Ý thức sâu sắc trọng trách được giao, Cục Tác chiến điện tử đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp về tham mưu, chỉ đạo nhằm xây dựng lực lượng tác chiến điện tử tinh, gọn, mạnh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tác chiến điện tử là một trong những lực lượng được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lựa chọn, ưu tiên đầu tư xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm của mình, những năm qua, Cục Tác chiến điện tử với vai trò là cơ quan đầu ngành đã chủ động tham mưu, đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu và cấp trên; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân để thực hiện tốt chủ trương chiến lược này. Đặc biệt, thời gian gần đây, quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII); Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Đảng ủy, chỉ huy Cục đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng lực lượng tác chiến điện tử tinh, gọn, mạnh, hiện đại, đạt được kết quả khá toàn diện.
![]() |
Chỉ huy Lữ đoàn 84 kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu trên xe khí tài tác chiến điện tử. Ảnh: qdnd.vn |
Nổi bật là, lực lượng tác chiến điện tử trong toàn quân tiếp tục được củng cố, kiện toàn một bước về tổ chức biên chế và đầu tư hiện đại hóa vũ khí, trang bị, phù hợp với yêu cầu xây dựng Quân đội, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật được duy trì chặt chẽ, đạt hiệu quả thiết thực. Lực lượng tác chiến điện tử toàn quân duy trì nghiêm chế độ canh trực chiến đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ trinh sát tác chiến điện tử, bảo vệ điện tử an toàn tuyệt đối các khu vực, xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng; các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước, Quân đội, v.v.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển, yêu cầu ngày càng cao. Nhiệm vụ tác chiến điện tử ngày càng nhiều, phức tạp, đối mặt những thách thức mới, nhất là sự phát triển của khoa học, công nghệ quân sự, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động trinh sát, gây nhiễu, chế áp điện tử, vô hiệu hóa hệ thống chỉ huy, hiệp đồng tác chiến, hệ thống thông tin liên lạc, ra đa điều khiển hỏa lực của đối phương. Thực tiễn đó đòi hỏi phải đẩy mạnh xây dựng, phát triển lực lượng tác chiến điện tử tinh, gọn, mạnh, hiện đại, với một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng tác chiến điện tử. Để thực hiện tốt giải pháp này, các cơ quan, đơn vị tiếp tục giáo dục, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của trên về sắp xếp, điều chỉnh tổ chức, biên chế của lực lượng tác chiến điện tử theo đúng lộ trình, kế hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất cao giữa lực lượng tác chiến điện tử cơ động của Bộ và lực lượng tác chiến điện tử của các quân khu, quân đoàn, quân chủng.
Với các cơ quan, đơn vị mới sáp nhập, Cục chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng điều chỉnh lại phương án tác chiến, thế bố trí lực lượng, phương tiện, vũ khí, trang bị, khí tài tác chiến điện tử, bảo đảm sát với đối tượng, yêu cầu, nhiệm vụ, địa bàn; đề xuất các chủ trương, giải pháp tháo gỡ những khó khăn, “nút thắt”, qua đó nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Chỉ đạo đơn vị mới thành lập tiếp tục hoàn thiện tổ chức, biên chế; triển khai các hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ; kịp thời bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp, trọng tâm là cán bộ chỉ huy tham mưu và kỹ thuật tác chiến điện tử, bảo đảm đủ về số lượng, có chất lượng cao.
Hai là, xây dựng lực lượng tác chiến điện tử tinh nhuệ về chính trị. Thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực đặc biệt, canh trực, bảo mật nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt cho các mục tiêu trọng yếu, các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quân đội,… đặt ra yêu cầu cán bộ, chiến sĩ tác chiến điện tử phải thật sự tinh nhuệ về chính trị. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Cục chú trọng kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng tác chiến điện tử. Tập trung giáo dục, rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ tác chiến điện tử có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, trung thành, tận tụy, kỷ luật nghiêm minh, tự giác; không lơ là, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tăng cường công tác bảo vệ an ninh, bảo vệ chính trị nội bộ, thường xuyên rà soát tiêu chuẩn chính trị nhân sự cho các nhiệm vụ quan trọng, bảo vệ mục tiêu trọng yếu, đối tượng cảnh vệ; không để xảy ra lộ, lọt bí mật nhà nước, bí mật quân sự và hoạt động cài cắm, móc nối, phá hoại nội bộ của đối phương, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt, v.v.
![]() |
Thực hành trinh sát, gây nhiễu trong diễn tập đối kháng tác chiến điện tử. |
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tác chiến điện tử ngang tầm nhiệm vụ. Nhận thức rõ cán bộ là cái gốc của mọi công việc, nên Đảng ủy, chỉ huy Cục xác định, xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, tiền đề vững chắc để xây dựng lực lượng tác chiến điện tử hiện đại. Trước hết, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân; kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Thường xuyên giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ có quyết tâm chiến đấu cao, không ngại hy sinh, khó khăn, gian khổ; giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ trình độ làm chủ, khai thác hiệu quả vũ khí, trang bị, khí tài; phương pháp, tác phong công tác khoa học, trách nhiệm cao theo tinh thần “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”, thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp; làm tốt công tác quy hoạch, đánh giá, sắp xếp, sử dụng cán bộ, gắn đào tạo với quy hoạch, sử dụng cán bộ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời, thường xuyên quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ và hậu phương, gia đình cán bộ, nhất là những đồng chí đang thực hiện nhiệm vụ ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, v.v.
Ba là, nâng cao chất lượng huấn luyện, khai thác, sử dụng, làm chủ vũ khí, khí tài mới, hiện đại. Đây là giải pháp quan trọng, điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng tác chiến điện tử tinh, gọn, mạnh, hiện đại. Các cơ quan, đơn vị tác chiến điện tử cần tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch về công tác huấn luyện, trọng tâm là Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 524-NQ/ĐU, ngày 18/4/2023 của Đảng ủy Cục Tác chiến điện tử về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo. Trước khi bước vào huấn luyện, cùng với thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị vật chất,… các cơ quan, đơn vị, căn cứ vào thực tiễn tác chiến điện tử trong các cuộc chiến tranh và xung đột quân sự gần đây để xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện phù hợp. Nội dung huấn luyện toàn diện; trong đó, trọng tâm là nâng cao khả năng khai thác, sử dụng, làm chủ vũ khí, trang bị, khí tài mới, hiện đại cho cán bộ, chiến sĩ. Tập trung huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành cho các đối tượng, theo hướng đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế; làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc tác dụng, tính năng kỹ thuật, chiến thuật; đặc điểm cấu tạo, cách vận hành, khai thác,... của từng loại vũ khí, trang bị, khí tài; đồng thời, nắm chắc quy trình bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, hướng tới mục tiêu giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm và sẵn sàng chiến đấu cao.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến thuật tác chiến điện tử theo các phương án, tăng cường cơ động dã ngoại, huấn luyện đêm, trong điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, chế áp điện tử mạnh; rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống, khả năng cơ động; chú trọng thực hiện các biện pháp ngụy trang, nghi binh, phòng, chống tác chiến điện tử, vũ khí công nghệ cao của địch. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, tổ chức hợp luyện, diễn tập tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, diễn tập đối kháng; kết hợp giữa huấn luyện với thực hiện nhiệm vụ để đưa bộ đội vào sát thực tế chiến đấu.
Bốn là, chú trọng công tác bảo đảm kỹ thuật cho các nhiệm vụ. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ tạo tiền đề vững chắc để lực lượng tác chiến điện tử tiến thẳng lên hiện đại. Theo đó, các cơ quan, đơn vị tác chiến điện tử trong toàn quân tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị về công tác kỹ thuật1; tập trung đột phá nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, bảo đảm kỹ thuật cho các nhiệm vụ, cả thường xuyên và đột xuất, chú trọng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập. Kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào nâng cao niên hạn vòng đời của trang bị kỹ thuật, khí tài; kết hợp mua sắm có chọn lọc trang bị kỹ thuật, khí tài mới theo hướng ưu tiên các trang bị chuyên dụng hiện đại, công nghệ tiên tiến, được tích hợp đồng bộ, có cấu hình phù hợp, thiết kế dạng mô-đun, có thể nâng cấp, mở rộng khi cần thiết. Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ bảo quản, bảo dưỡng trang bị kỹ thuật, khí tài, thực hiện “giữ tốt, dùng bền, khai thác chuyên sâu, bảo đảm an toàn”, v.v. Củng cố hệ thống kho chiến lược, chiến dịch đủ điều kiện để bảo quản, cất giữ trang bị và vật tư dự trữ, sẵn sàng bảo đảm đúng, đủ, kịp thời khi được huy động. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nghiên cứu, sản xuất, hiện đại hóa một số loại trang bị, khí tài, phát triển công nghệ trinh sát, gây nhiễu và bảo vệ điện tử,… đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của chiến tranh hiện đại.
Với quyết tâm chính trị cao, cách làm sáng tạo, bước đi thận trọng, vững chắc, lực lượng tác chiến điện tử đoàn kết, thống nhất, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thiếu tướng TRẦN KHÔI NGUYÊN, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến điện tử
____________________
1 - Nghị quyết số 1656-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 1365/KH-ĐU ngày 19/5/2023, của Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng về thực hiện Nghị quyết số 1656.