Thanh Hóa là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông1, giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Quân khu 4 và cả nước. Những năm qua, tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn Tỉnh cơ bản ổn định; kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường; ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngày càng nâng cao. Tuy vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số nơi, nhất là địa bàn miền núi, vùng giáp biên giới, khu công nghiệp còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định. Các loại tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên biên giới, tệ nạn xã hội, lừa đảo, xuyên tạc trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, những vướng mắc của một số người dân với chính quyền, các thế lực thù địch tăng cường tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo, kích động chống phá chính quyền; gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, v.v. Trong bối cảnh đó, lực lượng vũ trang Tỉnh đã phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật; qua đó, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của Tỉnh.
![]() |
Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 1371 giai đoạn 1 (2021 - 2024). |
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Đề án “Phát huy vai trò lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027” theo Quyết định số 1371/QĐ-TTg, ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án 1371), Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 1371 đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện; phân công đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo; huy động sự vào cuộc của các ban, sở, ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự cấp huyện tham mưu với cấp ủy, chính quyền thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc, ban hành quy chế, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện sát với từng địa bàn, chú trọng “ưu tiên địa bàn biên giới, ven biển, vùng đồng bào có đạo”.
Trong triển khai thực hiện giai đoạn 1 của Đề án 1371, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan chức năng, tiến hành khảo sát nắm nhu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật của các nhóm đối tượng, địa bàn2. Qua khảo sát cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn toàn Tỉnh đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, đánh giá đúng, khách quan những hạn chế bất cập, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân; từ đó nghiên cứu, xây dựng, triển khai các mô hình, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng và địa phương.
Xác định đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là yếu tố quyết định đến chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, bổ sung, kiện toàn lực lượng này đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng; có phẩm chất chính trị vững vàng, tư tưởng kiên định, đạo đức trong sáng, trách nhiệm cao trong công việc; có tác phong làm việc khoa học, chủ động, gần gũi với nhân dân; có khả năng lắng nghe, giải đáp thắc mắc và định hướng dư luận một cách đúng đắn. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh và các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật3. Nội dung tập trung vào cập nhật kịp thời chủ trương, chính sách, quy định mới của Đảng, Nhà nước và các văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, đời sống xã hội, quốc phòng, an ninh; về hệ thống pháp luật quốc tế, đặc biệt là những cam kết mà Việt Nam tham gia để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với bối cảnh hội nhập. Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tổ chức hoạt động sân khấu hóa, ứng dụng công nghệ thông tin; kỹ năng tương tác, xử lý tình huống, phản hồi thắc mắc,… giúp báo cáo viên, tuyên truyền viên truyền tải thông tin mạch lạc, thuyết phục, hấp dẫn đến với nhân dân. Hình thức được tiến hành linh hoạt, đa dạng, như: thông qua các hội nghị tập huấn, sơ kết, rút kinh nghiệm; cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, cán bộ có kinh nghiệm bồi dưỡng cho cán bộ trẻ; thông qua các hội thi, nhất là hội thi tuyên truyền viên pháp luật và các hoạt động thực tiễn thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên cử báo cáo viên pháp luật tham gia tập huấn, bồi dưỡng báo cáo viên do ngành Tư pháp tổ chức; chủ động phối hợp với Công an, Biên phòng, Tư pháp, Kiểm sát, Tòa án,… tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau về kiến thức pháp luật4. Đồng thời, tạo điều kiện để báo cáo viên, tuyên truyền viên tham gia thực tế, khảo sát địa bàn, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Để truyền tải các nội dung pháp luật đến với nhân dân một cách nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, các cơ quan, đơn vị thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Trong thực hiện Đề án 1371, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh lựa chọn 02 - 03 huyện5, chỉ đạo mỗi huyện lựa chọn 01 - 02 xã để xây dựng điểm, từ đó nhân rộng, tạo sự lan tỏa tích cực trong lực lượng vũ trang và nhân dân. Để đạt hiệu quả cao, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật đã được lực lượng vũ trang Tỉnh thực hiện lồng ghép với nhiệm vụ huấn luyện dã ngoại làm công tác dân vận; hoạt động giao lưu, kết nghĩa, giúp nhân dân tiếp nhận kiến thức pháp luật gần gũi và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, nội dung kiến thức pháp luật đã được cụ thể hóa thông qua hình thức sân khấu hóa; sinh hoạt của tổ chức quần chúng, câu lạc bộ và các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Phát huy hiệu quả hoạt động tủ sách pháp luật; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng video clip, trình chiếu Powerpoint bổ trợ nội dung tuyên truyền, kết hợp hình ảnh, tờ rơi6; tăng cường tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của địa phương, qua đài truyền thanh huyện, xã; trên không gian mạng,… bảo đảm chuyển tải nội dung pháp luật dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với trình độ, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đồng thời, gắn tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật với phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Công tác phối hợp giữa cơ quan quân sự với các cơ quan địa phương cùng cấp trong tham mưu và tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật được thực hiện chặt chẽ, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị. Cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; công tác phối hợp đã tập trung đột phá tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các văn bản pháp luật trên các lĩnh vực, như: Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; các vấn đề có liên quan đến đời sống, xã hội, quyền lợi, nghĩa vụ của công dân và các văn bản luật mới ban hành. Trong đó, đã phối hợp với Ban Tuyên giáo, Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Thanh Hóa làm tốt công tác tuyên truyền về an ninh biên giới quốc gia, chủ quyền biển đảo, các hoạt động bám biển của ngư dân, tình hình hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trên tuyến biên giới, trên biển. Phối hợp với các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc Tỉnh và các đoàn thể tham mưu cho Hội đồng Giáo dục quốc phòng, an ninh tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định7. Phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tiến hành trên 235.980 buổi tuyên truyền, với trên 1.493.749 lượt đoàn viên, hội viên tham gia; khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc8, v.v. Đồng thời, lực lượng vũ trang Tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Với những cách làm hiệu quả, thiết thực, từ khi triển khai thực hiện Đề án 1371 đến nay, nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn Tỉnh ngày càng cao. Các vụ việc vi phạm pháp luật, khai thác đánh bắt thủy, hải sản trái phép, tình trạng di cư tự do và khiếu nại vượt cấp trên địa bàn Tỉnh đã giảm rõ rệt; ý thức chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới, trách nhiệm tố giác tội phạm của nhân dân được nâng lên; nhân dân đoàn kết, mối quan hệ quân - dân ngày càng gắn bó mật thiết; tô thắm hình ảnh, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ9. Qua đó, góp phần giữ vững sự ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa không ngừng củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhanh, bền vững.
Đại tá LÊ VĂN TRUNG, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
____________________
1 - Diện tích đứng thứ 5 và dân số đứng thứ 3 so với các tỉnh, thành phố của cả nước; với 26 huyện, thị xã, thành phố; 547 xã, phường, thị trấn (5 huyện với 16 xã, thị trấn biên giới; 6 huyện với 52 xã ven biển); 102km bờ biển; 213,604km đường biên giới đất liền giáp tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
2 - Phát trên 1.950 phiếu khảo sát kết hợp phỏng vấn trực tiếp nhân dân, tập trung khảo sát trên các địa bàn trọng điểm ở các huyện, như: Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh, thị xã Nghi Sơn, v.v.
3 - Từ năm 2021 - 2024, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức 87 lớp tập huấn, bồi dưỡng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật với 10.440 lượt người.
4 - Tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng báo cáo viên pháp luật do ngành Tư pháp tổ chức 812 lượt người.
5 - Đã lựa chọn các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân, Lang Chánh, Nga Sơn, thị xã Nghi Sơn làm điểm trong thực hiện Đề án 1371.
6 - Từ năm 2021 - 2024, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã biên soạn, phát hành trên 690.000 tờ rơi, hơn 600 băng rôn và gần 200.000 bộ tài liệu phổ biến pháp luật.
7 - Trong 3 năm (2021 - 2024) tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho hơn 20.000 lượt người.
8 - Năm 2024 Thanh Hóa có gần 1.500 học sinh đăng ký dự thi vào các học viện, nhà trường trong Quân đội. Năm 2025, có hơn 4.000 thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và Công an nhân dân, là địa phương dẫn đầu cả nước về công tác tuyển quân.
9 - Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh được Chính phủ tặng Cờ (năm 2021), Bộ Quốc phòng tặng Cờ (năm: 2022, 2023, 2024).