi khu quân sự mạnh, cho nên sau 02 lần tiến công không thành, ta bố trí lại lực lượng, phương tiện, củng cố lại công sự, trận địa của các đơn vị, nhất là các đơn vị binh chủng. Theo đó, Sư đoàn 304 tổ chức lại lực lượng, phương tiện, củng cố lại trận địa, đưa pháo 85 mm từ Điểm cao 118 lên Điểm cao 296 cách vị trí địch khoảng 01 km; Đại đội súng máy phòng không 12,7 mm, Đại đội 5 (Trung đoàn 66) được điều lên khu vực Chảng Chổi, Hữu Trình; Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương bố trí ở phía Nam sông Gia Vu, hình thành thế bao vây, cô lập Thượng Đức. Khi tiến công Thượng Đức, mũi thứ yếu phát triển thuận lợi, Bộ Tư lệnh kịp thời điều chỉnh mũi tiến công thứ yếu thành mũi chủ yếu, đưa pháo vào gần địch, bắn phá trực tiếp, khiến chúng không kịp trở tay. Nhờ việc bí mật xây dựng thế trận tiến công hiểm sắc, linh hoạt, nên chỉ trong hơn một tháng, quân và dân ta đã tiêu diệt, làm chủ hai cứ điểm, chi khu quân sự mạnh của địch.

2. Sử dụng binh lực, hỏa lực của các binh chủng hợp lý; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật trong tác chiến. Trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, khi lực lượng và phương tiện chiến đấu có hạn, uy lực không cao, thì việc sử dụng binh lực, hỏa lực của các binh chủng như thế nào để phát huy tối đa sức mạnh là vấn đề quan trọng hàng đầu. Trong khi đó, yêu cầu sử dụng binh lực và hỏa lực trong tác chiến phải bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể chiến trường và đối tượng tác chiến. Nếu quân địch đang ổn định, tổ chức chu đáo thì phải tập trung ưu thế về lực lượng, phương tiện, đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị, hiệp đồng chặt chẽ, đánh chắc thắng. Khi địch sơ hở, bối rối, thì không chờ tập trung đủ lực lượng, phương tiện mới đánh, mà phải tận dụng thời cơ và vận dụng cách đánh phù hợp của từng binh chủng. Đặc biệt, trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, biện pháp tác chiến, phù hợp với sở trường, sở đoản của từng lực lượng là yếu tố quan trọng để giành chiến thắng.

Thực tiễn, khi ta tiến công Nông Sơn, lực lượng địch ở đây có khoảng 02 tiểu đoàn chủ lực và một số đơn vị bảo an, dân vệ, song chúng lại bố trí khá dày, do đó, ta chỉ sử dụng 01 tiểu đoàn để đánh địch. Bên cạnh việc xây dựng thế chốt chặn, vây cắt và sử dụng hình thức vận động tiến công, ta còn phát huy tối đa sức mạnh của hỏa lực pháo binh, phòng không để chi viện tích cực cho bộ binh xung phong tiêu diệt địch. Khi địch tổ chức phản kích tái chiếm Nông Sơn, ta cũng chỉ dùng 01 tiểu đoàn và 01 đại đội công binh nhử địch vào khu vực đã chuẩn bị sẵn là Kỳ Vỹ, Văn Chỉ, Khương Quế, Dương Côi,… để tiêu diệt. Khi tiến công Thượng Đức, thực hiện phương châm “vây chặt, đánh mạnh, đánh dứt điểm trong thời gian ngắn”, Bộ Tư lệnh sử dụng Trung đoàn 66 cùng các đơn vị pháo binh, súng máy phòng không để tiêu diệt đồn chính, Trung đoàn 3 đánh chiếm các mục tiêu ngoại vi, song vẫn không thành công. Sau đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã kịp thời điều chỉnh lực lượng, phương tiện, chuyển hướng tiến công thứ yếu thành chủ yếu, chuyển từ đánh mạnh, dứt diểm nhanh sang đánh chắc, tiến chắc; từ hình thức vận động tiến công sang vây lấn kết hợp đánh địch co cụm, nên chỉ trong thời gian ngắn ta đã làm chủ chi khu quân sự Thượng Đức. Khi địch đưa quân tái chiếm Thượng Đức, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng chuyển vào phòng ngự, đồng thời sử dụng Trung đoàn 3 (Sư đoàn 304) đập vỡ các cứ điểm Ba Khe, Bàn Tân, Lâm Phụng của chúng trên tuyến phòng thủ, giữ vững Thượng Đức.

3. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng binh chủng, khu vực tác chiến, phát huy sức mạnh tổng hợp để tiến công địch. Do Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức có nhiều lực lượng, binh chủng tham gia3, nên việc phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, lực lượng được Bộ Tư lệnh và cơ quan Chiến dịch chú trọng ngay từ đầu và suốt quá trình tác chiến, nhằm phát huy tối đa sức mạnh của các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp trong đánh địch. Theo đó, khi tiến công Nông Sơn, lực lượng pháo binh đã chi viện hiệu quả cho Sư đoàn 2 đánh địch, góp phần tiêu diệt 38/41 lô cốt, hỏa điểm địch; lực lượng công binh phối hợp chặt chẽ với Sư đoàn 2 và lực lượng vũ trang địa phương xây dựng trận địa hiểm hóc sẵn sàng đánh địch phản kích ở Kỳ Vỹ, Văn Chỉ, Khương Quế, Dương Côi; lực lượng phòng không tích cực bắn máy bay A-37, trực thăng vũ trang của địch, bảo vệ đội hình Sư đoàn 2 chiến đấu. Khi tiến công Thượng Đức, các đơn vị chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương hình thành thế bao vây, chia cắt, cô lập Thượng Đức; lực lượng phòng không, pháo binh tổ chức chi viện hiệu quả cho Sư đoàn 304 đánh địch, kết quả ta đã bắn rơi 13 máy bay, bắn cháy 03 xe M113 và tiêu diệt nhiều hỏa điểm, lô cốt địch. Ngoài ra, Đặc Khu ủy Quảng Đà và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 còn chỉ đạo các đơn vị chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương đánh kho bom sân bay Đà Nẵng, đẩy mạnh các hoạt động tiến công địch ở khu vực Quế Sơn, Nghĩa Hành, nhằm chia lửa với Nông Sơn, Thượng Đức, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch.

Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức phá vỡ phòng tuyến vòng ngoài khu căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng, đánh bại kế hoạch “lấn chiếm và bình định” của địch, tạo ra thế và lực mới cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975; đồng thời, đánh dấu bước trưởng thành về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng. Thắng lợi của Chiến dịch để lại nhiều bài học quý, cần được nghiên cứu, phát triển và vận dụng sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. PHẠM NGỌC KHẮC, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
________________

1 - Tại Nông Sơn, địch bố trí Tiểu đoàn Biệt động biên phòng 78 với hơn 2.000 quân và khoảng 1.500 bảo an, dân vệ; tại Thượng Đức do Tiểu đoàn Biệt động biên phòng 79 và 01 đại đội bảo an, 01 đại đội cảnh sát dã chiến, 16 trung đội dân vệ đóng giữ.

2 - Loại khỏi chiến đấu 10.000 địch, đánh tiêu diệt 04 tiểu đoàn, đánh thiệt hại 09 tiểu đoàn, thu hơn 2.000 súng các loại, v.v.

3 - Lực lượng tham gia Chiến dịch gồm Sư đoàn 2, 304, một bộ phận của các trung đoàn: Pháo binh 572, Phòng không 573, Công binh 270, Thiết giáp 574 cùng 09 tiểu đoàn địa phương,… và hàng nghìn du kích.